02/07/2021

KTS Hồ Thiệu Trị – Hà Nội là duyên nợ trong tôi

(Chùm bài giới thiệu về KTS ASEAN Việt Nam) Là một con người Nam Bộ nhưng KTS Hồ Thiệu Trị luôn coi Hà Nội chính là quê hương của mình. Từ bỏ nước Pháp với một công việc ổn định và vững chắc, ông trở về quê hương dựng lại sự nghiệp trên mảnh đất mà ông có ấn tượng vô cùng sâu sắc, bằng tài năng và kinh nghiệm tích lũy ông đã tạo ra nhiều công trình độc đáo cho kiến trúc Việt Nam khắp 3 miền.

Chân dung kiến trúc sư gạo cội Hồ Thiệu Trị

Tiểu sử

KTS Hồ Thiệu Trị sinh năm 1945 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Sau khi tốt nghiệp trường đại học kiến trúc Sài Gòn, năm 1974, ông sang Pháp và nhập quốc tịch tại đây. Tại đây ông đã học thêm về chuyên môn kiến trúc tại Paris, cũng trong thời gian này Hồ Thiệu Trị trở thành thành viên chính thức của Hội KTS Pháp (năm 1979), đồng thời là KTS quy hoạch (Mỹ, năm 1984).

Trong suốt thời gian sống và làm việc tại Pháp ông từng làm việc tại văn phòng của KTS DEVINOY, tham gia thiết kế nhiều công trình, trụ sở làm việc, trung tâm thương mại, bệnh viện và các công trình văn hóa công cộng, sau đó hợp tác và là thành viên của công ty Architecture tại Paris của KTS Claude Costantini và KTS Michel Regembal-tác giả của sân vận động Stade de France nổi tiếng.

“Hà Nội là quê hương, là duyên nợ trong tôi. Tôi không thể xa Hà Nội. Tôi sẽ định cư tại Hà Nội”

Các công trình nổi tiếng mà KTS Hồ Thiệu Trị đã thực hiện tại Pháp cũng như các nước châu Âu:

1994-1996: Thiết kế tòa nhà Hiệp hội các ông chủ vùng Loiret (Orleans, Loiret)

1994-1997: Sân vận động quốc gia Pháp Seine-Saint-Denis với sức chứa 80000 chỗ ngồi và tham gia dự án đấu thầu Sân vận động KOLN (Cologne, Đức)

1994-1998: Trúng thầu dự án Khu 50 căn hộ HLM và nhà vườn (Paris)

1997: Nhà hát-Phòng hòa nhạc Zenith de Clermont-Ferrand 8.000 chỗ ngồi

1997-1999: Thiết kế trung tâm nghe nhìn Beaugency

1998: Trung tâm nghe nhìn Narbonne và trúng thầu dự án Sân thể thao và đỗ xe 4.800m2 tại Yyelines

1998-2001: Trúng thầu dự án khu căn hộ Pla và căn hộ cứu trợ xã hội (Seine Saint-Denis)

1999: Tòa nhà văn phòng Grimbergen (Bruxulles, Bỉ) diện tích 33.000m2

Dự án trung tâm thương mại và văn phòng khách sạn tại Kerepesi, Budapest, Hungari với tổng diện tích 200000m2

Trung tâm thương mại Tongres (Bỉ)

Dự án Sảnh lễ tân lớn khu Auverghe et Zenith

2000: Tham gia dự án đấu thầu sân vận động Frankfurt (Đức) 55000 chỗ ngồi (đạt giải Nhì)

Tham gia thiết kế Khu liên hợp thể thao Olympic Bắc Kinh 2008

2001: Công trình cải tạo bảo tàng lịch sử văn hóa Polonaise (Paris)

Bản quy hoạch Trung tâm thành phố Saint Georges 30ha.

Các giải thưởng ông đã dành được tại Pháp:

Giải thưởng Thước kẻ Bạc

Giải thưởng về kiến trúc khu vực vùng

Giải thưởng kiến trúc đặc biệt kiến trúc Quốc tế cho công trình sân vận động Stade de France.

