Giữ lại vòng tròn đất trồng vùng ven
Nên chăng trong phát triển đô thị TPHCM, cần giữ lại một phần diện tích đất chưa xây dựng hoặc đất nông nghiệp xung quanh ngoại thành, như một vòng tròn giúp bảo vệ đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tận dụng vùng trũng cũng như địa hình tự nhiên để trữ nước mùa khô và thoát nước mùa mưa.
Lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp và dịch vụ cần được tính toán cẩn trọng sao cho đảm bảo tính hiệu quả. Ảnh: Thauxaydung.vn |
Đất trống ngoại thành thuận lợi cho thoát nước
TPHCM dự kiến chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ, ngoài mục đích tăng hiệu quả sử dụng đất, còn mang về cho chính quyền thành phố khoảng 1,5 triệu tỉ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách không đủ chi thì đây là khoản tiền lớn sẽ giúp chính quyền thành phố đầu tư vào các công trình thiết yếu về y tế, giáo dục, chống ngập, hạ tầng giao thông.
Song, lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp và dịch vụ cần được tính toán cẩn trọng sao cho đảm bảo tính hiệu quả, tránh dự án treo như đã từng xảy ra ở nhiều tỉnh thành cả nước, phục vụ sự phát triển bền vững, hạn chế ảnh hưởng sinh kế người dân, môi trường tự nhiên, nhất là gây ngập nước.
Chống ngập nước nếu thiếu phương án giải quyết tổng thể, chỉ thực hiện cục bộ như nâng đường, chưa quan tâm đến những nơi lân cận sẽ dẫn đến tình trạng hết ngập chỗ này lại ngập chỗ khác. Bởi vậy, thiết kế thoát nước trong đô thị nên ưu tiên giải pháp tự chảy, tìm hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ. TPHCM với địa hình còn nhiều đất trống ngoại thành sẽ rất thuận lợi trong việc tận dụng môi trường tự nhiên, thoát nước mưa ra các vùng trũng, sông, kênh, mương, rạch. Máy bơm chỉ sử dụng trong trường hợp địa hình thấp, không có vùng trũng và dòng chảy tự nhiên để thoát nước.
Những năm gần đây việc phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ đã lấy đi diện tích lớn đất nông nghiệp, mảng xanh. Đây thường là những vùng trũng, đất trống đã được một số chuyên gia đô thị cảnh báo nếu san lấp để phát triển sẽ chặn mất dòng chảy và đường thoát nước của thành phố, dễ dẫn đến ngập úng từ bên trong. Điển hình như phía Nam thành phố trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè, nhiều nơi chưa làm hồ điều tiết để trả lại diện tích chứa nước tự nhiên sau khi san lấp mặt bằng.
Dọc đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt, trước đây toàn là đồng ruộng và mương rạch, nay đã bị bê tông hóa gần kín. Dọc theo đường Lê Văn Lương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), gần chục dự án nhà ở đã hình thành và đang san lấp mương, rạch…
Càng mở rộng đô thị thì hệ số dòng chảy càng cao, tức là lượng nước mưa rơi xuống tạo thành dòng chảy tăng lên, đòi hỏi kích thước cống, kênh, mương, rạch để vận chuyển lưu lượng nước mưa cũng phải tăng theo. Nếu hạ tầng không đáp ứng cho thoát nước tất sẽ gây ngập.
Cần lường hết các hệ lụy xã hội
Nên chăng trong phát triển đô thị TPHCM, để hướng đến sự bền vững, cần giữ lại một phần diện tích đất chưa xây dựng hoặc đất nông nghiệp xung quanh ngoại thành quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… Xem đây như một vòng tròn giúp kiểm soát sự phát triển mở rộng tràn lan, bảo vệ đô thị trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tận dụng vùng trũng cũng như địa hình tự nhiên để trữ nước mùa khô và thoát nước mùa mưa.
TPHCM nên chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ sao cho đảm bảo quyền lợi người dân, không xuất hiện tình trạng nhếch nhác làm xấu đô thị bằng các cam kết đáng tin cậy và kèm theo đó là những chế tài thích hợp cho các trường hợp vi phạm.
Với người dân không còn đất nông nghiệp, dù được thu về số tiền bồi thường nhưng vẫn có thể bấp bênh trong cuộc sống do thay đổi nơi cư trú và mất việc làm trồng trọt, chăn nuôi,… Chính quyền vì thế cần lường hết các hệ lụy xã hội có thể xảy ra để có sự chuẩn bị chu đáo, hỗ trợ việc làm phù hợp cho từng đối tượng cũng như hộ gia đình.
Với phần đất nông nghiệp chuyển đổi, cần đưa vào đồ án quy hoạch tổng thể, mặt bằng phân khu chức năng công nghiệp và dịch vụ theo định hướng phát triển của thành phố, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai, giám sát, xử lý vi phạm. Đồng thời, chính quyền thành phố cần tính toán chống ngập trên cơ sở khoa học, dựa trên bản đồ sông, kênh, rạch, cống thoát nước cùng mặt bằng lưu vực, diện tích, dân số, nước thải, nước mưa. Trong đó, cần có biện pháp chống ngập và thiết kế những khu vực dành cho thoát nước, kể cả hồ điều tiết trữ nước. Những nơi công cộng, công viên, vui chơi, giải trí thay vì bê tông hóa sẽ thiết kế thêm mảng xanh, bồn hoa, thảm cỏ vừa tạo cảnh quan vừa là nơi thấm hút nước.
Trong khi đó, chủ đầu tư làm dự án cũng cần được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, gây ngập nước. Chẳng hạn khi san lấp mặt bằng đòi hỏi phải làm hồ điều tiết, hệ thống thoát nước, đáp ứng nhu cầu theo đồ án quy hoạch tổng thể, mặt bằng phân khu chức năng.
Như vậy, thành phố vừa thu về nguồn kinh phí lớn từ việc chuyển đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ, vừa có thêm cơ sở hạ tầng theo định hướng phát triển với đồ án được duyệt.
Đỗ Ngô Trần/Thời báo Kinh tế Sài Gòn