“Kinh doanh” tâm linh: Nhập nhèm công trình thương mại – địa điểm tâm linh
Theo KTS. Trần Huy Ánh, nhiều quốc gia phân định rất rõ ràng giữa địa điểm phục vụ mục đích tu hành và địa điểm phục vụ du khách hành hương vãn cảnh, không hề có sự lập lờ như tại nhiều địa điểm tâm linh ở Việt Nam. Để rồi, dẫn tới thực trạng “Tiền lễ đặt tại các ban thờ, dưới chân tượng Phật cuối cùng được chuyển phần lớn cho chủ đầu tư?”.
Nhập nhèm giữa công trình thương mại và địa điểm tâm linh
Mỗi dịp đầu năm mới, xã hội lại nổi lên câu chuyện tâm linh và các vấn đề xung quanh chuyện này. Những công trình mang tính chất tâm linh được đầu tư nghìn tỷ, rộng hàng nghìn héc-ta đang có dấu hiệu thương mại hoá. Hoạt động kinh doanh dịch vụ tâm linh dần trở thành một mảnh đất đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp đầu tư.
Theo KTS Trần Huy Ánh, nhiều quốc gia phân định rất rõ ràng giữa địa điểm phục vụ mục đích tu hành và địa điểm phục vụ du khách hành hương vãn cảnh.
“Không hề có sự lập lờ như tại nhiều địa điểm tâm linh ở Việt Nam. Tiền lễ đặt tại các ban thờ, dưới chân tượng Phật cuối cùng được chuyển cho chủ đầu tư hay giữ lại để cúng dường, tu bổ, tôn tạo chùa? Ngoài ra, phải phân định rõ giữa một bên là công trình thương mại và địa điểm văn hóa, lịch sử, tâm linh. Người dân tới cúng bái, dâng lễ để ký thác niềm tin chứ đâu phải trả tiền dịch vụ. Nếu là công trình thương mại, vì sao lực lượng chức năng, chính quyền địa phương lại xuất hiện ở đó? Vì sao chủ đầu tư không treo biển Công ty TNHH?”, ông Ánh đặt câu hỏi.
Từ đây, ông Ánh cho rằng, ngành văn hóa phải định nghĩa chính xác, từ đó, có cách ứng xử phù hợp với các lễ hội nói chung.
Nhà sư cũng phải khai báo thu nhập, nộp thuế
Chia sẻ về hoạt động tâm linh ở một số quốc gia ông đã từng sinh sống, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chính quyền các cấp không can thiệp vào các hoạt động mang tính chất tôn giáo do ý thức của con người ở các nước văn minh rất tốt, không sa đà vào hoạt động mê tín dị đoan.
Theo ông Hiếu, trong khi ở Việt Nam, chính quyền địa phương thường giao đất cho một đoàn thể tôn giáo để xây dựng địa điểm sinh hoạt tâm linh thì ở các quốc gia văn minh, một tổ chức tôn giáo muốn xây dựng chùa, nhà thờ đều phải bỏ tiền mua đất.
“Ở miền Nam bang California, khi xây dựng chùa Hsi Lai, nhà chùa chủ động quyên góp kinh phí từ các đạo hữu, đoàn thể Phật giáo địa phương và sử dụng số tiền quyên góp để xây dựng chùa, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền”, ông Hiếu nói.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Trí Hiếu, KTS Trần Huy Ánh nói: “Ở San Jose, Mỹ, các chùa được thành lập và hoạt động giống như doanh nghiệp, các nhà sư phải đóng thuế, mọi hoạt động liên quan tới kinh tế đều phải khai báo. Thậm chí, các chú tiểu trong chùa được coi là người lao động, được đóng bảo hiểm, thu nhập được xác định rõ ràng.
Mọi hoạt động có thu dưới dạng lớp học, dịch vụ tôn giáo, món ăn của người Việt được bán ở chùa đều được giám sát. Còn các khoản tiền đóng góp, sử dụng phục vụ cộng đồng sẽ được chính quyền xem xét miễn thuế”.
Dưới góc độ pháp lý, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhìn nhận, ở nhiều quốc gia, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là tài sản chung của dân tộc, vậy nên, không thể kinh doanh, bán vé như nhiều di tích tại Việt Nam.
“Việc cấp đất làm dự án phải qua đấu thầu, mua bán. Chủ đầu tư mua được giá rẻ có thể kinh doanh kiếm lời, nhưng nếu mua đắt phải chậm nhận thua lỗ, không hề có chuyện mập mờ, đất đai thuộc sở hữu chung, nhưng cuối cùng bên giao đất và xin đất lại bắt tay tư túi”, LS. Trương Thanh Đức đề xuất.
Dẫn chứng trường hợp chùa Phúc Khánh (Hà Nội), ông Đức phân tích: “Thu nhiều như vậy không thể nào đút túi được. Như vậy là hoạt động kinh doanh. Còn trường hợp phân loại các tổ chức tôn giáo dưới hình thức doanh nghiệp xã hội, coi việc họ thu tiền để phục vụ xã hội lại rất tốt. Lúc đó, nhà chùa thu được càng nhiều tiền càng tốt bởi số tiền này sau đó sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện, giúp đỡ cộng đồng. Mọi người đều thấy số tiền đóng góp của mình có ý nghĩa và cảm thấy vui vẻ”.
P.V/Dân Việt