24/09/2020

Liệu có ‘cải hoá’ nổi sông Tô Lịch?

Nhiều đề xuất cải tạo, khai thác sông Tô Lịch đã được đưa ra và thực tế thì không biết bao tiền bạc và mồ hôi công sức đã đổ xuống đây nhưng đến nay sông vẫn ô nhiễm và nhiều cam kết cũng đã trôi theo dòng nước. Chính vì vậy mà việc Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) mới đây đề xuất về “giải pháp tổng thể” biến sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử – Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch”, không khỏi khiến dư luận xã hội lăn tăn.

Qua theo dõi báo chí về ý tưởng “công viên hoá” sông Tô Lịch, tham khảo thêm thông cáo của JVE công bố ngày 22.9.2020, chúng tôi thấy dù đây chỉ mới là giai đoạn đề xuất ý tưởng tuy nhiên có một số vấn đề cần phải minh định ngay tại thời điểm này.

“Giải pháp tổng thể” có mang lại lợi ích tổng thể?

Sông Tô Lịch dài 17km, chiều rộng mặt nước đôi bờ 50m-60m. Như vậy tổng diện tích mặt nước và đôi bờ khoảng gần 1 triệu m2. Sông có vị trí trọng yếu trong dự án “thoát nước và xử lý nước thải” trị giá gần 1,5 tỷ USD, vay vốn ODA Nhật Bản. Mặc dù nước sông còn hôi hám, nhưng 1 triệu m2 sông Tô Lịch từ lâu đã nằm trong tầm ngắm các nhà khai thác bất động sản với nhiều loại hình: cống hóa để làm bãi đỗ xe, mở nhà hàng, dịch vụ thương mại… Nhưng vì mục tiêu nhỏ lẻ, vụn vặt nên những ý tưởng, đề xuất ấy sớm “chết yểu”.

Vậy dự án tổng thể do JVE đề xuất thì có những lợi ích tổng thể như thế nào?

Thứ nhất là lợi ích thoát nước: tổng đương lượng sông Tô Lịch là 23 triệu m3, nếu mưa to như hồi 2008 thì trạm bơm Yên Sở mất 7 ngày cật lực mới đẩy hết nước ra sông Hồng. JVE cho thấy dự án của họ không có nhiệm vụ này mà sẽ cùng Tổng thầu Nhật Bản báo cáo riêng về xây dựng hệ thống ngầm thoát lũ chống ngập khổng lồ bên dưới lòng sông, tương tự như tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản (Dự án “G-can” trị giá 2,6 tỷ USD-TG).

Dự án “G-cans” trị giá 2,6 tỷ USD tại Tokyo, Nhật Bản: sơ đồ cống ngầm giếng thu và bể chứa trạm bơm ra sông; Bể ngầm 23 triệu M3, cửa sông ngầm đổ vào giếng thu

Dự án “G-cans” trị giá 2,6 tỷ USD tại Tokyo, Nhật Bản: sơ đồ cống ngầm giếng thu và bể chứa trạm bơm ra sông; Bể ngầm 23 triệu M3, cửa sông ngầm đổ vào giếng thu

Thứ hai là lợi ích xử lý nước thải: sông Tô Lịch nhận nước thải từ gần 300 miệng cống đổ vào cống ngầm chảy về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trị giá gần 1 tỷ USD. Nhà máy xử lý nước xong đổ ngược vào sông Tô Lịch qua kênh dẫn bằng cách đóng cửa đập. Tuy nhiên nước này vẫn hôi thối vì các khí độc tích tụ trong tầng bùn của sông, do vậy sẽ cần xử lý tận gốc ô nhiễm trước bằng công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản, sau đó mới bổ cập nước từ Hồ Tây, theo chia sẻ của đại diện JVE. Tóm lại lợi ích thoát nước và xử lý nước thải từ dự án 1,5 tỷ USD chưa đủ, cần thêm dự án thoát nước “đại tổng thể” khoảng 2,5 tỷ USD nữa (và không chỉ dừng lại ở đây mà chưa biết chừng sẽ phải cần thêm không biết bao nhiêu tỷ USD nữa cho dự án?!).

Thứ ba là Ngân sách công sẽ thu lại bao nhiêu khi dự án khai thác 1 triệu m2 mặt nước và đôi bờ sông Tô Lịch – đây  là “công sản” và được gia tăng giá trị 1,5 tỷ USD. Cả núi tiền đã chi mà Hà Nội mưa vẫn ngập, nước thải ô nhiễm vẫn tràn lan. Hiệu quả là gì thì chưa ai tổng kết, chỉ thấy nguy cơ không gian mới bị chiếm dụng ngay như mương Nghĩa Đô hay mương Phan Kế Bính. Hệ quả là ngân sách cống hóa hàng trăm tỷ đồng cho hàng loạt nhà hàng tư nhân mọc lên, không biết thu hồi được gì, chỉ thấy khắc phục những sai lầm này, ngân sách cũng tốn nhiều tỷ đồng.

