18/02/2023

Khơi thông dòng vốn tín dụng nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản

Sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai Ủy ban Kinh tế, Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản – Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…

Hội nghị diễn ra trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại trụ sở UBND các địa phương.

Phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Sau Hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách, huy động tối đa nguồn lực cho phát triển nhà ở

Đại diện cho Bộ Xây dựng tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh trình bày về tình hình thị trường bất động sản và đề xuất giải pháp. Thứ trưởng cho biết năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do: khó tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu,…); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm;….dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải: thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động); dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới;…Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo về tình hình thị trường bất động sản – Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, qua rà soát cho thấy, còn một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân về thể chế, quy định của pháp luật trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thực thi pháp luật tại địa phương…

Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán…

Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Về nguồn vốn tín dụng: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. Điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,…); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Về nguồn vốn trái phiếu: Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu.  Kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Tuyết Ngân