Nét kiến trúc một đô thị ven sông rất cần bảo tồn
Sài Gòn – Gia Định xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay vẫn giữ được hồn cốt kiến trúc một đô thị Việt vùng ven sông. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển, TP đã và đang cho thấy sức vươn mạnh mẽ để bắt nhịp với những xu hướng mới nhưng cùng với đó vẫn rất cần những giải pháp bảo tồn vốn di sản quý giá này.
Được đánh giá là đô thị năng động nhất của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh theo thời gian được khoác lên mình những tòa nhà chọc trời, những khu thương mại hiện đại sầm uất, những bờ kênh và những thảm cỏ công viên xanh mát.
Tuy nhiên, thấp thoáng đâu đó trong mỗi con phố những công trình, những cảnh quan kiến trúc mang giá trị truyền thống, đặc trưng cho những giai đoạn phát triển của TP đang bị chìm lẫn trong nhịp độ phát triển nhanh và cuộc sống hối hả. Theo nhóm nghiên cứu của kiến trúc sư Lý Khánh Tâm Thảo và Nguyễn Thị Thanh Vân (Sở QH-KT TP Hồ Chí Minh), trên địa bàn TP, các công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn có thể tạm chia thành hai nhóm. Nhóm một gồm các công trình đủ điều kiện xếp loại di tích, có giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, được lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa.
Nhóm hai là các công trình chưa đủ điều kiện xếp loại di tích nhưng có giá trị kiến trúc đặc trưng như khu phố cổ Chợ Lớn, dãy các nhà phố dọc đường Võ Văn Kiệt, Bến Bình Đông, một số biệt thự cũ ở quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh… hay các nhà xưởng, kho chứa hàng, những ngôi nhà cổ, đình cổ ở Bến Bình Đông…
Nói về quan điểm ứng xử và cách tiếp cận, nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với các khu nhà cổ, cũ như khu nhà phố, biệt thự… nơi các hình khối kiến trúc mặt ngoài mang giá trị văn hóa lịch sử thì công tác bảo tồn không chỉ dừng lại trong việc giữ gìn mà còn phát huy những giá trị đó theo cách cải tạo các kiến trúc cũ xuống cấp, bổ sung công năng, làm mới nội dung bên trong công trình… nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo nét độc đáo cho công trình.
Bản sắc riêng
Cũng theo KTS Hoàng Đạo Kính, với di sản kiến trúc và đô thị thời thuộc địa ở Sài Gòn, đây là một quỹ tài sản lớn lao, đồng thời là một vốn liếng kiến trúc và văn hóa đặc biệt, một thành tố cấu thành cơ ngơi và diện mạo cho TP rất cần bảo tồn. Trong việc kiểm kê và đánh giá quỹ kiến trúc – đô thị này, bên cạnh việc thống kê để bảo vệ những công trình kiến trúc cụ thể thì việc nghiên cứu – đánh giá và duy trì những cấu trúc không gian và cảnh quan, những trục đường và con phố cũ với tư cách là những đối tượng cần được coi trọng trong vốn liếng đô thị thời cận đại. “Chúng ta cũng có vẻ như chú trọng nhiều hơn đến các giá trị về phương diện niên đại và về giá trị thẩm mỹ. Trong khi chính tính đa dạng về loại hình công trình, chỉ xuất hiện ở thời kỳ thuộc địa, phải được nhìn nhận như một giá trị nổi trội của di sản kiến trúc thời kỳ này” – KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung và di sản kiến trúc đô thị nói riêng trong quy hoạch phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh. Cần xác định cách lựa chọn chiến lược phát triển cho TP Hồ Chí Minh trên cơ sở bảo tồn và phát huy “vốn văn hóa” của một đô thị có hơn 300 năm hình thành và phát triển, trong đó di sản kiến trúc đô thị đóng vai trò đặc biệt quan trọng”. Trước hết phải định dạng rõ Gia Định – Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh mang sắc thái của một đô thị ven sông, nằm trên khu vực ngã ba sông. Đó là một lợi thế về địa kinh tế và địa văn hóa mà ít nơi nào có được. Ở ngã ba sông đồng nghĩa với những tiện lợi về giao thương, hội tụ và lan tỏa văn hóa giúp cho TP Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò của một trung tâm kết nối về thương mại, văn hóa và du lịch của vùng Nam Bộ rộng lớn cả hiện tại và tương lai. Vì thế, phần “hồn cốt”, bản sắc riêng của một đô thị thương cảng với hơn 300 năm phát triển cần được bảo tồn đúng cách để có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh.