24/10/2024

Hà Nội có rừng… và rừng sẽ lên xanh

(KTVN 252)

TÁC DỤNG CỦA CÂY XANH TRONG ĐÔ THỊ 

Cây xanh có vai trò vô cùng to lớn đối với trái đất và con người. Từ bao đời nay, cuộc sống của loài người luôn gắn bó và không thể tách rời khỏi thiên nhiên. Cây xanh bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống. Cây xanh có tác dụng cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất, không khí, kiểm soát gió và lưu thông gió; cây xanh hút khí CO2 và cung cấp khí O2, ngăn giữ các chất khí bụi độc hại từ nhà máy, rác thải và nhiệt. Ngoài ra, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như: Anhydrid, Sunfua, Fuo, Amoniac từ quá trình quang hợp.

Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán rộng có thể cản được 10-30kg bụi, nhờ đó nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20-60%. Mỗi một cây xanh trung bình có thể cung cấp đủ lượng O2 cần thiết cho 4 người. Cùng lúc đó, cây xanh cũng sẽ hấp thụ một lượng CO2, amoniac, SO2, Nox, bụi bẩn đáng kể, làm giảm các khí độc hại bị thải ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn. Bên cạnh đó, cây xanh còn sản xuất các ion âm, có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc nguồn không khí.

Di Hoà Viên (Bắc Kinh)

Nhiều nghiên cứu còn cho rằng cây xanh trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3 độ C đến 3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% đến 50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm đi 17-57% năng lượng cần thiết khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh trong đô thị có thể làm giảm từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ 70-75% năng lượng mặt trời. Đặc biệt, cây xanh có thể chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước. Cây xanh còn giúp tiết kiệm nước, giảm xói mòn đất, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét; lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo trở thành mạch nước ngầm. Tại các vùng đồng bằng và đô thị ven biển, vai trò của rừng ngập mặn cũng rất quan trọng, làm hạn chế thủy triều, sóng, bão, sạt lở…

Mặt khác, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances chỉ ra rằng ngoài việc hỗ trợ làm giảm bớt oi bức, nắng nóng, tạo cảm giác yên bình, các công viên và không gian xanh trong thành phố còn có thể làm chậm quá trình lão hóa ở người trưởng thành. “Người sống gần công viên sẽ giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm, lo âu so với những người sống ở những nơi đông đúc. Có thể giảm 31% tỉ lệ mắc bệnh lo âu, giảm 7% các hoạt động gây căng thẳng thần kinh, gia tăng 50% khả năng sáng tạo” – Đó là nhận định của tiến sĩ Mathew White, giảng viên cấp cao Đại học Exeter kiêm nhà tâm lý học môi trường tại Blue Health.

Công viên Trung tâm (New York)

Tại các đô thị, ngoài các lợi ích về môi trường, sinh thái, sức khoẻ do cây xanh mang lại, chúng còn có tác dụng tạo nên các giá trị cảnh quan, thẩm mỹ; giá trị văn hóa, lịch sử. Việc tổ chức cây xanh cảnh quan gắn với không gian kiến trúc sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc, xây dựng trong đô thị. Thậm chí đôi khi chúng còn trở thành biểu tượng mang thương hiệu cho một thành phố. Ví dụ như Đà Lạt – thành phố Ngàn hoa; Hải Phòng – thành phố Hoa phượng đỏ; Hà Nội – thành phố Hoa sữa. Cây xanh còn góp phần tạo lên “hồn” đô thị… Đặc biệt, vai trò của cây xanh càng trở nên quan trọng đối với các đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

“Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh…”. Đó không chỉ là lời bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn mà ở đó còn có ý nghĩa sâu xa về một triết lý mang tính biện chứng cứ có cây là sẽ có Rừng (dù trước đó chỉ có một cây).

