Kiến trúc nhà ở nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu
(KTVN) – Vấn đề sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc trong những năm qua thường xuyên xảy ra và không hề suy giảm do tác động của biến đổi khí hậu, phát triển đô thị và các tác nhân từ con người. Vậy đâu là biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực này. Ths.KTS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Viện Nhà ở và công trình công cộng, Viện Kiến trúc Quốc gia đã có những chia sẻ với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam về những định hướng, giải pháp kiến trúc để xây dựng nhà ở nông thôn vùng miền núi phía Bắc an toàn. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Cần có định hướng về sự biến đổi trong kiến trúc nhà sàn truyền thống
Theo Ths.KTS Nguyễn Minh Đức, kiến trúc nhà ở miền núi phía Bắc có sự khác biệt theo từng dân tộc. Các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc thường sống trong những ngôi nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất, kết cấu và vật liệu xây dựng còn rất thô sơ dựa vào vật liệu địa phương.
Nhà ở dân tộc Kinh chủ yếu phân bố tại các vùng đồng bằng miền Bắc đã có nhiều thay đổi so với ngôi nhà truyền thống. Mặt bằng công năng được bố trí linh hoạt, thay đổi theo nghề sản xuất tại gia. Mỗi dân tộc đều có những cách sáng tạo xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức mặt bằng sinh hoạt khác nhau, đặc trưng cho nền văn hóa, khí hậu, địa hình, thói quen cạnh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Nhưng do giao thoa về văn hóa, tiếng nói, chữ viết nên nhiều dân tộc cũng có cách tổ chức không gian nhà ở tương đối giống nhau hoặc trên cơ sở khai thác kinh nghiệm của tộc người khác để sáng tạo không gian nhà ở cho tộc mình.
Căn cứ vào hình dáng bên ngoài cũng như tổ chức mặt bằng sinh hoạt bên trong ngôi nhà ở dân gian, vào vật liệu sử dụng và cách thức sử dụng trong kết cấu xây dựng, có thể phân thành 05 nhóm nhà ở dân gian truyền thống: nhà sàn dài, nhà sàn ngắn, nhà sàn kết hợp với nhà trệt, nhà trệt kiểu pháo đài và nhà trệt.
Về ưu điểm đối với kiến trúc nhà thuộc khu vực miền núi phía Bắc, hiện nay, đa số ngôi nhà các dân tộc đều sử dụng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ từ tự nhiên. Những ngôi nhà này nằm giữa đại ngàn lộng thoáng có các giải pháp khai thác nguồn năng lượng tự nhiên như chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên qua hệ cửa mở hợp lý; thắp sáng từ các loại dầu thực vật; bếp lửa được đốt bằng các loại cây, lá rừng vừa lấy ánh sáng, vừa sưởi ấm và đun nấu thức ăn.
Bên cạnh đó, các dân tộc miền núi phía Bắc xem nguồn nước là 1 trong 3 yếu tố chính để chọn nơi định cư. Do đó, việc sử dụng hợp lý nguồn nước tự nhiên hoặc khai thác tại chỗ trong sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một nét đặc sắc.
Những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc trong thực tế đã tạo ra được một tiện nghi sống khá tốt cho người dân. Nếu lấy theo yêu cầu cao cấp của người Kinh để so sánh thì rất vô cùng nhưng chính cách sống giản dị và thiết thực của người dân tộc cũng là một cách sống xanh.
Những ngôi nhà truyền thống dân tộc với cách xây dựng và khai thác hoàn toàn tự nhiên nên “khó tìm ra một nguồn phát thải khí các bon thực sự”. Khác với lối sống phồn hoa đô thị, mỗi người trung bình mỗi ngày thải ra khoảng 2kg rác thải các loại. Có thể thấy người dân tộc với lối sống giản dị trong ngôi nhà bình hòa với thiên nhiên lượng rác thải ra chưa bằng 40% của người Kinh.
