Đô thị hóa ở Trung Quốc – Bài học kinh nghiệm phát triển bền vững cho Việt Nam
Trung Quốc thực hiện đường lối “cải cách mở cửa” từ năm 1978, nhưng mãi 10 năm sau, đến 1988 tỷ lệ đô thị hóa mới bắt đầu nhích khỏi cái mốc nhiều năm là 20% để tăng nhanh đến 30% năm 1996, rồi đạt 40 % năm 2003 và 50% năm 2012. Bộ Kiến thiết nước này dự báo tỷ lệ đó sẽ cán mốc 60% vào năm 2020 và 70% (với 900 triệu dân đô thị) vào năm 2025[1]. Chủ tịch Hội Địa lý Trung Quốc, giáo sư Lư Đạt Đạo nhận xét Trung Quốc chỉ cần 22 năm để đưa tỷ lệ đô thị hóa từ 17,9% lên 39,1%, còn nước Anh cần 120 năm, Hoa Kỳ cần 80 năm và Nhật Bản cũng phải hơn 30 năm!
(ảnh minh họa: The Atlantic Cities)
Quy mô đô thị hóa ở Trung Quốc là vô tiền khoáng hậu. Theo đánh giá của Karen Seto[3] thì đó là một quá trình chuyển đổi vừa phức tạp vừa tế nhị, đang tiếp tục diễn ra với nhiều cách tiếp cận khác nhau của các đô thị đối với các chủ đề môi trường, tốc độ phát triển và kết nối toàn cầu. Hiển nhiên những gì diễn ra trong đô thị đều tác động tới phát triển kinh tế và tình trạng môi trường của quốc gia. Đô thị đặt ra nhiều vấn đề về môi trường và xã hội và cũng đưa ra giải pháp cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao nhiều mặt chất lượng cuộc sống… Chính vì lẽ đó mà đô thi hóa Trung Quốc là chủ đề nghiên cứu rất được coi trọng không chỉ ở Trung Quốc mà cả trong giới học thuật quốc tế. Còn Chính phủ Trung Quốc xem đô thị hóa là một trong số mười chủ đề quan trọng về phát triển quốc gia trong giai đoạn tới.
Có thể khảo sát đô thị hóa Trung Quốc qua nhiều lối tiếp cận khác nhau. Bài này đưa ra tổng quan về đô thị hóa Trung Quốc từ góc nhìn phát triển bền vững, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích cho việc xây dựng chính sách đô thị hóa bền vững của Việt Nam. Để có cái nhìn khách quan từ nhiều phía, bài viết một mặt dựa trên tư liệu Trung Quốc, đặc biệt là bộ sách đồ sộ gồm 5 quyển báo cáo kết quả nghiên cứu đô thị hóa của Dự án Tư vấn trọng điểm quốc gia của Viện Hàn lâm Công trình Trung Quốc[4], đồng thời cũng tham khảo các tư liệu quốc tế có liên quan.
Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc
Từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949 đến nay, quá trình đô thị hóa có thể chia thành 4 thời kỳ[2,4,5]:
1. Thời kỳ 1950-1980. Trong thời kỳ này, đô thị được xem là nơi chủ yếu để phát triển công nghiệp, nhưng về chính sách lại tránh phát triển các đô thị lớn mà chú trọng phân bố công nghiệp vào các đô thị vừa và nhỏ trên cả nước. Thời kỳ dài 30 năm này có thể chia thành 2 giai đoạn: i) Giai đoạn 1950-1960 là giai đoạn đô thị hóa lành mạnh, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 10,67% năm 1949 lên đến 19,7% vào năm 1960, nhưng rồi phong trào “đại nhảy vọt” (1958-1960) để công nghiệp hóa và cả nước làm gang thép thất bại đã làm cho kinh tế đô thị cũng như kinh tế cả nước sa sút; ii) Giai đoạn 1961-1980 là giai đoạn bất bình thường, tỷ lệ đô thị hóa tụt xuống rồi dao động trong khoảng 17-18% trong 10 năm từ 1966 đến 1976, phải đến 1980 mới gần khôi phục được mức cũ, đạt 19,39%!
Dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Chính phủ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng quy mô lớn, đồng thời tiến hành quy hoạch lãnh thổ quốc gia nhằm bố trí phòng ngự trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô hay các nước đế quốc, vì vậy chính sách đô thị thiên về phát triển công nghiệp và đảm bảo an ninh quốc phòng. Năm 1964, Chính phủ đưa ra chương trình “tuyến ba” nhằm di chuyển các nhà máy quan trọng và công nhân từ “tuyến một” ven biển và “tuyến hai” ở trung tâm lùi vào “tuyến ba” ở vùng núi non miền Tây. Nhằm hạn chế sự bành trướng của các đô thị lớn, Chính phủ chủ trương phân đều nhà máy về các đô thị loại vừa, và mỗi đô thị cũng chỉ một đến hai nhà máy mà thôi. Do địa điểm bất lợi, phần lớn các nhà máy này sau đó bị đóng cửa vào cuối thập kỷ 80. Để giữ chân nông dân ở lại nông thôn, Chính phủ đề ra chế độ kiểm soát “hộ khẩu” rất nghiêm ngặt và đẩy mạnh phát triển “xí nghiệp hương trấn”. Các phong trào tả khuynh như “Đại nhảy vọt” và tiếp theo là “Cách mạng văn hóa” (1966-1976) đã tàn phá nền kinh tế và gây ra nạn đói. Trong Cách mạng văn hóa, hơn 26 triệu thanh niên đô thị đã về nông thôn dưới khẩu hiệu “thượng sơn hạ hương” để giảm bớt áp lực việc làm trong đô thị.
2. Thời kỳ 1980-1995. Năm 1978, Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ các chính sách và chiến lược phát triển, thực hiện đường lối “cải cách mở cửa”, bắt đầu bằng chế độ khoán cho hộ nông dân và mở mang doanh nghiệp hương trấn để thu hút lao động phi nông nghiệp. Đến 1984 bắt đầu coi trọng vai trò các đô thị, nhờ đó tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP cả nước đã từ 24,5% năm 1985 tăng lên đến 34,3 năm 1992. Năm 1989, Luật Quy hoạch đô thị được ban hành. Năm 1992 Đại hội Đảng lần thứ XIV đưa ra mục tiêu “phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, do đó coi trọng phát triển thương mại trong đô thị, khiến quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Các nhà lãnh đạo lần đầu tiên tuyên bố chuyển từ quan điểm hạn chế phát triển các đô thị lớn sang đề cao tầm quan trọng của chúng.