NHẬN THỨC VỀ CÔNG VIÊN RỪNG TRONG ĐÔ THỊ 

Công viên rừng trong các đô thị trên thế giới đã tồn tại từ lâu. Nó có thể xuất phát từ những khoảng rừng tự nhiên còn xót lại trong quá trình phát triển đô thị bởi nhiều lý do khác nhau: từ quyền sở hữu đất hay thú chơi của các nhà quý tộc với các lâu đài hay những cánh rừng bao quanh nó; hoặc từ những công viên tự nhiên hay được chăm tỉa với những bộ sưu tập cây, con đa dạng… Trải qua nhiều năm tồn tại chúng đã phát triển như một cánh rừng, tạo ra phong cảnh, nét chơi tao nhã ấn tượng, đặc sắc. Và giờ đây chúng được tiếp tục tồn tại bởi những giá trị có một không hai trong lòng các đô thị đã có tuổi đời thuộc các giai đoạn cổ, trung hoặc cận đại, nhất là ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ hay trong không gian thành quách của các vị vua chúa châu Á. Công viên rừng trong các đô thị có nhiều dạng, nhiều hình thái, nhiều quy mô khác nhau (từ vài chục đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha); vị trí có thể ngay trong lòng đô thị, vùng ven hay có một khoảng cách nhất định tính từ trung tâm đô thị.

Công viên Ueno (Tokyo)

Cũng có thể trong tư duy của các nhà quy hoạch phát triển đô thị sau này, để kế thừa các giá trị của các công viên rừng, họ cũng mạnh dạn giữ lại những không gian rộng lớn để phát triển mô hình này giữa lòng đô thị. Ví như Công viên trung tâm New York (Mỹ), Di Hòa Viên hay Cung điện Mùa hè (Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc), Công viên Đại Quan (Thành phố Côn Minh, Trung Quốc), hay triết lý xuyên xuốt về một đô thị xanh của các nhà quy hoạch phát triển đô thị Sinapore sau này.

Hiểu một cách đơn giản “công viên rừng” không có nghĩa đó phải là một khu rừng thực thụ. Nó có thể là một không gian tự nhiên, nơi có điều kiện địa hình, cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái hấp dẫn, nơi con người có thể tác động ít nhiều, có thể bổ sung, hoàn chỉnh nó theo mong muốn, theo yêu cầu sử dụng của mình để biến nó trở thành một công viên rừng, một điểm đến lý tưởng trong cấu trúc đô thị.

Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu, để chỉ ra yếu tố “rừng” trong đô thị, đã có những nghiên cứu sâu về hệ thống “không gian xanh” trong đô thị. Hệ thống này bao gồm vườn cây (gardens), công viên (parks), cây xanh đường phố… Tuy nhiên, nếu “không gian xanh” chỉ được hiểu như vậy là chưa đầy đủ, trong nhiều tài liệu “không gian xanh” còn được gọi là “không gian mở” (open space) với các yếu tố cấu thành rộng hơn, ngoài vườn cây, công viên còn có hệ thống cấu trúc xanh tự nhiên trong đô thị như mặt nước (sông, hồ), thảm cây xanh tự nhiên, đồi núi, cánh đồng, hành lang xanh, vàng đai xanh, nêm xanh… trong các đô thị lớn hay vùng đô thị… Theo Thông tư 06/2013/TT-BXD hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị: “Không gian xanh của đô thị gồm vành đai xanh, hành lang xanh, tuyến xanh, mạng xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị”. “Không gian xanh” được phân loại theo quan điểm sinh thái chia làm 3 loại: loại I: Không gian xanh tự nhiên, loại II: Không gian xanh bán tự nhiên và loại III: Không gian xanh nhân tạo.

Gardens by the Bay (Singapore)

Với cách lập luận trên, “Không gian xanh” có thể chứa đựng các thành phần tạo nên yếu tố “rừng” trong đô thị. Từ đó cho rằng “Công viên rừng” thuộc hệ thống “Không gian xanh” trong cấu trúc đô thị phát triển.

“Công viên rừng” cũng có thể gồm 03 loại: “Công viên rừng” tự nhiên, “Công viên rừng” bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục, thẩm mỹ trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, lòng tự hào, tình yêu của người dân đối với đô thị của họ. Sự khác nhau chỉ ở tên gọi, phân loại, cách quy hoạch và sử dụng.

HÀ NỘI CÓ “CÔNG VIÊN RỪNG” – HÀ NỘI CÓ RỪNG? 

Ở Việt Nam, khái niệm “Công viên rừng”  tưởng chừng còn xa lạ, mới mẻ, nhưng thực tế không hẳn vậy. Bản thân quá trình phát triển, trong cấu trúc đô thị Việt Nam đã tồn tại ít nhiều dạng công viên này. Ví như không gian các vườn thượng uyển nằm trong cung điện, đền đài, lăng tẩm của các vị vua chúa thời Nguyễn (Kinh thành Thăng Long, Kinh thành Huế), hay các dạng công viên kết hợp vườn thú như công viên Bách Thảo Hà Nội, Thảo cầm viên TPHCM trong cấu trúc đô thị cận đại.

