Nhà tránh lũ phải phù hợp với từng vùng, từng gia đình
Ngày 11/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo khoa học “Nhà ở an toàn cho đồng bào vùng bão lũ”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, sau đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung, hơn 250.000 ngôi nhà bị tốc mái. Cho đến nay, số nhà bị tốc mái này cơ bản đã được sửa chữa; còn khoảng hơn 1.500 nhà bị sập hoàn toàn, khoảng 150.000 nhà thuộc diện sẵn sàng phải di dời, cần hành động để người dân có nhà ở trước Tết Nguyên đán.
Hiện nay, có 2 mô hình nhà chống bão là nhà nổi, nhà cố định có thêm một số bộ phận để đảm bảo an toàn trong bão lũ. Mỗi mô hình chỉ có thể thích ứng với một điều kiện phù hợp nhất định. Nhà nổi phù hợp với vùng lụt sâu nhưng lại có vấn đề về tính ổn định khi sử dụng thường xuyên… Nhà cố định sử dụng được thường xuyên, nhưng lại không an toàn nếu các cột mốc lũ lịch sử càng ngày càng cao, bị phá vỡ trong những năm gần đây.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, phải lựa chọn, tính toán các phương án theo tình hình của địa phương, điều kiện của từng gia đình và văn hóa mỗi vùng miền. Tuy nhiên, khi thực hiện cần có 2 nguyên tắc: An toàn và phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng gia đình.
Ông Tạ Ngọc Tân, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng, chống thiên tai, cho biết, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020, mưa bão lớn đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, trong đó có nhà ở của nhân dân. Do vậy, việc xây dựng nhà phù hợp với đặc điểm địa phương, an toàn trước lũ bão, chủ động gia cố nhà ở, khôi phục nhà ở sau thiên tai là rất quan trọng.
Theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung, mỗi hộ dân được hỗ trợ từ 12 – 16 triệu đồng/hộ, vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm (phạm vi là 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Việc xây nhà ở phòng, tránh bão, lũ lụt phải đảm bảo yêu cầu mặt sàn nhà cao hơn mức ngập lụt cao nhất với diện tích tối thiểu 10 m2, kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng tránh bão.
Đến tháng 10/2020, từ Quyết định trên, các địa phương đã hỗ trợ 19.350 hộ/21.600 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt (đạt gần 90% kế hoạch).
Đối với Dự án GCF – Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, mỗi địa phương thiết kế và ban hành 6 mẫu nhà ở an toàn để người dân lựa chọn với diện tích trung bình mỗi nhà từ 33 – 44 m2. Dự án hỗ trợ 1.700 USD/hộ và đến nay đã làm được hơn 3.440 nhà cho các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thông tin bất động sản, Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, cần có hướng dẫn cụ thể về xây dựng nhà ở an toàn cho vùng lũ và các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình hiện nay để đảm bảo việc xây nhà ở phòng, tránh lũ hiệu quả.
Tiến sỹ Vũ Kiên Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu thiên tai và môi trường (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, vì đây là dự án xây nhà chống thiên tai cho hộ nghèo, đội xung kích phòng, chống thiên tai tại các địa phương có thể giúp người dân thi công, quản lý thi công cho các hộ dân. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tham mưu với Chính phủ sửa đổi Quyết định số 48/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến nhà ở an toàn trong bão, lũ và thực trạng, giải pháp phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
TTXVN