Trọng tâm phát triển của thời kỳ này là các đô thị “mở cửa” tại vùng duyên hải và các “đặc khu kinh tế”. Năm 1980, 3 đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông và đặc khu Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến được thành lập. Tiếp đó, năm 1984 Trung Quốc “mở cửa” cho vốn đầu tư nước ngoài đổ vào 14 thành phố cảng biển là Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Thiên Tân, Thanh Đảo, Yên Đài, Liên Vận Cảng, Nam Thông, Thượng Hải, Ninh Ba, Ôn Châu, Phúc Châu, Quảng Châu, Trạm Giang và Bắc Hải, rồi đến năm 1985 Chính phủ quyết định mở rộng “vành đai duyên hải mở cửa”, ngoài các đặc khu và thành phố nói trên còn bao gồm thêm hai tam giác châu các sông Trường Giang, Châu Giang và tam giác đồng bằng Hạ Môn-Chương Châu-Tuyền Châu ở Nam Phúc Kiến, hai bán đảo Sơn Đông và Liêu Đông trên vịnh Bột Hải, cùng với hai tỉnh Hà Bắc và Quảng Tây, rồi đến năm 1988 cả một tỉnh là Hải Nam được chỉ định thành đặc khu kinh tế. Năm 1990 một chuỗi 6 thành phố dọc sông Trường Giang được mở cửa, hình thành con rồng với đầu rồng là khu đô thị mới Phố Đông thuộc Thượng Hải, và năm 1992 mở cửa 11 thành phố biên giới. Ngoài ra, còn thành lập 15 khu mậu dịch tự do, 32 thành phố và khu phát triển kinh tế và công nghệ cấp quốc gia, và 53 khu đô thị mới công nghệ cao trong các đô thị lớn và vừa. Các đặc khu kinh tế ban đầu chỉ có mục tiêu là đưa ra các chính sách ưu đãi và áp dụng cơ chế đặc thù nhằm thu hút vốn FDI và xuất khẩu sản phẩm chế biến, nhưng dần dần trở thành các mô hình dẫn đầu cả nước trong việc áp dụng các hệ thống quản lý mới, nâng cấp công nghiệp và mở rộng hội nhập với thế giới bên ngoài, chẳng hạn năm 1999 Thâm Quyến đã sản xuất 82 tỷ NDT các sản phẩm công nghệ mới và công nghệ cao, chiếm 40,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đứng đầu cả nước.
Năm 1982, để kích thích kinh tế đô thị phát triển và mở rộng thị trường lao động đô thị, Trung ương Đảng và Chính phủ tuyên bố “cho phép nông dân vào thành”, nhờ đó tỷ lệ đô thị hóa đã từ 19,39% năm 1980 tăng lên đến 29,04% năm 1995. Trong giai đoạn 1984-1992 đô thị hóa chủ yếu dựa vào phát triển các đô thị mới, nên chỉ trong 8 năm số thành phố (thị) từ 300 đã tăng đến 517, số thị trấn (trấn) từ 9140 tăng lên 14539!
Năm 1992, sau khi Đặng Tiểu Bình tuần du khảo sát phương Nam và phát biểu ý kiến, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc tiến lên cao trào mới, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tiền tệ và ngoại hối, khiến khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng nhanh chóng, thúc đẩy đô thị hóa chuyển sang giai đoạn mới.
3. Thời kỳ từ 1995 đến 2014. Các cải cải kinh tế và xã hội được triển khai mạnh mẽ. Chính phủ tích cực đẩy mạnh đô thị hóa, chuyển hướng chiến lược từ “tích cực phát triển đô thị nhỏ” sang “từng bước thúc đẩy quá trình đô thị hóa”. Đại hội Đảng thứ XVI đề ra mục tiêu 20 năm phát triển “xã hội no ấm”(tiểu khang xã hội) với nhiều chỉ tiêu cụ thể, trong đó có một số chỉ tiêu như: đến 2020 tỷ lệ đô thị hóa vượt ngưỡng 50%, cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm 30% tống số lao động, GDP đầu người vượt 3000 USD. Kinh tế đô thị đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Đô thị hóa tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải tạo các đô thị hiện có, coi trọng cả hai mặt chất lượng và số lượng.
Năm 1994 Trung Quốc cải cách chế độ tài chính, thực hiện phân cấp ngân sách, trao nhiều quyền tự chủ tài chính cho các đô thị, nhất là về quản lý đất đai, khiến đô thị nhờ cho thuê đất mà có nhiều nguồn lực tài chính để phát triển nhà ở và công trình hạ tầng. Vốn FDI đổ vào nhiều và thị trường bất động sản bùng nổ khiến kinh tế cả nước phát triển nhanh. Nông dân bỏ ruộng và rời bỏ cả xí nghiệp hương trấn, lũ lượt kéo nhau ra thành phố kiếm việc. Các đô thị lớn tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là các đô thi ven biển và các Vùng đô thị lớn (Metropolis) và Siêu vùng đô thị lớn (Megacities), như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến. Kế hoạch 5 năm thứ 11 (2006-2010) nhấn mạnh việc phát triển các vùng đô thị lớn này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số đô thị lớn được quốc tế xếp loại “đô thị toàn cầu” (global cities).
Về mặt chính sách, năm 1998 trong văn kiện “Quyết định một số vấn đề quan trọng của nông nghiệp và nông thôn” TƯ Đảng đưa ra “Chiến lược lớn về đô thị nhỏ”, giúp các đô thị nhỏ phát triển mạnh mẽ. Năm 1999 Trung Quốc đưa ra chiến lược “Phát triển lớn miền Tây” bao gồm 6 tỉnh, 5 khu tự trị, còn thành phố Trùng Khánh với 11 triệu dân (2015) được chuyển thành thành phố thứ tư trực thuộc Trung ương, trở thành thủ phủ miền Tây. Ngoài Trùng Khánh, các thành phố tỉnh lỵ như Thành đô (7,8 triệu dân), Tây An, Côn Minh, Nam Ninh… cũng được đầu tư lớn và tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2003, Trung Quốc ban hành chính sách “Chấn hưng các địa bàn công nghiệp cũ Đông Bắc” (2003) gồm 3 tỉnh Đông Bắc và 5 huyện phía Đông khu tự trị Nội Mông, đẩy mạnh tái phát triển các thành phố công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Thẩm Dương, Đại Liên. Tiếp đó, năm 2004 công bố “Chiến lược quật khởi miền Trung” gồm dải 6 tỉnh nội địa kẹp giữa vùng duyên hải và miền Tây, xúc tiến phát triển các thành phố dọc theo tuyến đường sắt chiến lược Bắc Nam nối Bắc Kinh-Vũ Hán-Quảng Châu, và dọc theo tuyến đường sắt Đông Tây nối Liên Vận Cảng-Lan Châu, với Trịnh Châu là giao điểm của hai tuyến này. Năm 2008 Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch Khu kinh tế Vịnh Bắc bộ Quảng Tây” với tham vọng đưa thành phố Nam Ninh và 4 thành phố cảng Đông Hưng, Phòng Thành, Khâm Châu và Bắc Hải trên Vịnh Bắc Bộ trở thành cửa ngõ và đầu cầu kết nối nội địa Trung Quốc với Đông Nam Á, thông qua “hai hành lang và một vành đai” kết nối Quảng Tây và Vân Nam với miền Bắc Việt Nam[6].
Tóm lại, trên cơ sở các chính sách phát triển theo vùng, các thành phố đã phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển kinh tế thần kỳ và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới. Tỷ lệ đô thị hóa từ 29,04% năm 1995 đã tăng lên đến 53,7% năm 2013.
