Luật Kiến trúc – Vận hội mới cho kiến trúc Việt Nam
(Tạp chí KTVN 225) – Sự kiện Luật Kiến trúc được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam chính thức bấm nút thông qua ngày 13/06/2019 với tỷ lệ số đại biểu rất cao – 88,64% và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng không chỉ riêng Ngành Xây dựng mà còn là cơ hội mang đến những vận hội mới cho nền kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là tin vui đối với giới Kiến trúc sư Việt Nam. Nhân dịp này, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (TCKTVN) đã có những trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn về vấn đề này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV: Thưa Thứ trưởng! Luật Kiến trúc vừa được Quốc hội chính thức thông qua cũng như mở ra những vận hội mới trong phát triển kiến trúc Việt Nam giai đoạn tới đây. Nhân dịp này, xin Thứ trưởng cho biết những điểm quan trọng mà luật hướng tới cũng như ý nghĩa, vai trò của việc có Luật Kiến trúc hiện nay?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Sau 20 năm thai nghén, Luật Kiến trúc được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chính thức bấm nút phê duyệt có thể được xem là một dấu mốc quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của giới KTS Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã có được một bộ luật để giới KTS có cơ hội phát huy sáng tạo, cũng như giám sát thực hiện các công trình của mình trong môi trường hành nghề lành mạnh, hội nhập với thế giới. Kiến trúc đã được khẳng định vai trò của nó đối với xã hội.
Với rất nhiều điểm mới đáng chú ý, nhằm đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu thực tiễn, có thể nói Luật Kiến trúc với 5 Chương và 41 Điều đã bao quát tổng thể 02 nội dung cơ bản là Quản lý kiến trúc và Quy định về kiến trúc đối với khu vực đô thị & nông thôn; Quản lý thiết kế kiến trúc; Quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; Quản lý lưu trữ tài liệu…
Luật đã có quy định phân cấp rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kiến trúc trên phạm vi cả nước. Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, chủ trì thực hiện về hoạt động kiến trúc trên phạm vi cả nước như: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về kiến trúc; Tổ chức, quản lý thẩm định, thiết kế dự án; Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kiến trúc; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về kiến trúc; Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động kiến trúc, tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục về Luật Kiến trúc…
Luật đã đề cập các nội dung quy định về: Hội đồng tư vấn về kiến trúc bao gồm: Hội đồng tư vấn kiến trúc quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định để tư vấn cho Chính phủ về kiến trúc và kiến trúc một số công trình quan trọng; Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập để tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc một số công trình quan trọng, công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn quản lý.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng Kiến trúc hiện nay đang thiếu bản sắc và phát triển mang tính tự phát, thiếu sự kiểm soát của nhà nước; Nhiều nơi kiến trúc còn lộn xộn. Vậy, Luật Kiến trúc 2019 vừa được thông qua sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Luật Kiến trúc được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để đổi mới công tác quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước. Cụ thể:
Lần đầu tiên nước ta có một văn bản pháp luật đã quy định rõ các nội dung cơ bản của bản sắc dân tộc trong kiến trúc. Điều 5 Luật Kiến trúc đã chỉ rõ bản sắc kiến trúc bao gồm: Tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa nghệ thuật; Thuần phong mỹ tục của các dân tộc; Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam… Đây là những nội dung rất cần thiết làm cơ sở để KTS sáng tác hành nghề kiến trúc cũng như quản lý kiến trúc. Cùng với đó, Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong nghiên cứu, khảo sát đánh giá và lập các quy định về nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý.
Đối với công tác quản lý kiến trúc hiện nay, Luật đã quy định các nguyên tắc hoạt động thống nhất từ tổng thể đến chi tiết như: Bảo đảm tính thống nhất trong quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; Bảo đảm an toàn cho con người – công trình kiến trúc và khu tập trung dân cư trước tác động bất lợi do thiên nhiên hoặc con người gây ra; Không tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị, môi trường sinh thái cũng như bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với kiến trúc đô thị và nông thôn, Luật Kiến trúc cũng quy định yêu cầu về thẩm mỹ kiến trúc đảm bảo các yếu tố bản sắc như phải đáp ứng các yêu cầu về thiết kế không gian, sử dụng màu sắc vật liệu bên ngoài công trình, kết hợp hài hòa giữa cải tạo và xây mới. Các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố phải đảm bảo các yêu cầu về thẩm mỹ và an toàn. Các công trình tượng, đài phun nước, điêu khắc, phù điêu, và các công trình trang trí khác phải được thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng các yêu cầu sử dụng thẩm mỹ nơi công cộng. Hệ thống biển báo, biển quảng cáo, chiếu sáng, trang trí đô thị phải tuân thủ các quy chuẩn, quy hoạch quảng cáo ngoài trời và kiến trúc chung của đô thị. Công trình kiến trúc nông thôn cần kế thừa các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật mới, bảo đảm các tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc.
