01/07/2019

Người bạn lớn của báo chí đô thị

Hôm rồi, khi cần những tiếng nói về dự án di dời 2.000 cây ở Hà Nội, mấy nhà báo bảo nhau: “Giá còn bác Liêm!”. Cảm nhận rõ ràng về một “khoảng trống lớn” từ những tiếng nói phản biện xã hội hiện ra. Ông mất tháng 11/2018, đến nay đã hơn nửa năm nhưng chúng tôi vẫn chưa làm sao quen được cảm giác tử biệt đó, nhận thấy rằng sẽ còn cần xiết bao, trí tuệ, lòng nhiệt thành, sự tận tâm như không bao giờ cạn của ông với những nhà báo chuyên viết về các vấn đề của đô thị.

Hơn 30 năm trước (1985-1995), tôi bắt đầu công việc tại một công ty sửa chữa nhà cửa, thuộc Sở Nhà đất Hà Nội. Nhiệm vụ bấy giờ là xây, sửa nhà ở cho cán bộ, công nhân, công sở… theo cách hàng năm lập kế hoạch tiền công và vật tư trình thành phố phê duyệt, để được cấp kinh phí theo chỉ tiêu.

Tóm lại, vận hành theo lối “xin – cho” bao cấp hoàn toàn.

Bài học “ăn trứng”

Năm 1986 mở cửa, thay đổi lối làm việc, thành phố không cấp theo kế hoạch nữa mà duyệt chi tiền lương và vật tư, căn cứ vào “luận chứng kinh tế kỹ thuật” do đơn vị tự lập. Hồi đó “luận chứng” là gì không ai hiểu, không biết làm thế nào để “đẻ” cái luận chứng, tất cả nháo nhác, công việc đình đốn, tiền bạc cạn kiệt…

Tác giả - KTS. Trần Huy Ánh (bên phải) trong một dịp trà đàm với TS. Phạm Sĩ Liêm về các vấn đề đô thị tại nhà ông

Tác giả – KTS. Trần Huy Ánh (bên phải) trong một dịp trà đàm với TS. Phạm Sĩ Liêm và TBT Tạp chí KTVN Phạm Thanh Huyền về các vấn đề đô thị tại nhà ông

May mắn, tôi được dự cuộc tập huấn do Thứ trưởng Bộ Xây dựng TS. Phạm Sĩ Liêm chủ trì. Ông bắt đầu từ câu hỏi cả lớp: “Các vị có thấy món “trứng” ngon, bổ, dễ ăn không?”. Mọi người đều trả lời rất thích trứng. Ông cười: “Vậy luận “chứng” ngon thế sao không làm?”. Và bắt đầu hướng dẫn chúng tôi hào hứng thảo luận những nội dung: Lý do, sự cần thiết phải đầu tư/dự báo công suất, sản phẩm làm ra/nhu cầu vận tải, nhiên liệu/khái toán, phân kỳ đầu tư…

Sau khóa học, chúng tôi đã lập các luận chứng kinh tế kỹ thuật để làm kho tàng dự trữ vật tư (phòng khi khan hiếm) quanh Hà Nội, rồi sản xuất gạch không nung, cấu kiện bê tông đúc sẵn, xưởng chế biến gỗ… Đi lên từ những “luận chứng”, công ty trở thành đơn vị đầu tiên của Hà Nội xây nhà bán ra thị trường, thu nhập tăng, tất nhiên có… trứng ăn! Khi thị trường cạnh tranh hơn, sẵn có bài học cơ bản do TS. Phạm Sĩ Liêm khai mở, chúng tôi tìm kiếm thông tin (vốn rất rời rạc và manh mún) trên báo chí để củng cố các lập luận, để giành được các dự án kinh doanh nhà ở lớn trong khi năng lực của đơn vị rất nhỏ trong cuộc “phát triển đô thị” Hà Nội suốt 30 năm qua.

Người hiệp sĩ

Năm 2007, Hà Nội khởi đầu một cuộc tranh luận “Tại sao lại cắt một phần đất công viên Thống Nhất giao cho tư nhân làm khách sạn?”. Người đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ là TS. Phạm Sĩ Liêm (từng kinh qua vai trò phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thứ trưởng Bộ Xây dựng), những lý lẽ của ông rất thuyết phục, được công luận ủng hộ nên chính quyền Hà Nội đã giữ lại được hàng chục ngàn mét vuông đất công viên.

Cuộc thảo luận thành công, truyền cảm hứng cho giới truyền thông tham gia lên tiếng chống lại việc chiếm dụng đất công của các nhóm lợi ích từ khá sớm.

Có thể nói, tham gia vào các cuộc thảo luận kiểu này có nhiều nhà báo thừa nhiệt huyết, trách nhiệm xã hội cao, nhưng phần lớn lại thiếu hụt các kiến thức đa ngành, liên ngành (trong khi quản trị đô thị là lĩnh vực rất phức tạp) nên nhiều vấn đề, sự kiện đô thị gây bức xúc, mới chỉ được họ diễn giải theo cảm tính, chưa đầy đủ lý lẽ thuyết phục. Điều này là dễ hiểu, bởi đến nhiều người đang hoạt động trong bộ máy quản lý đô thị vốn được đào tạo lâu, địa vị cao, tiếp xúc công việc quản lý đô thị hàng ngày, vẫn còn mù mờ, nhầm lẫn khi đứng trước thực trạng đô thị bề bộn.

