19/11/2024

Giá trị cảnh quan kiến trúc nhà thờ công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc bộ

MỞ ĐẦU

Theo ghi chép của chính sử, ngay từ năm 1533, Công giáo đã vào đồng bằng Bắc Bộ và vùng đất Quần Anh (Nam Định) là nơi đầu tiên Công giáo có mặt, rồi từ đó lan tỏa ra nhiều làng quê Việt, kéo theo đó là hàng loạt nhà thờ lần lượt được xây dựng lên. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo mang đặc trưng phong cách kiến trúc phương Tây thì cũng có nhiều nhà thờ đã có sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc phương Tây (ở lớp vỏ bên ngoài) với phong cách kiến trúc cổ truyền (ở bộ khung gỗ bên trong công trình). Niên đại hiện còn của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền cơ bản là khoảng cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Sự hiện diện của những nhà thờ như vậy cũng đã góp phần làm giàu bản sắc kiến trúc truyền thống Việt nói chung, làm phong phú kiến trúc truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

KHÔNG GIAN CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG 

Nhà thờ Công giáo cũng như mọi công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác đều được chọn đặt ở vị trí thoáng đãng, có thế đất đẹp. Tuy nhiên, do nhà thờ Công giáo thường có quy mô, kích thước lớn hơn những ngôi đình, đền trong kiến trúc truyền thống nên chúng dễ nổi bật trong khung cảnh vùng quê. Buổi ban đầu, vị trí đặt nhà thờ thường ở rìa làng, phía trước hướng về cánh đồng rộng hoặc dòng sông. Những nhà thờ có hộ dân bám xung quanh che khuất tầm nhìn thì đều là do sự gia tăng dân số, các hộ dân đã lập nhà, sống bám quanh nhà thờ. Thậm chí qua thời gian với quá trình đô thị hóa nên một số nhà thờ đã nằm trong phố, như nhà thờ Hưng Yên hiện ở trung tâm phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; nhà thờ Từ Châu hiện nằm ở giữa thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội; nhà thờ Ngũ Mã ở thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Nhà thờ thành phố Hưng Yên

Xét trên tổng thể, các nhà thờ cũng được đặt ở vị trí thuận tiện về giao thông thủy, bộ. Đặc biệt nhiều nhà thờ có vị trí gần các con đê sông lớn (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc, sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ…) hoặc gần cửa sông, cửa biển, như nhà thờ Quần Liêu nằm gần biển ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Đây cũng là vị trí quen thuộc của nhiều nhà thờ Công giáo ở nước ta khi buổi đầu truyền đạo, các cha xứ và phái đoàn truyền giáo thường đi theo đường thủy, lên truyền đạo tại các xóm ven sông, rồi từ đó mới đi sâu vào nội địa.

Các nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ thường quay theo hai hướng chính là Đông và Tây. Ngoài ra, cũng có một số nhà thờ quay hướng Đông Đông Bắc và Đông Bắc hoặc hướng Tây Bắc (như nhà thờ Cao Xá ở Phủ Cừ, Hưng Yên). Đa phần các nhà thờ với tháp chuông nổi bật nên dễ nhận ra chúng trong khung cảnh làng quê. “Nhà thờ Công giáo nguyên thủy quay mặt về hướng Đông. Tiến hành truyền giáo, phát triển đạo Công giáo ở Việt Nam các thừa sai, sau này là linh mục người Việt thường ít chú ý tới phương hướng đặt nhà thờ. Phần lớn các nhà thờ được đặt tùy hướng theo thế đất, như quay mặt ra hướng lộ, cũng có khi là quay theo hướng nào thuận lợi cho việc đi lại”.

Bên trong khuôn viên với những nhà thờ có diện tích khuôn viên rộng, thì đều đã thiết kế thêm phần hồ nước, cây xanh nhằm tạo các điểm nhấn tự nhiên, như nhà thờ Duyên Lãng, Lai Ổn, Cao Mộc, Cam Châu, Lương Điền (Thái Bình). Hồ nước có thể đặt phía trước nhà thờ, như các nhà thờ Duyên Lãng, Cao Mộc (Thái Bình), Từ Châu, Hạ Hồi (Hà Nội), Phát Diệm (Ninh Bình), Ninh Cường (Nam Định) hoặc đặt bên cạnh, như các nhà thờ Lai Ổn, Cam Châu, Lương Điền, Đông Hồ (Thái Bình). Trên hồ có thể tạo thêm các đảo, trên đó thường đặt tượng Đức Mẹ, hoặc các thánh Tông đồ. Điểm khác biệt cho với các công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống là các hồ nước ở nhà thờ thường có mặt bằng hình vuông hoặc chữ nhật, gần như không thấy hồ có mặt bằng hình tròn hay bán nguyệt.