Tuy nhiên, có thời kỳ ngôi nhà dân tộc khi xây dựng đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh thái tự nhiên do khai thác rừng bừa bãi, đốt nương làm rẫy, đào bạt đồi núi.
Về nhược điểm và hạn chế trong kiến trúc nhà ở vùng miền núi phía Bắc trong điều kiện biến đổi khí hậu, sử dụng các cấu kiện bê tông thay thế dần khung gỗ là một ứng xử phù hợp, tất yếu do điều kiện tự nhiên đã thay đổi. Sử dụng mái dốc vẫn được duy trì, đã cơ bản giữ được hình thái mái truyền thống. Tuy nhiên việc sử dụng các vật liệu mới bền, rẻ chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cách nhiệt, chống ồn. Rất cần có các giải pháp kiến trúc và sử dụng vật liệu phù hợp hơn.
Xu hướng tách bếp ra khỏi nhà chính, có thêm các chức năng như bàn ghế tiếp khách, chỗ xem vô tuyến, chỗ treo tranh, ảnh gia đình, gương soi của phụ nữ là những chức năng mới nhưng các không gian nội thất chưa được nghiên cứu chuyển đổi phù hợp, gây cảm giác khá lộn xộn.
Các chi tiết lan can, cửa, thang dùng các vật liệu inox, con tiện xi măng là những thích ứng, tiếp thu vật liệu mới. Tuy nhiên, chưa có những thiết kế sử dụng vật liệu mới phù hợp, sự lai tạp phong cách kiến trúc rõ rệt là đáng tiếc, làm mất các bản sắc văn hóa của ngôi nhà.
Tất cả những biến đổi này hiện đang diễn ra tự phát, các vấn đề phải giải quyết đặt lên vai chính người dân. Với tính chất tự xây, trình độ của người dân, sự hiểu biết về vật liệu mới hạn chế thì sự chuyển hóa trong ngôi nhà sao cho vừa kế thừa các giá trị truyền thống vừa tạo không gian ở thích ứng với điều kiện sống mới quả là thách thức lớn.
Hiện nay, chưa có một thiết kế mẫu, một hướng dẫn nào làm định hướng cho nhà sàn dân tộc. Đã thấy rõ áp lực, xu hướng biến đổi là rất lớn, liệu trong vòng 10-15 năm nữa còn có bao nhiễu nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ trong các bản làng.
Trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Trung ương hiện nay cũng cần nghiên cứu đưa ra những mẫu thiết kế dành riêng cho các dân tộc. Đồng thời cần có những nghiên cứu sâu, rộng, từ các bản làng nằm trong các huyện miền núi, từ đúc kết kinh nghiệm của việc xây dựng nhà ở cho dân cư dân tộc tại các khu tái định cư thủy điện, từ các làng bản ven đô đến các làng bản trong đô thị để có cái nhìn toàn diện, từ đó tìm hướng đề xuất không chỉ ở giải pháp kiến trúc mà còn đi kèm cả giải pháp về vật liệu, kết cấu và áp dụng các công nghệ xây dựng phù hợp.
Việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống cũng tránh chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ các ngôi nhà sàn truyền thống theo nguyên gốc để làm du lịch mà cần nhìn nhận một mục tiêu lớn hơn, một trách nhiệm lớn, đó là định hướng sự biến đổi của nó, kế thừa các giá trị văn hóa của nó, hòa mình trong cuộc sống đương đại.
Giải pháp nào để xây dựng nhà ở an toàn
Ths.KTS Nguyễn Minh Đức cho biết, đầu tiên, nguyên tắc chung là phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện thành (kích thước tối thiểu của các lô, giao thông, hệ thống kỹ thuật, đảm bảo độ dốc cho phép, mặt bằng, mật độ xây dựng…); bảo tồn văn hóa định cư truyền thống, nhằm phát triển bền vững cộng đồng; tôn trọng môi trường tự nhiên, đặc biệt địa hình; bảo tồn và tái tạo hệ động thực vật; nâng cao năng lực và phát triển kinh tế thông qua nâng cao nhận thức và phát triển sinh kế địa phương.
