KTS. Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc phải tiếp biến văn hóa, là hạt nhân của truyền thống mới
Từ đâu anh nghĩ ra một khái niệm nghe rất lạ: “Kiến trúc hạnh phúc”? Tôi tưởng chỉ con người mới có hạnh phúc?
Từ quá trình nghiên cứu về quan niệm hạnh phúc bền vững của đời người và các phạm trù tâm lý hạnh phúc, khoa tâm lý học đi đến luận điểm: Chỉ hành động có ý chí của con người, hướng thượng trong thời gian dài, như Bùi Xuân Phái cả đời vẽ phố hay Ngô Bảo Châu kiên định, mê say làm toán… mới tạo ra hạnh phúc bền vững. Những tác động ngoại cảnh như tăng lương, thăng chức, có nhà mới… chỉ mang lại hạnh phúc nhất thời.
Người ta đo được phần này chiếm khoảng 10-15%, 40% là các yếu tố thuộc về gene hầu như không thể thay đổi, 45% còn lại là hành động có chủ ý trong dài hạn – đây là yếu tố quyết định gia giảm hàm lượng hạnh phúc bền vững của đời người.
Soi chiếu vào nghề kiến trúc và đúc rút những trải nghiệm nhiều năm làm dự án cộng đồng, chúng tôi nhận ra chỉ có dấn thân song hành cam kết dài hạn, kiến trúc sư mới thấu hiểu bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa cụ thể từng địa phương, từ đấy tạo nền tảng sáng tạo những tác phẩm tiếp biến được các giá trị bản địa cốt lõi. Sau đấy người sử dụng và cộng đồng từng bước sẽ yêu thích, hạnh phúc trong vận hành công trình. Chúng tôi gọi đấy là “kiến trúc hạnh phúc 1+1>2” – Hợp trội giữa kiến trúc sư với các nguồn lực địa phương và tiếng nói cộng đồng lớn hơn tổng từng thành phần.
Kiến trúc hạnh phúc như anh nói có gì đặc biệt so với những quan niệm khác? Anh luôn đau đáu với những giá trị kiến trúc bản địa, phải chăng điều đó phản ánh rõ nhất diện mạo kiến trúc hạnh phúc?
Ngắn gọn thế này, kiến trúc hạnh phúc bền vững phải vì con người và bảo vệ sự đa dạng văn hóa, bảo vệ tương lai văn hóa. Toàn cầu hóa và thế giới phẳng mang chúng ta xích lại gần nhau hơn bao giờ hết nhưng đồng thời cũng đẩy người nghèo, những cộng đồng yếm thế ra xa.
Hai câu chuyện đó của thế giới, tôi thấy phản chiếu rõ nét ở Việt Nam.
Nhiều đô thị ở ta đã và đang mất đi sự đa dạng và cộng đồng thiểu số, nông thôn hầu hết không có kiến trúc sư chuyên nghiệp làm việc.
Các tổ chức nhà nước, xã hội có trách nhiệm tạo dựng đô thị, nông thôn lại quá nhiều việc ưu tiên. Những dự án lớn, tốc độ nhanh, giá thành rẻ, chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu chứ khó làm ra những khu định cư có văn hóa, bản sắc rõ nét.
Bản sắc, với những dự án như vậy là thứ “xa xỉ”.
“Với tôi, tạo dựng được nhiều kiến trúc ngạc nhiên bền vững là giàu to rồi. Người giàu nhất chưa chắc là người nhiều tiền nhất, mà là người sống hạnh phúc nhất.” KTS. Hoàng Thúc Hào
Song, những cộng đồng thiểu số, yếm thế lại nắm giữ trữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người. Hơn 50 dân tộc Việt với kiến trúc truyền thống độc đáo nhưng chưa có kiến trúc hiện đại xứng tầm.
Các đô thị như Hà Nội quá khứ từng có đặc sắc riêng song phần mới phát triển không có sắc thái. Hà Nội có hai điểm đặc trưng: Hệ thống mặt nước hồ, ao, sông và làng trong đô thị: Làng nông nghiệp, làng nghề, làng hoa… Diện tích Hà Nội nay đã tăng gấp ba, gấp bốn lần, không cớ gì tiếp tục xây nhà cao tầng trong nội đô.
