Khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai đã giảm mạnh nhưng vẫn chiếm lượng lớn
Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thay đổi qua nhiều thời kỳ, dẫn đến so bì, khiếu kiện phức tạp, một số trường hợp không đủ hồ sơ pháp lý…
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT cho biết, đã tiếp nhận 142 ý kiến phản ánh tình hình sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, theo đó, đã ban hành 1.552 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; ban hành 307 văn bản hướng dẫn công dân gửi đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Theo Bộ TN&MT, vấn đề đất đai hiện nay được điều chỉnh trong các Luật khác nhau như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (đất đai được quy định là tài sản công); Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đường sắt, Luật trồng trọt, Luật thuỷ sản… việc có nhiều luật có nội dung điều chỉnh đến đối tượng đất đai đã gây ra tình trạng không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật gây ách tắc và cản trở cho quá trình tổ chức thi hành trên thực tế, đặc biệt là việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư.
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 97,36% nhưng diện tích còn lại cần cấp nhiều trường hợp có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất (lấn, chiếm, giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng…), mua bán chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/8/2008 trở lại đây.
Theo quy định của pháp luật đất đai việc cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của người dân do đó nhiều trường hợp người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nhưng người dân không có khả năng nộp hoặc không có nhu cầu ghi nợ nghĩa vụ tài chính trên Giấy chứng nhận nên trường hợp người sử đụng đất không tự nguyện hoặc không có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận thì việc đẩy mạnh kết quả cấp Giấy chứng nhận là rất khó khăn.
Báo cáo cũng nêu, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai đã giảm manh tuy nhiên, vẫn chiếm số lượng lớn chủ yếu là các việc tồn đọng kéo dài từ giai đoạn trước đòi lại đất cũ, khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thay đổi qua nhiều thời kỳ, dẫn đến so bì, khiến kiện phức tạp, một số trường hợp không đủ hồ sơ pháp lý…”, báo cáo của Bộ TN&MT cho hay.
Việc định giá đất theo cơ chế thị trường đã được quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn tuy nhiên, việc kê khai giá đất của các giao dịch về quyền sử dụng đất chưa đúng với thực tế, chính xác, tin cậy, chưa xây dựng được sơ sở dữ liệu về giá đất, phản ánh đúng diễn biến của thị trường.
Cuối cùng là tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ đất đai vẫn còn xảy ra gây lãng phí đất đai nhưng chậm được xử lý do các địa phương lo ngại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Nguyên nhân của thực trạng này là pháp luật đất đai trước đây chưa quy định điều kiện về năng lực của nhà đầu tư nên dẫn đến một số nhà đầu tư kém năng lực đầu cơ; một số địa phương thực hiện chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư nên đã chưa thực hiện tốt việc đánh giá năng lực theo quy định pháp luật và yêu cầu ký quỹ khi thực hiện dự án, việc thanh kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất sau khi giao đất, cho thuê đất ở các địa phương thời gian qua còn hạn chế. Việc xử lý ở nhiều địa phương còn thiếu cương quyết, dứt điểm, thiếu quy định hiệu quả để xử lý tình trạng đầu cơ đất đai.
Do đó, Bộ TN&MT đã đưa ra một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, đặc biệt để kịp thời giản quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, Bộ đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ trong năm 2019 ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai.
Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm, kiên quyết thu hồi đất theo quy định pháp luật…
Cẩm Thạch/Bizlive