Thế nhưng cũng trong thời kỳ đô thị hóa này đã xuất hiện những xu hướng không lành mạnh. Vì xem tỷ lệ đô thị hóa cũng quan trọng như tăng trưởng GDP nên lãnh đạo các tỉnh xem kết quả đạt được hai chỉ tiêu này như là “chính tích” (thành tích chính trị), do đó không nghiên cứu yêu cầu của thị trường, chạy theo các dự án đại quy mô, mê mải kêu gọi đầu tư, quá đề cao “kinh doanh đô thị” (urban marketing), chạy theo lợi ích cục bộ, lợi ích trước mắt mà xem nhẹ các vấn đề phát triển hài hòa, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, và bảo vệ môi trường. Các thành phố chỉ xem nông dân nhập cư như là nguồn lao động giá rẻ chứ không xem họ là dân đô thị, nên không chăm lo giải quyết các nhu cầu nhà ở, bảo hiểm y tế và việc học hành cho con cái họ.
4. Thời kỳ hiện tại tiếp nối 3 thời kỳ trên, bắt đầu từ năm 2014 với việc chính phủ ban hành văn kiện “Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới”. Đến cuối kỳ hạn quy hoạch 2014-2020, dự báo tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 60%, tỷ lệ dân đô thị được hưởng bảo hiểm xã hội từ 66.9% năm 2012 lên hơn 90% năm 2020, tỷ lệ bảo hiểm y tế từ 95% lên 98%, diện bao phủ dịch vụ cấp nước từ 81,7 lên 90%, xử lý nước thải từ 87,3 lên 95%, xử lý rác thải từ 84,8% lên 95%, giảm tỷ lệ sử dụng đất xuống dưới 100 m2 /người. Nhà nước khuyến khích quy hoạch đô thị theo hướng đô thị nén, sử dụng đất hỗn hợp, phát triển đô thị theo định hướng vận tải công cộng (TOD), xây nhiều nhà ở xã hội. Để tạo nguồn tài chính cho phát triển, chính quyền đô thị được phát hành trái phiếu và thu thuế tài sản.
Nhận thấy các siêu vùng đô thị lớn là những cực tăng trưởng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nên gần đây Trung Quốc đã sát nhập các vùng đô thị lớn để thành lập hai siêu vùng đô thị khổng lồ là Thành phố Tam giác châu Chu Giang (Quảng Đông) rộng 39 380 km2 với số dân 63 triệu người (kể cả dân nhập cư), và Thành phố Kinh-Tân-Ký (Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc) rộng 215.870km2 với số dân 110 triệu người. Chính phủ có những dự án đầu tư công trình hạ tầng to lớn, đặc biệt là giao thông tốc độ nhanh, để phát triển hai siêu thành phố này mà quy mô không tiền khoáng hậu đã khiến toàn thế giới sửng sốt!
Hiện nay Trung Quốc đang xúc tiến thực hiện chủ trương xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”, kết nối Thượng Hải và nhiều chuỗi đô thị sâu trong lục địa theo tuyến thứ nhất phía Bắc qua Mông Cổ và Nga để đến Bắc Âu, theo tuyến thứ hai phía Tây qua Trung Á và tuyến thứ ba phía Nam qua Đông Nam Á, Nam Á và Trung đông đến Trung Âu. Đến năm 2014 lại công bố “Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21”, khởi đầu từ Quảng Châu kết nối với các nước trên bờ Biển Đông, qua Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải rồi cuối cùng đến Nam Âu. Chiến lược nói trên, được mệnh danh là “Sáng kiến một vành đai và một con đường”, ngoài các mục đích khác còn nhằm tạo thêm động lực phát triển cho các đô thị Trung Quốc nơi chúng đi qua.
(nguồn: Ashui.com)
Hiện trạng đô thị Trung Quốc
Trong những năm 1978~2012, tỷ lệ đô thị hóa Trung Quốc bình quân tăng 1,01% mỗi năm. Từ “cải cách mở cửa” đến nay, trước sau có khoảng 500 triệu nông dân đã nhập cư đô thị.
Đến cuối năm 2014, tỷ lệ đô thị hóa Trung Quốc đạt 54,7% và nếu mỗi năm tăng thêm 1% thì đến năm 2020 tỷ lệ đó sẽ vượt mức 60%. Trung Quốc hiện có 1,35 tỷ dân, như vậy mỗi năm có thêm 13,5 triệu dân đô thị! Tính đến 2011, cả nước có 657 thành phố cấp tỉnh, 1627 thành phố cấp huyện. Bốn thành phố đông dân nhất năm 2015 là Thượng Hải (23 triệu dân), Bắc Kinh (18 triệu dân), Quảng Châu (12,4 triệu dân) và Thâm Quyến (12,3 triệu dân). Cả nước có 19 683 thị trấn. Bức ảnh vệ tinh chụp một phần Trái đất về đêm giúp chúng ta hình dung rõ phạm vi và mật độ phân bố đô thị Trung Quốc, đồng thời có cái nhìn so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Kể từ 1978 đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người dân đô thị đã tăng 10,5 lần. Năm 2011, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 31,6m2, độ bao phủ cấp nước đô thị đạt 97,1%, nước thải được xử lý đạt 82,6%, diện tích đô thị được phủ xanh 38,22%, diện tích công viên cây xanh đầu người đạt 10,95%. Có 20 thành phố được trao Giải thưởng môi trường định cư của Liên Hợp Quốc.
Cả nước có 12 thành phố có tàu điện ngầm với tổng chiều dài hơn 1500km, 25 thành phố đang xây dựng hơn 1500km nữa, và 28 thành phố có dự án tàu điện ngầm dài 3090km đã được phê duyệt.
Kết quả nghiên cứu của Leman[7] cho biết năm 2005 Trung Quốc có 53 “quần thể đô thị” (Metropolitan Regions), mỗi quần thể quây quần quanh đô thị lõi có 1 triệu dân trở lên. Là những cỗ máy kinh tế đông tới 370 triệu dân (29% số dân cả nước), các quần thể này đóng góp 53% GDP cả nước. Còn theo số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc thì 10 quần thể đô thị chủ yếu của nước này với số dân phi nông nghiệp mỗi vùng trên 10 triệu người là:
- Kinh-Tân-Ký trên địa giới Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc (biệt danh là Ký), gồm 9 thành phố lớn (Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Sơn, Thạch Gia Trang…) với số dân khoảng 110 triệu người;
- Tam giác châu Chu Giang trên địa giới tỉnh Quảng Đông, gồm 11 thành phố lớn (Quảng Châu, Phật Sơn, Hồng Công, Áo Môn, Thâm Quyến, Chu Hải…) với tổng số dân trong khoảng 63 triệu người;
- Tam giác châu Trường Giang trên địa giới Thượng Hải và 3 tỉnh Giang Tô, Triết Giang và An Huy, gồm 22 thành phố lớn (Thượng Hải, Tô Châu, Vô Tích, Hàng Châu, Ninh Ba, Nam Kinh…) với số dân khoảng 90 triệu người;
- Bán đảo Sơn Đông trên địa giới tỉnh Sơn Đông, gồm hai thành phố lớn Tế Nam và Thanh Đảo với số dân khoảng 28 triệu người;
- Trung Nam Liêu Ninh trên địa giới tỉnh Liêu Ninh, gồm hai thành phố lớn Thẩm Dương và Đại Liên với số dân khoảng 27 triệu người;
- Đồng bằng Trung Nguyên trên địa giới tỉnh Hà Nam, gồm 3 thành phố lớn Trịnh Châu, Khai Phong và Lạc Dương;
- Trung du Trường Giang trên địa giới 2 tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, gồm thành phố lớn Vũ Hán;
- Bờ Tây eo biển Đài Loan trên địa giới tỉnh Phúc Kiến, gồm 2 thành phố lớn Phúc Châu và Hạ Môn;
- Thành Du trên địa giới Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên, gồm 2 thành phố lớn Thành Đô và Trùng Khánh (biệt danh là Du);
- Quan Trung trên địa giới tỉnh Thiểm Tây, gồm 4 thành phố lớn Tây An, Hàm Dương, Bảo Kê và Vị Nam.
