Nhận thức kiểu Nhật về không gian: Nhu cầu đối với quy hoạch đô thị
Kiến trúc sư Yoshinobu Ashihara (1918-2003) sinh tại Tokyo. Ông học đại học tại Đại học Tokyo, sau đó lấy bằng thạc sỹ tại Đại học Harvard. Năm 1956, ông thành lập công ty riêng mang tên “ Yoshinobu Ashihara Architect and Associates”. Ông từng là Giáo sư của các trường: Đại học Hosei, Đại học nghệ thuật Musashino, Đại học Tokyo. Ngoài ra ông còn từng là Hội trưởng Hội Kiến trúc sư Nhật và là Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhật Bản.
Sinh sống tại Paris hoặc New York, người ta sẽ nhận ra rằng điều quan trọng ở đây nằm ở những quyền hạn, không phải là quyền sở hữu đất, mà ở mục đích sử dụng đất. Tại Nhật vấn đề này mơ hồ hơn nhiều so với tại các nước Phương Tây, thậm chí ngay ở mức độ quốc gia.
Bất động sản khá lớn thuộc về khu trước đây là sân ga của Đường sắt Quốc gia Nhật Bản (JNR) tại Shiodome trong Quận Shimbashi đã bị bán đứt cho tay đấu giá cao nhất trong một nỗ lực tìm được món tiền lớn nhất có thể để trả hết những khoản nợ tích lũy của công ty trước khi nó được tư hữu hóa. Thoạt nhìn điều này có vẻ như là một cách hợp lý để cân đối tài chính, nhưng nó đã được thực hiện mà thiếu đi sự nghiên cứu để tìm cách sử dụng tốt nhất một khu đất giá trị và khó tiếp quản nằm giữa một quận trung tâm, xét trên góc độ quy hoạch đô thị. Cũng không có cuộc trưng cầu ý dân nào được thực hiện về chuyện từ bỏ một khu đất đã tồn tại trong một thế kỷ để làm phí tổn cho những người đóng thuế. Chẳng lẽ chính phủ hoặc chính quyền thành phố không thể đứng ra mua lô đất này rồi chuyển thành công viên nhằm tăng diện tích mảng xanh làm dịu mát đô thị, hoặc xây dựng những công trình phục vụ công tác phát triển văn hoá như bảo tàng hay nhà hát? Giá như xảy ra tại nước Pháp, hẳn một kế hoạch như vậy sẽ được thông qua. Ta chỉ cần xem thử tại Paris, cái khu đất trước đây vốn là một sân ga tại khu Bastille đã được chuyển thành nhà hát Opéra-Bastille mới, còn khu đất trước là lò mổ tại khu Villette nay chuyển thành Cité de la Musique và Cité des Sciences et de l’Industrie.
Người ta đã nói nhiều về chuyển một số chức năng chính quyền ra khỏi trung tâm Tokyo nhằm giảm bớt sự tập trung hóa quá mức, nhưng vẫn còn cần nhiều tranh luận về việc kiểu thức thủ đô nào sẽ được xây dựng thay thế và xây dựng ở thành phố nào. Thật lạ rằng cứ mỗi lần người ta tranh luận về những thành phố như Kôfu, Shizuoka, Hamamatsu hay Sendai làm ứng cử viên, giá đất lại dao động và cư dân thoạt đầu thì mừng rỡ, còn sau đấy lại trở nên thất vọng chán nản. Trước khi chúng ta xem xét cân nhắc các bản quy hoạch đô thị Canberra của Walter Burley Griffin, bản quy hoạch Washington D.C. của Pierre Charles L’Enfant hay những bản quy hoạch đô thị của Frederick Law Olmstead, chúng ta nên tham khảo các quy hoạch ngay tại Nhật Bản như quy hoạch Heijôkyô, kinh đô cổ của Nhật mà về sau trở thành Nara, và Heiankyô, một kinh đô khác sau chuyển thành Kyoto. Sự hạnh phúc và sung túc của toàn thể nhân dân Nhật phải là điều được cân nhắc xem xét trong bất cứ quyết định nào về việc di chuyển thủ đô, chứ không phải là lợi nhuận các chủ đất kiếm được từ sự tăng vọt của giá bất động sản.
Cần mau chóng quyết định vị trí của thủ đô mới và rồi hoàn chỉnh các chi tiết của bản quy hoạch đô thị và hệ thống giao thông, đồng thời công bố sự đóng băng hoàn toàn giá đất trong khu vực cùng các thủ tục tham khảo nguyện vọng của toàn thể người dân. Bất luận thế nào, điều đáng ngạc nhiên nhất là việc tính toán di dời thủ đô lại được tán thành bởi phần lớn các thành viên của Nghị viện mà không có chút thảo luận nào về việc thủ đô có thể xây dựng tại đâu.
Người dịch : ThS.KTS Lý Thế Dân
Tài liệu tham khảo:Theo MỸ HỌC ĐÔ THỊ TOKYO: HỖN LOẠN VÀ TRẬT TỰ (Yoshinobu Ashihara)
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh