Những nghịch lý bảo tồn công trình kiến trúc
Trong quá trình đô thị hóa, các đô thị Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng, nhiều công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc cũng như lịch sử đô thị chưa được xếp hạng đang có nguy cơ bị dỡ bỏ để xây dựng công trình mới. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy hết giá trị của các công trình này là câu hỏi đặt ra từ lâu, tuy nhiên đến nay dường như vẫn chưa có câu trả lời.
Những ví dụ cụ thể
Về vấn đề này, nhiều ý kiến tranh luận đưa ra và bên nào cũng có lý lẽ. Các nhà bảo tồn thì cho rằng công trình có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cần giữ lại vì nó có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị và tạo nên bản sắc riêng cho từng TP. Các chủ đầu tư xây mới thì chứng minh tính nguy hại của công trình đã xuống cấp hư hỏng, gây nguy hiểm cho sinh hoạt, xây công trình mới không chỉ đảm bảo an toàn tiện nghi hơn mà còn tạo cơ hội cho các công trình kiến trúc hiện đại, mới mẻ xuất hiện, tạo diện mạo mới cho TP…
Xung quanh những cuộc tranh luận ấy thể hiện rõ sự bất đối xứng giữa giá trị văn hóa/ nghệ thuật (thường là lợi ích công cộng) với giá trị đất đai, tài sản (lợi nhuận nhà đầu tư). Hiện Hà Nội có rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng có nguy cơ bị xâm hại hoặc xóa bỏ vì những xung đột lợi ích trong quá trình đô thị hóa. Vậy làm thế nào để cân bằng các lợi ích và làm thế nào để chủ động trong công tác bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng? Câu hỏi lớn đặt ra trong các tình huống cụ thể đã từng xảy ra tại Hà Nội.
Trường Đại học Dược ở phố Lê Thánh Tông vì không có danh hiệu nên đã bị xâm hại nghiệm trọng. Phần khuôn viên vốn là nơi tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Ðông Dương đã bị phá bỏ để xây một phòng thí nghiệm hồi đầu năm 2013.
Cơ quan xây dựng công trình này cho biết là không phá ngôi nhà có giá trị nhất mà chỉ xây trong sân của khuôn viên công trình, dự án xây dựng bằng vốn viện trợ nên có thời hạn khắt khe giải ngân và đã xin phép xây dựng. Cơ quan cấp phép cho rằng xây dựng như vậy không ảnh hưởng gì và theo phân cấp quản lý thì phù hợp…, nhất là toàn bộ quần thể công trình này dù rất đẹp nhưng không phải là di tích, di sản được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận để có thể quản lý bảo tồn theo Luật Di sản.
Gần đây là trường hợp ngôi biệt thự cổ tại ngõ 128C Đại La, thuộc trạm phát sóng Bạch Mai – nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên và đọc mật lệnh toàn quốc kháng chiến bị phá dỡ khi làm đường vành đai 2 trên cao.
Các chuyên gia kiến trúc đã phân tích giá trị của công trình cũng như vai trò vị trí của nó trong tổng thể lịch sử hình thành, hội nhập công kỹ nghệ hiện đại hóa đô thị Hà Nội. Chuyên gia lịch sử văn hóa cũng trình bày những lý lẽ để cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam nhận ra giá trị lịch sử của công trình, từ đó có ý kiến với TP Hà Nội hỗ trợ phương án bảo tồn hài hòa.
Kết quả là “lời hay ý đẹp” cứ bàn còn đơn vị thi công thì vội vàng phá dỡ để đảm bảo tiến độ mở rộng đường cho ô tô chạy, ngay cả khi đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. KTS Trương Ngọc Lân – Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu – bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam nói rằng, việc chủ công trình đập bỏ tòa nhà cho thấy họ đã đặt lợi ích của đơn vị cao hơn lợi ích cộng đồng. Đáng chú ý là công trình vốn trước đây giao cho một đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch quản lý sử dụng.