Thế nhưng bên cạnh các vùng đô thị phát triển sôi động thì trong quá trình đô thị hóa cũng đã xuất hiện những “thành phố ma” (quỷ thành) nổi tiếng[8], như:
- Kangbashi, một quận mới cách 25km tới khu trung tâm Đông Thành thuộc thành phố Ordos Khu tự trị Nôi Mông, xây năm 2003, rộng 35km2 có thể chứa 30 vạn dân nhưng nay không có mấy người ở;
- Trình Cống, một quận của thành phố Côn Minh lập năm 1956, rộng 461km2 nhưng đến năm 2012 mới có 35 vạn dân (mật độ 760 ng/km2), bỏ hoang 10 vạn căn hộ;
- Vu Gia Bảo cách trung tâm Khu đô thị mới Tân Hải 10km và trung tâm thành phố Thiên Tân 40 km, là một bán đảo rộng 3,86km2 được đầu tư 200 tỷ NDT để phát triển thành trung tâm tài chính thế giới, định khánh thành vào tháng 6/2014 nhưng đã ngừng xây dựng;
- Thành phố sinh thái Trung Quốc-Singapore (Trung-Tân Thiên Tân sinh thái thành, gọi tắt là Kinh-Tân Thị) là thành phố rộng 53km2 do Singapore (Tân Gia Ba) đầu tư phát triển theo mô hình khu Phố Đông Thượng Hải, cách Thiên Tân 40 km và Bắc Kinh 150km, khởi công năm 2008 và dự định năm 2020 chứa được 35 vạn dân, hiện có 3000 biệt thự không người ở và rất nhiều công trình công cộng bị bỏ hoang;
- Thành phố mới Thần Mộc tại vùng mỏ than cực lớn phía Bắc tỉnh Thiểm Tây được đầu tư xây dựng khi giá than rất cao, đến năm 2013 giá than giảm nhiều nên công việc xây dựng trên 11,3km2 bị đình đốn, 100 tòa chung cư cho 10 vạn dân bị bỏ hoang cho tới nay;
- Thị trấn Thiên Đô ở ngoại thành Hàng Châu, rộng 30km2, khánh thành năm 2007, được quy hoạch làm đô thị giải trí mô phỏng Paris với tháp Eiffel cao 108 m, quy mô 1 vạn dân nhưng hiện chỉ có 2000 dân;
- Công viên giải trí tại thôn Trần Trang cách Bắc Kinh 32km, rộng 49 ha, dự định trở thành công viên dạng Disneyland lớn nhất châu Á, đang xây dở thì dừng lại vào năm 1998, đến năm 2008 khôi phục xây dựng rồi lại dừng.
Khác với “thành phố ma” hiện đại trên thế giới là những thành phố ở vào thời kỳ suy tàn, các thành phố ma của Trung Quốc đều mới xây dựng trong 20 năm lại đây nhưng chưa có người ở hoặc người ở quá ít. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chạy theo “chính tích”, quản lý yếu kém gây thất thoát và lãng phí, mắc sai lầm trong chỉ đạo quy hoạch đô thị, còn thị trường bất động sản phát triển mù quáng, nặng tính đầu cơ hoặc rơi vào suy thoái. Vì vậy thực ra phần lớn các thành phố gọi là “ma” này là những khu vực đô thị phát triển quá sớm, quy mô quá lớn so với nhu cầu hiện tại, tạo ra gánh nặng tài chính. Ngày nay nhiều “thành phố ma” đang dần dần trở nên đông đúc hơn, và chắc trong tương lai không xa hầu hết sẽ trở thành đô thị phồn vinh.
(nguồn ảnh: matthewniederhauser.com)
Tổ chức hành chính của các đô thị
Tổ chức hành chính Trung Quốc bao gồm 5 cấp: i) cấp chính phủ Trung ương; ii) cấp tỉnh; iii) cấp địa khu; iv) cấp huyện; và v) cấp hương trấn. Do đó tổ chức hành chính đô thị gồm 4 cấp từ tỉnh trở xuống. Cụ thể như sau:
- Thành phố trực thuộc Trung Ương (trực hạt thị), tương đương cấp tỉnh;
- Thành phố cấp địa khu (địa cấp thị) thuộc tỉnh;
- Thành phố cấp huyện (huyện cấp thị) thuộc địa khu;
- Trấn thuộc huyện.
Thành phố cấp địa khu là đô thị tương đương địa khu trực thuộc tỉnh, bao gồm loại bình thường và loại “cấp phó tỉnh” có quy chế tự chủ cao. Trung Quốc có 15 thành phố cấp phó tỉnh là: Thẩm Dương, Đại Liên, Trường Xuân, Cáp Nhĩ Tân, Tế Nam, Thanh Đảo, Nam Kinh, Ninh Ba, Hàng Châu, Hạ Môn, Vũ Hán, Quảng Châu, Thâm Quyến, Tây An và Thành Đô.
Các thành phố cấp phó tỉnh là thành phố rất lớn nhưng do Nhà nước không muốn tăng số thành phố trực thuộc nên dù thuộc tỉnh nhưng được nâng lên thành “thành phố cấp phó tỉnh” để giao quyền tự chủ, không phải chịu sự quản lý hành chính trực tiếp của cấp tỉnh.
Tương tự như vậy, thành phố cấp huyện là thành phố tương đương huyện trực thuộc địa khu, cũng gồm loại bình thường và loại cấp phó huyện có quy chế tự chủ cao.
Nói chung, chính quyền thành phố (thị) gồm thị trưởng, phó thị trưởng, bí thư trưởng và giám đốc các cục và các ủy ban. Thị trưởng và phó thị trưởng do Hội đồng nhân dân bầu ra. Cũng tương tự như vậy với chính quyền các trấn. Ở vùng dân tộc thì trưởng trấn phải là người dân tộc.
Ngoài loại hình chính quyền đô thị bình thường còn có loại hình chính quyền đặc thù của 5 khu tự trị và 2 đặc khu hành chính Hồng Công và Áo Môn (Macao), chính quyền các đặc khu kinh tế, vùng phát triển kinh tế, vùng công nghiệp mỏ và vùng bảo tồn thiên nhiên.
Các đặc điểm đô thị hóa Trung Quốc
Do nhiều nguyên nhân về chính sách, pháp lý và quy hoạch mà đô thị hóa Trung Quốc có một số đặc điểm sau đây[9]:
1. Về mức độ đô thị hóa và tăng trưởng đô thị
Trong gần 40 năm trở lại đây, dân số đô thị Trung Quốc tăng thêm khoảng 500 triệu người.