Nhà thờ Cao Mộc – Thái Bình

Phía trước nhà thờ thường là không gian khá thoáng đãng; hai bên và phía sau có thể có những vườn cây cảnh hoặc cây lưu niên vừa lấy bóng mát, vừa tạo cảnh quan cho công trình. Trong khuôn viên nhà thờ, còn được thiết kế các mô hình hang đá hoặc các khu đặt tượng thánh. Nhiều nhà thờ xung quanh Nhà thờ chính còn xây bệ đặt tượng 14 đàng Thánh giá.

Có thể thấy, với vị trí và cảnh quan như vậy, những ngôi nhà thờ có bộ gỗ truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã khéo léo bố cục để công trình của mình hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh. Nhà thờ vẫn nổi bật trên nền cảnh của làng quê với những kiến trúc đồ sộ, Tháp chuông cao nhưng trong từng vị trí chúng vẫn được các cây xanh che phủ để công trình tuy lớn nhưng vẫn không có cảm giác bị chế ngự bởi những khối xây.

MẶT BẰNG BỐ TRÍ CÔNG TRÌNH

Trong tổng thể một khu nhà thờ Công giáo, ngoài Nhà thờ chính còn có các hạng mục kiến trúc phụ trợ. Tùy vào mỗi nhà thờ mà số hạng mục kiến trúc phụ trợ này khác nhau.

Tháp chuông

Cũng như Nhà thờ chính, đây là kiến trúc bắt buộc phải có trong một nhà thờ Công giáo. Nhiều nhà thờ còn có 2 hoặc 3 tháp chuông, như các nhà thờ Cao Xá, Trần Xá (Hưng Yên), Cao Mộc, Duyên Lãng (Thái Bình), Đồng Bình (Hải Dương). Tháp chuông có thể là một kiến trúc gắn liền với Nhà thờ chính, như nhà thờ Ngô Xá, Lực Điền, Thiện Phiến (Hưng Yên), Lai Ổn, Lương Điền (Thái Bình), Ninh Cường (Nam Định), Thanh Xá (Hải Dương) hoặc là một kiến trúc độc lập, tách rời khỏi Nhà thờ chính, như các nhà thờ Hưng Yên, Cao Xá, Trần Xá, Viên Tiêu, Trung Châu (Hưng Yên), Cao Mộc, Duyên Lãng (Thái Bình)….

Tháp chuông là công trình cao nhất trong tổng thể nhà thờ, trên đỉnh thường đặt cây Thánh giá. Nhà thờ đổ chuông để báo giờ lễ cho giáo dân hoặc trong các dịp lễ quan trọng và vượt lên trên tất cả những điều đó, tháp chuông còn thể hiện sự linh thiêng, quy tụ các con chiên lạc về với Chúa. Trong lòng tháp chuông có đặt các quả chuông, đa phần là chuông Tây (chuông có dây kéo) và cũng có một số nhà thờ đặt chuông Nam (chuông nện vồ) như tại nhà thờ Phát Diệm.

Nhà thờ Thanh Xá -Hải Dương

Nhà thờ chính

Công trình này có mặt bằng chữ nhật, bố cục dọc, thường nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên. Phía trước Nhà thờ chính luôn có một sảnh, thường là một bệ xây gạch, hình chữ nhật, chiều ngang bằng với chiều ngang của Nhà thờ chính và cao hơn sân bao quanh từ 0,4 đến 0,7m. Từ dưới sân sẽ có một số bậc cấp dẫn lên phần sảnh phía trước nhà thờ. Sự xuất hiện của sảnh này là điểm khác biệt so với những kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, như đình, đền, chùa. Nhà thờ chính là công trình kiến trúc có giá trị nhất trong tổng thể. Nhiều nhà thờ chính với bộ khung kết cấu gỗ truyền thống, với các bộ vì liên kết kiểu giá chiêng, chồng rường, ván mê và vì kèo. Trên các cấu kiện gỗ thường được chạm khắc tinh xảo, sơn son, thếp vàng nhiều đề tài kết hợp cả Công giáo và văn hóa dân gian truyền thống.

Các thành phần phụ trợ khác

Nhà xứ, hay nhà mục vụ giáo xứ là nơi hội họp điều hành các hoạt động của giáo xứ, cũng có các phòng cho giáo sĩ ăn, ở và làm việc.

