Đừng đập bỏ tương lai di sản
Trong khi công tác bảo tồn di sản có yếu tố tâm linh như đình, đền, chùa… đang gặp nhiều vướng mắc thì không ít di sản mang dấu ấn kiến trúc như các biệt thự, trường học… cũng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do giá trị của chúng không được “định vị” một cách đúng đắn trong hệ thống di sản đô thị.
Trường Châu Văn Liêm hơn trăm tuổi nằm ở thành phố Cần Thơ từng nằm trong diện cần dỡ bỏ
Không phải di sản thì… cứ dỡ
Di sản kiến trúc không chỉ là những địa danh lịch sử, mà còn là địa điểm mang giá trị thẩm mỹ, tinh thần, gắn bó và được cộng đồng thừa nhận. Phần lớn những di sản này đều có tuổi đời cao, thậm chí không nguyên vẹn, nên mặc dù lưu giữ nhiều giá trị quý báu nhưng lại bị bỏ quên trong đời sống xã hội. KTS Cao Thành Nghiệp, người 2 lần đoạt giải Kiến trúc Quốc gia, trực tiếp trùng tu nhiều di sản kiến trúc tại Đà Lạt, TP.HCM kể lại câu chuyện xót xa.
Năm 2012, cổng Bảo Đại – chiếc cổng dẫn vào dinh Bảo Đại, thành phố Đà Lạt nơi lưu giữ dấu tích của vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam bị tháo dỡ. Lý do là chiếc cổng xây thấp, xe tải đi qua khiến cổng bị nứt, nghiêng. Tuy nhiên, trong khi người dân cho rằng chưa đến mức phải phá bỏ, thì chính quyền lại cương quyết dỡ đi. “Họ phá chiếc cổng một cách không thương xót. Hỏi nguyên nhân vì sao phá, thì họ nói là không phải di sản, nên không cần phải trùng tu” – KTS Cao Thành Nghiệp ngậm ngùi.
Chẳng riêng gì một chiếc cổng, mà ngay cả những công trình đồ sộ, mang nhiều dấu ấn văn hóa, gắn bó với đời sống dân sinh như trường học, biệt thự… cũng nằm trong diện “kêu cứu”. Lý do chủ yếu là vì sự hiện diện của chúng… không còn cần thiết. Mới đây thôi, câu chuyện trường Châu Văn Liêm hơn 100 tuổi, ở TP Cần Thơ thoát khỏi “án trảm” vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Được xây dựng năm 1917 với lối kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp, là một trong hai ngôi trường cổ kính, đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long – nếu không có sự nhìn nhận, đánh giá kịp thời của những người có trách nhiệm thì có lẽ ngôi trường đã trở thành… đống gạch vụn.
Những gì còn lại sau khi cổng Bảo Đại, Đà Lạt bị phá
“Định vị” không đúng là giết di sản
Lý giải nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều những công trình kiến trúc có giá trị đang dần biến mất trước sự hờ hững, thờ ơ của xã hội, KTS Cao Anh Tuấn, Đại học Kiến trúc TP.HCM cho rằng: “Khi bảo tồn, chúng ta chỉ quan tâm đến quá khứ di sản chứ không nhìn vào tương lai của di sản đó. Di sản đóng băng, không sinh lời, chúng ta dễ dàng phá bỏ chúng”. Thống kê cho thấy ở TP.HCM có khoảng 1.500 ngôi biệt thự cổ, trong đó không ít công trình đang trong quá trình vật lộn để tìm “sự sống”.
Còn trong số 10 ngôi trường có lối kiến trúc cổ giá trị, thì chỉ có 4 là được đưa vào danh mục di sản. Nếu không có những biện pháp kịp thời thì trong tương lai, những di sản kiến trúc có giá trị này sẽ dần bị “nuốt chửng” bởi vòng xoáy của công nghiệp hóa. Theo KTS Cao Anh Tuấn, sự phát triển ồ ạt của các khu trung tâm đô thị mới đang đặt gánh nặng lên việc giữ gìn và bảo vệ hệ thống di sản cũ.
Nếu như một đô thị mới như TP.HCM còn phải loay hoay đối phó với những hệ lụy của sự phát triển thì ở một thành phố có bề dày lịch sử như Hà Nội, việc giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển còn khó khăn hơn rất nhiều. Hoàng thành Thăng Long là một ví dụ cho thấy việc coi khảo cổ học đô thị như một thành phần di sản là cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Nếu không lưu giữ, chúng ta sẽ tự xóa đi những dấu mốc lịch sử phát triển của thành phố, nơi chúng ta đang sống. Điều đó cho thấy rằng, một khi nhận thức về giá trị tương lai của di sản còn chưa thấu đáo thì hệ thống di sản kiến trúc đô thị không sớm thì muộn sẽ mất dần trong đời sống xã hội, nhất là khi hành lang pháp lý bảo vệ di sản vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.
Theo Mai Anh/ANTĐ