13/08/2019

Đừng để kỳ vọng thành thất vọng

Lẽ ra mùa thu tháng Tám này, người dân Thủ đô và du khách gần xa đến Hà Nội có thể “rong ruổi” trên đường sắt trên cao ngắm nhìn Thành phố. Nhưng sự thực “mơ ước” ấy không biết đến bao giờ!

Được khởi khởi công vào mùa thu tháng 10 năm 2011, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư dự kiến đưa vào vận hành tháng 6 năm 2014 song qua 5- 6 lần lỗi hẹn, đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

4441_Cat_Linh_Ha_Dong

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng).

Mới đây trong văn bản gửi cử tri Thủ đô về nguyên nhân chậm tiến độ dự án này, Bộ Giao thông- Vận tải trả lời: Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ Giao thông Vận tải, do thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh lại bước thiết kế kỹ thuật. Do chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc China Eximbank là Cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện Dự án. Về phía tổng thầu, do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế…

Về nguyên nhân khách quan, Bộ này cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật. Hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án…

Về trách nhiệm, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành Dự án; Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư…

Đáng lưu ý, báo cáo trả lời nhấn mạnh: “Mặc dù Bộ Giao thông và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng Dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay Dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung Tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải”.

Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mỗi một năm xu thế công nghệ lại tiến một bước hiện đại hơn. Lĩnh vực giao thông cũng vậy. Từ khi khởi công dự án đến nay, ở các nước phát triển đã tập trung xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, còn đối dự án tàu điện trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện không những chậm về tiến độ mà xét ở góc độ công nghệ đã không theo kịp xu thế của thời đại.

H.Lê/Lao động Thủ đô