Trong giai đoạn 1990-2001, tốc độ tăng trưởng dân số đô thị hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 3-4%, thấp hơn tốc độ tương ứng thường là 5-6% của các nước đang phát triển trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh. Năm 2008, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc là 45,7% trong khi các nước có cùng mức thu nhập quốc dân đầu người đạt tỷ lệ 55%. Các số liệu trên chứng tỏ Trung Quốc đô thị hóa dưới mức (under-urbanized). Nguyên nhân là chính sách hộ khẩu đã hạn chế dòng di cư từ nông thôn vào thành phố. Theo Cục Thống kê quốc gia, tổng số lao động nông nghiêp tại nông thôn (đã trừ số làm việc tại các doanh nghiệp hương trấn) năm 1978 là 278 triệu người thì năm 2007 tăng lên đến 326 triệu người chứ không giảm xuống. Khác với nhiều nước lớn khác như Ấn Độ hay Bra Xin, trình độ học vấn của nông dân Trung Quốc tương đối cao, 70% tốt nghiệp cấp II, nên khi nhập cư vào thành phố họ dễ dàng vào học các lớp đào tạo nghề. Đó cũng là một lợi thế lớn.
Về nguồn gốc xuất cư thì kết quả điều tra khảo sát của Cục Thống kê quốc gia cho biết năm 2012 tổng số lao động nhập cư là 262,61 triệu người, trong đó 99,25 triệu người là nông dân “tại chỗ” do chuyển hương thành trấn, cùng với 32,67 triệu người đến từ các làng xã cùng huyện, cộng lại chiếm 50,2%, còn 54,22 triệu người đến từ các huyện cùng tỉnh, chiếm 20,6% và 76,47 triệu người đến từ tỉnh ngoài, chiếm 29,2%.
2. Chênh lệch thu nhập giữa đô thị và nông thôn rất lớn và ngày càng tăng
Do chênh lệch năng suất lao động nên chênh lệch giữa thu nhập đô thị và nông thôn rất lớn, đến 3,3 lần vào năm 2008, vì vậy khi người nông dân vào đô thị thì sẽ tăng được năng suất lao động và thu nhập của mình. Nếu nông nghiệp sớm được cơ giới hóa và hiện đại hóa thì năng suất lao động nông nghiệp tăng lên và khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn dần thu hẹp lại rồi bị xóa bỏ, chẳng hạn ở Hàn Quốc là vào năm 1991, ở Sri Lanka và Đài Loan cũng tương tự. Thế nhưng chênh lệch đó ở Trung Quốc từ 2, 8 lần năm 1995 đã không ngừng tăng lên, phản ánh tình trạng kém đầu tư vào nông nghiệp.
3. Quá nhiều đô thị nhỏ
Do chính sách hạn chế di cư và khuyến khích đô thị hóa tại chỗ, “ly nông bất ly hương”, nên dòng người di cư từ nông thôn ra đô thị chủ yếu diễn ra trong nội vùng trong thập kỷ 80. Sang thập kỷ 90 thì đô thị hóa thực hiện một nửa thông qua chuyển đổi vùng nông thôn thành vùng đô thị. Hậu quả là đô thị hóa phân tán, quy mô nhỏ, nhiều “đô thị” có tỷ lệ dân số phi nông nghiệp không cao! Vì vậy trước khi bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc có quá nhiều đô thị thành phố cấp huyện, chưa phát triển đúng mức nên không phát huy được hiệu ứng “tiết kiệm nhờ tụ tập” (agglomeration economies), hạn chế năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế đô thị.
4. Cơ cấu kinh tế đô thị
Do hậu quả cùa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, công nghiệp và dịch vụ trong đô thị phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, ít tập trung chuyên môn hóa cao, mỗi ngành thường có quy mô nhỏ nên ít tận dụng được hiệu ứng “tiết kiệm nhờ quy mô” (economies of scale). Các thành phố lớn vẫn coi trọng công nghiệp hơn dịch vụ trong khi nên ngược lại, chuyển bớt công nghiệp cho các thành phố vừa và nhỏ để tập trung phát triển dịch vụ và công ngiệp công nghệ cao. Có một nguyên nhân là với công nghiệp thì thành phố thu được thuế VAT cao mà ít chú ý rằng với dịch vụ thì lại thu được nhiều thuế lợi nhuận doanh nghiệp hơn.
5. Nhị nguyên trong xã hội đô thị
Đô thị lớn lên nhờ có dòng nông dân di cư vào đô thị, nhưng đô thị lại kỳ thị họ, khiến xã hội đô thị bị chia tách làm hai khối thị dân bản địa và người nhập cư. Người nhập cư muốn kiếm việc làm ổn định thường xuyên nhưng người đô thị lại chỉ xem họ là “dân công” lao động tạm thời tại các khu vực xa trung tâm, làm các công việc nhọc nhằn bẩn thỉu mà dân đô thị không muốn làm. Theo kết quả nghiên cứu của học giả Trung Quốc[10] thì khi có cùng công việc và cùng trình độ văn hóa, chênh lệch lương giữa người bản địa và người nhập cư có thể đến 40%. Người nhập cư ở trọ trong những ngôi nhà tư nhân nhếch nhác, thiếu thốn hạ tầng tại các “làng đô thị” ven nội. Vì không có hộ khẩu nên họ không được tiếp cận dịch vụ y tế và con cái họ không được đến trường. Cũng vì lý do đó mà người nhập cư khó mua được nhà trong đô thị và mở mang cơ sở kinh doanh. Ruộng đất và nhà cửa của họ nơi làng cũ không được phép chuyển nhượng vì thuộc sở hữu tập thể của Hợp tác xã nên nhiều người vẫn phải để cha mẹ già và con nhỏ ở lại quê nhà, tạo ra cuộc di chuyển khổng lồ và căng thẳng giữa đô thị và nông thôn vào dịp Nguyên đán và các ngày lễ lớn. Ngày nay một số rào chắn đã được dở bỏ để một bộ phận dân nhập cư chính thức trở thành thị dân, tuy vậy tình trạng kỳ thị vẫn tiếp tục tồn tại.
6. Quản lý đô thị
Các thị trưởng Trung Quốc hành động như những “giám đốc điều hành” (CEO) đô thị. Họ được cấp trên giao cho những chỉ tiêu phải hoàn thành. Do truyền thống để lại từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phần lớn công sức của thị trưởng trực tiếp bỏ ra cho tăng trưởng kinh tế, trong khi đáng lẽ với nền kinh tế thị trường thì sự phân bổ kinh tế phải do thị trường chứ không phải do thị trưởng quyết định. Vai trò chủ yếu của chính quyền đô thị hiện đại là đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, phòng chống tội phạm, giao thông, công viên cây xanh, điện nước và vệ sinh… Chi tiêu của ngân sách đô thị chủ yếu phải dành cho các hoạt động này.
