11/10/2019

Hà Nội “có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường”

Tại báo cáo mới nhất về 6 năm thực hiện Luật Thủ đô vừa được Chính phủ gửi Quốc hội nhận định, “ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn TP đang xảy ra khá phổ biến”.

Môi trường Thủ đô “từng bước được cải thiện”?

Báo cáo do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, sau 6 năm thi hành Luật Thủ đô, quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Hà Nội đã được ban hành.

Việc đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề… phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu dẫn đến chi phí đầu tư cao.

Báo cáo nhận định “ô nhiễm nguồn nước và không khí trên địa bàn TP đang xảy ra khá phổ biến”. “Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã của TP cho thấy đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường”.

Cũng theo báo cáo này, tốc độ đô thị hóa của TP càng diễn ra nhanh chóng bao nhiêu, thì đi kèm với đó là chất lượng môi trường đã và đang giảm sút nghiêm trọng.

“Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí TP Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2; trong đó, quá trình phá dỡ, đào, san lấp, vận chuyển vật tư và tập trung nhiều thiết bị thi công có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã phát thải khí độc hại như SO2, NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trên một diện rộng quanh khu vực thi công”.

Trong nội dung “về quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 14 Luật Thủ đô)”, báo cáo liệt kê, giai đoạn từ năm 2016-2017, Bộ Tài nguyên Môi trường đã thẩm định và phê duyệt 32 báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc các loại hình giao thông, hạ tầng khu đô thị, xử lý chất thải và các dự án có sử dụng một phần diện tích nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho 4 cơ sở, 3 cơ sở sản xuất được Bộ cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường.

Bộ này còn thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, đến nay đã nhận được và chuyển 60 vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý (trong đó có 17/60 vụ việc đã có báo các kết quả xử lý).

“Hiện nay, TP có 1.350 làng nghề với khoảng 290 làng nghề được công nhận, trong đó có 18 làng nghề nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã triển khai một số dự án đầu tư xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn; 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động với diện tích 2.853 ha, 159 cụm công nghiệp với diện tích 3.204,31ha, trong đó có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động”, báo cáo tiếp tục liệt kê và nhấn mạnh,  “việc di dời các cơ sở sản xuất từ khu dân cư, làng nghề vào các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả”.

Cũng theo báo cáo, TP đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô, trong đó chương trình trồng 1 triệu cây xanh, việc triển khai dự án, đề án thử nghiệm nạo vét và xử lý nước sông, hồ đã đạt được những kết quả nhất định, chất lượng nước các hồ được cải thiện; hạ tầng kỹ thuật (chiếu sáng, cây xanh, đường dạo, vỉa hè) đã hoàn thiện hơn, môi trường từng bước được cải thiện.

Ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội đang xảy ra khá phổ biến. Ảnh: CTV

Ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội đang xảy ra khá phổ biến. Ảnh: CTV

Nhiều chung cư cao tầng vẫn “mọc” trong khu vực nội đô

Liên quan đến việc thực hiện quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, báo cáo của Chính phủ cho hay, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Thời gian qua ở những khu vực này, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

Thống kê sơ bộ tại một số quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy, nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng như: Tổ hợp trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở tại Láng Hạ; tòa nhà Hồng Công Tower – Đê La Thành; các dự án xây dựng trên nền đất của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 7, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu…

Chính phủ cũng nhận định, tiến độ di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm, rất chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho TP để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô.

“Thực tế, đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời”, báo cáo nêu và dẫn ví dụ như trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành Công nghiệp như Cao su Sao Vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống nhất, Xe buýt Hà Nội… nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Đáng chú ý, là Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành Trung ương. Song đến nay, mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp dự án nhà cao tầng.

Đối với bệnh viện tuyến Trung ương, thì hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành. Còn trong số 9 bộ, ngành thì hiện có 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng.

 Hương Giang