Khai thác giá trị văn hóa – Tài nguyên bản địa phát triển sản phẩm du lịch Tây Ninh
Việt Nam sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp và ngày càng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Để thu hút du khách trong và ngoại nước đến, lưu trú lâu hơn, tiêu nhiều hơn và quay trở lại thì việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ trên nền tảng hồn cốt – tài nguyên văn hóa bản địa là đòi hỏi cần và cấp thiết.
Những đặc điểm nổi trội của Tây Ninh
Vị trí địa lý Tây Ninh vừa mang tính chất bản lề, kết nối các địa phương Đông – Tây Nam Bộ, vừa là tỉnh biên giới – cầu nối 2 trung tâm kinh tế lớn TPHCM với Phnôm Pênh trong mối liên kết với các nước lục địa Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan. Biên giới Việt Nam – Campuchia dài 240 km, có 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ.
Địa hình, địa mạo Tây Ninh nổi trội, khác biệt trong vùng với đa dạng đủ loại Núi – Rừng – Sông – Hồ: núi Bà Đen 986m cao nhất Nam Bộ; Rừng:Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Chàng Riệc, cao su Dầu Tiếng, Gò Dầu; Các sông, trong đó Đồng Nai là sông nội địa dài nhất Việt Nam; Hồ Dầu Tiếng.
Dân tộc: Tây Ninh có gần 20 dân tộc anh em cùng sinh sống: người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Tà Mun… với đa dạng về đặc tính văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… tạo nên những quần thể, công trình kiến trúc phong phú, độc đáo – bản sắc địa phương (LOCAL) – Tài nguyên văn hóa bản địa giá trị. Đây là nguồn lực vô hạn nếu biết gìn giữ, khai thác và phát huy trong phát triển loại hình và sản phẩm du lịch của Tây Ninh. Đấy là chưa kể đến di tích lịch sử, cách mạng, cảnh quan tự nhiên, làng nghề, sản phẩm thủ công, ẩm thực… mà trong phạm vi bài viết không để cập đến.
Nhưng nêu chung vậy thì tỉnh nào cũng có tài nguyên bản địa đặc thù riêng và nếu so sánh thì du lịch Tây Ninh khó cạnh tranh với các tỉnh vốn có thế mạnh trong Vùng, đặc biệt là các tỉnh, khu vực liền kề trong và ngoài nước: TPHCM phía Đông, Đà Lạt (Lâm Đồng) phía Bắc, Cần Thơ – Cà Mau phía Nam và Campuchia phía Tây.
Những điểm khác biệt – giá trị văn hóa bản địa Tây Ninh
Tây Ninh là tỉnh biên giới nhưng không là miền “viễn biên” xa xôi, hẻo lánh, cách biệt mà biên giới có hàng chục cửa khẩu quốc tế, quốc gia là các đô thị dân cư, trung tâm thương mại sầm uất, giao thương mạnh mẽ, sôi động. Thông qua tiếp xúc, giao lưu kinh tế thì sự giao thoa văn hóa, dân tộc giữa hai nước Việt Nam – Campuchia cũng được minh chứng bằng những hình ảnh đậm nét của cấu trúc làng xã, kiến trúc, tín ngưỡng. Đó là tính MỞ của kinh tế, của tính cách con người Tây Ninh năng động, nằm ở vị trí địa lý bản lề, cầu nối giữa các tỉnh, trong và ngoài nước và các đầu tầu kinh tế lớn. Đây là đặc tính – giá trị bản địa (LOCAL) trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa (GLOBAL) ngày càng sâu rộng, đã đem đến cho Tây Ninh giá trị bản địa biến đổi thích ứng – (G-LOCAL) đặc sắc.
