26/09/2017

Hà Nội: Tiếp tục “nhồi” dân vào nội đô ?

Việc UBND TP Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận một lần nữa lại dấy lên lo ngại, đô thị Hà Nội chẳng mấy chốc sẽ “nghẹt thở” bởi nhà cao tầng.

“Nghẹt thở” bởi cao ốc

Sở dĩ có sự lo ngại như vậy là bởi, chỉ trong một thời gian ngắn, sự xuất hiện các tòa nhà cao tầng xây chen trong nội đô đã bổ sung quá đông người cư trú tại một số địa điểm cục bộ, gây áp lực quá lớn lên hệ thống hạ tầng vốn đã cũ kỹ và quá tải của TP.

PGS.TS.KTS Khuất Tấn Hưng dẫn chứng: Thời gian đầu, nhà cao tầng xây chen chủ yếu là khách sạn hay cao ốc văn phòng như khách sạn Hà Nội Horizon (nay là khách sạn Pullman) xây trên đất của nhà máy gạch Đại La cũ; khách sạn Nikko xây trên đất bến xe Kim Liên cũ; Hà Nội Tower xây trên đất Nhà tù Hỏa Lò; khách sạn Melia xây trên đất của Cty Chế tạo điện cơ; khách sạn Daewoo (Kim Mã)… Tuy nhiên, giai đoạn sau chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của chung cư cao tầng với quy mô và vị trí rất khác nhau cả bên ngoài lẫn bên trong khu vực nội đô lịch sử.

Là một trong những khu đô thị mới đầu tiên của TP, quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) đã được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu. Thế nhưng, sau một thời gian Cty CP Tập đoàn Mường Thanh ồ ạt xây dựng tổ hợp dự án nhà thương mại giá rẻ mang tên HH với 12 tòa chung cư cao từ 36 – 41 tầng, Linh Đàm đã mất hoàn toàn quy hoạch kiểu mẫu trước đó.

Thực tế, không riêng gì Linh Đàm, tình trạng nhiều nhà cao tầng mọc lên, trong khi hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp diễn ra nhiều tại khu vực của TP. Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng vừa diễn ra, nhiều đại biểu lo ngại việc cho xây dựng ồ ạt nhiều chung cư cao tầng đồng nghĩa với việc “gom” dân chứ không phải giãn dân ra khỏi nội đô.

Đơn cử như các khu vực quanh tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Minh Khai thời gian qua đã có cả chục dự án chung cư cao từ 25 – 35 tầng được cấp phép. Việc phê duyệt các dự án BĐS dày đặc đang khiến tuyến đường trở thành nỗi khiếp sợ của người dân khu vực khi vào giờ cao điểm thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc.

Tại Q.Thanh Xuân, một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Huy Tưởng, đường vành đai 3… cũng trong tình trạng tương tự. Trên đường Lê Văn Lương nhìn hai bên đường đâu đâu cũng có nhà cao tầng đang xây. Tới đây tình trạng tắc đường kéo dài tại khu vực này sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và công việc của người dân. Bên cạnh hàng loạt dự án đang triển khai xây dựng, trên đường Nguyễn Trãi một khu siêu đô thị rộng khoảng 110ha cũng vừa được phê duyệt, là khu đô thị lớn thứ 2 tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, sau Royal City.

Phải tính toán đến quy hoạch nhà cao tầng

Theo thống kê của Sở QH-KT Hà Nội, trong khu vực nội đô của TP hiện có khoảng hơn 300 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.

Các chuyên gia cho rằng, việc để các tập đoàn, DN BĐS tư nhân vừa đầu tư – thiết kế – xây dựng – thẩm định khiến cho “đất vàng” trong nội đô ngày càng biến thành cao ốc. Điều đó đồng nghĩa, các khoảng trống hiếm hoi còn lại trong đô thị dễ dàng bị “lấp nốt” làm người dân mất đi cơ hội được tiếp cận và sở hữu những khoảng xanh đô thị cần thiết, còn TP mất đi năng lực nâng cao tiện nghi đô thị và gia tăng sức cạnh tranh.

Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, với cách làm đó, Hà Nội đã giải quyết một vấn đề đô thị này bằng một vấn đề đô thị khác. Hệ quả là áp lực dân số nội đô và sự thiếu thốn tiện nghi đô thị không hề giảm mà thậm chí còn gia tăng mà Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội là một ví dụ.

KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích: Mục tiêu của Hà Nội là phải giảm dân số nội đô. Theo quy hoạch thì cần giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân trong 4 quận nội đô lịch sử. Do vậy Hà Nội cần nghiêm túc giảm dân số thì mới thực hiện được mục tiêu này, đặc biệt không được tăng thêm hoặc giữ nguyên dân số so với trước. Vấn đề khác mà ông Nghiêm lo ngại là đồ án quy hoạch xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng. Theo ông, hiện toàn TP đã có trên 300 nhà cao tầng, trong đó hơn 100 chung cư khiến dân số vượt quy hoạch. Trước đó, Hà Nội đã có quy định kiến trúc trên tuyến đường qua ga Hà Nội, từ phố Cửa Nam đến phố Khâm Thiên, do vậy muốn xây nhà cao tầng ở đây thì phải sửa đổi quy định này.

Theo PGS.TS.KTS Khuất Tấn Hưng, từ năm 2016 Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội được ban hành. Dù Quy chế này được đánh giá là sẽ mở đường cho việc cải tạo các khu tập thể cũ của Hà Nội, nhưng đối với nhiều địa điểm khác vẫn là quá muộn màng khi mà bức tranh về nhà cao tầng trong khu vực đô thị trung tâm của TP đã trở nên khó cứu vãn, hoặc phải rất lâu sau mới có thể khắc phục được. Ngoài ra, Quy chế này mới chỉ được xây dựng cho khu vực từ vành đai 2 trở vào, tức là nhiều địa điểm nằm bên ngoài, trong đó có nhiều khu đất vàng vốn là đất của các nhà máy, xí nghiệp cũ di dời vẫn tiếp tục thiếu công cụ quản lý và kiểm soát.

Các chuyên gia xây dựng cho rằng, quy hoạch nhà cao tầng hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng xã hội và kỹ thuật không tương thích với việc phát triển nhà ở.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Theo đó, các công trình nằm trong khu vực nội đô lịch sử cần hạn chế chiều cao, do vậy hầu hết dự án trong khu vực này chỉ cấp phép xây dựng tối đa 9 tầng, cùng với đó là việc di dân ra ngoại thành để giảm dân số nội đô từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người.

“Nếu Hà Nội không tính toán đến các vấn đề quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, bảo đảm cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường thì sẽ phải trả giá đắt trong thời gian tới”, ông Hùng cảnh báo.

Hà Vy/BXD