7. Chế độ ưu đãi theo cấp bậc hành chính đô thị
Hệ thống đô thị Trung Quốc vận hành theo cấp bậc hành chính dựa trên hai nguyên tắc là:
– Đô thị bậc trên “chỉ đạo” công tác quản lý nhà nước của đô thị bậc dưới trực thuộc mình;
– Đô thị bậc càng cao thì càng có nhiều quyền tự chủ và được ưu đãi hơn về nguồn lực tài chính, đầu tư hạ tầng, tiếp cận các mạch máu giao thông chính… Doanh nghiệp tại các đô thị bậc cao dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn trong nước và nước ngoài hơn, trong khi các nghiên cứu lại chứng tỏ vốn đầu tư tại các đô thị nhỏ và vùng nông thôn lại có tỷ suất thu hồi vốn cao hơn. Điều đó chứng tỏ ngành ngân hàng và thị trường vốn chưa thực sự phân bổ vốn theo quy luật thị trường.
Tại phần lớn các quốc gia hiện đại trên thế giới, ngoài một số đô thị đặc biệt quan trọng như Thủ đô, nói chung các đô thị không kể quy mô lớn nhỏ đều có quyền lực như nhau và có cơ hội cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng.
Tóm lại, các đặc điểm đô thị hóa Trung Quốc được học giả nước này tổng kết một cách khái quát là “hai cao, hai thấp”. Hai cao là tốc độ phát triển cao và hiệu quả kinh tế cao, còn hai thấp là chi phí ban đầu bỏ ra thấp và chất lượng phát triển thấp.
Tắc đường tại Bắc Kinh (nguồn: scmp.com)
Các thách thức
Qua nội dung các phần trình bày ở trên có thể thấy đô thị hóa của Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu phi thường, góp phần đưa kinh tế Trung Quốc phát triển rất nhanh làm cả thế giới kinh ngạc. Thế nhưng quá trình đó cũng đặt ra nhiều vấn đề về suy thoái môi trường, giảm đất canh tác, tạo áp lực lớn đối với tài nguyên thiên nhiên (năng lượng, nước, đất), thiếu nhà ở thích hợp, thay đổi phương thức tiêu dùng (chẳng hạn từ ăn nhiều ngũ cốc sang ăn nhiều thịt, tiêu thụ nhiều năng lượng). Sự lan tỏa đô thị tự phát và tình trạng “xa lạ xã hội” (social alienation) khiến Trung Quốc phải đối diện với nhiều thách thức to lớn, không chỉ làm Trung Quốc mà cả thế giới cũng phải lo lắng. Do từng vùng có đặc thù riêng nên đô thị hóa gặp phải các thách thức có thể khác nhau, tuy vậy nhìn chung các thách thức đối với đô thị hóa Trung Quốc có thể quy về 3 chủ đề lớn là đất đai, con người và môi trường[11]. Ngoài ra, năng lực quản lý đô thị cũng là thách thức quan trọng.
1. Về đất đai
Trong thập kỷ đầu của Thế kỷ XXI, đất xây dựng trong đô thị tăng 78,5% trong khi dân số đô thị chỉ tăng 46%. Theo Niên giám thống kê[12] thì năm 2000 mật độ bình quân dân số đô thị là 20458 người/km2 , đến năm 2008 lại tụt xuống còn 16715 người/km2. Bình quân đất đô thị trên đầu người vượt quá 120m2 trong khi của các nước khác chỉ trong khoảng 82-84m2. Tình trạng mất cân đối giữa “đô thị hóa đất đai” và “đô thị hóa dân số” đã tạo ra hiện tượng đô thị hóa “giả tạo”. Đây là biểu hiện của đô thị hóa ồ ạt theo chiều rộng (extensive urbanization) thiếu bền vững, sử dụng đất đai kém hiệu quả, là kết quả của “quá trình đô thị hóa tại chỗ”, chuyển “hương” thành “trấn”, chuyển “huyện” thành “thị” và của phong trào mở rộng địa giới đô thị ra vùng nông nghiệp chung quanh bằng quyết định hành chính trong thập kỷ 90, dẫn đến tỷ lệ dân số phi nông ngiệp trong đô thị không cao. Nguyên nhân là nguồn thu của đô thị phụ thuộc quá nhiều vào tiền cho thuê đất, có khi chiếm tới 70% thu ngân sách. Trong khoảng 2005-2011, nguồn thu từ đất đã tăng gấp 6 lần! Đây là tình trạng ngân sách đô thị không lành mạnh thúc đẩy việc mở rộng đô thị để có nguồn thu.
Đô thị hóa theo chiều rộng khiến tỷ suất vốn đầu tư tính cho 1000m2 đất xây dựng của Trung Quốc năm 2010 chỉ bằng ½ của Hoa Kỳ, 1/6 của Đức và 1/10 của Anh và Nhật. Thâm Quyến là thành phố đạt tỷ suất GDP bình quân trên đơn vị diện tích đất đai cao nhất Trung Quốc, mỗi 1000m2 tạo được 400 triệu NDT/năm (khoảng 1400 tỷ đồng VN), nhưng cũng chỉ bằng 1/10 của Tokyo, 1/5 của Singapore, còn Thượng Hải thì thấp hơn nữa, chỉ bằng 7% của Tokyo! Tóm lại đất đô thị Trung Quốc hiện nay sử dụng còn lãng phí, đạt hiệu quả kém.
2. Về con người
Đô thị hóa về dân số được hình thành từ hai nguồn: từ số dân nhập cư và từ việc chuyển đổi nông dân ngoại thành thông qua mở rộng địa giới đô thị.
Vấn đề nông dân di cư vào đô thị đặt ra một loạt vấn đề. Tổng số lao động nhập cư hiện thời là 262,6 triệu người (2012), do nhiều rào cản nên rất khó trở thành thị dân, dẫn đến nhiều hệ lụy như chênh lệch thu nhập, thiếu nhà ở, con cái không được đi học, tỷ lệ phạm tội cao. Tình trạng “đô thị hóa (với lao động) giá rẻ” và không bình đẳng này là mầm mống cho các bất ổn xã hội đáng lo ngại. Giao thông tại nhiều đô thị lớn ngày càng thêm tắc nghẽn.
Việc mở rộng đô thị theo dạng “ly tâm” khiến nhiều nông dân bị thu hồi đất ở nhưng không được bồi thường thỏa đáng, bị bắt buộc chuyển vào ở trong các căn hộ chung cư cao tầng nên phải thay đổi lối sống và cách kiếm sống truyền thống, nhưng lại khó tìm được việc làm vì không qua đào tạo. Tình trạng “đô thị hóa bắt buộc” này ở nhiều nơi đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nông dân.
Tóm lại, đô thị hóa dân số đã không thật sự bền vững, gây tổn hại cho văn hóa nông thôn truyền thống, còn trong đô thị lại không tạo được cảm nhận quy thuộc, cảm nhận cộng đồng cho đông đảo người nhập cư, khiến xã hội đô thị trở nên xa cách, thiếu gắn bó, chứa đựng mầm mống bất ổn.
3. Về môi trường
Đô thị hóa đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khoảng 2/3 đô thị thiếu nước do tình trạng ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Ô nhiễm không khí cả nội và ngoại thành đã làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đường hô hấp và bệnh nhân ung thư. Thành phố Bắc Kinh năm 2013 có số ngày mù khói bụi nhiều nhất từ trước đến nay là 46 ngày trong số 100 ngày đầu năm. Việc xả trộm nước thải công nghiệp có chứa kim loại nặng và các chất độc hại khác đã tạo ra hơn 400 “làng ung thư” có tỷ lệ người mắc bệnh và chết do ung thư cao hơn mức bình quân cả nước đến 20~30%.
