Giá trị bền vững trong kiến trúc
Brian Edward trong sách “Hướng dẫn cơ bản về bền vững” (Guia basica de la Sostenibilidad) đưa ra một so sánh thú vị về sự khác nhau trong phát triển bền vững giữa phương Tây và phương Đông. Trong khi phương Tây ‘cơ giới’ thì phương Đông là ‘thần bí’. Phương Tây là ‘khoa học’ thì phương Đông ‘tinh thần’. Phương Tây ‘công nghệ cao’ phương Đông ‘công nghệ thấp’. Phương Tây dựa vào năng lượng, phương Đông dựa vào ‘nước’. Thực tế thì kiến trúc châu Á nói chung và kiến trúc Việt Nam nói riêng từ lâu đã thực thi giá trị bền vững trong thiết kế và xây dựng công trình. Ngày nay, khái niệm bền vững trong kiến trúc lại đến từ phương Tây, bởi phương Đông thiếu những nhà tư tưởng kiến trúc.
Giá trị bền vững trong kiến trúc là một phạm trù nhận thức rộng lớn. Có thể là giá trị bền vững tư tưởng-triết học, bền vững kinh tế-xã hội, giá trị bền vững văn hóa-nghệ thuật, hay đơn thuần là giá trị bền vững sinh thái của công trình kiến trúc. Chúng ta đều biết năm 1987 Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển đã định nghĩa sự phát triển bền vững là “Sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của chính các thế hệ mai sau”. Một khái niệm rất rộng và mở. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ giới hạn trong một vài suy nghĩ không hệ thống về giá trị bền vững văn hóa – nghệ thuật và bền vững sinh thái trong kiến trúc.
Kiến trúc cổ Việt Nam đã có những công trình có giá trị bền vững vật thể và phi vật thể. Khuê Văn Các có giá trị văn hóa – nghệ thuật bền vững vật thể và phi vật thể. Khuôn viên gia đình đồng bằng Sông Hồng có giá trị bền vững sinh thái phi vật thể. Làng cổ đồng bằng Sông Hồng có giá trị bền vững văn hóa – xã hội phi vật thể nhiều hơn giá trị bền vững vật thể. Kiến trúc thế giới thì rất nhiều ví dụ. Vườn treo Babylon có giá trị bền vững văn hóa phi vật thể. Kim tự tháp Ai Cập có giá trị văn hóa-lịch sử và nghệ thuật vật thể và phi vật thể. Vườn Nhật Bản, Nhà hát Sydney là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật bền vững vật thể.
Một công trình kiến trúc tồn tại trong thời gian, được cộng đồng công nhận là nơi lưu giữ một giá trị nào đó của cộng đồng, công trình đó có giá trị bền vững vật thể. Có những công trình không còn tồn tại, hay tồn tại mà không nguyên mẫu nhưng phản ánh một giá trị lịch sử, một tri thức cộng đồng hay một lưu mẫu truyền thống của cộng đồng, công trình ấy có giá trị bền vững văn hóa-xã hội phi vật thể. Rõ nhất trường hợp này là làng cổ Đồng bằng Sông Hồng. Có thể coi các khu công nghiệp Cao-Xà-Lá, ‘nhà ở tập thể’ ở miền Bắc giai đoạn 1954-1965 là những loại công trình có giá trị bền vững văn hóa-xã hội phi vật thể.
Khái niệm bền vững sinh thái trong kiến trúc mới được đưa ra gần đây, xuất phát từ phương Tây. Cơ bản của bền vững sinh thái là chu trình khép kín của ‘chuỗi thức ăn’. Được hiểu nôm na là đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình tiếp theo. Trong kinh tế là ‘kinh tế tuần hoàn’. Trong kiến trúc là tận dụng tài nguyên tại chỗ như năng lượng, vật liệu phổ thông địa phương, thu giữ và tái dụng nước, hệ thống cây xanh-mặt nước, yếu tố kiến trúc…tạo vi khí hậu tiện ích và tồn tại phù hợp với môi trường sinh thái địa phương.
Như đã trình bày phần trước, mặc dầu không nêu lên được khái niệm sinh thái, nhưng người Việt đã biết đến giá trị bền vững sinh thái trong kiến trúc. Nếu lấy các tiêu chí mà Brian Edward nêu ra thì chúng ta có thể có được nhiều thể loại công trình có phát triển bền vững.