Với vị trí địa lý thuận lợi về giao thương kinh tế, đa dạng về điều kiện tự nhiên và dân tộc nên văn hóa Tây Ninh được hình thành từ nhiều nguồn lực, từ đa dạng tài nguyên sinh thái – nhân văn và phẩm chất văn hóa khoan dung của con người nơi đây, cộng đồng các dân tộc anh em chung sống có được tính cách MỞ – sự GIAO THOA tạo nên đặc tính KHOAN DUNG, HÒA HỢP, thể hiện trong bối cảnh đa tộc người – đa văn hóa cùng chung sống linh hoạt, sáng tạo văn hóa và giao lưu – tiếp biến văn hóa từ đời sống, văn hóa, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục, lễ hội cho đến đời sống thế tục, ẩm thực, tạo nên bức tranh hòa đồng, giao thoa văn hóa độc đáo: Người Hoa, Khmer theo đạo Cao Đài; người Việt tham gia sinh hoạt tôn giáo trong ngôi chùa Khmer, người Khmer gọi tháp Chăm là chùa Khmer…
Những quần thể tòa thánh, di tích đền tháp, các chùa chiền, hội quán đã nói lên đặc tính Tây Ninh là đất Thánh – vùng đất TÂM LINH. Đạo đức và nghi lễ đạo Cao Đài lan tỏa vào không gian văn hóa gia đình, đình làng. Tòa thánh thờ Phật, Thần, Tiên, Thánh đã nói lên tính HỘI TỤ văn hóa – đặc tính khác biệt – giá trị văn hóa bản địa Tây Ninh mà khó có nơi nào có được. Tính hội tụ còn được thể hiện thông qua các lĩnh vực: Hội tụ giá trị lịch sử – cách mạng (Văn hóa hậu Óc Eo, Quan lớn Trà Vong – Đặng Văn Trước khai khẩn và chống ngoại xâm, Trung ương Cục miền Nam, Tam giác Sắt), Hội tụ văn hóa truyền thống (lễ hội gia đình, cộng đồng: lễ Kỳ Yên, tín ngưỡng: lễ hội Bà Đen, lễ hội tôn giáo Cao Đài… của văn hóa đa sắc tộc) và Hội tụ trong sáng tạo văn hóa, đời sống sinh hoạt, ẩm thực độc đáo (bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng, muối tôm, muối ớt; ẩm thực chay).
Ở chừng mực văn hóa, đặc tính bản địa chuyên biệt, giá trị: TÂM TINH – HỘI TỤ thì Tây Ninh có thể được coi như một Nam Bộ thu nhỏ.
Những sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa bản địa
Hiện nay, các tour du lịch Tây Ninh hầu hết vỏn vẹn 1-2 ngày, chủ yếu cuối tuần. Các địa danh thường có trong danh mục: núi Bà Đen, tòa thánh Tây Ninh. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu, mục đích mà có điểm đến là các di tích lịch sử, cách mạng; tour cắm trại, khám phá hồ Dầu Tiếng, check-in rừng cao su, vườn quốc gia Gò Xo, Ma Thiên Lãnh… chứ chưa khai thác hết các địa chí – tài nguyên văn hóa bản địa giá trị khác như: đền tháp Chót Mạt của người Chăm (trên 1200 năm tuổi, là 1 trong 3 đền tháp cổ còn lại ở Nam bộ) hoặc tháp Bình Thạnh (văn hóa Óc Eo trên 1000 năm tuổi, là tháp duy nhất còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc), miếu Quan Đế (chùa Ông) của người Hoa…
Dù liền kề Khu du lịch núi Bà Đen nhưng các địa danh: chùa Botum Kiri Rangsay (chùa Khedol) – ngôi chùa Khmer đẹp và nổi tiếng nhất Tây Ninh trong phum sóc người Khmer phía Tây Bắc núi Bà Đen, bản làng người Tà Mun khu hồ Dâu Tiếng… cũng chưa chắc được nhắc đến.
Đến với địa danh nổi tiếng tòa thánh Tây Ninh, du khách có thể được nghe về: Sự độc đáo của kiến trúc Tòa thánh là sự kết hợp phong cách kiến trúc của nhiều văn minh tôn giáo thế giới nhưng không có bản vẽ, không do KTS thiết kế mà được Đức Phạm Hộ Pháp xây dựng hoàn toàn dựa vào công sức, bàn tay người lao động, được hiểu triết lý “dung hợp vạn giáo” của đạo Cao Đài tạo ra đặc tính hội tụ giá trị văn hóa, biểu hiện qua các đặc điểm: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong lễ nhạc, tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh… nhưng với thời gian tour không đủ để tham quan toàn bộ khu Đền Thánh rộng gần 100ha với 12 lối ra vào, thưởng lãm cấu trúc toàn khu, kiến trúc đặc trưng Nam Bộ.