Nhà dãy, tương tự như hành lang, được làm song song với Nhà thờ chính ở một hoặc hai bên. Có những cách giải thích khác nhau về xuất xứ của nhà dãy; một số nhà nghiên cứu cho rằng nhà dãy được làm ra để cho tín đồ ở xa mỗi dịp về nhà thờ tham dự thánh lễ có nơi nghỉ ngơi qua đêm. Ngày thường nhà dãy được dùng vào việc dạy kinh bổn, dạy hát cho trẻ thơ, cho người tân tòng và trong những thánh lễ trọng, khi nhà thờ quá tải tín đồ thì họ ngồi trong khu nhà dãy để lễ vọng.  Những Nhà dãy cổ hiện còn có thể kể đến như ở nhà thờ Hà Hồi, Từ Châu (Hà Nội). Tuy nhiên không phải nhà thờ nào hiện cũng có Nhà dãy, đặc biệt những nhà thờ giáo họ thì hầu như không có Nhà dãy. Một số nhà thờ giáo xứ cũng mới xây bổ sung Nhà dãy phục vụ cho các dịp thánh lễ, như nhà thờ Lực Điền (Hưng Yên).

Nhà Hội quán, còn gọi là nhà Quán cư, nhà Hội đồng. Ở những làng Công giáo toàn tòng, nhà Hội quán còn được dùng vào việc bàn bạc, quyết định những phần việc đời của làng đạo. Việc xuất hiện những nhà Hội quán làm cho quần thể kiến trúc nhà thờ thêm phong phú, đa dạng, tạo thêm những công năng mới. Nhiều nhà Hội quán cũng được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với bộ khung gỗ đỡ mái, như nhà Hội quán ở nhà thờ Bình Sa (Ninh Bình).

Đường kiệu, nhiều xứ đạo thường làm một đường kiệu bao vòng quanh trong khuôn viên nhà thờ, dùng cho việc rước kiệu trong một số thánh lễ. Đường kiệu thường được lát bằng vật liệu và màu sắc khác với phần sân để dễ phân biệt. Một số nhà thờ, đường kiệu chỉ làm bao vòng quanh Nhà thờ chính nhưng một số nhà thờ đã làm đường kiệu vòng rộng hơn, bao cả khu hồ phía ngoài và dọc đường kiệu có cắm hoặc giăng những dãy cờ để dễ phân biệt, như nhà thờ Hà Hồi (Hà Nội) được làm vòng ra ngoài, tới khu đài Thánh tử đạo.

Hang Lộ Đức, hay hang Đức Mẹ Lộ Đức được dựng lên để kỷ niệm sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra tại vùng núi Lourdes (phiên âm tiếng Việt là Lộ Đức) thuộc nước Pháp, nổi bật nhất là lần hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous vào ngày 11/02/1858.

Nội thất nhà thờ chính – nhà thờ Thành phố Hưng Yên

Ngoài ra quanh khuôn viên nhà thờ có thể có các công trình khác như đài Đức Mẹ, Đức Chúa, các tượng đài Thánh, phòng học giáo lý, nhà hài cốt (nơi đặt các hũ tro cốt người chết), thư viện, nhà hậu… Không phải nhà thờ nào cũng đầy đủ các hạng mục phụ trợ nêu trên; những nhà thờ với quy mô lớn, thuộc trung tâm của giáo xứ sẽ có khuôn viên rộng và nhiều hạng mục công trình hơn những nhà thờ giáo họ… Có nhà thờ như nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), trong tổng thể gồm hàng chục hạng mục công trình và được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau… Trong tổng thể như vậy, Nhà thờ chính là công trình đồ sộ nhất, có giá trị nhất về kiến trúc, nghệ thuật.

Toàn bộ khuôn viên nhà thờ được bao bọc bởi hàng tường rào thưa thoáng. Theo quan điểm của Công Đồng Vatican II, giáo hội không tự bao bọc lấy mình mà mở ra cho mọi người và đến với muôn dân, vì thế nên hàng rào thường không xây cao, kín, mang tính chất tách biệt mà luôn có cảm giác gần gũi cuộc sống đời thường bên ngoài với thánh đường thiêng liêng bên trong. Đôi khi bên tường rào còn được trồng thêm hàng cây xanh che phủ vừa thoáng mát vừa thân thiện với môi trường; hoặc có những nhà thờ lấy luôn hàng cây xanh làm tường rào ngăn cách

MỘT VÀI NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ

Công giáo đã vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ từ khá sớm, sau đó lan rộng ra cả nước, cùng với đó là sự ra đời một loại hình kiến trúc tôn giáo mới. Bên cạnh những nhà thờ Công giáo theo phong cách kiến trúc châu Âu thì cũng đã xuất hiện những nhà thờ được dựng trên bộ khung kiến trúc bằng gỗ, theo phong cách truyền thống. Số lượng nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ truyền thống hiện còn tập trung nhiều ở một số giáo phận như Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội… Ngoài ra, mặc dù đã vào nước ta từ nửa đầu thế kỷ XVI, nhưng những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ hiện cũng chỉ còn thấy với mốc niên đại từ nửa sau thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Thông qua tìm hiểu những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ hiện còn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, có thể thấy những giá trị nổi bật về cảnh quan kiến trúc, bố cục mặt bằng tổng thể. Đa phần các nhà thờ đều đạt được tỉ lệ hài hòa cũng như tương quan thích hợp giữa các thành phần kiến trúc, có giá trị thẩm mỹ cao.