Sự phát triển đô thị vốn tập trung tại duyên hải và miền Nam rồi sau đó được chuyển vào nội địa và miền Tây. Chiến lược này giúp giảm bớt sự cách biệt kinh tế giữa các vùng, nhưng đồng thời cũng đem các công nghiệp ô nhiễm đến những khu vực có môi trường nhạy cảm tác động đến cả nước, như vùng thượng lưu các con sông Hoàng Hà, Trường Giang và Lan Thương (Hồng Hà).
Các chiến lược quản lý môi trường đều bị bó hẹp trong địa giới đô thị nên kém hiệu quả, chẳng hạn không ứng phó được vấn đề bụi mù cả vùng hay ô nhiễm lưu vực sông.
Tóm lại, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất và ô nhiễm âm thanh đã là những thách thức rất lớn cho đô thị hóa.
4. Về quản lý
Phương thức quản lý theo cấp bậc hành chính khiến các đô thị càng lớn thì càng được ưu đãi, đã khiến cho chủ trương đưa công nghiệp về các đô thị vừa và nhỏ gặp trở ngại. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các siêu đô thị và vùng đô thị cực lớn nhằm phát huy tối đa tác động của của các hiệu ứng “tiết kiệm nhờ tụ tập” và “tiết kiệm nhờ quy mô”, một mặt nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng mặt khác cũng đặt ra các vấn đề về thể chế quản lý và năng lực quản lý hành chính. Sự can thiệp trực tiếp vào thị trường, tư duy “chính tích” và tình trạng tham nhũng đã đưa đô thị hóa đất đai vượt xa đô thị hóa dân số, khiến đất đô thị bị sử dụng lãng phí, làm suy giảm nhanh đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Mặt khác để có thêm nguồn đất đô thị rẻ tiền, nhiều diện tích mặt nước đã bị san lấp, chẳng hạn thành phố Vũ Hán vốn nổi tiếng là nhiều hồ thì 70% trong số đó đã bị san lấp trong 20 năm qua, gây tình trạng ngập lụt khi mưa lớn. Tình trạng chính quyền một mặt can thiệp quá sâu vào thị trường nhưng mặt khác lại buông lỏng quản lý thị trường, chẳng hạn thị trường bất động sản, đã tạo ra những “thành phố ma” và những khoản nợ xấu vượt ngưỡng an toàn.
Tình trạng lạm quyền của các đội “thành quản” giữ trật tự đô thị khiến người dân bất mãn và chống đối đã gây tiếng xấu ra quốc tế.
Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh (nguồn: Ashui.com)
Đường tiến đến tương lai
Kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu đánh giá cao vai trò của đô thị hóa, sau 3 năm chuẩn bị công phu đã công bố Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới vào năm 2014, không chỉ nhằm khắc phục các hạn chế trong quá khứ mà còn đưa ra tầm nhìn mới về tương lai Trung Quốc (giấc mộng Trung Quốc), thông qua sử dụng hợp lý tài nguyên, xây dựng xã hội hài hòa và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, xem đô thị hóa không phải là kết quả của tăng trưởng kinh tế mà ngược lại, xem đó là động lực của tăng trưởng kinh tế[13]! Do đó Quy hoạch là bộ phận then chốt trong chiến lược kinh tế của Chính phủ nhằm tái cân bằng và chuyển hướng tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Để thực hiện Quy hoạch, từ nay đến 2020 Chính phủ dự định đầu tư 42 nghìn tỷ NDT, tương đương 6,8 nghìn tỷ USD.
Quy hoạch phải quan tâm xử lý 7 tình trạng nổi bật là:
- Tình trạng “bán đô thị hóa” dân số; chất lượng đô thị hóa không cao;
- Tình trạng thắt cổ chai về tài nguyên môi trường; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nguy cơ sinh thái nổi lên;
- Tình trạng phát triển không cân đối giữa các vùng; kết cấu nhị nguyên đô thị nông thôn hạn chế nhất thể hóa phát triển;
- Tình trạng tài nguyên, vốn, nhân tài và khoa học kỹ thuật tập trung quá mức vào các thành phố lớn gây trở ngại nghiêm trọng cho phát triển các huyện và hương trấn;
- Tình trạng kết cấu hạ tầng đô thị lạc hậu nghiêm trọng; các “bệnh đô thị” như giao thông tắc nghẽn, hiểm họa về an toàn… nổi lên;
- Tình trạng phá hoại di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên cực kỳ nghiêm trọng, lay chuyển nền móng văn hóa ưu tú truyền thống Trung Hoa;
- Tình trạng quản lý công cộng đô thị thấp kém; năng lực quản lý nhà nước không đủ.
Tư tưởng chỉ đạo của Quy hoạch là: khoa học kỹ thuật dẫn đầu, giơ cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực hiện bố cục tổng thể “ngũ vị nhất thể” gồm xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội, và xây dựng văn minh sinh thái, linh hoạt vận dụng, nhìn rộng mọi mặt, bảo vệ sinh thái, phát triển theo quy mô lớn, nỗ lực nâng cao chất lượng đô thị hóa, tìm tòi mô thức phát triển đồng bộ công nghiệp hóa kiểu mới, đô thị hóa kiểu mới, nông nghiệp hiện đại hóa và thông tin hóa, mà không phải trả giá bằng hy sinh an ninh nông nghiệp và lương thực, hy sinh sinh thái và môi trường, ra sức xây dựng toàn diện bố cục phát triển mới cho đô thị và nông thôn lành mạnh, đồng bộ và bền vững, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường, đạt hiệu quả kinh tế, phồn vinh văn hóa và hài hòa xã hội.
Nội hàm chiến lược của Quy hoạch chính là các cải cách, thể hiện trên các mặt sau đây:
– Ra sức lấy người làm gốc, phát triển chất lượng sống tốt;
– Coi trọng chất lượng và hiệu quả;
– Phát triển đồng bộ “tứ hóa”; phát triển các ngành theo cụm; đẩy mạnh sáng tạo; sản xuất hòa nhập với đô thị;
– Thống nhất quy hoạch đô thị nông thôn và dịch vụ công cộng, loại bỏ dần kết cấu nhị nguyên đô thị, nông thôn;
– Lấy văn minh sinh thái làm tư tưởng chỉ đạo mục tiêu phát triển; đề cao đô thị sinh thái; từ tầm cao “ngũ vị nhất thể” mà nắm vững vai trò và tác dụng của văn minh sinh thái trong quá trì đô thị hoá; quán triệt tư duy văn minh sinh thái vào toàn bộ quá trình và các lĩnh vực thiết kế quy hoạch đô thị và xây dựng hạ tầng, bảo vệ và xanh hóa hệ thống sinh thái tự nhiên, phương thức sản xuất và tiêu dùng, giáo dục chính trị và văn hóa…;
– Thể hiện bản sắc khu vực của đô thị Trung Quốc, phát huy truyền thống văn hóa ưu tú Trung Hoa.