Như vậy, du lịch Tây Ninh hoặc chưa kể đầy đủ hoặc câu chuyện giá trị văn hóa bản địa chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách nên trên thực tế, dù có tài nguyên bản địa tiềm năng, khác biệt, dù vị trí bản lề, cầu nối nhưng Tây Ninh mới chỉ là điểm ghé chân, ngang qua, chứ chưa thực sự là điểm đến để khách nghỉ lại và tiêu tiền. Nhìn vào số lượng, cơ sở vật chất và cấp độ khu lưu trú du khách cũng thấy được bức tranh về du lịch Tây Ninh hiện nay.
Định hướng “chú trọng phát triển du lịch văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hoá dân tộc; sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế” của ngành du lịch Tây Ninh là hướng đi đúng nhắm phát huy tài nguyên bản địa nổi trội của tỉnh. Nhưng để đạt định hướng đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân 25%/năm; chi tiêu bình quân khách du lịch đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày cũng có thể thấy không phải là dễ, nhưng nếu biết dựa vào tài nguyên bản địa giá trị, tiềm năng, nguồn lực thì cũng không phải là khó.
Sản phẩm mới tại Khu du lịch núi Bà Đen tiếp biến văn hóa
Du khách đến núi Bà Đen không chỉ là để chiêm ngưỡng thông qua câu chuyện về huyệt đạo thiêng Việt Nam, về thuyết ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch thờ Bà Đen luôn hiển linh phù hộ và giúp đỡ dân chúng… mà còn là nơi để tận hưởng khí hậu mát mẻ quanh năm, mây mờ bao phủ, cảnh sắc thay đổi đẹp tựa chốn bồng lai tại nóc nhà Nam Bộ này.
Nếu như trước đây, du khách di chuyển bằng đường bộ khó khăn vì càng lên đỉnh vách núi càng dốc, thì ngày nay hệ thống các tuyến cáp treo từ chân núi đến khu đền chùa hoặc lên thẳng đỉnh núi đã thuận tiện, dễ dàng và an toàn.
Khu du lịch trên đỉnh núi mới được xây dựng giúp du khách được thưởng ngoạn cảnh sắc, khí hậu khác biệt, thay đổi cảm xúc, được hấp dẫn khi tham quan những công trình kiến trúc mới, hiện đại, khai thác đặc tính TÂM LINH làm chủ thức đang được hình thành, hoàn thiện.
Hệ thống tượng, các không gian, khu chức năng trên đỉnh núi được phân chia lớp lang, dẫn dắt, kết nối được khai thác như hệ thống bài trí, lối thờ tầng bậc của chùa Việt truyền thống: Tầng trên cùng cao nhất tại trung tâm quần thể các công trình tâm linh trên đỉnh núi là bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á hướng nhìn ra hồ Dầu Tiếng. Từ đây, trục chính được bố trí cân đối với cột kinh Bát Nhã ở trung tâm, kết nối hệ thống tượng Phật các tầng với khu quảng trường chiêm ngưỡng tổng thể công trình. Không gian 4 tầng bên dưới tượng Phật là khu triển lãm các phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật giúp du khách tìm hiểu về Phật giáo thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại: video 3D mapping, công nghệ hologram, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật với hàng ngàn đèn led chiếu sáng khắp.
Tổng thể được thiết kế có triết lý, ý niệm kết nối công nghệ, hình thức hiện đại trong không gian, ý nghĩa văn hóa truyền thống trên cơ sở khai thác yếu tố TÂM LINH – tiềm năng bản địa giá trị bản địa đã thực sự tạo ra một sản phẩm du lịch văn hóa có chủ đề, tiếp nối câu chuyện tâm linh của núi Bà Đen vốn đã có, tạo nên nhiều cảm xúc, lôi cuốn khách du lịch.