Đồng thời, khuyến khích phân lô đất tập trung hay phân tán nên phù hợp với đặc thù tập quán của từng dân tộc thiểu số: ví dụ dân tộc Dao thường định cư phân tán; dân tộc Thái, Mường thường định cư tập trung thành bản khoảng 30-40 nhà/1 bản.
Bên cạnh đó, còn có giải pháp quy hoạch phân vùng theo đặc điểm sạt lở đất như: vùng sinh lũ, vùng tập trung dòng lũ quét sạt lở đất, vùng chịu ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất.
Cụ thể, vùng sinh lũ là vùng ở thượng lưu, nơi tập trung dòng chảy từ mưa được hình thành từ các sườn dốc nên cần nghiên cứu biện pháp cải tạo mặt phủ, tăng cường khả năng giữ nước, chống xói mòn sườn dốc.
Từ đó đưa ra giải pháp quy hoạch là phát triển thành vùng giữ nước, có tác dùng giảm dòng chảy (nơi rừng núi đầu nguồn các suối, sông nhỏ, gồm các đồi núi, thêm với rừng phát triển có khả năng thấm nước và trữ nước mưa) thường không cho phép phát triển các dạng xây dựng đặc biệt tránh việc đô thị hóa và mọi biện pháp xây có nguy cơ dẫn tới giảm chức tự nhiên của giảm lũ giữ nước vùng đầu nguồn. Tại vùng này, phát triển xây dựng phải giữ ở mô hạn chế và có biện pháp trữ mưa một cách nhân tạo để thay vai trò tự nhiên của khu vực, hoặc có biện pháp hữu hiệu dể kiểm dòng chảy.
Vùng tập trung dòng lũ quét sạt lở đất là nơi xảy ra mạnh mẽ quá trình xói sâu, lũ quét và sạt lở đất cuốn trôi cây cối gây ứ tắc tạm thời sau vỡ hàng loạt. Khu vực này bao trùm trung lưu có cao độ thấp hơn (thường là phần chân dốc, chân các sườn núi của thượng lưu, các đoạn sông suối phần trung tâm lưu vực nơi độ dốc lòng dẫn còn rất lớn, hợp lưu của nhiều sông suối trước khi dòng lũ đổ vào thung lũng. Độ dốc lớn thường từ 20-30%.
Do đó, cần nghiên cứu biện pháp làm chậm dòng lũ, chống xói mòn, sạt lở bờ sông suối, điều tiết dòng lũ và hướng dòng chảy về phía ít gây thiệt hại.
Về giải pháp quy hoạch, xây dựng công trình phải thỏa mãn yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tự nhiên hoặc gần với tự nhiên hoặc không gây ra những thay đổi quá trình hình thành và vận động của lũ quét, sạt lở đất, hạn chế sạt, trượt, lở đất ở các bờ sông, sườn dốc, hạn chế cả trở thoát lũ. Phân ra làm 3 khu vực chính: Phần thoát lũ là khu lòng dẫn chính và ven lòng dẫn chính có lưu tốc chảy lớn, thường trên 2m/s, chỉ để thoát nước lũ, bùn cát, cây rác của dòng lũ quét, sạt lở đất. Ở đây, nghiêm cấm mọi xây dựng công trình dân dụng và các công trình khác, ngoại trừ các công trình thủy lợi, giao thông để khống chế lũ, cắt lũ, dẫn lũ, tăng khả năng thoát lũ.
Khu chứa lũ là phần bãi sông, vùng trũng, thấp có lưu tốc nhỏ hơn, thường dưới 2m/s, bị nhập 0,5-1 mét trong lũ quét, sạt lở đất, có chức năng chứa, điều tiết giữ bùn cát, vai trò thoát lũ không lớn. Tại đây, có thể xem xét xây dựng một số công trình dân dụng và công nghiệp khác nhau, song phải đảm bảo không cản trở thoát lũ, không gây tăng mực nước ở phía thượng du. Nhìn chung, việc xây dựng công trình phải hạn chế đến mức thấp nhất và phải có biện pháp công trình, giải pháp kỹ thuật phòng tránh thiệt hại để hỗ trợ.