Công cụ quản lý kiến trúc bao gồm Quy chế quản lý kiến trúc sẽ được Chính phủ quy định chi tiết. Với đặc thù của kiến trúc là ngôn ngữ hình vẽ, do vậy trong thời gian tới việc hướng dẫn triển khai cụ thể các nội dung Quy chế quản lý kiến trúc cũng sẽ phải được tiếp tục biên soạn và thể hiện cụ thể trực quan bằng các sơ đồ và hình vẽ thể hiện được không gian 3 chiều, đảm bảo sự mạch lạc, rõ nét cũng như thống nhất và khoa học. Các địa phương, quy chế này cũng được UBND cấp tỉnh lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành.
PV: Hiện nay trên phạm vi cả nước còn xảy ra nhiều tình trạng công trình di tích lịch sử – di sản văn hóa có giá trị chưa được xếp hạng bị xâm hại gây biến dạng hoặc mai một do các tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. Xin ông cho biết nội dung này đã được đề cập như thế nào trong Luật Kiến trúc mới được thông qua?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Với các công trình di tích kiến trúc – di sản văn hóa bao gồm cả các công trình có giá trị, Luật Kiến trúc cũng đã quy định rõ các địa phương phải có đánh giá rà soát hàng năm, lập danh mục các công trình có giá trị để quản lý. Bên cạnh đó, để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo các công trình có giá trị thuộc loại này, Luật cũng quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công trình có giá trị như: Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình; Được nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn tu bổ, công trình; Có trách nhiệm bảo vệ gìn giữ, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình, bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình; Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương… Như vậy, có thể xem đây là những quy định căn bản bước đầu để việc quản lý, gìn giữ và tôn tạo các công trình di tích kiến trúc – di sản văn hóa, đặc biệt là các công trình thuộc loại này nhưng chưa được xếp hạng, được triển khai một cách đồng bộ, hài hòa về lợi ích và trách nhiệm, thích ứng với các yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
PV: Với công tác thi tuyển kiến trúc, thời gian qua vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đặc biệt là những e ngại về tính khách quan của hội đồng chấm tuyển kiến trúc và hiệu quả thực tiễn của dự án về kinh tế – mỹ thuật. Luật Kiến trúc được thông qua lần này đã có các quy định giúp đổi mới công tác thi tuyển kiến trúc trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Nhằm hướng đến từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển phương án kiến trúc, Luật Kiến trúc đã quy định rõ hệ thống công trình phải được tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với một số loại hình công trình công cộng; Công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; Công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị hay Quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Luật cũng đã quy định rõ người có thẩm quyền quyết định đầu tư là người quyết định hình thức thi tuyển phương án kiến trúc, đồng thời quyết định thành lập hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc. Thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được chủ đầu tư công khai trên các phương tiện thông tin tại chúng. Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ có các quy định chi tiết về nội dung này. Hiện tại, vẫn tiếp tục áp dụng Thông tư 13/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng để tổ chức thi tuyển kiến trúc.
PV: Cùng với các nội dung đổi mới căn bản công tác quản lý kiến trúc, đổi mới hành nghề kiến trúc cũng được xem là một nội dung dấu mốc “điểm nhấn” quan trọng được đề cập trong Luật Kiến trúc vừa được thông qua, xin ông cho biết những đánh giá của mình về vấn đề ?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn: Hành nghề kiến trúc có tính đặc thù so với các nghề dịch vụ tư vấn thông thường khác. Vì thế, trong các năm qua, giới kiến trúc luôn mong mỏi có được một bộ Luật đề cập và quy định rõ các nội dung hành nghề kiến trúc, hội nhập và hợp tác quốc tế về kiến trúc. Luật Kiến trúc đã dành hẳn 01 chương với 17 điều đề cập đến vấn đề này. Cụ thể:
Về dịch vụ kiến trúc, điều 19 Luật Kiến trúc đã chỉ rõ bao gồm các loại hình kinh doanh: Thiết kế công trình, thiết kế kiến trúc trong đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, thiết kế đô thị; Thiết kế kiến trúc cảnh quan; Thiết kế nội thất… KTS, cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì kiến trúc trong tổ chức hành nghề và cá nhân hành nghề chịu trách nhiệm chủ trì kiến trúc cần có tư cách pháp nhân bắt buộc, phải có chứng chỉ hành nghề.
Văn phòng KTS do KTS có chứng chỉ hành nghề kiến trúc thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, quy định trong Luật Kiến trúc, Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật cũng đã quy định rõ các KTS nước ngoài hành nghề kiến trúc tại Việt Nam cũng phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và quy tắc ứng xử như của KTS Việt Nam trong hành nghề, nghĩa là KTS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam cần có chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại Việt Nam hoặc chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được Việt Nam công nhận chuyển đổi.
Việc sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp và cơ sở kiến trúc được công nhận đủ điều kiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc thuộc cơ quan chuyên môn về kiến trúc trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương.
Như vậy, về cơ bản, Luật đã đáp ứng được rất nhiều các yêu cầu về đổi mới công tác hành nghề kiến trúc thời kỳ hội nhập và phát triển, hướng đến tạo ra một môi trường hành nghề chuyên sâu, có chất lượng, công bằng cho giới kiến trúc trong nước và quốc tế hành nghề tại Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian quý báu trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiến trúc Việt Nam!
Hoàng Phương