06/06/2018

Làng gốm cổ nhất Nam Bộ 18 năm quy hoạch… trên giấy

“Gốm đất đen là một loại sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai, phải nung bằng củi. Việc cấm sử dụng củi để nung chẳng khác nào muốn dẹp bỏ dòng gốm này”, ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm Đồng Nai, cho biết.

Quy hoạch từ năm 2000

Việc quy hoạch lại các làng gốm tập trung về một điểm là làng gốm Tân Hạnh đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định từ năm 2000. Thế nhưng đến nay đã 18 năm trôi qua, làng gốm Tân Hạnh vẫn chưa hình thành và rải rác các nơi vẫn còn nhiều lò đang hoạt động.

Theo ông Vòng Khiềng, năm 2003, dự án cụm gốm Tân Hạnh bắt đầu xây dựng. Sau nhiều lần điều chỉnh, 10 năm sau cụm gốm Tân Hạnh vẫn chưa ra hình ra dáng.

Các doanh nghiệp ngành gốm thấp thỏm chờ đợi và có phần hồ nghi dự án biến thành qui hoạch treo…

Làng nghề,Đồng Nai
Gốm đen Biên Hòa. Chỉ có đất tại đây và đốt bằng củi mới cho chiếc lu như thế này. Bên ngoài là lớp men tự tạo bằng khói bụi của củi trong thời gian nung.

Một trong những lý do gây ra sự chậm trễ này là thủ tục hợp đồng thuê đất và xin giấy phép xây dựng. Ông Khiềng cho biết thêm, Hiệp hội gốm, các doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng TP Biên Hòa cũng không nghĩ đến việc làm thủ tục thuê đất lại mất nhiều thời gian và công sức đến vậy.

Trước tiên đơn vị thuê đất phải có quyết định thỏa thuận địa điểm. Sau khi có quyết định thỏa thuận địa điểm của UBND TP Biên Hòa, đơn vị thuê đất phải sao vẽ cập nhật lại bản đồ địa chính vì ban quản lý dự án hợp đồng với công ty bên ngoài chưa cập nhật. Sau đó, trong hồ sơ xin giao đất phải có văn bản cam kết bồi thường đất.

Ngoài ra, trước khi nhận hợp đồng thuê đất lại phát sinh thêm vấn đề miễn tiền thuê đất. Theo qui định, các doanh nghiệp đầu tư vào cụm gốm Tân Hạnh được miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu.

Một số doanh nghiệp làm thủ tục miễn tiền thuê đất bị yêu cầu phải có bản sao quyết định 21 (quyết định miễn tiền thuê đất) và có tên trong danh sách di dời nhưng danh sách này lại không trùng khớp với danh sách đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Từ những trục trặc đó dẫn đến sự việc 3 cơ sở gốm Kim Lan, Thái Vinh, Mai Phương làm hợp đồng thuê đất ở phòng Tài nguyên môi trường TP Biên Hòa đã bị yêu cầu nộp tiền thuê đất.

Về giấy phép xây dựng, muốn có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh phải hợp đồng với đơn vị tư vấn có chuyên môn nghiệp vụ mới thực hiện được.

Đơn vị tư vấn phải hoàn chỉnh bản vẽ thiết kế trong đó có các số liệu khoa thăm dò địa chất và tìm hiểu về qui chuẩn, mật độ xây dựng của cụm gốm sứ Tân Hạnh. Trong hồ sơ cũng không thể thiếu phần thẩm định của cảnh sát PCCC.

Cũng từ những thủ tục đó mà đến nay cụm gốm Tân Hạnh vẫn chưa quy tụ được các lò gốm còn rải rác trong khu dân cư.

Cấm dùng lò củi đồng nghĩa với giết gốm Đồng Nai

Trao đổi với phòng viên VieNamNet, ông Vòng Khiềng bày tỏ: “Không có văn bản nào cấm hoặc hạn chế sản xuất dòng gốm đất đen mà chỉ cấm không được dùng lò củi. Vậy thì khác gì cấm bởi gốm đất đen không thể nung bằng bất cứ nhiên liệu nào ngoài củi”.

Dòng gốm đã gắn liền với lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai lại được thị trường các nước Mỹ, châu Âu, Nhật ưa chuộng đặt hàng lẽ ra phải được hỗ trợ xử lý những hạn chế trong phương thức sản xuất truyền thống.

Cấm lò củi khác nào triệt tiêu gốm đất đen trong khi quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: “Duy trì và phát triển ngành gốm mỹ nghệ truyền thống của tỉnh Đồng Nai phải gắn liền với tập trung chuyển đổi công nghệ theo hướng tiên tiến kết hợp với thủ công truyền thống để phù hợp xu thế thời đại và giữ gìn được những tinh hoa nghệ thuật gốm mang tính truyền thống dân tộc”.

Đứng trước tình hình như thế, nhiều hộ sản xuất gốm sứ tại Biên Hòa vẫn chưa thấy chút ánh sáng nào le lói ở cuối đường hầm.

Làng nghề,Đồng Nai
Mái ngói âm dương của lò gốm Phong Sơn trải qua hơn 100 năm chỉ còn lại bấy nhiêu.

Anh Hứa Mỹ Châu, chủ lò gốm Phong Sơn, cho biết, ngày 1/5 vừa qua lò gốm này bị kiểm tra và buộc phải ngưng không được đốt lò. Do còn 2 mẻ hàng chưa nung kịp, anh xin được đốt lần cuối cùng để giải quyết tồn đọng nhưng không được chấp thuận.

Một trường hợp khác, lò gốm Hạnh Phước ở phường Bửu Hòa từ chối không vào cụm gốm Tân Hạnh và đã xin được kéo dài đến hết năm 2019 để giải quyết nốt các hợp đồng đã ký với nước ngoài. Sau đó, lò Hạnh Phước sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Hiện nay, Sở Khoa học công nghệ và Sở Công thương Đồng Nai đang lắp đặt tại lò gốm Tân Phát hệ thống xử lý khói bụi. Nếu đạt được kết quả tốt các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị xin cho được tiếp tục sử dụng lò củi.

Chưa biết kết quả nhưng theo phản ánh của người dân, sau khi hệ thống hoạt động, đầu tháng 5 cơ quan quan trắc có đến lấy mẫu khí thải, hiện vẫn chưa có kết quả.

Nghề gốm được xem là nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa dân gian đặc trưng của Biên Hòa – Đồng Nai. Tồn tại từ hàng trăm năm nay, sự có mặt của gốm Biên Hòa đã điểm tô cho bộ mặt của Đồng Nai thêm rạng rỡ.

Thiết tưởng việc bảo vệ, duy trì và phát triển nghề gốm là điều mà Đồng Nai cần phải làm một cách tích cực.

Trần Chánh Nghĩa/Theo Vietnamnet