Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
TS.KTS Trần Minh Tùng – Đại học Xây dựng Hà Nội
Muốn thực thi và phát triển CTX thực tế bao giờ cũng bắt đầu từ nguồn nhân lực. Trước tiên, sinh viên ngành Kiến trúc phải được hiểu thế nào là một CTX hay kiến trúc xanh… Các giảng viên hiện nay cũng rất mong tìm kiếm được bộ khung chuẩn cơ bản của CTX, đặc biệt của Việt Nam để giúp cho sinh viên hiểu được đúng bản chất của nó. Những vấn đề đặt ra giữa thực tế và cái chúng ta đang làm hiện nay, bản chất của CTX là thế nào?… Ngay cả quan điểm trong cách dùng vật liệu gạch hay quan điểm về chất lượng CTX cũng còn nhiều bất cập.
Cách đây vài năm, trong một hội đồng tốt nghiệp, có một sinh viên làm đồ án khách sạn xanh Hạ Long. Khách sạn “xanh Hạ Long” chứ không phải khách sạn “Hạ Long xanh”. Chúng tôi hỏi CTX ở chỗ nào thì em sinh viên trả lời: “Khách sạn của em đầy cây xanh và sân màu xanh. Em nghĩ thế là đủ”. Và ngay cả hội đồng cũng không hiểu được cái quan điểm về cây xanh là như thế nào…
Nếu định nghĩa CTX có nghĩa là công trình có nhiều cây xanh thì sẽ ngược lại với những CTX không hề có cây xanh như các ví dụ đã có trên thế giới. Vậy, chúng ta định nghĩa nó thế nào? Khái niệm này đặt ra ở một cơ sở đào tạo đương nhiên sẽ gây tranh luận lớn. Mặt khác, dường như sinh viên đã mặc định sẵn trong đầu là CTX phải có cây xanh, không nhiều thì ít. Một công trình mà từ đầu đến cuối không có cây xanh thì là sự không thể. Đây cũng là điều mà bản thân các giảng viên hiện nay đang phải tìm tòi các nội hàm chung, đảm bảo kiến thức cơ bản nhất của CTX để truyền tải đến sinh viên. Mà điều này cũng cần đòi hỏi những nắm bắt, tổng kết từ thực tiễn chứ không chỉ từ lý thuyết.
Thực tế là lượng thông tin, trao đổi cho sinh viên hiện nay chủ yếu là định tính nhiều hơn là định lượng. Định tính là trồng cây xanh, sử dụng vật liệu thân thiện… nhưng để có được bao nhiêu phần trăm nguồn năng lượng tích cực ở đó thì hoàn toàn chưa có. Trong đào tạo về CTX ở Pháp, người ta cũng xác định rõ cấp độ sinh viên là cấp độ cần hiểu cơ bản, có ý thức phát triển CTX. Còn những cái cụ thể thì nằm ở cấp độ sau đại học – tức là những bằng cấp chuyên ngành, chuyên sâu hơn. Do vậy, với Việt Nam, nếu muốn phổ cập toàn bộ những kiến thức chuyên ngành đó cho tất cả sinh viên trong thời gian sớm nhất – đôi lúc cũng sẽ bị phản tác dụng./.