05/12/2024

Đô thị phát triển bền vững sẽ nhận được nguồn lực đầu tư bền vững (Phần 1)

Ngày 6/12/2024 Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển đô thị bền vững và trung hòa carbon tại Việt Nam”. Tác giả tham gia với nội dung liên quan tới việc các hành động chụ thể để cư dân thủ đô di chuyển an toàn – thân thiện – công bằng.

Trái phiếu Xanh đang hấp dẫn

Cuối năm 2024 các chuyên gia Pháp đã tới Hà Nội để chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện dự án Grand Paris đã thu hút đầu tư 27 tỷ Euro bằng trái phiếu Xanh rất thành công. Giới chuyên môn và quản lý Việt nam rất quan tâm và kỳ vọng dòng vốn đầu tư Xanh cho phát triển Xanh đang là xu hướng toàn cầu thì Hà Nội có cơ hội tiếp cậng nguồn vốn này.

Dự án Grand Paris phát triển mới hơn 200 km metro tạo nên vòng tròn kết nơi hơn hàng ngàn km metro, tàu điện mặt đất, trên cao, mạng lưới xe BUS hiện có… làm tăng khả năng kết nối mạng lưới để di chuyển khắp nơi trong vùng Paris lên 8 lần, tăng cơ hội kiếm việc làm 11 lần, ưu tiên khả năng lưu thông tại khu vực còn thu nhập thấp – đáp ứng tiêu chuẩn phát triển Xanh. Dự án đã hoàn thành cơ bản sau 10 năm triển khai (2013-2023). Trái phiếu đầu tư cho dự án phát hành thành nhiều lần, lần nào nhu cầu mua lớn hơn 10 lần số phát hành… cho thấy trái phiếu Xanh rất hấp dẫn. Phát triển đô thị bên vững không chỉ nâng cao chất lượng môi trường sinh thái mà còn nâng cao chất lượng sống đô thị và công bằng xã hội mục tiêu phát triển toàn cầu (SDG).

Grand Paris không chỉ phát triển giao thông mà còn tăng nhiều hơn không gian công cộng, thảm xanh ..đặc biệt tăng thêm hơn 6.000km đường đi xe đạp an toàn

Hà Nội đang quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), tổng chiều dài hơn 500 km, ước đầu tư hơn 50 tỷ USD – khoản tiền lớn vượt xa ngân sách thành phố nên cần huy động vốn từ nhiều nguồn, nhưng để thu hút đầu tư thì dự án cần hấp dẫn hơn những gì Hà Nội đã vẽ ra.

Quy hoạch giao thông Hà Nội phải Xanh mới thu hút vốn Xanh cho phát triển Xanh?

Quy hoạch Thủ đô vẽ các tuyến đường sắt không phù hợp với bố trí dân cư đô thị

Nhìn vào Dự án Grand Paris cho thấy mạng lưới metro Paris vốn có lịch sử hình thành từ năm 1900 đã đạt hơn 200km metro và kết nối tốt, chuyên chở hơn 4 triệu lượt đi/ mỗi ngày, Grand Paris còn tăng cường kết nối vòng tròn lớn hơn. ĐSĐT các thành phố trên thế giới đều tối ưu hóa kết nối các tuyến xuyên tâm với vòng tròn, nhiều thành phố còn có các vòng tròn lồng vào nhau… trong khi Quy hoạch 14 tuyến ĐSĐT Hà Nội phân tán, rời rạc, làm giảm khả năng kết nối các tuyến với nhau và toàn hệ thống, dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp.

