12/03/2018

Nhà ga đặt ngầm cạnh hồ Hoàn Kiếm ‘chấp nhận được’

Trao đổi với Tiền Phong, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, vị trí nhà ga ngầm C9 đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm là hợp lý, nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, nhà sử học, người dân.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

Là người tham gia đóng góp ý kiến ngay từ đầu về quy hoạch nhà ga C9, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, tuyến đường sắt đô thị đi qua hồ Hoàn Kiếm là rất cần thiết, nằm trong định hướng phát triển Hà Nội, đặc biệt là định hướng phát triển hệ thống giao thông đã được nghiên cứu cẩn thận, lấy ý kiến của nhiều cơ quan tư vấn, cả chuyên gia nước ngoài.

“Đây là cơ sở pháp lý, là điều kiện thuận lợi cho phát triển, nhưng bố trí nhà ga ở khu vực hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, cần phải tuân thủ những quy định của bảo tồn di sản”, ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch nhà ga này cũng tuân thủ hiến chương bảo tồn di sản mà Việt Nam đã tham gia, yêu cầu đối với các khu đô thị lịch sử, các khu di tích, việc bảo tồn là cần thiết để tạo ra đặc thù đô thị nhưng không phải bảo tồn để giữ một cơ thể chết mà phải phát huy giá trị để cho nó sống và quảng bá được giá trị của nó.

“Lúc đầu nhà ga C9 đặt ở vị trí không thích hợp, quá sát mép nước, lấn chiếm khu vực Tháp Bút. Sau nhiều lần nghiên cứu và đặc biệt tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, tôi thấy vị trí ga hiện nay là có thể chấp nhận được. Một số chuyên gia, nhà sử học cũng ủng hộ. Nhà ga sẽ là một trong những điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị của di tích quốc gia hồ Hoàn Kiếm, đồng thời tăng cường ý nghĩa, chức năng của khu trung tâm cảnh quan đang chuyển hóa thành khu đi bộ và giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống”, ông Nghiêm nói.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm còn một số vấn đề cần tiếp tục tham khảo ý kiến, nghiên cứu. Thứ nhất, việc làm ga ngầm phải có kỹ thuật để đảm bảo không ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái, cụ thể là hệ thống cây xanh bên trên nhà ga.

“Bài học Hà Nội vấp phải trước đây khi làm một số ga ngầm như ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, ga ngầm bên cạnh vườn hoa Tao Đàn hay ga ngầm ở vườn hoa Hàng Đậu giải quyết được khâu kết nối nhưng thiếu giải pháp kỹ thuật để bảo tồn cây xanh ở phía trên. Vì vậy, cần phải xem xét, có nghiên cứu vững chắc hơn nữa để bảo tồn hệ thống cây xanh bên trên nhà ga C9”, ông Nghiêm nói.

Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng cho rằng, hiện nay giải pháp thiết kế kiến trúc các lối lên xuống nhà ga C9 còn quá khiên cưỡng và quá mới. “4 cửa lên xuống thì 3 cửa tương đối hợp lý, còn cửa lên xuống khu vực đền Bà Kiệu cần phải xem xét lại. Cũng cần phải đưa ra hình thức kiến trúc phù hợp với giá trị di sản hồ Hoàn Kiếm. Không thể đưa kiến trúc hiện đại, càng không thể đưa kiến trúc “nhại” cổ được”, ông Nghiêm góp ý.

Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, khi xây dựng nhà ga C9, cần quan tâm đến việc tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường công cộng để người dân đi bộ vào khu vực nhà ga thì mới bảo tồn và phát huy giá trị toàn bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.