Việc khéo léo kết hợp biểu diễn điệu múa, tiếng trống của đồng bào Khmer trên đỉnh núi Bà Đen cũng thể hiện sự giao thoa, hòa hợp, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em trong bảo tồn và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển du lịch chung của Tây Ninh.
Vì vậy, lượng du khách đến núi Bà Đen không chỉ dồn đông vào kỳ lễ hội đầu năm mà dàn trải suốt trong năm và nới đây thực sự đã trở thành điểm đến xứng đáng cho du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần để Khu du lịch núi Bà Đen đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của quốc gia và quốc tế.
Mọi thứ còn dang dở, mong muốn về hoàn thiện, bổ khuyết những mảng cây xanh lớn làm nơi nghỉ ngơi, thiền định, thư giãn chăm sóc, chữa lành sức khỏe…, độ thụ cảm thẩm mỹ liên quan đến tỷ xích giữa công trình với cảnh quan, kiến trúc nào cần khoe ra, khối tích nào cần ẩn mình trong thủ pháp cây xanh, màu sắc để không lấn át cảnh quan, tôn trọng địa hình… chắc thêm thời gian và tâm sức sẽ hiệu chỉnh phù hợp. Nhưng tựu chung, với những không gian, hình hài hiện có cũng cho ta mường tượng một tương lai, cảm thấy an lòng về sản phẩm du lịch mới đã làm cho ngọn núi này vốn linh thiêng được tiếp nối, bồi đắp thêm bằng những giá trị văn hóa bản địa, gần gũi quen thuộc của núi Bà Đen của Tây Ninh.
Nhà đầu tư lớn tiềm lực, trí lực mới tìm tòi, tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo – giá trị mới cho du lịch Việt Nam. Tất nhiên, nhà đầu tư nào cũng coi trọng lợi nhuận kể từ khi lên ý tưởng, điều cần thiết là các cấp quản lý phải kiểm soát, điều tiết mong muốn của chủ đầu tư trong một tổng thể phát triển chung của ngành, của Tỉnh, so sánh các Tỉnh thành để sản phẩm phát huy giá trị bản địa, đủ sức cạnh tranh và đặc biệt đem lại công ăn việc làm, cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng dân cư bản địa.
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đưa yếu tố tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng làm cốt lõi, câu chuyện, nội dung của dự án, thực hiện trên khắp cả nước và theo cách riêng của mình: có nơi thì tạo dựng kiến trúc có dáng vẻ, hơi hướng công trình truyền thống dù khác về khối tích, tỷ xích; có nơi sao chép bối cảnh, hình ảnh kiến trúc của các công trình nổi tiếng thế giới; có nơi xây dựng mang phong cách kiến trúc sinh thái, thích ứng khí hậu nhiệt đới.
Có nơi mang dấu ấn phong cách kiến trúc và công nghệ hiện đại nhưng ý niệm, cấu trúc không gian lại mang được các đặc tính giá trị của văn hóa bản địa và khu du lịch trên đỉnh Núi Bà Đen là một trong số đó. Và nhờ thế, Tây Ninh đã có sản phẩm du lịch mới, khác biệt nhưng vẫn gắn kết với các giá trị cũ của địa bàn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khám phá, chiêm ngưỡng giá trị bản địa của vùng đất này.
Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch quốc tế. Các dự án du lịch không chỉ nhắm tới du khách địa phương hay trong nước mà mong muốn tạo ra sản phẩm du lịch mới, lạ đủ sức cạnh tranh với khu vực, để thu hút khách quốc tế đến, lưu trú dài hơn và quay trở lại. Làm đẹp những vùng đất có thể là mục tiêu của chủ đầu tư xây dựng dự án nhưng khai thác và phát huy tài nguyên bản địa – giá trị văn hóa, nguồn lực vô hạn lại phải là trách nhiệm của tất các các cấp ngành, chủ đầu tư thì sản phẩm du lịch mới thực sự thu hút khách đến, ở lại lâu hơn, tạo nhiều công ăn việc làm cho chính người dân trên mảnh đất quê hương mình thì cách làm này mới là chính đáng, hiệu quả và bền vững./.
KTS Nguyễn Phú Đức