13/11/2017

PGS.TS Lưu Đức Hải: ‘Công nghiệp hoá phải gắn kết với đô thị hoá’

Bên lề hội thảo “Việt Nam – Đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững”, PGS.TS Lưu Đức Hải, Uỷ viên đoàn chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng: “Công nghiệp hoá và đô thị hoá phải là một quá trình gắn kết với nhau”.


PGS.TS Lưu Đức Hải

Theo ông Hải, quá trình đô thị hoá của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ so với chúng ta nhưng chưa phải mạnh mẽ so với thế giới. Cụ thể, thế giới hiện nay dân số sống ở đô thị đã vượt qua 50%. Tỉ lệ đô thị hoá của Việt Nam vào thời điểm cuối thế kỷ 20 chỉ mới gần 20% (tỉ lệ năm người dân có một người sống ở đô thị). Đến năm 2016 đạt được 36,6%, có nghĩa cứ năm người dân thì có hai người sống ở đô thị.

Trong các báo cáo về đô thị đều phản ánh sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng của đô thị. Ví dụ năm 1999 chúng ta mới có trên 600 đô thị thì đến cuối năm 2016 thì chúng ta đã có trên 800 đô thị. Trong khoảng thời gian 17 năm này tăng tới 170 đô thị, có nghĩa mỗi năm Việt Nam có 10 đô thị ra đời.

Từ sự tăng trưởng đó, các cụm từ đô thị công nghiệp, đô thị đại học, rồi các khuynh hướng về đô thị sinh thái, đô thị đáng sống, đô thị kinh tế sinh thái, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững… lần lượt xuất hiện. Cũng như các nước trên thế giới, mỗi một đô thị theo khuynh hướng cụ thể có thể hướng đến (loại) đô thị này, hoặc hướng đến đô thị khác hoặc đa chức năng trong các đô thị (ví dụ: vừa đại học vừa công nghiệp, vừa sinh thái vừa kinh tế…). Tuy nhiên theo ông Hải, chúng ta chưa có những văn bản pháp quy và những hướng dẫn đầy đủ về các loại đô thị như vậy.

Cụ thể, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa nói rõ các đô thị này, chưa đồng bộ về các loại hình đô thị mà chúng ta cần hướng tới. Vì thế chưa đồng bộ về chính sách, quy chuẩn – tiêu chuẩn đi theo loại hình đó và chưa đồng bộ về quy hoạch hướng đến các loại hình đô thị đó. “Chúng ta cần phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn để định hướng cho việc quy hoạch đô thị ấy muốn hướng đến loại hình như vậy thì cần phải làm như thế nào. Những văn bản như vậy chúng ta đã nỗ lực, đã cố gắng làm nhưng chưa đầy đủ và cần phải tiếp tục hoàn thiện”, ông Hải nhận định.

Một vấn đề khác, theo ông Hải là đô thị của Việt Nam phát triển từ lâu nhưng trong quá trình ấy, gắn với những định hướng, chiến lược để phát triển kinh tế xã hội nói chung của quốc gia thì cụm từ “đô thị hoá” chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Chúng ta thấy nói nhiều đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và gần đây cụm từ đô thị hoá mới bắt đầu được nhắc đến nhưng nó chỉ mới được nhắc đến trong những văn bản rải rác đây đó.

Ông Hải lý giải, khoảng 70% GDP đóng góp của đô thị, nhưng trong định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội cụm từ đô thị hoá chưa được quan tâm. Như vậy, vấn đề đô thị chưa được coi đồng bộ với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. “Rất mong trong thời gian tới, trong các nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ vấn đề đô thị hoá cần được đưa vào. Đấy chính là quy luật của thế giới”, ông Hải kiến nghị.


Chợ tự phát phục vụ công nhân. Ảnh: TL

Một vấn đề bất cập nữa, theo ông Hải, là trong chiến lược đô thị hoá của Việt nam đang bị bỏ ngỏ vấn đề quy hoạch đô thị công nghiệp. Cụ thể, với mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hiện nay Việt Nam đã có trên 340 khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (thống kê năm 2016: 324 khu công nghiệp, 16 khu kinh tế). KCN là cơ sở để tạo ra đô thị bởi một khu vực muốn được coi là đô thị thì phải 50% – 60% là lao động phi nông nghiệp.

Trong những KCN này, toàn bộ là “phi nông nghiệp” nhưng lại chưa được gọi là đô thị. Và hàng trăm KCN như thế ra đời, không nằm trong nông thôn nhưng cũng chẳng nằm trong đô thị. Ông Hải cho rằng lẽ ra, khi quy hoạch KCN phải quy hoạch là đô thị công nghiệp: “Chính vì chúng ta chỉ chú tâm quy hoạch mỗi công nghiệp, chỉ quan tâm đến tỉ trọng lấp đầy, đầu tư cho công nghiệp màchưa quan tâm nhiều đến con người sống và làm việc trong đó. Mà con người mới chính là đối tượng chính, là hạt nhân”.

Quy hoạch ban đầu chúng ta không nhìn ra bản chất 100% lao động phi nông nghiệp, khi KCN phát triển, công nhân lập gia đình, có con nhỏ, có người già… đó là mô hình của một đô thị công nghiệp. Rõ ràng ngoài sản xuất, công ăn việc làm của người lao động, làm KCN nhưng không chuẩn bị công nân chỗ ở, về đời sống tinh thần, người quản lý họ về mặt hành chính, môi trường nuôi dưỡng dạy dỗ con cái họ, không chuẩn bị các cơ sở y tế…

Ông Hải cho rằng, nếu quy hoạch đó sẽ là đô thị của tương lai thì người ta sẽ yên tâm định cư. Cụ thể, những quy hoạch đô thị công nghiệp trước đây ở phía Bắc, đó là thành phố sông Công, thành phố Thái Nguyên, thành phố Việt Trì… “Đấy là những thành phố mà chúng ta gọi là thành phố trẻ, bởi vì khi bắt đầu đã quy hoạch đó là đô thị công nghiệp và bây giờ nó đã hoàn thiện trọn vẹn thành những ô thị công nghiệp. Thậm chí Việt Trì đã trở thành đô thị loại một”, ông Hải đúc kết.

“Hội thảo Việt Nam – Đô thị hóa hướng tới phát triển bền vững” nằm trong chuỗi chào mừng ngày đô thị Việt Nam (8.11).

Để tôn vinh sự nghiệp phát triển đô thị trong phạm vi cả nước. Ngày 20.10.2008, Thủ trướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận ngày 8.11 hàng năm là “Ngày đô thị Việt Nam” và đây cũng là “Ngày đô thị thế giới” do giáo sư Carlos Maira Dell Paolera đề xuất năm 1949, với mục tiêu chung là để công nhận, tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch, xây dựng nhằm tạo nên đô thị hiện đại, văn minh, có bản sắc và một cộng đồng đô thị có cuộc sống ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn và bền vững hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tiến trình đô thị hóa – dánh giá đúng vai trò và tâm quan trọng của các đô thị trong việc thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, phát triển hiệu quả và bền vững một hệ thống đô thị quốc gia, phục vụ các mục tiên phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Bà Linh cho biết thêm, bộ Xây dựng đang gấp rút nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị toàn quốc, lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững trong các chiến lược, chính sách quy hoạch, kế hoạch phát triển nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược phát triển bền vững….

Theo Trọng Văn/nguoidothi.net