Vậy là những vấn đề thời sự đô thị khúc mắc, hóc búa, gần như giới truyền thông ở Hà Nội đều trông cậy vào TS. Phạm Sĩ Liêm. Thôi thì đủ chuyện: từ các vụ chặt phá cây xanh tùy tiện đến nhồi cao ốc vào trung tâm, tranh chấp quyền sử dụng chung cư, cháy nổ mất an toàn nhà cao tầng, quy hoạch đường sắt trên cao, xóa chợ công cộng xây siêu thị, văn phòng kinh doanh… Cho đến những vấn đề lớn hơn như: quy hoạch mở rộng Hà Nội; chính sách đất đai, tài chính đô thị; các dự luật liên quan đến phát triển đô thị… đều chưa bao giờ ông từ chối trả lời phỏng vấn. Họ tìm ông ở nhà, đón ông bên hành lang cuộc họp, hỏi ông trong giờ nghỉ trưa, tối, thậm chí phỏng vấn qua điện thoại…

Thế nhưng, rất ít nhà báo biết đằng sau những câu trả lời uyên bác, sâu sắc ấy, ông phải dành hằng đêm khảo cứu tài liệu đủ các ngôn ngữ Nga, Hoa, Anh, Pháp (lúc chưa có mạng và không có dịch tự động) để có đủ lý lẽ, lập luận xác đáng cho từng vấn đề nảy sinh hàng ngày trong suốt mấy chục năm qua.

Bó đuốc vẫn cháy 

Điều may mắn nhất cho chúng tôi và những người quan tâm đến phát triển đô thị là đã có trong tay cuốn sáchTân kinh tế học thể chế – một tác phẩm tổng hợp các vấn đề liên quan và gắn kết với nhau thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội học, triết học, chính trị, thể chế, quản lý, văn hóa…

Trong tác phẩm cuối cùng ông nhắn gửi: “Tôi nhận thấy Tân kinh tế học thể chế (New Institutional Economics- NIE) có thể giúp đưa ra cách tiếp cận lý luận cần thiết cho hoạt động xây dựng, đổi mới thể chế. Tuy vậy, Tân kinh tế học thể chế còn ít được biết đến (tại Việt Nam). Tôi nghĩ rằng việc giới thiệu môn học mới mẻ này vào nước ta vào lúc này là cần thiết và kịp thời ”.

Có lẽ ông thấy trước những bất ổn, thách thức trong quản trị đất đai, phát triển đô thị sẽ còn diễn ra dài lâu, khốc liệt, nhất là vấn đề sở hữu tài sản (đất đai và công trình đô thị), các vấn đề đa dạng hóa nguồn lực phát triển,… mà những trang sách của ông sẽ gợi mở những kiến giải cần thiết.

Cuộc giao ban cuối cùng năm 2018 của TS. Phạm Sĩ Liêm (thứ hai bên trái)

Cuộc giao ban cuối cùng năm 2018 của TS. Phạm Sĩ Liêm (thứ hai bên trái) cùng nhà báo Trần Trung Chính, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng – phụ trách Tạp chí Người Đô Thị (đầu tiên bên trái) với các cộng tác viên của Người Đô Thị ở Hà Nội

Cuối năm 2018, chẳng ai nghĩ rằng cuộc giao ban của ông với các cộng tác viên của Tạp chí Người Đô Thị tại phố Lê Ngọc Hân là lần cuối. Hôm ấy, sau những dặn dò công việc, ông nói nhiều về tình cảm của mình với những người ngoài Bắc trong Nam đã cùng ông sáng lập Tạp chí Người Đô Thị, vượt qua bao khó khăn buổi đầu, duy trì và phát triển tờ báo suốt các chặng đường 12 năm qua, một trong những tờ báo có quan điểm phát triển đô thị rất tốt. Ông hy vọng trên hướng đi của mình, bên cạnh các nội dung hiện có, tờ báo cần làm cho cư dân đô thị yêu quý nơi chốn của mình hơn, là các công dân gắn bó máu thịt với đô thị, chứ không chỉ xem không gian này như một thương trường, một chốn mưu sinh.

Cuối buổi họp, ông cùng chúng tôi “bồi dưỡng” mỗi người bát phở gà ở một quán bình dân góc phố. Như một ám thị, ông bảo: “Các bạn trẻ cố gắng nhé, tớ không ổn lắm đâu, nhỡ có chuyện gì không gặp nhau được thì sao…”.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới lời dặn của người thầy trong một câu chuyện xưa, khi học trò lo lắng hỏi: “Nhỡ mai này thầy mất đi, ai chỉ lối cho trò đi tiếp? Thầy nói: “Ta đi rồi, các trò hãy đốt đuốc lên tự tìm đường”.

Chúng tôi đã có bó đuốc nhỏ cách đây 30 năm, và có lẽ đang có trong tay bó đuốc lớn hơn để tiếp tục cuộc hành trình.

KTS. Trần Huy Ánh – Ảnh: TL/Người Đô thị