Trước đây, công trình ngầm sâu ở Hà Nội là bí mật.
Trong những năm bom đạn (1965-1972) hầm bố trí khắp phố phường cũng sâu không quá 1,5m, gọi là nửa chìm, nửa nổi… một phần do đào sâu có nước ngầm đùn lên.
Quy hoạch chung Hà Nội năm 1998 cũng không nói gì đến không gian ngầm. Không gian ngầm Hà Nội được nhắc đến và quan tâm từ khi mở cửa đầu tư nước ngoài (1993-1996).
Bảng so sánh của JICA cho thấy đầu tư một chỗ đỗ xe ngầm tại trung tâm Hà Nội sẽ giảm 81% giá thành nếu kết hợp với đường sắt đô thị ngầm, hoặc giảm 87% nếu kết hợp với móng sâu của công trình xây dựng dân dụng
Các văn phòng, khách sạn liên doanh xây cao tầng thường có tầng hầm kết hợp móng đào sâu hàng chục mét được thiết kế, thi công theo chỉ dẫn của kỹ sư nước ngoài…
Năm 2018, một hội thảo về vị trí ga tàu điện ngầm đặt sát Hồ Gươm được tổ chức, có gần trăm người tham dự nhưng duy nhất một Tiến sĩ người Việt đại diện cho nhà thầu nước ngoài hứa hẹn đào hầm dưới chân Tháp Bút mà không làm đổ tháp. Vậy mà có tới 12 ý kiến chuyên gia ủng hộ đào hầm trong khu bảo vệ di sản Quốc gia…
Giờ đây, vị trí ga bị dời đi chỗ khác, các chuyên gia lại phát biểu theo hướng ngược lại trước kia.
Nhận thức, hành động mỗi giai đoạn mỗi khác thì cũng là chuyện thường.
Trước đây đào sâu vài mét đã làm sập nhà bên cạnh, nay nhiều nhà thầu với công cụ không cần quá hiện đại đã thực hiện 4 -5 tầng hầm giữa khu phố cổ ngon lành với chi phí rẻ trong khi giá đất ngày càng cao, nên các phố nhiều nhà được phép đào vài tầng hầm.
Bế tắc đào ngầm nhất chính lại ở các công trình ngầm đầu tư công. Hầu hết các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều đội vốn nhiều lần. Thậm chí tiến độ chậm đối mặt nguy cơ phải đền bù.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đầu tư tư nhân khai thác không gian ngầm thì hiệu quả mọi nhẽ còn đầu tư công thì trục trặc đủ đường? Phải chăng chủ đầu tư tư nhân thì đồng tiền đi liền khúc ruột nên tính toán chặt chẽ, phương án thi công hợp lý. Chủ đầu tư công thì thiếu và yếu về trình độ kỹ thuật đến quản trị, vốn đầu tư. Hay vì thi công dự án lớn thì vướng nhiều nơi, nhiều chỗ, mà trong đó vướng nhất là giải phóng mặt bằng ngầm và sự lựa chọn vị trí đi ngầm?
Tới đây, Hà Nội sẽ còn phát triển nhiều công trình ngầm. Hà Nội đang xây dựng Quy hoạch Thủ đô theo định hướng tích hợp đa ngành, đa lợi ích. Trong đó các công trình có không gian ngầm mức đầu tư rất lớn nên cần tích hợp đa chức năng để giảm giá thành. Và quan trọng nhất, rất cần một đánh giá đúng về không gian ngầm đô thị.
Nó cần được định danh là tài nguyên đô thị chứ không chỉ là hạ tầng kỹ thuật.
Là tài nguyên thì phải minh định/ lượng hóa bằng tiền bạc chứ không phải là chỉ tiêu kỹ thuật chưa chuẩn xác, dựa vào lập luận nào đó để ban phát xin cho bừa bãi, cơ hội màu mỡ cho tham nhũng.
Quy hoạch ngầm trung tâm Hà Nội hiện nay đã được phê duyệt nhưng bản vẽ vẫn chưa công bố (do Sở Quy hoạch Kiến trúc chưa xác nhận hồ sơ do Viện Quy hoạch Hà Nội lập).
Dư luận và nhiều người trong nghề đang rất mong chờ bản vẽ này. Đây là cơ hội để cộng đồng xã hội soi chiếu bản Quy hoạch có giá trị đóng góp vào tăng cường quản trị tài nguyên đô thị hay không, nếu chỉ là những chỉ tiêu kỹ thuật vu vơ thì rất cần làm lại từ đầu.
Trần Huy Ánh/Báo Giao thông