21/08/2023

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH Hà Nội 2012-2022 Bài 3: Các dự án  thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội trong hơn 20 năm qua và 10 năm tới

Dự án Thoát nước Hà Nội đã xong nhưng mưa to nhiều nơi vẫn ngập. “Hệ thống thu gom xử lý nước thải  dù đã được bố trí đủ vốn, nhưng Hà nội mới có các trạm xử lý  28,8% nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.” (*).   

Thực trạng hiệu quả  đầu tư các dự án thu gom và xử lý nước thải nội thành Hà Nội.

Dự án thoát nước Hà Nội khởi động từ 1998, vay ODA Nhật Bản và đối ứng của Việt Nam, cho đến năm 2018 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, tổng kinh phí thực hiện 550 triệu USD. Mục tiêu của dự án bao gồm cải tạo nâng cấp các hệ thống thu gom nước thải trong nội thành cũ kết nối với hệ thống cống mới (mương hở hoặc cống ngầm) nhằm chống úng ngập trên địa bàn thành phố.

H1: Dự án thoát nước giai đoạn 1 tập trung giải quyết thoát nước 4 quận nội thành cũ . Trộn lẫn thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt vào chung cống ngầm . Biến sông Tô và các sông nhỏ kết nối thành kênh thoát nước chảy xuống Yên Sở để bơm ra sông Hồng. Bố trí các trạm XLNT cạnh các hồ (có chức năng điều hòa trữ nước khi mưa lớn trộn với nước thải. Kết quả: Khi mưa to nước thải tràn ngập ra hầu hết sông hồ Hà Nội gây ô nhiễm.

H2: Dự án thoát nước giai đoạn 2 mở rộng phạm vi thoát nước, mở rộng từ sông Tô đến sông Nhuệ – thêm một sông nữa thành kênh thoát nước thải không qua xử lý . Mặc dù có các nhà máy XLNT nhưng các cống nước thải đổ trực tiếp vào các hồ (ảnh Hồ Tây. Kết quả: Hồ Tây cảnh quan đẹp nhất Hà Nội chứa nước thải ô nhiễm làm chết 200 tấn cá (2016) và cá tiếp tục chết những năm sau.

Hiện đã có 7 nhà máy XLNT đang và sắp vận hành trị giá hơn tỷ USD, cộng thêm các khoản đầu tư cống dẫn, trạm bơm, vận hành và Dự án thoát nước đã vay ODA thực hiện từ 20 năm qua (2003-2023); Ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm XLNT, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng …tổng số khoảng 2,6 Tỷ USD (*)…tập trung xử lý cho lưu vực sông Tô và sông Nhuệ, chiếm 6,5%, còn lại 93,5% diện tích tự nhiên vẫn bỏ ngỏ. Câu hỏi lớn đặt ra: mưa lớn Hà Nội còn bị ngập úng không? Sông hồ còn ô nhiễm không?. Câu hỏi nhỏ hơn: Nước mưa ngập có chảy vào trạm bơm Yên Nghĩa không? Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và 22 Km dẫn nước thải về có đủ 270.000m3 để xử lý không? Câu trả trả lời sẽ cho chúng ta rõ hiệu quả khoản đầu tư tỷ đô vào dự án này.

H3: Sơ đồ thoát nước và phương án xử lý nước thải trong QHC 1259 (trình bày tháng 4/2020) và các thông tin đầu tư cập nhật đến tháng 8/2023

Thực trạng đầu tư và hiệu quả đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ, Đáy:

Lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ chiếm 6,5% diện tích tự nhiên Hà Nội, còn lại 93,5%  là lưu vực nhiều sông khác, chảy trong lòng Hà Nội và tới các địa phương khác,  ví dụ như sông Nhuệ, Đáy.

Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy (gọi tắt là Đề án) liên quan đến các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy để vận hành Đề án. Cuối năm 2020, các Bộ, ngành địa phương đã họp tổng kết 12 năm thực hiện Đề án…Tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên môi trường (TN&MT) ghi nhận đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều hoạt động triển khai…nhưng thực tế không có kết quả nào được ghi nhận. Quy hoạch Tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên môi trường công bố 2022 cho biết sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải thiếu nước và ô nhiễm, vùng ngập mặn xâm nhập sâu vào Hà Nội. Sau 12 năm (2008-2020) thực hiện đề án khắc phục ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, Đáy, đầu tư hơn 20 ngàn tỷ đồng (**) nhưng thực trạng ô nhiễm không được cải thiện mà nặng hơn. Nhiều vùng  nông nghiệp Hà Nội đã hỏng hệ thống thủy lợi, dùng nước ngầm sản xuất.