Khu lũ quét, sạt lở đất tràn qua tạm thời, lưu tốc dòng lũ thường dưới 1m/s, ngập sâu sưới 0,5m trong thời gian ngắn 1-2h, có thể cho phép xây dựng các công trình không vĩnh cửu với biện pháp, giải pháp phòng tránh hữu hiệu, hoặc đơn giản hơn là chỉ hoạt động ngoài mùa lũ.
Vùng chịu ảnh hưởng lũ quét và sạt lở đất là nơi thường xảy ra mạnh mẽ nhất quá trình “quét”, trong đó hiện tượng xói sâu, sạt trượt còn xảy ra ở cường độ cao trên đoạn đầu của thung lũng, hiện tượng quét, bồi lắp xảy ra mạnh mẽ nhất ở đoạn cuối của thung lũng trước khi lũ quét, sạt lở đất thoát được ra dòng chính. Khu vực này thường ở hạ lưu các sông, suối liền kề cửa sông. Dòng chảy có năng lượng rất lớn do đã được tập hợp các dòng chảy lũ, bùn đá thành phần từ các tiểu lưu vực.
Do đó, nghiên cứu giải pháp khơi thông dòng thoát lũ, nắn dòng lũ theo hướng có lợi, các biện pháp kè, chắn lũ làm giảm sự phá hoại của dòng lũ quét, sạt lở đất.
Về giải pháp quy hoạch, vùng trễ dòng chảy thường ở trung lưu sông suối nơi đất ẩm thấp hơn, độ dốc nhỏ hơn ở vùng trên. Vùng này có khả năng trữ nước lớn tạo hiệu ứng điều tiết tự nhiên, làm chậm, tại vùng này cần tiến hành 3 loại công tác tới điều khiển quá trình xây , phát triển: Hạn chế việc đô thị hóa, cải thiện sản xuất và xây dựng nông nghiệp, kiểm soát những tác động của xây dựng đến xói mòn đất…
Vùng trũng, thấp và bãi sông là nơi luôn bị lũ quét, sạt lở đất đe dọa. Ở đây, phải có qui hoạch, thiết kế cụ thể xây dựng ở từng nơi tùy theo mức độ ngập lụt trong lũ. Đặc biệt, phải cấm xây dựng khu dân cư, nhà ở tại bãi sông, lấn chiếm lòng dẫn, thậm chí kín lòng dẫn. Thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất thường chủ yếu xảy ra tại vùng này.
Tại vùng thấp, trũng sông, để khai thác mà vẫn phòng tránh tốt, giảm thiệt hại khi có lũ quét, sạt lở đất thường phải thực hiện phân vùng sử dụng đất trên cơ sở tham khảo các bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở lưu vực. Các loại công trình xây dựng ở đây phải chú ý tới các chỉ tiêu kỹ thuật như cao độ móng công trình, độ cao, mật độ công trình, loại vật liệu, phụ tải lên công trình dưới tác động của dòng lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài ra, Ths.KTS Nguyễn Minh Đức còn nhấn mạnh đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan và địa hình.
Cụ thể, về bảo vệ môi trường, cần tuân thủ theo quy định Pháp luật hiện hành; trong khu dân cư, cấm mở các công trường khai thác đá, bãi chất thải, khu công nghiệp; đối với nhà ở xây dựng mới, nghiêm cấm việc thoát nước không qua xử lý ra sông, suối tự nhiên; đối với nhà ở đã xây dựng phải nối với hệ thống nước thải chung, trường hợp chưa có những công trình này phải nối với hệ thống nước thải ngay khi được xây dựng.
Về bảo vệ cảnh quan, các công trình nhà ở phải hòa nhập với cảnh quan chung được tạo bởi địa hình các đường phân thủy, thung lũng, tiểu thung lũng và thảm thực vật; bảo vệ cảnh quan và tránh sạt lở các sườn dốc tự nhiên và các đường phân thủy phải được che phủ thảm thực vật trong phạm vi 50m về mỗi bên của đường phân thủy, tổng cộng 100m.
