Nhan nhản vi phạm xây dựng, Hà Nội đề xuất phạt cao nhất 2 tỷ đồng
Theo dự thảo Nghị quyết của Sở Xây dựng, với hành vi vi phạm xây dựng, mức tiền phạt được đề xuất tăng lên gấp đôi hiện nay, cao nhất là 2 tỷ đồng.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố Dự thảo lần 3 Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Theo dự thảo Nghị quyết này, mức tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Mức phạt tiền quy định tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Tại dự thảo, Sở Xây dựng đã đề xuất xử phạt với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cao nhất là 2 tỷ đồng (theo hành vi quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).
Cụ thể, mức phạt đưa ra đối với hành vi thi công xây dựng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định có thể lên tới 20 triệu đồng.
Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, dự thảo quy định mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng.
Mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng sẽ là 80 – 120 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; từ 60 – 100 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Khung phạt 80 – 100 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Dự thảo cũng đưa ra khung phạt tiền từ 200 – 240 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; Xây dựng công trình sai cốt xây dựng; Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông…
Đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì có thể chịu mức phạt tới 700 triệu đồng. Hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng đối với xây dựng công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng hoặc xây dựng công trình thuộc trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này…
Được biết, dự thảo đang được lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi trình ra HĐND thành phố thông qua.
Chủ đầu tư coi thường pháp luật, không ngán xử phạt
Tại nhiều địa phương tình hình vi phạm trật tự xây dựng bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở này cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.
Ghi nhận từ thực tế tại Hà Nội cho thấy, vi phạm xây dựng từ công trình xây dựng riêng lẻ đến những dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC với hàng loạt “trát phạt”.
Có thể kể đến như vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật 103 triệu đồng do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.
Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.
Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải lần đầu tiên UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex. Trước đó vào tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt 40 triệu đồng do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. Tại quyết định xử phạt này, UBND quận yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, hết thời hạn trên dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ. Thậm chí khi dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hợp thức hoá sai phạm, chưa được nghiệm thu công trình, PCCC đã cho dân vào ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.
“Cấm cửa” chủ đầu tư vi phạm xây dựng, PCCC
Đánh giá về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Toại – Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tình trạng sai phạm trong hoạt động xây dựng trong những năm qua thực sự nhức nhối, đáng báo động chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… Các sai phạm phổ biến là xây dựng không phép, xây dựng sai phép, đưa công trình vào sử dụng khi chưa thực hiện công tác nghiệm thu PCCC, nghiệm thu xây dựng theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Toại, để xảy ra các sai phạm trong thời gian qua cần xem xét nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức từ chủ đầu tư đến chính quyền, cơ quan quản lý.
Vị luật sư chỉ ra rằng, chính tư duy làm ăn “chộp giật”, không tuân thủ pháp luật khiến tình trạng sai phạm trong xây dựng ngày càng nhức nhối. Cùng với đó, luật sư cũng chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Để xảy ra sai phạm có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương như Sở xây dựng, UBND phường, UBND quận, UBND thành phố đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, không giám sát hoặc giám sát mang nặng tính hình thức để cho các Chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm” – luật sư Toại nói.
Luật sư cũng thẳng thắn cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng, PCCC còn thấp, chưa tương xứng với mức độ vi phạm.
“Đối với mỗi hành vi vi pham quy định về PCCC thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ 50.000.000 đồng theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong khi đó các hành vi vi phạm này có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn sinh mạng của hàng nghìn cư dân khi vào sinh sống trong các chung cư chưa được nghiệm thu PCCC. Chúng ta cần sửa đổi Nghị định 167 theo hướng xử phạt tiền lên đến hàng tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm về PCCC, đồng thời có cơ chế không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho các chủ đầu tư thường xuyên vi phạm về xây dựng, PCCC” – luật sư nêu ý kiến.
Bộ trưởng Xây dựng: Không có vùng cấm với cá nhân, tổ chức vi phạm xây dựng
Mới đây, nêu tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về tình trạng xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Đặc biệt lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
Huỳnh Anh/Vietnamnet