Hà Nội có vội được không? – Quy hoạch hụt hơi “chạy theo” dự án
Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ngập úng nặng, ùn tắc giao thông, vi phạm trật tự xây dựng gay gắt. Công tác quy hoạch được xem là vấn đề cốt lõi của quản lý đô thị thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác quy hoạch đô thị Hà Nội đang có vấn đề, việc giám sát còn nhiều lỗ hổng, thậm chí quy hoạch hụt hơi “chạy theo” dự án, theo nhà đầu tư.
Hà Nội ngày càng chật cứng vì các dự án nhà cao tầng. Ảnh: Như Ý.
Đô thị ngột ngạt
Từng được xem là khu vực phát triển đồng bộ và hiện đại nhất của Hà Nội, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính sau gần 1 thập niên đi vào sử dụng, hình hài của một khu đô thị hiện đại đang dần bị “phá nát” khi hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên trong khi hạ tầng, đường sá không được mở rộng thêm.
Cùng với 19 tòa chung cư cao tầng, xung quanh khu này liên tục xuất hiện các tòa nhà cao tầng san sát nhau như dự án Dianmond Flowers, Golden Palace Lê Văn Lương, khu nhà ở Handico…, với chiều cao từ 20 đến 36 tầng.
Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội nhằm giảm tải cơ sở hạ tầng và dân cư cho các khu vực nội thành song trên thực tế, nhiều khu vực, nhiều tuyến phố nội thành dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải g
ồng mình gánh những khu nhà chọc trời. Nhiều tuyến phố trên địa bàn đang dần bị “chung cư hóa” với hàng loạt dự án cao tầng. Đơn cử, tuyến phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), dài khoảng 700m, còn chiều rộng chỉ đủ cho hai chiếc ô tô đi ngược chiều tránh nhau nhưng có đến gần chục dự án cao tầng. Các tuyến phố khác của quận này như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Trãi…, đều trong tình trạng quá tải vì chung cư cao tầng.
“Nâng cao tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ để giải quyết bài toán xây thu chi cho một số chủ đầu tư là không nên. Bởi nếu để thỏa mãn các nhà đầu tư, chỗ nào cũng cho nâng tầng hết thì khó thực hiện được, sẽ khiến ùn tắc giao thông. Hơn nữa, nếu chỗ nào cũng cho phép nâng tầng, cũng điều chỉnh quy hoạch có nghĩa đã đi theo lợi ích của chủ đầu tư, làm cho quy hoạch bị “băm nát”, đẩy vi phạm trật tự xây dựng trở nên gay gắt”.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm |
Theo đánh giá trên địa bàn Thanh Xuân có khoảng 20 cơ sở nhà máy, xí nghiệp nằm trong diện di dời thì đều được duyệt quy hoạch biến thành các dự án nhà ở cao tầng. Thậm chí nhưng khu đất đã được quy hoạch làm bãi đỗ xe, làm công trình hạ tầng nhưng nay lại chuyển thành các dự án nhà cao tầng để bán. Đơn cử tại ô đất C3 (diện tích 2.400m2) nằm ngay mặt đường Lê Văn Lương, là nơi xây dựng nhà cao tầng để xe kết hợp với văn phòng nhằm giải quyết chỗ đỗ xe cho người dân khu vực. Tuy nhiên, ô đất đã bị điều chỉnh thành dự án khu nhà ở cao 20 tầng. Tại Hội nghị Đảng bộ thành phố mới đây, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân ông Vũ Cao Minh đã phải thốt lên: Trong quy hoạch cần dự báo được tình hình, tránh tình trạng như tại Thanh Xuân, đến năm 2020 với nhiều khu chung cư với xấp xỉ 40 vạn dân thì không có hạ tầng xã hội nào có thể tải nổi.
Năm 2010 sau khi có lệnh dừng các dự án cao tầng của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã rà soát và tiến hành lập quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Sau đợt rà soát 233 dự án – đồ án xây cao ốc trong trung tâm, Hà Nội đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt quản lý nhà cao tầng (nhà 10 tầng trở lên).
Tuy nhiên, thực tế không như vậy khi mà hàng loạt dự án cao ốc chọc trời vẫn đua nhau mọc lên. Thậm chí nhiều dự án đã điều chỉnh theo hướng tăng chiều cao, tăng mật độ, tạo “điểm nhấn” ở khu vực nhạy cảm gây áp lực lớn cho hạ tầng khu vực nội đô.
Quy hoạch bị “băm nát”?
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch của chúng ta là quy hoạch trên giấy, quy hoạch cứ vẽ ra mô hình 3D để cho đẹp, chiều lòng ai đó chứ quy hoạch đó không thực tế.
Theo ông Tùng, khi chưa mở rộng, Hà Nội ít bị ngập nhưng sau khi mở rộng địa giới, ngập càng lớn. “Khi quy hoạch, chúng ta chỉ nghĩ được khoảng 10 năm, chứ không nghĩ đến trả giá sau này. Các trận ngập nặng vừa rồi là cảnh báo, chúng ta đang nhận hệ quả của việc lấp ao hồ xây cao ốc”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng trong quản lý đô thị việc thực hiện quy hoạch là cốt lõi, nhưng việc giám sát quy hoạch chúng ta lại buông lỏng. Giám sát quy hoạch là chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố chứ không phải ai cả.
Theo vị này quy chế càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng tránh được những kẽ hở, càng thấy được luật pháp nghiêm. Và đó sẽ trở thành cái gậy quyền lực cho chính quyền đô thị cứ thế chiếu vào mà làm. “Các nước người ta quản lý đô thị là quản lý như vậy. Quản lý bằng quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị trên cơ sở bằng các quy chế, quy định đã được duyệt”, ông Tùng nói.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đang có sự bất ổn về quản lý trong quy hoạch của Hà Nội nên mới xảy ra những vi phạm nhức nhối như công trình số 8B Lê Trực. Theo ông Liêm, Hà Nội có không ít các vi phạm như số 8B Lê Trực khi mà việc giám sát thực hiện quy hoạch đang còn nhiều bất cập.
“Tôi cũng nghĩ một khu vực nhạy cảm như khu 8B Lê Trực mà chúng ta lại không quản lý theo quy hoạch thì rõ ràng là chúng ta buông lỏng quản lý. Quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch là đã được xin ý kiến của các bộ ngành và người dân đóng góp. Khi quy hoạch được duyệt thì chúng ta phải thực thi đúng chứ không nên điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần tạo nên các kẽ hở để doanh nghiệp xin cho làm khó cho việc quản lý của chính mình”, ông Liêm phân tích.
Theo Tú Anh/Tienphong.vn