Duyên nợ với quê hương

Cuối năm 1994, sau khi hoàn thành chuyến công tác tại Thượng Hải, trên đường về Pháp trong lúc ngồi tại phòng đợi máy bay cất cánh ở Hongkong, KTS Hồ Thiệu Trị thấy trên màn hình vô tuyến quảng cáo về du lịch Hạ Long-Quảng Ninh. Nảy ý định quay về thăm lại quê hương, ông đã đổi vé quay trở lại Việt Nam sau gần 20 năm xa cách. Ông chia sẻ: “Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng tôi đến với Hà Nội như mối lương duyên có sẵn trong tiềm thức. Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội vào năm 1979, tham gia phương án xây dựng bảo tàng Hồ Chí Minh. Chuyến đi rất ngắn ngủi chỉ khoảng vài ngày và phải làm việc hết sức gấp rút nên tôi không có thời gian tiếp xúc với người Hà Nội, không được thưởng thức không khí ở Hà Nội nên cảm nhận về thủ đô rất mờ nhạt. Năm 1989, tôi lại có dịp được về Hà Nội và có dịp đi thăm một số nơi tại thủ đô. Hà Nội để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp, khác hẳn một số thành phố lớn trên thế giới mà tôi đã đến như Washington, Paris,…Hà Nội có vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng bởi đây là một bức tranh sơn thủy hữu tình, có hồ, có cây xanh, khu phố cổ, ngoài đường nhiều bức tường đóng rêu, mái nhà ngói cũ kỹ nhưng lại rất đẹp,.. một đặc điểm tôi vô cùng yêu thích trong sự “sắp đặt” của tạo hóa mà không phải vùng đất nào, thủ đô nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như vậy. Chúng trở thành nét điểm xuyết cho Hà Nội, tạo nên một không gian thanh bình, êm ả cho người dạo bước trên phố, tạo nên vẻ rất riêng cho thủ đô. Cùng với đó là những khu biệt thự, hành chính mang dáng dấp, kiến trúc cổ của khắp mọi miền nước Pháp, đặc biệt là ở khu vực Ba Đình và Hoàn Kiếm. Mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc riêng. Với một kiến trúc sư có chút tâm hồn nghệ sĩ, phong cảnh Hà Nội thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi. Sau chuyến đi này Hà Nội đã ngự trị trong tâm trí tôi, luôn thôi thúc, vẫy gọi tôi trở về Hà Nội”.

Kiến trúc Hà Nội là sự tổng hòa giữa nét cổ kính và hiện đại

Dự án tu bổ Nhà hát lớn Hà Nội – “Công trình vĩ đại nhất đời tôi”

Nhận lời mời của KTS Hoàng Đạo Kính, một người uy tín, tên tuổi trong giới kiến trúc của Việt Nam, đồng thời là một người giữ trọng trách ở dự án tu bổ, cải tạo Nhà hát Lớn Hà Nội lúc đó, ông quyết định quay về quê hương. Trước khi về Việt Nam, ông đã đi tới Viện lưu trữ Đông Dương, tại tỉnh Aixen Provence cách thủ đô Paris hơn 800km để tìm tài liệu về Nhà hát Lớn mà Pháp đã xây dựng trước đây để làm tài liệu phục vụ cho dự án thiết kế của mình.

Nói về lần đầu tiên đi thăm Nhà hát Lớn, KTS chia sẻ: “Đây là nơi đầu tiên tôi đến khi đi thăm Hà Nội. Trong cuộc đời kiến trúc sư của mình, dù đã được chiêm ngưỡng nhiều kiệt tác kiến trúc thế giới nhưng khi đứng trước Nhà hát lớn Hà Nội tôi vẫn bị hút rất mạnh bởi vẻ tinh tế đến từng chi tiết của nó. Không có gì thừa cũng không có gì thiếu trong nghệ thuật kiến trúc ấy. Một sự hoàn hảo tuyệt mỹ có thể sánh ngang với nhà hát Opera ở Paris. Nhưng công trình kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội lại bị xuống cấp trầm trọng, chân tường phủ đầy rêu phong, mái ngói có chỗ phải lợp tôn. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, đã hơn 80 năm thăng trầm với thời gian”.

“Mất hai năm dưới sự giám sát của tôi và bàn tay khéo léo của khoảng 100 nhân công, đến năm 1997 công trình cải tạo Nhà hát Lớn Hà Nội hoàn thành, đối với tôi đây là một công trình vĩ đại nhất trong đời. Tôi đã làm không chỉ đơn giản là lời hứa với người bạn, mà đó còn là một trách nhiệm, nghĩa vụ đối với quê hương và tình yêu Hà Nội trong trái tim tôi”.

Sau công trình này, KTS Hồ Thiệu Trị đã được nhận Giải thưởng Kiến trúc Việt Nam do Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.

Khởi nghiệp ở Việt Nam…

Những ngày khởi đầu công việc tại Việt Nam của KTS Hồ Thiệu Trị gặp vô vàn khó khăn: môi trường mới, công việc mới… khiến ông không khỏi cảm thấy lạc lõng và bỡ ngỡ. Và thất bại cũng đã đến. Đó là khi phương án dự thi của ông trúng tuyển nhưng rồi lại bị loại một cách không rõ ràng trong cuộc thi thiết kế sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Phương án của Costantini- Regembal – Hồ Thiệu Trị được tất cả đồng nghiệp, đối thủ tâm đắc nhưng vẫn bị thua vì những lý do ngoài kiến trúc… Với kinh nghiệm hơn 20 năm sống và làm việc tại Pháp, đã từng gắn bó tại các văn phòng kiến trúc sư nổi tiếng với các công trình tầm cỡ ở một số nước tiên tiến (Công ty CR Architecture, văn phòng KTS DEVINOY), đến giờ ông vẫn chưa quên cái cảm giác khi biết mình thất bại.

