15/12/2016

Kiến trúc sư Nguyễn Nga: Bảo tồn cầu Long Biên như một di sản

Giới kiến trúc, xây dựng và văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội biết đến tên kiến trúc sư Nguyễn Nga với dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên, cũng như Ngôi nhà nghệ thuật. Mọi người trìu mến gọi nữ Việt kiều Pháp này là “Bà Nga cầu Long Biên”. NCĐT đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư tài năng này về những ý tưởng táo bạo của chị.

Dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên có ý nghĩa về văn hóa, giáo dục đã rõ. Nhưng theo chị, dự án sau khi hoàn thành có đem lại nhiều lợi ích gì về kinh tế hay không? 

Dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên và khu vực liên quan do tôi đề xuất gồm 5 hạng mục. Trước hết, dự án cải tạo cầu Long Biên thành cầu đi bộ và Bảo tàng ký ức thế kỷ XX. Sau khi khôi phục cầu nguyên trạng ban đầu với 19 nhịp dầm thép, khung cầu sẽ được phủ bằng vật liệu trong để vẫn giữ đúng dáng cầu, mà tạo ra được không gian 12.500m2 để trưng bày ký ức 3 cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng hiện vật và các loại hình nghệ thuật đặc sắc.

Hai bên thành cầu được nới rộng hơn để tạo thêm không gian đi bộ với nghệ thuật chiếu sáng và các hoạt động đường phố. Đoạn qua sông sẽ được nâng cao 3m để tàu thuyền qua lại dễ dàng. Cầu chỉ sử dụng năng lượng xanh từ mặt trời, gió và nước sông Hồng.

Đó sẽ là điểm du lịch độc đáo dài 2.000m, tựa con rồng Thăng Long khổng lồ long lanh, nối dài phố cổ, ngang giữa trời và nước sông Hồng, sẽ là điểm du lịch lịch sử của Việt Nam và thế giới, nhằm đón hàng triệu khách du lịch tới Thủ đô.

Điểm nhấn thứ 2 là Phố nghề nghệ thuật. Trong đó, 130 vòm cầu cạn đang bịt kín sẽ được mở ra làm 130 cửa hiệu giới thiệu 100 làng nghề Việt Nam và 30 làng nghề quốc tế. Nơi đây sẽ bày bán, đào tạo, thiết kế kiểu mẫu và ký hợp đồng cho các làng nghề Việt Nam, tạo sức bật cho giá trị hợp đồng quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cho cả nước. Nằm trên 130 vòm cầu cạn  là một vườn treo nối cầu Long Biên đến ga Hàng Cỏ, cho phép du khách dạo chơi an toàn trên cao giữa hoa cỏ và có một góc nhìn đặc biệt về Thành phố.

Thứ 3 là bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành Công viên Trung tâm (Centre Park). Đây sẽ trở thành lá phổi của Thành phố, nơi dạo chơi của người dân và khách du lịch, hoặc tổ chức những sự kiện lớn quốc tế. Tại đây cũng có một bảo tàng nông nghiệp quốc gia, một trường thiết kế cảnh quan, một khu nuôi tằm, dệt lụa, khu biểu diễn nhạc ngoài trời… những điểm nhấn có bán vé thu tiền.

Hạng mục thứ 4 là Tháp Sen, một bảo tàng nghệ thuật đương đại và cũng là tác phẩm biểu tượng quốc hoa Việt Nam. Chín tầng Tháp Sen trở thành nơi triển lãm nghệ thuật đương đại, triển lãm công nghệ cao, thư viện, phòng hòa nhạc, cũng là điểm cao nhất (như tháp Eiffel) để có được tầm nhìn toàn diện Hà Nội, cầu Long Biên, sông Hồng cũng như Gia Lâm. Nơi có kính viễn vọng để quan sát thiên văn.

Hạng mục thứ 5 là bảo tàng cổ vật Việt Nam trong tháp nước Hàng Đậu, cho phép giữ nguyên hiện trạng tháp nước, chỉ cải tạo lại mái trong để đưa ánh sáng vào. Chúng ta sẽ khuyến khích trưng bày các bộ sưu tập tư nhân theo chủ đề, theo niên đại. Qua đó, bảo tàng sẽ là điểm nhấn cho du khách hiểu biết hơn về văn hóa cội nguồn dân tộc, có cửa hàng bán phiên bản cổ vật nhằm quảng bá văn hóa, có điểm dừng chân trên mái uống cà phê. Dự án này hoàn toàn xã hội hóa, đầu tư ít nhưng doanh thu sẽ không nhỏ.