Hệ thống “Không gian xanh” trong các đô thị Việt Nam cũng đã góp phần tạo nên yếu tố “rừng” độc đáo. Trong đó, hệ thống “Không gian xanh” tại Hà Nội, Huế, TPHCM hay Đà Lạt, Sa Pa… đều có những nét riêng, không thể trộn lẫn.

Thủ đô Hà Nội là vùng đất Địa linh Nhân kiệt, có nhiều nét đặc trưng về Đất, Nước, Cây xanh, Lịch sử, Văn hóa và Con người mà hiếm vùng đất nào có được. Hơn 1.000 năm trước, vào mùa Xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã chọn vùng đất này để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về vùng Đại La (Hà Nội) với một tâm nguyện sáng suốt, linh thiêng: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Công viên Thống Nhất

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, sau nhiều giai đoạn phát triển đã để lại những dấu ấn vàng son về không gian, kiến trúc, cảnh quan có giá trị. Trong đó phải kể đến hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố… như vườn Bách thảo, vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Con Cóc, công viên Thống Nhất, công viên Yên Sở, công viên Nghĩa Đô, công viên Hòa Bình…Các công trình kiến trúc đặc biệt có giá trị như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, biệt thự trong khu phố Pháp…

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng (năm 2008) đã ôm trọn trong mình ba vùng văn hóa đặc trưng: vùng văn hóa Thăng Long (trung tâm Hà Nội), vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam của Hà Tây cũ) và vùng văn hóa xứ Đoài (vùng phía Bắc Hà Tây cũ). Trong đó Thăng Long, xứ Đoài là hai vùng có những nét văn hóa đặc sắc… và một hệ thống “Không gian xanh” độc đáo có giá trị.

Thực tế cho thấy, thiên nhiên trong đô thị Hà Nội đã từng được coi là ưu thế của Thủ đô với mạng lưới sông, hồ, làng hoa, vườn cây len lỏi khắp thành phố. Những khoảng không thiên nhiên quý hiếm của Hà Nội không những góp phần điều tiết vi khí hậu mà còn là ngôn ngữ biểu đạt những giá trị văn hóa rất riêng, rất thanh lịch của người Hà Nội. Sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích…, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Đàm, hồ Đồng Mô-Ngải Sơn… gắn với các làng hoa, cây cảnh và các làng nghề truyên thống.

Rừng Ba Vì

Vườn Quốc gia Ba Vì, danh thắng Hương Tích, Sóc Sơn, hành lang xanh sông Đáy, vành đai xanh sông Nhuệ, các nêm xanh, vườn hoa, công viên, mặt nước sông, hồ, hệ sinh thái nông nghiệp…chiếm khoảng 70% diện tích tự nhiên toàn thành phố…đã cho ta một cái nhìn tổng thể về một Hà Nội xanh, yếu tố “rừng” có trong cấu trúc đô thị. Vườn Quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Tích, khu rừng cảnh quan Sóc Sơn, hành lang xanh sông Đáy, các công viên lớn… của Thủ đô Hà Nội lẽ nào không xứng danh là các “công viên rừng” đình đám, có thương hiệu nổi bật của thành phố này?

Tỷ trọng không gian xanh trong cấu trúc không gian hỗn hợp hành lang xanh Hà Nội [8]

Sơ đồ hệ thống “Không gian xanh” trong cấu trúc đô thị Hà Nội [8]

Năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm gắn quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng với phát triển trục không gian xanh đặc trưng quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Đây là cơ hội hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí mang tính biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại. Và chắc chắn rồi sẽ có “Công viên rừng” trong chuỗi các công viên cây xanh thuộc hành lang Sông Hồng – Trục không gian đặc trưng xanh – văn hóa – lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Mới đây, một ví dụ điển hình cho mô hình “Công viên rừng” nhân tạo tại bãi nổi sông Hồng là dự án công viên rừng trên địa bàn phường Chương Dương, hay công viên rừng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh một đoạn sông Hồng chảy qua khu vực trung tâm TP Hà Nôi (Báo Tuổi trẻ)

Sông Hồng – Trục không gian đặc trưng hành lang xanh – văn hóa – lịch sử của Thủ đô Hà Nội

Theo khoản 7, điều 21 Luật Thủ đô (Luật số: 39/2024/QH15), Thủ đô Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Như vậy, Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 có cơ hội để rà soát lại, chắc chắn sẽ có tầm nhìn xa hơn để tạo ra “Kỳ tích sông Hồng” trong giai đoạn phát triển mới.