So sánh mô hình ĐSĐT các thành phố trên thế giới với Hà Nội

Hà Nội cần thay thế mô hình 14 tuyến ĐSĐT rời rạc, phân tán thành mô hình “3 tuyến xuyên tâm, 2 vòng tròn khép kín” vượt trội hiệu suất vận chuyển và hiệu quả đầu tư

Hà Nội cần chọn phương án đầu tư hiệu quả cao mới hấp dẫn thu hút đầu tư:

So sánh suất đầu tư ĐSĐT Hà Nội với tài liệu của Ngân hàng thế giới (Wold bank 2018)

Dự án đường sắt cao tốc (tốc độ 100-160km/h) dài 422 km tại Lào có suất đầu tư 14,22 triệu USD/1km. Đường sắt siêu cao tốc (tốc độ 350km/h), dài 142km tại Indonesia có suất đầu tư 51,4 triệu USD/1km. Hà Nội dự kiến trước năm 2030 đầu tư 14,6 tỷ USD để làm trước 5 đoạn tuyến dài 96,8 km ĐSĐT. Suất đầu tư là 151 triệu USD/km: cao gấp 11 lần đường sắt cao tốc Lào và gần gấp 3 lần đường sắt siêu cao tốc Indonesia. Năm 2016, JICA công bố báo cáo “Khảo sát thu thập dữ liệu các thành phố lớn Việt Nam (METROS -2016)” cho biết: tổng năng lực vận chuyển của 5 đoạn tuyến ĐSĐT Hà Nội tới năm 2030 mới có 0,46 triệu lượt hành khách/ngày, chưa đạt 2% của 25 triệu chuyến đi trong thành phố 10 triệu dân. Đầu tư như vậy rất đắt đỏ lại hiệu quả thấp, không đạt chuẩn Xanh.

Để tăng hiệu suất sử dụng, hiệu quả đầu tư cần thay sơ đồ rời rạc phân tán bằng phương án “3 tuyến xuyên tâm, 2 vòng tròn kết nối” có tổng đầu tư thấp (10,5 tỷ USD so với 14,6 tỷ USD), nhưng làm được chiều dài gấp đôi (206,0km/96,8km). Năng lực vận chuyển mỗi ngày lớn hơn gấp 3 lần (1,4 triệu/0,46 triệu hành khách ). Các tuyến ĐSĐT khai thác tối ưu hạ tầng hiện có và có khả năng thu hồi vốn nhanh từ mô hình “nhượng quyền khai thác” (TDR).

So sánh phương án “3 tuyến xuyên tâm, 2 vòng tròn kết nối” tổng chiều dài 206 km với dự kiến đầu tư trước 2030 của Hà Nội có 5 đoạn tuyến dài 96,8km rời rạc phân tán

Các thành phố đang phát triển tiếp cận Giao thông đô thị xanh hơn như thế nào?

ĐSĐT Ấn độ vắng khách đã chuyển sang tàu điện chi phí thấp và Metrobus tại Pakistan

Ấn Độ từng kỳ vọng với kế hoạch xây dựng 774km ở 20 thành phố. Nhiều thành phố có ĐSĐT nhưng vắng khách, nên thua lỗ và đang chuyển sang mô hình mới “ MetroLite” tàu điện chở ít người hơn, tiện nghi thấp hơn nhưng chi phí chỉ bằng 40% so với ĐSĐT thông thường và “MetroNeo” tuyến xe bus điện với chi phí bằng 25% so với ĐSĐT… phù hợp với kinh tế địa phương và nhu cầu đi lại. Bài học này đã rất thành công tại quốc gia láng giềng Pakistan: dự án “Lahore Metrobus” (xe bus chay trên cao – Sky BUS) chi phí bằng 10% ĐSĐT.

Trong khi các thành phố khôn ngoan chọn giao thông đô thị xanh với chi phí thấp thì không ít thành phố tại Bangladest, Sri Lanka… sa lầy trong các món nợ lớn để đầu tư dự án hạ tầng đắt tiền, dẫn đến nợ xấu và phải chuyển giao các cảng biển cho chủ nợ nước ngoài. Chưa thấy xanh hóa đô thị đâu nhưng đã thấy tương lai xám xịt của cả nền kinh tế quốc gia.