Tuy nhiên, quãng thời gian ông về Việt Nam không chỉ có chuyện thất bại. Với ông, “cái được cũng nhiều”. Sự thay đổi hiển hiện theo từng năm… Và ông tin rằng mình đã đi đúng hướng.

Tuy nhiên bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, cộng thêm thành công của dự án Nhà hát Lớn Hà Nội, ông dần khẳng định được chỗ đứng vững chắc của mình. Những năm tiếp sau đó, ông được mời tham gia hàng trăm công trình lớn, nhỏ khắp 3 miền đất nước và nhận được nhiều giải thưởng như giải A phương án thiết kế Nhà Quốc hội và Quảng trường Ba Đình mới, giải 3 cuộc thi phương án thiết kế Trụ sở Tổng công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội Transerco trên đường Kim Mã,…. Lần đầu tiên đến Hà Nội năm 1989, và bắt đầu làm việc tại Hà Nội từ cuối 1994 cho đến nay, KTS. Hồ Thiệu Trị đã chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô cả trên phương diện kiến trúc và kinh tế – xã hội.

Dự án tòa nhà Quốc hội

Bản thiết kế sân vận động quốc gia Mỹ Đình

Ông cũng chứng tỏ khả năng của mình bằng việc thành lập HTT Group gồm ba công ty thành viên là Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và Cộng sự (thành lập năm 2002 tại Hà Nội); Công ty TNHH Kiến trúc và Đầu tư Hồ Thiệu và Trung (thành lập năm 2007 tại TP. Hồ Chí Minh) và Công ty CP HTT Sáng tạo (thành lập năm 2005 tại Hà Nội).

HTT Group hiện có hơn 100 kiến trúc sư và các nhà thiết kế tài năng và kinh nghiệm đang làm việc, rất tự hào được thực hiện những dự án với quy mô lớn, chứng minh sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tên tuổi của Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và là sự đóng góp của công ty vào sự phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Sự thành công của HTT Group tại Việt Nam là khả năng kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa của những kinh nghiệm trong thiết kế quốc tế cùng với những am hiểu và cảm nhận của kiến trúc sư về lối sống, về văn hóa Việt Nam và cuộc sống ở nơi đây.

Tài năng và những đóng góp đặc biệt tại Việt Nam đã mang tới cho Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và HTT Group nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó Giải thưởng Vinh danh Nước Việt. HTT Group cũng đã nhiều lần được trao tặng Giải thưởng Top Ten BCI dành cho các công ty thiết kế hàng đầu tại Việt Nam.

Không chỉ để lại nhiều ấn tượng qua những công trình kiến trúc ở châu Âu KTS Hồ Thiệu Trị còn góp phần mang đến làn gió mới cho kiến trúc Việt Nam

2000: Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia (Láng Hạ, Hà Nội)

2001: Khu biệt thự cao cấp Hồ Tây (Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội)

Cao ốc Văn phòng 21 tầng Bitexco (Q1, Tp. Hồ Chí Minh)

2002: Trung tâm Ngôn ngữ Văn minh Pháp L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội)

Khách sạn 5 sao Tân Hoàng Cung (Huế)

Resort Mỹ Cảnh – Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình)

2003: Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh (Hạ Long, Quảng Ninh)

Khu du lịch sinh thái Giang Điền 30 ha (Đồng Nai)

2004: Nhà hỗn hợp cao tầng ở & làm việc 21 tầng Lilama (124 Minh Khai, HN)

Khách sạn Zephir (4-6 Bà Triệu, Hà Nội)

Nhà câu lạc bộ Sân gôn Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

Quy hoạch Khu đô thị mới Nam thị xã Vĩnh Yên 1300 ha (Vĩnh Phúc)

Quy hoạch Khu đô thị mới Đại Phước 464 ha (Đồng Nai)

Quy hoạch Khu đô thị mới Nhơn Phước 201 ha (Đồng Nai)

Trụ sở làm việc Tỉnh uỷ Kiên Giang

Trung tâm Kinh doanh đồng bộ 3 chức năng Toyota Mỹ Đình (Mỹ Đình)

Cao ốc văn phòng 10 tầng (63 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1, Tp. HCM)

Cao ốc văn phòng 15 tầng (10 Công trường Quốc tế, Q1, Tp. HCM)

2007: Cao ốc văn phòng FPT 27 tầng nổi, 5 tầng hầm (89 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội)

Thuan Nguyen/DesignS