Nguy cơ “làn sóng” phát thải dioxin vì đốt rác phát điện
Để xử lý tình trạng rác thải sinh hoạt ngày một quá tải hiện nay, các địa phương đang có xu hướng lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho chôn lấp; có sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc. Thực tế này cảnh báo nguy cơ Việt Nam sẽ phải rước thêm “làn sóng” ô nhiễm khí thải dioxin vào môi trường, do đặc thù rác “tả pí lù” và điều kiện kiểm soát khí thải Việt Nam còn rất kém…
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 660 bãi chôn lấp với quy mô từ 1 ha trở lên, trong đó chỉ có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh – theo báo cáo của dự án JICA, với sự tham gia của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng và cơ quan tư vấn phát triển Nhật Bản vào tháng 9.2017 về tổng quan Chất thải rắn Việt Nam.
Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom cả nước khoảng hơn 15 triệu tấn (năm 2015). Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm.
Báo cáo cho thấy, phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác.
Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi và diệt côn trùng,… gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh.
Theo báo cáo, các bãi chôn lấp rác hiện đều đang trong tình trạng quá tải; sức chứa còn lại từ 4 năm trở xuống là 179 bãi /407 bãi khảo sát. Đây là vấn đề báo động lớn đối với các địa phương.
Trong tình trạng “khủng hoảng” chôn lấp này, vài năm trở lại đây, công nghệ đốt rác phát điện đang được nhiều tỉnh thành quan tâm nhiều hơn, đặc biệt tập trung vào công suất lớn thay vì lò đốt công suất nhỏ như trước đó.
Thống kê của Tổng cục Môi trường, tính đến cuối năm 2016, trên cả nước có khoảng 200 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đa số là các lò đốt công suất nhỏ (dưới 500kg/giờ). Tuy nhiên, trong số 161 cơ sở đốt được khảo sát trong dự án JICA năm 2017, chỉ có 2% cơ sở thu hồi năng lượng để phát điện và 2% cấp nhiệt cho mục đích khác. Còn lại, hầu hết các cơ sở đốt ( 78%) không có kế hoạch thu hồi năng lượng.
Thông tin từ hội thảo về “Giải pháp công nghệ trong xử lý rác” do Tổ chức hỗ trợ Định cư Con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) tổ chức mới đây cho thấy, thực tế hiện nay nhiều địa phương đã cấp phép, ký bản ghi nhớ hoặc đang trong quá trình đàm phán, xem xét cấp phép đầu tư cho các máy xử lý rác theo phương pháp đốt rác phát điện, đặc biệt là cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Sau kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện của TPHCM, đến nay, thành phố này đã cho phép đưa ra đấu thầu hai dự án, gồm Công ty Trisun (công nghệ khí hóa plasma phát điện, 1.000 tấn/ngày) và Công ty Tasco (đốt phát điện, 500 – 1.000 tấn/ngày). Đồng thời, hiện cũng đang có khoảng 10 nhà đầu tư đến thành phố tìm hiểu khả năng đầu tư đốt rác phát điện, đa số là nhà đầu tư Trung Quốc.
Tại Cần Thơ, năm 2017, thành phố này khởi công xây dựng nhà máy điện rác công suất 400 tấn /ngày, do tập đoàn Trung Quốc China Everbright International Limited (CEIL) thực hiện, đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngân hàng này đã cho CEIL vay 100 triệu USD để hỗ trợ xây dựng một loạt nhà máy điện rác tại các đô thị lớn ở ĐBSCL.
Tỉnh Hải Dương cũng liên danh với đối tác Trung Quốc để lập dự án nhà máy điện rác công suất 500 tấn rác/ngày đêm, trị giá 1.025 tỷ đồng.
Năm 2017, cũng các doanh nghiệp Trung Quốc khởi công nhà máy điện rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, trị giá 2.100 tỷ đồng; nhà máy tại Thanh Hoá công suất 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện và sản xuất 25.000 m3 gạch không nung, trị giá 2.100 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành 2019)…
Theo các chuyên gia tại hội thảo, nhiều địa phương khác cũng đang tiếp nhận chục, thậm chí 20-30 đơn xin đầu tư từ các nước khác nhau trên thế giới, đặc biệt rất ráo riết từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Về vấn đề này, trao đổi với Người Đô Thị, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, dù có bước khởi đầu khá muộn so với thế giới, nhưng đốt rác phát điện đã trở thành xu thế mới tại Trung Quốc và phát triển rất nhanh. Hiện số lượng hệ thống thiêu đốt rác thải mới xây tại Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa của thế giới. Năm 2015, khả năng đốt rác phát điện trên toàn quốc có thể đạt 310 nghìn tấn/ngày.