Về bố cục công trình, không gian bên ngoài mỗi nhà thờ đều được tổ chức lớp lang như đình chùa, có hồ nước làm minh đường, có cổng, sân trong, cùng những vườn cây cổ thụ tạo cảnh sắc. Nhiều nhà thờ với khuôn viên rộng thường có diện nước khá lớn ở cả đằng trước và hai bên. Có nhà thờ còn làm thêm một chiếc cầu bắc qua hồ, dẫn từ cổng vào sân trước nhà thờ (như nhà thờ Hà Hồi, Hà Nội).

Cung Thánh nhà thờ Trần Xá – Hưng Yên

Hầu hết các nhà thờ có bộ khung gỗ cổ truyền hiện còn đều khai thác khá tốt những đường nét kiến trúc dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố và thành phần kiến trúc Á-Âu tạo ra ấn tượng đẹp về nhà thờ Công giáo mang tính độc đáo Việt Nam. Bên trong kiến trúc Nhà thờ chính, là bộ khung gỗ đỡ lớp mái dốc lợp ngói. Hình ảnh của các công trình nhà thờ Công giáo vừa quen mắt, vừa thân thuộc với những công trình tôn giáo, tín ngưỡng hay các kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt.

Cũng dựa trên những đặc điểm, giá trị truyền thống nhưng ở nhà thờ Công giáo lại có những sáng tạo riêng trong cách sắp xếp, bố cục công trình. Sáng tạo ở đây là nếu như kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng truyền thống có lối đi theo chiều ngang vào gian giữa là nơi thờ tự thì nhà thờ của người Công giáo lại đi từ đầu hồi, theo chiều dọc, chiều dài nhất của công trình vào Cung Thánh ở cuối phía công trình. Các chi tiết nguyên gốc từ phương Tây như tượng Đức Mẹ, Đức Chúa, các Thánh được tôn trọng cả về hình thức lẫn cách bố trí bên trong và bên ngoài như nhà thờ ở phương Tây nhưng những họa tiết chạm khắc trên các cấu kiện gỗ, các bộ vì lại được khéo léo kết hợp: hình hoa, lá, họa tiết truyền thống của Việt Nam.

Tổng thể nhà thờ Đông Cường – Nam Định

Không chỉ khai thác những đặc điểm trong kết cấu bộ khung gỗ cổ truyền Việt mà cả bố cục trong thiết kế cảnh quan sân vườn, hòn non bộ, mặt nước, cây xanh của các công trình cũng theo quan niệm phong thuỷ mà người thợ xưa đã từng sử dụng khi xây dựng các công trình đình, chùa. Hướng chính công trình thường mở về phía Đông hoặc Tây có thể đón ánh sáng ban mai và giúp cho ánh nắng có thể chiếu vào các hoạ tiết ô cửa kính làm không gian nhà thờ Công giáo thêm huyền bí, linh thiêng.

Nhà thờ Công giáo kết cấu gỗ hoặc riêng lẻ hoặc cùng với các công trình phụ trợ khác tạo nên một quần thể kiến trúc vừa gần gũi, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan chung của làng Việt truyền thống, đồng thời tạo nên giá trị mới về kiến trúc cảnh quan, kiến trúc công trình không chỉ cho làng Việt mà cho cả nền kiến trúc Việt. Sự xuất hiện của những nhà thờ Công giáo có bộ khung gỗ truyền thống ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông – Tây đặc sắc trong nền kiến trúc dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Thị Ngọc Anh (2022), Nhận diện tính bản địa của nhà thờ Công giáo kiến trúc gỗ tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, ĐHXDHN, số 16 (4V)
  2. Trần Quốc Bảo (2021)“Giá trị di sản kiến trúc nhà thờ Công giáo thời kỳ đầu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ” tạp chí Kiến trúc số 8/2021
  3. Hoàng Đạo Cương (chủ biên) (2020), “Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (Tập 1, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc)
  4. Hoàng Đạo Cương (chủ biên) (2020), “Kiến trúc nhà thờ Công giáo Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích” (Tập 2, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc).
  5. Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Bình (1994) Những kiến trúc mang đậm tính dân tộc của một số nhà thờ Công giáo (chủ yếu qua nhà thờ Phát Diệm), Tạp chí Dân tộc học số 4 (84).
  6. Nguyễn Hồng Dương (1998), Nhà thờ Công giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7. Nguyễn Nghị (2006), Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, kiến trúc-lịch sử, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tập 2), Nxb Giáo Dục.
  9. Nguyễn Tất Thắng (2019), Kiến trúc nhà thờ Công giáo tại Việt Nam – Những giá trị cần phát huy, Tạp chí Xây dựng số 08/2019.