Hay như cầu Long Biên cũng từng bị đề xuất tháo dỡ 9 nhịp cầu nguyên thủy để trưng bày tại bãi sông Hồng. Nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa đã lên tiếng gay gắt về đề xuất rất cẩu thả của chủ “sáng kiến” này. Cầu Long Biên cho đến nay được giữ nguyên không phải là nó nhận được “đặc ân” để bảo tồn theo Luật Di sản mà nó án binh bất động do khúc mắc từ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi. Dự án này đã giải ngân từ năm 2009 đến năm 2014 là 842 tỷ đồng để thực hiện thiết kế kỹ thuật, trong đó có hạng mục cầu Long Biên may mắn được giữ nguyên nhưng dường như đang bị bỏ mặc…
Làm rõ khái niệm “tài sản” trong bảo tồn
Từ ba ví dụ trên cho thấy, những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật hay lịch sử đô thị gần như không được bảo vệ một cách bền vững, khả năng bị dỡ bỏ rất tiềm tàng trước những dự án xây dựng công trình mới. Theo các chuyên gia bảo tồn văn hóa thì chủ quản lý các công trình này không tha thiết gì đến việc lập hồ sơ công nhận di sản, họ không có tiền đo vẽ, nghiên cứu lai lịch, phân tích giá trị nên… chẳng thiết tha lập hồ sơ.
Ngay cả khi “ôm” cái bằng công nhận di tích, di sản thì họ cũng không có lợi lộc gì, không nhận được bất cứ nguồn lực nào hỗ trợ bảo vệ di sản, thậm chí gặp rất nhiều khó khăn nếu cần duy tu, sửa chữa và nhất là không được mua đi bán lại, cổ phần hóa, hóa giá… Đó là chưa kể tự dưng có các tổ chức cá nhân “nhảy” vào quản lý di sản ngay khi các tài sản không thuộc sở hữu của mình… Thế mới nảy sinh chuyện người dân làng Đường Lâm nhiều lần tha thiết trả lại bằng Di sản làng cổ Đường Lâm.
Đối mặt với những khó khăn trên, ngay lúc này cần làm rõ khái niệm “tài sản” trước khi xem xét tới yếu tố “di sản” trong công tác bảo tồn. Muốn bảo tồn di sản đô thị bền vững thì tốt nhất là đại diện lợi ích cộng đồng phải là chủ nhân các tài sản này. Không thể giao tài sản có giá trị di sản cho các tổ chức cá nhân không có lợi ích gắn liền.
Ví dụ như trường Đại học Dược ở phố Lê Thánh Tông, trạm phát sóng Bạch Mai tại 128C Đại La hay cầu Long Biên… phải là công sản, thuộc quyền tài sản của TP hay Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thay vì giao cho các đơn vị quản lý, khai thác sử dụng (như trường đại học, nhà dân được phân làm nhà ở hay cơ quan làm trụ sở…) họ chỉ được giao quyền khai thác sử dụng kèm theo các điều kiện chứ không có quyền định đoạt các tài sản này.
Để xác định các tài sản đặc biệt này có giá trị di sản không nên giao cho các đơn vị sở ngành mà nên để cho các trường đại học, hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội (Hội Kiến trúc sư, Hội Di Sản, Hội khoa học lịch sử…) xây dựng hồ sơ di sản cho TP. Có thể trước khi làm đại trà, nên thực nghiệm 3 công trình trên để thuyết phục cả xã hội, xác định giá trị tài sản hay di sản đô thị một cách công tâm, khoa học và đồng thuận… Muốn có kết quả mới để bảo tồn di sản đô thị chưa được công nhận thì cần có cách làm mới trong quy trình bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này.
Để xác định các tài sản đặc biệt này có giá trị di sản không nên giao cho các đơn vị sở ngành mà nên để cho các trường đại học, hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội (Hội Kiến trúc sư, Hội Di sản, Hội Khoa học lịch sử…) xây dựng hồ sơ di sản cho TP.
Có thể trước khi làm đại trà, nên thực nghiệm 3 công trình đã nhắc trong bài viết nàyđể thuyết phục cả xã hội, xác định giá trị tài sản hay di sản đô thị một cách công tâm, khoa học và đồng thuận… Muốn có kết quả mới để bảo tồn di sản đô thị chưa được công nhận thì cần có cách làm mới trong quy trình bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này.
KTS Trần Huy Ánh/Báo mới