Qua các hạng mục này có thể thấy giá trị kinh tế mang lại là không hề nhỏ khi đánh thức được rất nhiều tiềm năng, dịch vụ du lịch, làng nghề…

Kien truc su Nguyen Nga: Bao ton cau Long Bien nhu mot di san
Kiến trúc sư Nguyễn Nga

Nhiều người cho rằng dự án chưa thể triển khai được vì chưa có cầu đường sắt thay cho đường sắt qua cầu Long Biên. Trong khi đó, không giải quyết được lưu lượng giao thông hiện tại.

Eiffage là tập đoàn đứng đầu thế giới về cầu thép (đã làm tháp Eiffel và là công ty mẹ của Dayde & Pille) đã nghiên cứu kỹ và có phương án để sửa ngay khi chưa có cầu đường sắt mới thay thế. Sửa phần móng, trụ chỉ gián đoạn 24-48 tiếng để thao tác kỹ thuật. Khi đặt đúc xong các nhịp cầu thay thế và khi cây cầu đường sắt mới được triển khai (cạnh cầu 75m), chúng tôi sẽ cẩu cầu Long Biên lên cao 3m ở đoạn qua sông và lắp số dầm thép mới đúc vào. Tổng thể thời gian cải tạo cầu Long Biên chỉ từ 2,5-3 năm.

Giải pháp thi công trên cao có khả thi không, thưa chị?

Cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã cùng người Việt Nam xây cầu Long Biên, cây cầu thuộc loại phức tạp nhất thế giới thời bấy giờ chỉ trong 3 năm 9 tháng. Năm 2004, Công ty Eiffage đã xây xong cầu Viaduc de Millau, cây cầu vượt mọi kỷ lục thế giới: dài 2.460m, chỗ cao nhất 343m, thời gian thực hiện 38 tháng với hình thức đối tác công – tư (PPP), đầu tư 524 triệu USD và được thu phí khai thác 75 năm. Công trình này đã không có một tai nạn nào dù nhỏ xảy ra. Vì vậy, việc giao cho Eiffage cải tạo cầu Long Biên là vô cùng an toàn và hợp lý.

Có thông tin Pháp đã giúp 1 triệu EUR để nghiên cứu và hứa giúp 60 triệu EUR để cải tạo cây cầu từ 10 năm trước. Chị có thể cho biết rõ về thông tin này?

Pháp đã chốt số tiền hỗ trợ ODA 60 triệu EUR cho dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên và chờ một phương án phù hợp được đề xuất chính thức từ phía Việt Nam từ hơn 10 năm nay nhưng chưa nhận được.

Hiện nay, chúng tôi đang trình dự án lên Chính phủ để xin được làm theo phương thức PPP. Chúng tôi đã có đối tác tiềm năng và có thể đầu tư 100% vào các hạng mục của dự án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự bền vững vài trăm năm của công trình cầu Long Biên và vì quan hệ đặc biệt chiến lược cũng như văn hóa giữa Pháp và Việt Nam, chúng tôi mong muốn Pháp tài trợ không hoàn lại phần thiết kế, kỹ thuật và đúc các dầm thép cho cầu thông qua Tập đoàn Eiffage. Như vậy mới bảo đảm mọi tiêu chí kỹ thuật cũng như tiến độ thi công.

Dự án này cho đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chị có đề xuất gì không?

Tôi đã bỏ 9 năm và nghĩ rằng mình đã làm được đến 90% công việc, 10% còn lại là đoạn nguy hiểm nhất vì mình rất dễ rơi vào sự mệt mỏi và nản chí. Cách đây 8 năm, khi tôi đề xướng trong dự án Tuyến phố đi bộ nối Nhà hát Lớn đến cầu Long Biên, dự án này từng bị mọi người nói là “điên rồ” và cho rằng sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Thực tế, Hà Nội đã thử nghiệm và thành công rực rỡ.

Tôi đã được trình bày dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên và khu vực liên quan trước Chính phủ và các sở, ban, ngành vào tháng 6.2015 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Để dự án sớm được triển khai, tôi mong được chính quyền Hà Nội và Thủ tướng duyệt chủ trương và cho phép chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và thực hiện dự án, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội và xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng danh là Thành phố vì hòa bình như UNESCO đã công nhận.

Minh Duy/Nhipcaudautu