Thực tế, công nghệ đốt rác phát điện trên thế giới hiện nay có rất ít kinh nghiệm xử lý loại rác đặc thù như ở Việt Nam (có tới 60-80% là chất thải hữu cơ, độ ẩm cao, chưa được phân loại tại nguồn). Vì vậy, PGS Phùng Chí Sỹ cho biết, thời gian qua Trung Quốc đã cải tiến công nghệ đốt rác phát điện của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để phù hợp với loại rác thải “tả pí lù” này, giá thành cũng rẻ hơn công nghệ châu Âu, Nhật Bản khoảng 4 lần. Tuy nhiên, PGS Sỹ nhận định: dù Trung Quốc đã có hàng nghìn nhà máy xử lý theo công nghệ này nhưng vẫn chưa đủ độ tin cậy.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học lĩnh vực, đốt rác tuy có nhiều ưu điểm so với các công nghệ khác (chôn lấp, chế biến phân compost), như: có thể giảm được 90 – 95% thể tích và khối lượng rác thải; tận dụng nhiệt, tiết kiệm diện tích, giảm ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải nhà kính…, tuy nhiên nguy cơ phát sinh khí thải dioxin, furan là rất cao.
Một nghiên cứu khoa học của tổ chức Khí Tổng hợp cho thấy, một trong những mối e ngại lớn của việc đốt sinh khối rác thải (để phát điện) là sự hình thành và tái tổ hợp các chất độc dioxin và furan, đặc biệt là khi đốt các loại vật liệu gốc dầu như túi ni-lon, nhựa (PVC)…
Còn một nghiên cứu của dự án “Xử lý Dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam” (do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất dacam/dioxin ở Việt Nam thực hiện) những năm trước đây cho thấy, lò đốt rác thải đứng đầu trong danh sách các nguồn phát thải dioxin không có nguồn gốc chiến tranh…
Từ tháng 5.2016, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên để kiểm soát được một công nghệ đốt rác có đảm bảo quy chuẩn môi trường không thì lại rất khó, nếu không nói là gần như… bất khả thi.
Nếu ở các nước phát triển, việc giám sát phát thải môi trường được quy định nghiêm ngặt, yêu cầu trang bị hệ thống giám sát độc lập có nối mạng và lưu giữ số liệu độc lập, có thể truy xuất các số liệu quá khứ bất cứ lúc nào, thậm chí một số nhà máy xử lý rác thải lớn phải hiển thị bảng quan trắc khí thải ra bên ngoài nhà máy để người dân có thể giám sát, thì ở Việt Nam, đây là một việc rất “xa xôi”.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia môi trường cho biết, việc đo giám sát tổng dioxin/furan có thể phát sinh từ lò đốt rác ở Việt Nam hiện nay rất khó khăn do thiếu trang thiết bị, và đắt đỏ (khoảng 23 triệu đồng/mẫu khí thải với điều kiện quan trắc nhiều mẫu cùng lúc và thường xuyên); đa số nơi chỉ định kỳ đo 1 năm/lần.
Cần giải quyết tận gốc vấn đề: Tập trung phân loại rác tại nguồn
Thực tế nhiều năm qua, cả hai công nghệ xử lý rác chôn lấp và đốt rác phát điện nhập thẳng từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Đan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đều đã được áp dụng tại các dự án xây dựng nhà máy xứ lý rác ở một số địa phương thông qua đầu tư nước ngoài hay được đầu tư từ vốn ODA. Song cho đến nay, hầu hết các nhà máy đó đều thất bại, hoặc hoạt động cầm chừng, hoặc hoạt động nhưng không đạt tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Nguyên nhân chính là rác đầu vào không được phân loại.
Tại hội thảo về Giải pháp công nghệ trong xử lý rác của UN-Habitat), PGS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, với một số nhà máy chế biến rác thải thành nhiệt và điện năng, cho đến nay, các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt đang áp dụng ở nước ta (gồm công nghệ do các công ty tư nhân Việt Nam công bố và cả các công nghệ nước ngoài) dù ngày càng đa dạng, nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ. Các dây chuyền công nghệ và thông số kỹ thuật của thiết bị chưa hoàn thiện và chuẩn xác; chưa được kiểm tra, thẩm định đạt yêu cầu của cơ quan chức năng; tarng thiết bị nhanh bị hư hỏng, ăn mòn do đặc thù rác “tả pí lù”…
Thực tế, với đặc thù rác có tới 60-80% là chất thải hữu cơ, độ ẩm cao (trung bình 50-60%, mùa mưa có thể lên tới 80%), và thực trạng chưa được phân loại tại nguồn, thì công nghệ đốt rác phát điện hiện rất đắt: từ 50 – 75 USD để xử lý 1 tấn rác; chưa kể kinh phí đầu tư cũng rất cao.
Nhận định đốt phát điện đang là xu hướng mới của Việt Nam, PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng, công nghệ đốt phát điện chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm và quá tải trong xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay khi quy trình hệ thống thu gom, vận chuyển cũng phải đồng bộ.
Điều này cũng có nghĩa, thay vì loay hoay tập trung vào việc tìm giải pháp công nghệ xử lý rác thải cho phù hợp với loại rác đặc thù của Việt Nam, thì Việt Nam cần có chính sách và kế hoạch cụ thể, tập trung nguồn lực vào giải quyết vấn đề gốc: phân loại rác tại nguồn.
Lê Quỳnh/Người đô thị