H4: Sông Nhuệ – Đáy sau 12 năm đầu tư gần 1 tỷ USD khi chưa có Quy hoạch. Bản đồ hiện trạng ô nhiễm trình bày sơ sài, công nghệ giám sát đánh giá lạc hậu thô sơ

Luật Bảo vệ môi trường ban hành 2020 đã  xác định Bộ TN&MT có vai trò trọng yếu và toàn diện trong công tác đảm bảo môi trường nước quốc gia cũng như tại Hà Nội. Bộ TN& MT công bố quy trình, quy chuẩn cũng như giao cho các đơn vị trong ngành đặc quyền lập tư liệu quản lý từ bản đồ nền, đến quan trắc, hệ thống theo dõi đánh giá, cấp phép đến nghiệm thu đánh giá tác động môi trường các dự án. Các môi trường đặc thù như đô thị, nông thôn, công nghiệp, y tế…thì cũng phải quy về một đầu mối là Bộ TN& MT cho đến Sở TN& MT thành phố Hà Nội.

Trong Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy, Bộ TN&MT là đơn vị lập Quy hoạch môi trường, sau 4 năm (2008-2012) mới xây dựng nhiệm vụ và sau 12 năm vẫn chưa lập xong Quy hoạch. Thiếu bản đồ tác chiến nên 12 năm chiến đấu với nạn ô nhiễm sông Nhuệ chưa có chiến lược tổng thể, lộ trình hành động cụ thể nên giải pháp vẫn rất mơ hồ. Đầu tư lớn nhưng sông hồ vẫn ô nhiễm, nên xoay sở các giải pháp chắp vá “đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 90/125 hồ nội thành và tiếp tục cải tạo hạ tầng, cải thiện môi trường nước các hồ khác trên địa bàn, lắp đặt máy sục khí trên 52 hồ, bè thủy sinh tại 63 hồ để hỗ trợ công tác duy trì chất lượng nước trên các hồ. Thực hiện nạo vét bùn đáy để cải tạo môi trường nước hồ đối với 02 hồ: hồ Hoàn Kiếm và hồ Đền Lừ” (***). Riêng Đề án sông Nhuệ, Đáy đã chi ra hơn 20 ngàn tỷ đồng, mà không có bản đồ ngập úng, ô nhiễm, kết quả rất khiêm tốn: “Phó Giám đốc Phụ trách Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022 Thành phố phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt 4 tỉ đồng” (*)

H5: Thành phố Copenhagen (Đan Mạch): Thiết bị quan trắc tự động tại các vị trí đặt trạm tự động kết xuất 30 báo cáo lên mạng. Cảnh báo nước thải an toàn để bể bơi đặt ngay cửa cống xả có thể hoạt động hay đóng cửa tức thời (ảnh trên).
Sông Nhuệ khảo sát thủ công, thiết bị thô sơ, lạc hậu… sông ô nhiễm nặng thấy rõ.

Báo cáo rà soát đánh giá 10 năm thực hiện Quy hoạch chung 1259 của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho biết: Trạm xử lý và mạng lưới được triển khai tuân thủ định hướng QHC1259 được duyệt mà không phân tích hiệu quả khoản đầu tư tỷ đô ra sao. Sau 20 năm triển khai thu gom xử lý nước thải tập trung tốn kém, nguy cơ thất bại, nay tính quay đầu:“ Xem xét tới các “giải pháp xử lý phân tán” theo cụm đảm bảo hiệu quả về kinh tế và môi trường. Việc quy hoạch xây dựng các công trình đầu mối xử lý nước thải tập trung cần được xem xét kỹ lưỡng do chi phí đầu tư cao trong bối cảnh chưa có hệ thống mạng lưới thu gom tách riêng nước mưa và nước thải.”(***). nhưng không đưa ra giải pháp cụ thể  hay sơ đồ tổng thể đề xuất này.

Không đo lường chính xác nguồn phát sinh, đừng mơ thu phí ô nhiễm môi trường.