Câu trả lời để ngỏ dành cho các cấp quản lý, các chuyên gia đã tham gia dự án thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội.

Vốn đầu tư từ đâu?

Đầu tiên, cần làm rõ “nguồn vốn từ phía Nhật Bản” là thế nào? Là vốn cho vay hay là cho không? Có kèm theo điều kiện của bên cho vay là phải mua giải pháp công nghệ, vật tư thiết bị và sử dụng chuyên gia của họ – giống như vay ODA nhưng không có ân hạn và lãi suất ưu đãi?

Đã từng có cá nhân đề xuất cải tạo cầu Long Biên thành “bảo tàng lịch sử nhân văn” có nhiều triệu USD nước ngoài hỗ trợ, kết quả là tiền chả thấy đâu, báo hại nhiều cá nhân tổ chức đã đổ công sức, thời gian vào đề xuất “tầm cỡ” này. Trong thông cáo báo chí  của JVE, cho biết đang chỉ mới là giai đoạn “xin chủ trương” nên chưa cụ thể, tuy nhiên cũng cần phân minh nguyên tắc giao dịch tiền bạc rõ ràng, không nên mang chuyện tình cảm, biết ơn để kiến giải tới nội dung kinh tế dự án.

Công nghệ xử lý nước thải Việt Nam vốn dư sức làm, nay phụ thuộc vốn và công nghệ bên ngoài, biến sông Tô Lịch từ ô nhiễm thành con sông “nghiện” xài hàng ngoại là hóa chất, thiết bị, vật tư “độc quyền”. Mà tất tần tật cứ phụ thuộc vào bên ngoài thì sẽ bị động, mà dễ thấy nhất là khó kiểm soát được giá thành. Tại các quốc gia giàu mạnh hàng đầu thế giới mà đơn cử như Đức, họ đã ban hành “Đạo luật về thu phí nước thải” trong đó khẳng định “Bất cứ ai xả nước thải (chất thải) phải chịu trách nhiệm trả phí nước thải thanh toán phí” (Điều 9 Chương 3). Ngay cả Nhật Bản cũng tương tự, chính phủ còn  hỗ trợ một phần tài chính, nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt thiết bị  xử lý nước thải tại nguồn (gọi tắt là Johkasou).

Sông Tô Lịch tự nhiên vốn đẹp nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ thoát nước nội thành và nước thải đang làm ô nhiễm (trái). Minh họa dự án “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” do JVE đề xuất. Ảnh: TL - JVE

Sông Tô Lịch tự nhiên vốn đẹp nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ thoát nước nội thành và nước thải đang làm ô nhiễm (trái). Minh họa dự án “Công viên Lịch sử – Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch” do JVE đề xuất. Ảnh: TL – JVE

Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam xác định “Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý chất thải trước khi xả thải vào lưu vực sông theo quy định của pháp luật.” (Điều 52, Chương 6, Luật Bảo vệ môi trường 2014). Dự án do đề xuất “công vên hoá” sông Tô Lịch không hỗ trợ thực hiện điều luật này, tức chỉ kế thừa nước thải xử lý không triệt để của nhà máy Yên Xá vào và tiếp tục dùng công nghệ JVE khử mùi bùn hôi… Như vậy, tất cả nguồn thải không được khu trú, xác định địa chỉ và thành phần, không thể thu phí theo nguyên tắc “ai xả thải người ấy phải trả tiền”.

Cách làm này dẫn đến hậu quả là không bao giờ đủ nguồn lực xử lý nước thải miễn phí cho toàn thành phố. Nguồn lực công bị sử dụng bất công, người xả thải ít cũng sẽ hưởng phúc lợi giống như cả nhà máy xả thải độc hại. Khi không phải trả tiền thì người ta sẽ xả thải bừa bãi hơn và chắc sẽ không có cá nhân tổ chức nào có ý định đầu tư cho hạng mục xử lý nước thải…

Rồi viễn cảnh có thể xảy ra là sông Tô Lịch mất thêm vài tỷ đô nữa mà vẫn ô nhiễm, có khi còn trầm trọng hơn cũng nên.

“Công viên Lịch sử  – Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch” thờ phụng ai?

Việt Nam hiện có 38 tôn giáo được công nhận vậy dự án JVE cho tôn giáo nào và tâm linh của ai? Chúng ta đã được biết đến những công trình “tâm linh” chiếm hàng ngàn ha đất mà không rõ giao đất cho đối tượng nào nên thất thu tiền thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh.

Vì vậy cần tập trung làm cho ra các nội dung khoa học công nghệ – kinh tế kỹ thuật trước khi vẽ ra những mô hình mà tôi cho là còn gượng gạo này. Minh họa dự án làm ta liên tưởng đến những bức gốm sứ có kích thước kỷ lục nhưng chất lượng yếu kém tới mức giới chuyên môn ái ngại khi đề cập tới.

Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)/Người đô thị