Nhiều địa phương chậm cải thiện công khai thông tin đất đai
(KTVN) – Đó là thông tin được chia sẻ tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp tổ chức ngày 9/3.
Vừa qua, nhóm nghiên cứu của UNDP tại Việt Nam và CEPEW phối hợp thực hiện khảo sát đánh giá việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Theo khảo sát, đối với việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2022, có 41/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của địa phương. Tuy nhiên, tài liệu ở một số cổng thông tin điện tử được lưu dưới dạng tài liệu nén và lưu trữ thiếu tính hệ thống, gây khó cho người sử dụng khi muốn tìm kiếm giá đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2022, trong số 705 UBND cấp huyện có 55,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử cấp huyện; 19/389 đơn vị công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 ban hành kế hoạch sử dụng đất đúng thời hạn.
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp, tính đến hết ngày 6/10/2022, gần 49% (tương đương 345 UBND cấp huyện) đã thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Trong đó, 105 cơ quan được ghi nhận đã công khai đúng thời hạn, 116 cơ quan công khai không đúng thời hạn và 124 cơ quan không xác định được thời gian công khai.
Về tính đầy đủ, có 171 cơ quan (chiếm 49,6%) đã đăng tải đầy đủ ba văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Kết quả ghi nhận chỉ có 53 UBND cấp huyện đáp ứng cả 5 tiêu chí đề ra bao gồm công khai thông tin, khả năng tìm kiếm, tính kịp thời, tính đầy đủ và khả năng sử dụng.
Kết quả khảo sát thường niên qua Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 đến 2021 cũng cho thấy, dưới 20% số người được hỏi trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và dưới 40% biết đến bảng giá đất chính thức do chính quyền cấp tỉnh ban hành.
Các số liệu khảo sát trên cho thấy việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện trong năm 2022 chậm cải thiện so với năm2021.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhận thức chưa tốt của địa phương về vai trò, vị trí của việc công khai thông tin; khi có hành vi vi phạm lại xử lý chưa triệt để, ít mang tính răn đe, chậm xử lý hoặc chưa xử lý đúng…
Trong khi đó, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, việc thiếu thông tin về kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ rất lớn.
“Kinh nghiệm thực tiễn tốt ở nhiều quốc gia cho thấy nơi nào thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch và người dân có cơ hội cho ý kiến vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất… thì nơi đó kiểm soát tốt hơn nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai, giảm thiểu những bức xúc liên quan đến đất đai, từ đó niềm tin của người dân với chính quyền được cải thiện”, bà Ramla Khalidi chia sẻ thêm.
Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định pháp luật và chính sách liên quan tới công khai thông tin đất đai giữa Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đất đai. Đồng thời, các cơ quan hữu quan ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến ngoài môi trường trực tiếp.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc CEPEW nhấn mạnh: “Cần bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu quy định trong Luật Tiếp cận thông tin 2016 vào bộ thủ tục hành chính hiện hành, xem xét quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nắm giữ thông tin trong một số trường hợp cụ thể, bổ sung quy định thời điểm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để đảm bảo tính kịp thời và đồng bộ. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tới tất cả các cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan nhà nước và người dân”.
Quang Tuyền