Mặt khác, những triết lý, lý thuyết kiến trúc hầu hết xuất phát từ phương Tây và Mỹ, sau đó lan ra khắp thế giới. Kiến trúc sư phương Tây hiếm cơ hội làm việc cho người nghèo, thiểu số, đơn giản vì châu Âu, Mỹ đã là những quốc gia phát triển. Nhưng phương Tây không phải tất cả, thế giới còn đạo Hồi, Hindu, người Tầy, Nùng, Mường, Dao…
Kiến trúc sư những nước nghèo và đang phát triển thì khác, họ cần chủ động dấn thân giải quyết chuyện này. Nên trong triết lý, chúng tôi muốn đẩy vai trò kiến trúc sư lên đầu, sau mới đến chuyện phong cách ngôn ngữ kiến trúc, bởi không có kiến trúc sư như thế không thể giải quyết triệt để vấn đề.
Kiến trúc sư khi ý thức sâu sắc trách nhiệm nghề nghiệp sẽ luôn tư duy làm sao, bằng cách nào tri thức hàn lâm, hiện đại có thể tương tác với giá trị cốt lõi dân gian, sẽ kiến tạo những kiến trúc bảo vệ được đa dạng văn hóa nói chung và từng cộng đồng yếm thế nói riêng.
Công trình của người Dao ở Thanh Hóa phải khác công trình ở Tây Nguyên, cộng đồng ở Hà Nội khác TP.HCM. Khác về bối cảnh, vật liệu, phong tục tập quán, khác về hệ sinh thái… Quan trọng hơn, kiến trúc phải tiếp biến văn hóa, xứng đáng là hạt nhân của truyền thống mới, tôi gọi là “ngạc nhiên bền vững”. Và người sử dụng đương nhiên hạnh phúc, bởi vì người ta biết công trình đó của họ, có căn cước riêng, có lịch sử, có quá khứ, tương lai.
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ngạc nhiên là một trạng thái “rất lấy làm lạ, cảm thấy hoàn toàn bất ngờ với mình”, liệu có ổn không khi anh gắn vào sau hai chữ “bền vững” bởi kiến trúc nào rồi cũng sẽ quen mắt người ta…
Ngạc nhiên bền vững không phải lạ, sốc, tức thời. Tại sao Hồ Gươm, Hội An, Chùa Một Cột lại hấp dẫn ta như vậy? Và người dân ở đó vẫn sống tốt, hút khách du lịch, họ vẫn kiếm được tiền và không ngừng tự hào về cái họ có. Bởi, kiến trúc đã vì con người và văn hóa ngay khi nó được làm ra. Từ chuyện thông gió, tiết kiệm năng lượng, cách nhiệt… Giữa con người và kiến trúc rất thân thiện, không có những lai căng chen vào.
Trăm năm sau, tôi tin ông kiến trúc sư làm ra phố cổ Hội An đầu tiên, nay quay lại vẫn rất ngạc nhiên, bởi các thế hệ đã tiếp nối trên nguyên tắc khi xây mới vẫn tiếp tục phát huy hình thái gốc, vẫn tôn trọng khoảng cách, tỷ lệ, vật liệu, màu sắc gốc.
Đấy chính là “ngạc nhiên bền vững”, sinh ra từ quá trình vận hành và thụ hưởng công trình một cách có ý thức trong thời gian dài. Nó làm nên nội lực tự thân hùng mạnh của không gian kiến trúc và đô thị.
Báo chí gần đây liên tục phản ánh hiện tượng người giàu bán rẻ các căn hộ cao cấp để đi khỏi nơi mà lúc mua họ có niềm tin “sống như ở thiên đường”. Hiện tượng đó liệu có liên quan đến những điều anh vừa chia sẻ về kiến trúc hạnh phúc?
Đang phổ biến ở ta những căn hộ, khu đô thị bóng bẩy, nặng hình thức, tách biệt con người với thiên nhiên, chưa chạm đến nhân văn con người.
Dân trí, văn hóa, kinh tế Việt chưa thể bằng Pháp hay Na Uy… nên được cái nhà như vậy người ta sướng lắm rồi. Nhưng đó chưa phải kiến trúc đích thực. Khi kiến trúc sư không ý thức được bản sắc của Hà Nội, Sài Gòn, không nêu cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp sẽ dễ thấy những khu đô thị nửa Paris, nửa Dubai là hình mẫu lý tưởng cho Việt Nam.
