15/01/2018

Làm gì để phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước?

TS.KTS Trương Văn Quảng – Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam

Chỉ tiêu về diện tích cây xanh trên đất tự nhiên đô thị Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới. Ngay cả ở TP lớn như Hà Nội và TP.HCM, cây xanh cũng đạt khoảng xấp xỉ 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP hiện đại trên thế giới. Kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh trong 5 năm tới và việc cải tạo, xây dựng 25 công viên, trong đó 5 công viên đạt tiêu chuẩn thế giới của Hà Nội là hướng đúng. Trồng đồng bộ cây xanh tại các tuyến đường mới mở rộng; trồng bổ sung cây xanh tại nhiều tuyến đường có cây xanh bị chết; trồng mới được đồng bộ về nhóm cây, kích cỡ cây khi đưa vào trồng; chăm sóc cho cây sống khỏe mới được nghiệm thu… là những giải pháp đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

PGS.TS Lưu Đức Hải – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Khu vực hồ nước ở Hà Nội đóng vai trò điều hòa không khí, thoát nước mưa, tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, nay ngay bị thu hẹp do đô thị hóa và hứng chịu các nguy cơ do BĐKH. Để định hướng phát triển và quản lý hồ trong khu vực Hà Nội nhằm ứng phó với BĐKH thì vấn đề quan trọng là nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa chiến lược thích nghi với BĐKH ở quy mô toàn vùng, đến quy mô nhỏ hơn trên quan điểm tiếp cận với quy hoạch và thiết kế đô thị là cần thiết.

Quy hoạch hệ thống hồ Hà Nội đã được xác định trong quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch chung, quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh và hồ, TP Hà Nội cần lập kế hoạch để thực hiện quy hoạch, thiết kế đô thị hiệu quả, đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra. Đồng thời, cũng cần phải lập kế hoạch, lộ trình để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quản lý hệ thống hồ theo quy hoạch, kế hoạch, trên quan điểm ứng phó với BĐKH.

  1. KTS Nguyễn Trúc Anh – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội

Thách thức lớn cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên ở Hà Nội nằm ở chỗ khu vực nội thành thì thiếu quỹ đất để bố trí thêm công viên, vườn hoa. Khu vực ngoại thành thì chủ yếu vẫn là đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó tiếp cận sử dụng. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách, vì vậy luôn hạn hẹp và khó khăn.

Cũng như các đô thị khác, Hà Nội cũng vấp phải vấn đề về “Đảo nhiệt đô thị” là hiện tượng một khu vực đô thị có nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô, rõ nhất là vào mùa hè. Nguyên nhân chính của đảo nhiệt đô thị là sự thay đổi bề mặt vật liệu trong quá trình phát triển đô thị. Sử dụng nhiều loại vật liệu có tác dụng giữ nhiệt (nhựa đường, bê tông…) thay vì hấp thụ vào đất, nước, cây cỏ. Vì vậy, Hà Nội cần có biện pháp để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống công viên, cây xanh để giảm thiểu hiện tượng này.

PGS.TS Đỗ Tú Lan – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Cây xanh nói chung và cây lưu niên nói riêng là một thành tố không thể thiếu được trong đô thị, nó không chỉ đóng góp như là lá phổi cho cơ thể mà còn vô cùng gắn bó với tâm hồn của người dân TP. Nó luôn rất gần gũi với đời sống hàng ngày của mỗi người.

Cây xanh lưu niên khác với nhóm cây xanh khác là sự tồn tại và gắn bó với không gian đô thị và cộng đồng dân cư lâu dài, thậm chí có thể qua nhiều thế hệ, do đó sự ảnh hưởng của nó rất sâu sắc.

Nâng một tầm cao hơn nữa, cây xanh là sức hút của đô thị trong bối cảnh hội nhập và phát triển du lịch, đóng góp một phần làm nên hình ảnh và thương hiệu của TP.

Như vậy phát triển cây xanh lưu niên trong công viên vườn hoa, trên các tuyến phố không chỉ còn tư duy đơn giản là cây xanh bóng mát hay cảnh quan mà phải đổi mới tư duy phát triển hệ thống cây lưu niên đô thị với những tầm chiến lược về phát triển thương hiệu thành phố, có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của môi trường.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội

Với cây xanh phải chăng cần áp dụng cả bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. Để bảo tồn tại chỗ cần có quy hoạch tổng thể với một số khu đặc thù như Vườn quốc gia Ba Vì, đồi rừng Sóc Sơn, Hương Sơn, Suối Hai, Đồng Mô, khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Thiết kế đô thị các tuyến đường chính trong nội đô. Hà Nội cần sớm nghiên cứu xác định cây xanh cổ thụ cần bảo tồn trong cả ranh giới TP. Để bảo tồn chuyển chỗ cần xác định rõ các vườn ươm, bảo quản các nguồn di truyền, trong vườn ươm, các trang trại, hộ gia đình.

Hà Nội cần tăng cường công tác chăm sóc, bảo dưỡng, cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu, đảm bảo yêu cầu mỹ quan, an toàn trong đô thị. Trong đó, cần xây dựng phong trào để các tổ dân phố, chính quyền cơ sở, các đoàn thể nhận việc, gắn với nâng cao ý thức cộng đồng. Bảo tồn, phát huy giá trị cây xanh, mặt nước cần được quy định là tiêu chí xét thi đua.

Ông Vũ Kiên Trung – Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội

Công tác phát triển hệ thống cây xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn có vị trí quan trọng trong sự phát triển hệ thống công viên cây xanh của Thủ đô. TP cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí gắn liền với công viên. Nhà nước cần phải quản lý công tác quy hoạch, thiết kế và bố trí trồng cây. Các công việc khác như: Gieo ươm, tạo cây giống, cung cấp nguồn cây, trồng, chăm sóc đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt có thể giao cho các doanh nghiệp thực hiện.

Trước tình hình một bộ phận người dân chưa hiểu hết giá trị của hệ thống công viên cây xanh đô thị, công tác tuyên truyền giáo dục cần được coi trọng. Hà Nội cần vận động toàn thể các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện trồng và bảo vệ cây xanh đô thị bằng những hành động việc làm thiết thực như chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình, trang trí nhà cửa nội thất, mặt tiền bằng các cây xanh, cây hoa, cây cảnh…

Hà Anh/BXD