Cơ hội cho Hà Nội trở thành thành phố Xanh nhanh hơn

Hà Nội rất cần 40 km ĐSĐT nối Văn Cao tới Hòa Lạc trị giá 2,8 tỷ USD Nghiên cứu của JICA cho biết tuyến này nếu có 400 nghìn khách/ngày thì sau 48 năm khai thác mới hoàn vốn …nên không hấp dẫn đầu tư trong ngoài nước.

Các hạng mục dự án Sky Bus Văn Cao – Hòa Lạc có thể huy động 100% doanh nghiệp Việt Nam thực hiện: xây lắp, xe Bus, quản lý, vận hành tự động ứng dụng công nghệ số.

City Solution đề xuất giải pháp làm tuyến xe bus nhanh chạy trên cao (Sky Bus), di chuyển 40km dưới 55 phút , đầu tư chỉ bằng 20% ĐSĐT (khoảng 13 nghìn tỷ đồng). Thi công 12-18 tháng. Công suất 150.000 khách/ngày. Khi lượng khách tăng tới 20.000 người/ngày thì chuyển sang đi ĐSĐT, tuyến Sky Bus rẽ ngang đổi hướng phục vụ hoặc gom khách cho ĐSĐT.

Phát triển giao thông Xanh cho đô thị được phân kỳ: Chuẩn bị hạ tầng cho kết cấu hạ tầng ĐSĐT trên cao cho xe BUS chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, Hybrid, xe điện …). Chuyển đổi thành ĐSĐT theo theo nhu cầu đi lại và năng lực kinh tế – kỹ thuật. Kết hợp đầu tư giao thông xanh với tái thiết đô thị, bảo tồn di sản.

Đoạn tuyến ĐSĐT đi ngầm từ Ga Hà Nội xuống Hoàng Mai (đang triển khai thiết kế kỹ thuật) có chi phí lớn (1,8 tỷ USD), nhưng vắng khách đi tầu do chạy tới vùng hồ ao, dân cư thưa thớt. Cần được đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư để tránh lãng phí – một vấn nạn được coi là nguy hiểm hơn cả tham nhũng.

Chuyển hướng tuyến ĐSĐT đi ngầm từ Ga Hà Nội sang Ga Gia Lâm sẽ thu hút được lượng khách lớn, tận dụng hạ tầng nhà ga, nhà máy xe lửa Gia Lâm hiện có. Kết hợp cầu ngầm đường sắt với đường bộ lại không gay xung đột với giao thông nội đô. Tạo cơ hội phát triển không gian ngầm đa năng trong trung tâm thành phố- tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Để thu hút được trái phiếu Xanh cần cân nhắc nhiều yếu tố nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển Xanh – bền vững toàn cầu (SDG). Một trong những chỉ số quan trọng là cải thiện các bất cập nội tại, ví dụ như con số sử dụng giao thông công cộng hiện tại của Hà Nội không chính xác (Báo cáo rà soát quy hoạch là 19% nhưng không có số liệu thống kê chứng minh. Chuyên gia quốc tế cho rằng mới đạt 4%).

Như vậy sẽ cần phải triển khai phương pháp tiếp cận mới và các tổ chức quốc tế đã khởi động dự án “Vé điện tử” cho hệ thống GTCC Hà Nội. Vé điện tử không chỉ có giá 1 USD cho mỗi chuyến đi mà còn giúp xác định chính xác khoản hỗ trợ tài chính của Thành phố cho từng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, có thể lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm cũng như định ra sự hấp dẫn của các dự án đầu tư hệ thống GTCC hàng tỷ USD. Đó là những mắt xích liên kết bền vững tạo ra chuỗi giá trị tổng hợp của thành phố, quốc gia và những khoản đầu tư không biên giới.

Muốn tiếp cận trái phiếu Xanh, tất cả các bước triển khai của các dự án phải tiếp cận công cụ giám sát đánh giá ESG: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Hiện tại các đề án, kế hoạch, quy hoạch của Hà Nội chưa có nhưng không thiếu các tư vấn chuyên nghiệp Việt Nam hợp tác quốc tế có năng lực thực hiện.

KTS Trần Huy Ánh/Tạp chí Kiến trúc