05/03/2019

Gỡ nút thắt vốn đầu tư công

Trong tình hình vốn ngân sách eo hẹp, lãnh đạo UBND TPHCM quyết không để tiếp diễn tình trạng vốn đầu tư công bị tồn đọng, nơi cần không có, nơi có lại không sử dụng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã diễn ra nhiều năm nay và vẫn còn tâm lý “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Chính vì lẽ đó, để bảo đảm kết quả giải ngân đến ngày 31-7 đạt ít nhất 50% và cả năm 2019 đạt ít nhất 95%, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ra “tối hậu thư” liên quan vấn đề này với Chỉ thị 02.

Tập trung tháo nghẽn mặt bằng

Trong chỉ thị trên, Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án khẩn trương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn để tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ dự án. Định kỳ hoặc đột xuất phải kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, xử lý vi phạm nếu có.

Về phía UBND TP, quận – huyện, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo phải lập kế hoạch, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án để đề xuất bố trí vốn phù hợp; không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân. Song song đó, phối hợp các sở chuyên ngành để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí vốn được đồng bộ kịp thời, bảo đảm việc thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư; không để phát sinh tiền phạt do chậm chi trả cho người dân.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của từng dự án đạt ít nhất từ 95% trở lên. Nếu tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công trong 3 tháng liên tiếp thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước thì phải chịu trách nhiệm trước UBND TP và Thủ tướng Chính phủ.

Nếu không bị vướng mặt bằng thì nhánh cuối cùng của dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), nối từ đường Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) qua đường Nguyễn Thái Sơn đã thông xe trước ngày 18-1 nhiều tháng. Ảnh: GIA MINH

Nếu không bị vướng mặt bằng thì nhánh cuối cùng của dự án cầu vượt thép nút giao Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), nối từ đường Nguyễn Kiệm (phía Công viên Gia Định) qua đường Nguyễn Thái Sơn đã thông xe trước ngày 18/1 nhiều tháng. Ảnh: Gia Minh

Siết trách nhiệm người đứng đầu

Khi đề cập tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân từng đề nghị các đơn vị nghiêm túc nhìn lại vấn đề này không chỉ trong năm 2018 mà 3 năm qua, từ đó đề xuất biện pháp thay đổi. “Dứt khoát không để xu hướng này tồn tại trong thời gian tới” – Bí thư Thành ủy TP nhấn mạnh. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TP đã dành một nguồn ngân sách cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ song dường như các đơn vị chưa thật sự cảm nhận hết bức xúc của người dân khi những dự án gắn mật thiết với đời sống người dân thì tiến độ giải ngân chậm. Từ thực trạng trên, Bí thư Thành ủy TP nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, nên khi đánh giá cần có sự định lượng để xác định rõ hơn trách nhiệm.

Về phía UBND TP, Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng giải ngân không đạt yêu cầu. “Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án trong việc giải ngân. Đơn vị nào giải ngân dưới 50% (tính đến ngày 31-7) phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Giải ngân dưới 90% (tính đến hết năm 2019) thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan” – người đứng đầu chính quyền TP nêu rõ. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tổ chức giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công; đồng thời thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công.

Dưới góc độ địa phương, nhiều quận, huyện cho biết đang tiến hành rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn. Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho hay muốn giải ngân hiệu quả, sử dụng vốn hiệu quả phải rà soát lại từng dự án cụ thể trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội… Từ đó mới thấy vướng cái gì, lên giải pháp gỡ, “đẩy” dòng tiền. “Các dự án được phê duyệt đã có vốn thì phải tập trung làm, đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó là tăng cường theo dõi, đôn đốc để trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời tháo gỡ” – ông Dũng nêu giải pháp. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 10 Trần Xuân Điền nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công thường gặp là do khó khăn trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, giá bồi thường… Theo ông, hiện quận đã giao các đơn vị liên quan rà soát lại các dự án trên địa bàn, nhất là phối hợp với Ban Giải phóng mặt bằng.

Cầm tiền đừng để tiền “treo”

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 22 khóa X vào cuối năm 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã không giấu sự sốt ruột trước tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Lý do có phải thiếu tiền? Theo lời Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân thì “đúng một phần nhưng cũng chưa đúng vì rõ ràng nhiều sở – ngành, quận – huyện không sử dụng hết ngân sách được TP phân bổ trong năm”.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đã có những dự án vì không có tiền, thiếu tiền mà mãi nằm trên giấy, không triển khai được hoặc triển khai nửa chừng bị đình trệ. Thế mà ở đây lại có một nghịch lý: đã có được tiền, được vốn mà không thể giải ngân được. Và tiền bỗng trở thành… tiền treo. Chúng ta không thể bao biện rằng “cơm không ăn gạo còn đấy”. Bởi thực tế đã phơi bày rất rõ, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã dẫn đến nhiều hệ lụy về xã hội, kinh tế. Khi dự án kéo dài sẽ làm bội chi ngân sách; giảm hiệu quả sử dụng vốn; ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, đời sống người dân…

Phan Anh/Người lao động