Tại sao Hồ Gươm hôm nay vẫn không ngừng hấp dẫn? Tại sao công trình nhỏ như Chùa Một Cột đến khổng lồ như Kim Tự Tháp qua bao đổi thay chế độ, tôn giáo, mà người ta không chối bỏ? Hay những công trình này ngầm chứa sức mạnh biểu tượng to lớn, kết tinh qua thời gian thành nội lực phi thường?
Tức là phải khiến người sử dụng có cảm giác về nơi chốn, về ký ức ngay chính trong ngôi nhà – công trình của họ, mới giúp họ cảm thấy hạnh phúc?
Truyền tải tinh thần nơi chốn và các yếu tố văn hóa, cái này do chuyên môn, kiến trúc sư kiến tạo. Xã hội cần kiến trúc sư hạnh phúc chính là vậy. Khi có ông kiến trúc sư hạnh phúc làm ra công trình ngạc nhiên bền vững, toát lên tinh thần nơi chốn thì chắc chắn người sống trong đó sẽ dần cảm thấy hạnh phúc.
Thời nào cũng thế, những hạn chế thẩm mỹ, những công trình chủ yếu đáp ứng thương mại, nhu cầu số đông bao giờ cũng chiếm tỷ lệ lớn so với những đồ đặc sản hay handmade. Trừ những nước văn minh cao chúng ta tìm kiến trúc xấu của họ rất khó, như Paris, Ý hay Bắc Âu… Bởi họ sở hữu cả một nền kiến trúc ngạc nhiên bền vững qua nhiều thế kỷ. Hay nói cách khác, xã hội ở đó có một ý thức ngạc nhiên bền vững.
Ai làm nghề chắc hẳn cũng có khát vọng thực hiện những điều tử tế nhưng bên cạnh là chuyện “cơm áo gạo tiền”. Có bao giờ anh gặp những chủ đầu tư muốn thỏa hiệp với anh bằng thật nhiều tiền để có thiết kế mang tên Hoàng Thúc Hào theo ý họ muốn?
Chúng tôi tránh để rơi vào tình cảnh này. Thuyết phục không được thì từ chối ngay cho khỏi mất thời gian. Làm sao có thể nói chuyện về văn hóa kiến trúc, về ngạc nhiên bền vững với những người thuần túy thương mại hóa kiến trúc?
Với tôi, tạo dựng được nhiều kiến trúc ngạc nhiên bền vững là giàu to rồi. Người giàu nhất chưa chắc là người nhiều tiền nhất, mà là người sống hạnh phúc nhất.
Hầu hết khách hàng tự tìm đến văn phòng chúng tôi. Họ nghe chúng tôi tư vấn 70-80%, có người nghe 90-100%, giao toàn quyền thiết kế. Đặc biệt, những người trẻ khoảng 35- 45 tuổi tin chúng tôi triệt để hơn, bởi họ va chạm với thế giới toàn cầu, dễ tiếp nhận những giá trị mới.
Sau các cụm công trình xã hội, cộng đồng được nhiều giải thưởng quốc tế. Anh hiện đang theo đuổi điều gì?
Chúng tôi đang làm một số công trình ở ngoại ô Hà Nội, Xuân Mai…, làm ra những làng biệt thự bằng gạch đất, kế thừa mô hình làng Việt xưa. Nhà vẫn có khung cột bê tông, nhưng xây tường gạch đất, trồng mít, khóm tre, có ao…
Có dự án cao tầng tại trung tâm Hà Nội, chúng tôi quan niệm như ngôi làng treo trên cao, tạo đường dạo ngoằn ngoèo như đường làng, có rặng thông, vườn bưởi… chim muông bay về. Đây là nhà đại gia, nhưng tôi đã thuyết phục họ tôn trọng ý tưởng và kết quả xuất hiện một ốc đảo xanh giữa ngã 6 đô thị tấp nập.
Nếu Hà Nội có khoảng vài chục nhà như vậy, tình hình có lẽ khả quan hơn…
Văn phòng kiến trúc của chúng tôi cũng đang thiết kế chợ thủ công mỹ nghệ và trưng bày gốm Bát Tràng.
Với 3.300m2 đất quay ra sông Bắc Hưng Hải, chúng tôi lấy cảm hứng từ những bàn xoay gốm của thợ thủ công, xoay thành những cái lọ méo, 7 khối trụ kiểu bàn xoay đấu vào nhau thành không gian chợ và bảo tàng gốm Bát Tràng. Hy vọng hai tháng nữa khởi công.
Thực hiện: Hải Khanh.
Ảnh: Wechoice, Xuân Sơn
Nguồn: Người đô thị