Các quốc gia giàu mạnh (như CHLB Đức), đã ban hành “Đạo luật về thu phí nước thải” trong đó khẳng định “Bất cứ ai xả nước thải (chất thải) phải chịu trách nhiệm trả phí nước thải thanh toán phí” (Điều 9 Chương 3). Chính phủ Nhật Bản còn  hỗ trợ một phần tài chính, nhằm khuyến khích các hộ gia đình tự xử lý nước thải nguồn (gọi tắt là Johkasou), họ ứng dụng các công nghệ tân tiến để đo lường khối lượng và mức độ ô nhiễm của từng cá nhân, tổ chức xả thải đối tượng xả thải ô nhiễm để họ nộp tiền “tâm phục khẩu phục”.

Cách đây 15 năm (2008-2023): Hà Nội mới đầu tư 20-30% kinh phí dự án thoát nước, gặp trận  mưa  to gây ngập sâu nhiều nơi… đã có nhiều ý kiến cho rằng dự án thoát nước vô dụng. Nay đầu tư 3,6 tỷ USD, nhưng chưa phát huy hiệu quả…Vậy 10 năm tới nên đánh giá lại toàn diện dự án này và ưu tiên lập bản đồ xác định nguồn gây ô nhiễm một cách chính xác, không thể tùy tiện sơ sài như hiện nay. Ví dụ như bộ tài liệu “Bản đồ Quốc gia Nhật Bản” (1977-1990).

H6: Trích bản đồ Hệ thống sông hồ toàn Nhật Bản (trích), tỷ lệ 1/4.000.000: Bản đồ sử dụng mầu sắc, đường nét tinh xảo, các biểu đồ sơ đồ khoa học để thể hiện đủ thông tin các dòng sông chảy trên các địa hình, đường phân thủy rõ lưu vực sông suối to nhỏ nông sâu khác nhau, lưu lượng các mùa trong năm. Có bản đồ mô tả các nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. Tại các khu vực quan trọng có bản đồ tỷ lệ 1/500.000 mô tả chi tiết từng loại đất, khả năng tiêu thoát nước hay nguy cơ ngập úng, sụt lún.

H7: Bản đồ Chi phí đầu tư các dự án khắc phục thảm họa do ngập úng, lở đất, mưa bão, động đất: mô tả mức chi phí cho từng nguyên nhân tại các địa điểm khác nhau. Trích khu bản đồ ô nhiễm đất nước vùng Tokyo, mức/loại ô nhiễm từng con sông. Đây chỉ là vài ví dụ trong Website của Bộ do Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) công bố (ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ – NV).

 Trần Huy Ánh (Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng Khoa học TCKTVN Viện Kiến trúc Quốc gia, bộ Xây dựng) 

Chú thích :

(*)https://dangcongsan.vn/thoi-su/ha-noi-van-de-nong-ve-xu-ly-nuoc-thai-thoat-nuoc-duoc-mang-ra-mo-xe-627102.html

Phụ lục : Danh sách các nhà máy , trạm xử lý nước thải , mức đầu tư ( vay ODA )

S

TT

Tên Nhà máy , địa điểm Công suất M3 /ng đêm Đầu tư (TrUSD Tình trạng
1 Bắc Thăng Long , Vân trì – huyện Đông Anh 42.000 17,0 Phục vụ KCN
2 Trúc Bạch – quận Ba Đình 2.300 9,8 Đang hoạt động
3 Kim Liên-quận Đống Đa 3.700 Đang hoạt động
4 Bẩy Mẫu – quận Hai Bà Trưng 13.300 17,0 Hoạt động 2016
5 Hồ Tây – quận Tây Hồ 61.400 44,0 Hoạt động 2016
6 Yên Sở – huyện Thanh Trì 200.000 250,0 Hoạt động 2013
7 Yên Xá – Huyện Thanh Trì 270.000 700,0 Dự kiến 2024
  Tổng cộng   1.037,8  

Ước chi phí vận hành 8 nhà máy trạm XLNT trung bình 7-12 triệu USD/năm

Theo Chuyên gia Nhật Bản: Suất đầu tư Nhà máy XLNT 10.000m3/ ngđ: 38,5 Tr USD, 1-2 Ha

 (**) https://baotainguyenmoitruong.vn/phai-kiem-soat-chat-nuoc-thai-sinh-hoat-ra-luu-vuc-song-nhue-day-315480.html

(***) Trích “Báo cáo rà soát đánh giá Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050” Viện Quy hoạch Xây dựng – Sở Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội (10/2021)