Kiến trúc Việt Nam hiện đại chưa đủ thời gian, chưa có những đánh giá và tôn vinh chính thức cho công trình và tác giả có giá trị bền vững.
Giá trị bền vững trong kiến trúc liệu có phải là một giá trị quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của quốc gia?
Ta cũng biết rằng một công trình kiến trúc không có giá trị bền vững hôm nay thì chắc chắn sẽ không là di sản kiến trúc mai sau. Việc tọa đàm hôm nay đưa ra vấn đề ‘Giá trị bền vững trong kiến trúc’ là cần thiết và không quá muộn. Ở khía cạnh nào đó, “giá trị bền vững trong kiến trúc” là một tiêu chí quan trọng của lý luận kiến trúc Việt Nam đương đại. Ngoài các nội dung của giá trị kiến trúc như giá trị tư tưởng-triết học, giá trị văn hóa-xã hội, giá trị kinh tế-kỹ thuật hay giá trị nghệ thuật thì tính chất của giá trị như tính bền vững-lâu dài, tính tức thời-linh hoạt, tính vật thể -phi vật thể, tính ứng phó-cốt lõi…là những phạm trù thiết yếu của lý luận kiến trúc đương đại.
Để thực hiện được một công trình kiến trúc có giá trị bền vững ở Việt Nam thì quá khó. Nếu tác phẩm kiến trúc quốc tế là tư duy sáng tác của KTS nhằm kiến trúc hóa các yêu cầu của chủ đầu tư, thì ở Việt Nam phần lớn số đông công trình kiến trúc là minh họa ý muốn và yêu cầu của chủ đầu tư. Chủ đầu tư nhà nước hay tư nhân cũng đều là con người cụ thể, nên vấn đề là văn hóa chứ không phải là cơ chế. Đối với các chủ đầu tư tư nhân thì lợi nhuận quyết định mọi giải pháp. Kiến trúc bền vững sinh thái thì bao giờ cũng đắt hơn nhiều kiến trúc thông thường, nên thuyết phục chủ đầu tư để có được giải pháp kiến trúc bền vững sinh thái lại càng khó hơn. Có lẽ đó là rào cản đầu tiên và lớn nhất mà KTS phải bước qua.
Hệ sinh thái kiến thức về giá trị bền vững trong kiến trúc của chúng ta hầu như chưa hình thành. Những thực nghiệm kiến trúc bền vững của chúng ta còn quá ít. Chưa có những nghiên cứu lý thuyết đầy đủ và cơ bản về bền vững trong kiến trúc. Một vài vấn đề về ‘kiến trúc xanh’ đã được nghiên cứu và truyền thông, song kiến trúc xanh chỉ là một phần nhỏ của bền vững trong kiến trúc.
– Nội dung và giá trị bền vững trong kiến trúc là gì?
– Tính chất và thể loại bền vững trong công trình kiến trúc, trong quy hoạch xây dựng là gì?
– Tiêu chí đạt được bền vững trong thiết kế và xây dựng công trình kiến trúc, trong quy hoạch xây dựng đô thị – nông thôn là gì còn chưa được đặt ra thì nói gì đến Sổ tay giá trị bền vững trong kiến trúc!…
Thiếu những vấn đề đó nên KTS khó tiếp cận để nhận thức và sáng tác, thiết kế các công trình kiến trúc có giá trị bền vững. Thiếu các vấn đề lý luận về giá trị bền vững thì khó đánh giá và tôn vinh công trình kiến trúc và tác giả.
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đặt vấn đề “giá trị bền vững trong kiến trúc” trong tọa đàm này theo tôi là rất thích hợp và Tạp chí Kiến trúc Việt Nam nên tiên phong trong lĩnh vực lý luận và thực tiễn quan trọng về bền vững trong kiến trúc và giá trị bền vững của kiến trúc nói chung và của kiến trúc Việt Nam.
Sẽ không có di sản kiến trúc cho mai sau nếu hôm nay không có kiến trúc bền vững. Ngày nay, sẽ không có kiến trúc bền vững nếu không có lý luận về kiến trúc bền vững và các giá trị của kiến trúc bền vững.
(Bài viết thuộc nội dung Tọa đàm 1: Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới, Diễn đàn Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai do Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức)
KTS Nguyễn Luận