Trong khu vực hành lang xanh sông Đáy, khu vực Sóc Sơn, vành đai xanh sông Nhuệ… của Thủ đô Hà Nội hiện còn nhiều dư địa để phát triển mô hình “Công viên rừng” bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo. Việc nghiên cứu các giải pháp tổ chức không gian hành lang xanh phía Tây Hà Nội về chức năng và cấu trúc theo khung chủ đề, tổ chức không gian tổng thể và thành phần, các chỉ tiêu quy hoạch cơ bản (sử dụng đất, hạ tầng, không gian cảnh quan) và tổ chức thực hiện theo quy hoạch của NCS Phạm Thị Nhâm (Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng) tạo cơ hội chỉ ra “khung chủ đề” không gian xanh tự nhiên và nông nghiệp (một trong năm khung chủ đề chính của hành lang xanh)… mà ở đó có tiềm năng, lợi thế để người Hà Nội phát triển mô hình “Công viên rừng” bán tự nhiên và “Công viên rừng” nhân tạo… gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống Thăng Long, Xứ Đoài xưa…

Sơ đồ tổ chức không gian xanh trong hành lang xanh phía Tây Hà Nội (không gian xanh tự nhiên và nông nghiệp chủ đạo) [8]

THAY CHO LỜI KẾT! 

Việc quy hoạch tạo nên một hệ thống “Không gian xanh” – lá phổi xanh cho đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình đô thị hoá, biến đổi khí hậu trên thế giới trong đó có Việt Nam không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội mà còn là điều kiện quan trọng để tạo nên một đô thị phát triển bền vững. Công viên, vườn hoa… được hiểu đều nằm trong hệ thống “” đô thị. Suy cho cùng, “Không gian xanh”, hay “Công viên rừng” đều có mối quan hệ biện chứng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh và đều nhắm tới việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, văn hoá, giáo dục của đô thị. Đồng thời, tạo ra sự khác biệt trong xây dựng biểu tượng, thương hiệu của từng đô thị khi yếu tố cạnh tranh mang tính toàn cầu đang rất cao.
Thành phố có rừng là gợi ý của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho Hà Nội khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Chúng ta nên hiểu rằng, việc Phó Thủ tướng quan tâm nhấn mạnh đến yếu tố “rừng trong phố” đối với Thủ đô Hà Nội không chỉ phản ánh xu hướng của thời đại, nhu cầu của cuộc sống mà còn nói lên tính cấp thiết của vấn đề và đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến…

Màu xanh của rừng trong phố, của công viên rừng…cũng sẽ làm cho các công trình kiến trúc của thành phố này ở mọi giai đoạn phát triển thêm duyên dáng, tráng lệ trong mọi cung bậc của cảm xúc về một thành phố Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

Và chắc chắn Hà Nội có rừng – Rừng trong phố!

Tài liệu tham khảo

1. Những công viên nên khám phá và trải nghiệm khi tới Paris/Báo Mới
2. Công viên trung tâm New York – Điểm đến không thể bỏ qua, Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
3. 10 công viên quốc gia ở châu Âu khiến bạn phải sững sờ vì quá đẹp, Hữu Nguyên
4. Thông tư 06/2013/TT-BXD về Hướng dẫn nội dung thiết kế đô thị
5. Nghiên cứu, xây dựng mô hình không gian xanh nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đô thị, áp dụng thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng – Đề tài NC cấp Bộ – Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh.
6. Đề tài Luận án TS “Tổ chức không gian hành lang xanh phía Tây Hà Nội”/Phạm Thị Nhâm (BXD)
7. Model City Environment; Greestructre and Urban Planning
8. Những khu rừng trong thành phố, TS. Trương Văn Quảng/Tạp chí Kiến trúc Việt
Nam, số 250/2024.