Hà Nội đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền đô thị
Mô hình chính quyền Hà Nội tập trung quản lý theo mô hình chính quyền tại đô thị và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn.
Sáng 1/10, Hội nghị Đảng bộ Hà Nội lần thứ 15 đã tập trung thảo luận về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Nội dung đề án mô hình chính quyền đô thị gồm 4 phần: Sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đề án; Thực trạng tổ chức chính quyền TP Hà Nội; Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Tổ chức thực hiện.
Mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn).
Đề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn; đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan Trung ương, Thành phố và phân cấp giữa các cấp chính quyền Thành phố; đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
2 phương án mô hình chính quyền đô thị
Theo đó, có 2 phương án mô hình chính quyền đô thị: Phương án 1 là xây dựng mô hình 2 cấp chính quyền gồm TP và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức môt cấp chính quyền (TP), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).
Cả 2 phương án đều được đề xuất trên cơ sở lý luận về tổ chức chính quyền đô thị, thực tiễn tổ chức chính quyền TP Hà Nội hiện nay, cũng như bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đến năm 2030. Nội dung của 2 phương án không mâu thuẫn nhau, chỉ khác nhau về mức độ cải cách, đổi mới đối với chính quyền các cấp của TP Hà Nội từng bước, theo lộ trình, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.
Cơ chế phân cấp gắn với xây dựng Thành phố thông minh
Dự thảo Đề án cũng nhấn mạnh về cơ chế phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành Trung ương với chính quyền thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh phân cấp cho Hà Nội trên 8 lĩnh vực với 27 nội dung cụ thể. Chính quyền Thành phố cũng sẽ thực hiện phân cấp cho chính quyền quận, huyện, thị xã trên các lĩnh vực: kế hoạch – đầu tư; xây dựng; đất đai; văn hóa; giáo dục – đào tạo; y tế và lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội.
Việc xây dựng thành phố thông minh sẽ gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, hướng đến 4 chủ thể chính của đô thị, gồm: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên các nội dung về quản lý thông minh, xây dựng cộng đồng thông minh và người dân có thể tham gia vào công tác quản lý đô thị thông minh; khuyến khích nghiên cứu các ứng dụng thông minh, giải pháp thông minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Dự kiến sẽ báo cáo đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12/2018, báo cáo Chính phủ quý I/2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý IV/2019. Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026 -2031. Còn nếu thực hiện theo phương án 2, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026 – 2031./.
H.La/VOV.VN