Trong khu vực được xây dựng, công trình nhà ở mới có chiều cao tối đa 4m tính đến nóc, mật độ xây dựng 1% so với tổng diện tích dải đất được xây dựng. Trong thung lũng, khuyến cáo không xây dựng công trình lớn trong phạm vi 50m từ bờ suối về mỗi bên, tổng cộng 100m. Trừ nhà ở xây mới quy mô vừa và nhỏ, mật độ xây dựng 1% tổng diện tích của băng bảo vệ là được phép nhưng phải cách bờ suối 15m.
Tất cả các công trình xây dựng mới phải đảm bảo một khoảng lùi 15m so với tất cả các kênh suối khác hoặc mặt nước, trừ trường hợp đối với các điểm kỹ thuật nói với các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Giữa các không gian tự nhiên cần bảo vệ (đường phân thủy, thung lũng) và các khu đô thị có vị trí vọng lâu, các điểm quan sát và đi dạo sẽ được quy hoạch trên bề sâu 20m.
Về bảo vệ địa hình và tự nhiên, cấm không được san gạt mặt bằng hoặc thay đổi lớn về địa hình, đặc biệt trong phạm vi bảo vệ 100m ở đường phân thủy và ở đáy thung lũng; để có thể xây dựng, công trình nhà ở phải có độ dốc tự nhiên quy định; trong khu xây dựng, để giữ nguyên hiện trạng địa hình việc xây dựng tường chắn đất được khuyến khích.
Về bảo vệ và tái tạo thảm động thực vật, các công trình nhà ở xây dựng mới phải bảo vệ các cây có độ phát triển lớn hoặc các loài cây quý hiếm; trong trường hợp khó giữ được các cây lớn và các loài thực vật mang tính điển hình thì phải trồng lại chúng theo tỷ lệ được quy định trong quy ché quy hoạch kiến trúc từng địa phương; bên cạnh việc nghiên cứu đảm bảo an toàn cho công trình, khi thiết kế công trình trên khu vực đồi núi dốc cần quan tâm đến kiến trúc cảnh quan của khu vực; việc sắp xếp công trình cần lưu ý đến bảo vệ tầm nhìn của công trình theo cả hai hướng từ trên xuống và từ dưới lên.
Kết luận
Tình hình sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc trong những năm qua thường xuyên xảy ra và không hề suy giảm, thậm chí còn có nguy cơ tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu và việc phát triển đô thị và các tác nhân do con người gây nên. Việc thực hiện các giải pháp phòng, chống nguy cơ sạt lở là cấp bách và cẩn sự phối hợp toàn diện giữa các cấp, các ngành; cơ quan quản lý và người dân.
Hiện nay việc chống sạt lở chủ yếu mới được thực hiện cho những công trình có quy mô lớn được thiết kế, thẩm định phê duyệt bài bản (công trình công cộng, công trình giao thông,…). Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ, công trình nhà ở do dân tự xây dựng hầu hết chưa tính toán kỹ đến nguy cơ sạt lở đất. Đặc biệt, tại khu vực miền núi phía Bắc, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật còn hạn chế do đó việc phòng, chống nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất của tác giả nhằm hệ thống hóa những giải pháp phòng chống sạt lở đất, đặc biệt giải pháp lựa chọn đất xây dựng đảm bảo trước nguy cơ sạt lở đất cho khu vực miền núi phía Bắc, và những khuyến cáo cho người sử dụng.
Trong các giải pháp trên bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Việc lựa chọn giải pháp phải dựa trên tình hình cụ thể và điều kiện thực tế để áp dụng đạt hiệu quả cao. Trong mọi tình huống, tính mạng của con người là quan trọng hơn cả, các giải pháp nêu trên nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đồng thời cũng là bảo đảm cho tính mạng và tài sản của người dân.
Quang Tuyền