Quy hoạch có 4 nhiêm vụ là:
- Đưa nông dân vào nhập cư đô thị một cách trật tự;
- Phối hợp phát triển hệ thống thành phố và thị trấn theo vùng đô thị;
- Nâng cao tính bền vững của đô thị;
- Thống nhất phát triển đô thị và nông thôn trong dài hạn.
Quy hoạch tiến hành 5 cải cách về:
- Quản lý dân số, bao gồm cả chế độ hộ khẩu;
- Quản lý nguồn lực đất đai;
- Đảm bảo tài chính cho đô thị hóa, bao gồm cải cách hệ thống thuế và xây dựng cơ chế quan hệ đối tác công-tư;
- Tối ưu hóa cung ứng nhà ở cho các nhóm dân có thu nhập khác nhau;
- Tăng cường bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia nghiên cứu đề xuất bố cục không gian “5611”, tức là tập trung phát triển 5 cụm đại đô thị cốt lõi, gồm Tam giác châu sông Chu, Vùng Kinh-Tân- Ký, Vùng Thành Du, Tam giác châu và Trung du Trường Giang; 6 chi khu chiến lược, gồm Bờ Tây Thiểm Tây, Hải Nam, Sườn Bắc Thiên Sơn, Cáp Trường, Điền Trung và Trung Nam Tây Tạng, bồi dưỡng 11 khu vực đô thị hóa trọng điểm, tập trung hầu hết vào phía Đông tuyến “Ái Huy-Đằng Xung” nối huyện Ái Huy ở Đông Bắc với huyện Đằng Xung ở Vân Nam, chia Trung Quốc thành hai phần gần bằng nhau nhưng phía Tây chỉ có 6% dân số (2002). Tuy bố cục 5611 chưa được chính thức công nhận nhưng rất nổi tiếng và được tham khảo rộng rãi.
Qua trình bầy ở trên có thể thấy tuy ngôn ngữ của Quy hoạch có chỗ chưa thật rõ ràng nhưng nói chung thể hiện quan điểm cởi mở của Chính phủ đối với các khó khăn hiện nay và sự cần thiết phải đổi mới, lấy tính bền vững và tính “xanh” làm cốt lõi cho Quy hoạch. Trong khi đánh giá cao Quy hoạch này, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn cho rằng nó có tham vọng quá lớn trong thời hạn quá ngắn (chỉ 6 năm), và sự thành công của nó phụ thuộc chủ yếu vào ý chí và năng lực các chính quyền địa phương không lặp lại các sai lầm trong quá khứ, kể cả chế độ hộ khẩu. Sự tái phối trí dân cư trên quy mô lớn đòi hỏi phải tăng chi tiêu công về y tế, giáo dục và nhà ở. Đó cũng là những gánh nặng đè lên ngân sách địa phương.
Nếu Quy hoạch không thành công và đem lại sự tăng trưởng như dự định, không vượt qua được các thách thức mà vẫn để đô thị hóa tiếp tục diễn ra như trước, thì sẽ dẫn đến chênh lệch thu nhập ngày càng lớn, mức sống và sức mua của dân nhập cư ngày càng giảm, và nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, không chỉ uy hiếp Trung Quốc mà cả thế giới.
TP Thượng Hải (nguồn: Ashui.com)
Các bài học kinh nghiệm về đô thị hóa bền vững cho Việt Nam
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng rất khác nhau về mặt địa lý nhưng lại tương đối gần gũi về thể chế chính trị. Trung Quốc quá độ sang kinh tế thị trường cũng chỉ trước Việt Nam không lâu, vì vậy thực tiễn đô thị hóa Trung Quốc để lại cho nước ta rất nhiều bài học quý giá, có thể giúp nước ta tránh được những khúc đường quanh co, những vết xe đổ trong quá trình đô thị hóa. Riêng về phát triển bền vững, nước ta có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm “đắt giá” của họ trên các mặt sau đây:
1. Bền vững kinh tế
Thành tựu đô thị hóa đã góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới, thế nhưng đồng thời cũng đưa ra những cái giá phải trả khá cao cho khai thác sử dụng tài nguyên.
Đô thị hóa Trung Quốc đã khai thác kém hiệu quả tài nguyên đất đai, mà quyền sở hữu thuộc về Nhà nước nếu là đất đô thị, và thuộc sở hữu tập thể Hợp tác xã nếu là đất nông nghiệp. Hiện tượng đô thị hóa đất đai đi trước đô thị hóa dân số dẫn đến diện tích đất phi nông nghiệp bình quân đầu người cả nước từ 152m2//ng năm 2000 tăng lên đến 175m2/ng năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu một mặt là do quy hoạch không gian yếu kém, mặt khác là do chuyển đổi hương thành trấn, huyện lên thành phố và mở rộng địa giới thành phố ra vùng nông thôn xung quanh, trong khi đất chưa xây dựng trong nội thành vẫn còn nhiều nhưng đã được cấp hết cho các dự án. Việc cấp đất tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách đô thị, vì vậy đô thị luôn khát đất, mà để có thêm đất thì phải mở rộng địa giới đô thị!
Tình trạng tương tự cũng bắt đầu diễn ra ở nước ta, như cả huyện Chí Linh chuyển đổi thành thị xã Chí Linh (năm 2010: tỷ lệ đô thị hóa 58,7%, mật độ 548 ng/km2) hay địa giới Hà Nội được mở ra quá rộng (năm 2014: tỷ lệ đô thị hóa 41,9%, mật độ 2087 ng/km2)! Năm 2008 diện tích đất phi nông nghiệp bình quân đầu người cả nước là 392,8m2 /ng thì năm 2014 tăng lên đến 418,6 m2/ng.
Tình trạng khan hiếm tàì nguyên nước đã hạn chế đô thị phát triển. Năm 2012 cả nước có hơn 400 thành phố thiếu nước, trong đó có 114 thành phố thiếu nước nghiêm trọng, nhất là ở miền Bắc. Tài nguyên khoáng sản cạn kiệt cũng khiến cho hơn 40 thành phố mỏ rơi vào suy thoái.
Một số đô thị Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn trong cấp nước do nguồn nước ngầm suy giảm, nguồn nước ngầm và nước mặt cho các đô thị ven biển bị nhiễm mặn.
Công nghiệp hóa hiển nhiên cần đến nhiều năng lượng, nhưng phát triển mù quáng các ngành công nghiệp tốn năng lượng như gang thép và xi măng để phục vụ xây dựng đã tạo ra sản xuất dư thừa và gây căng thẳng cho việc cung ứng năng lượng. Năm 2011 toàn ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và vận hành công trình hạ tầng đã tiêu hao 27% nhu cầu năng lượng cả nước!
Ỏ Việt Nam, tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy gang thép và xi măng cũng đang diễn ra, trong khi sắt thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào.
Tình trạng duy ý chí, đầu tư mù quáng trên thị trường bất động sản đã tạo ra nhiều lãng phí (như các thành phố ma), nhiều nợ xấu không chỉ cho các nhà đầu tư mà cả cho ngân sách đô thị, có thể dẫn đến căng thẳng tài chính quốc gia như nhiều chuyên gia tài chính quốc tế đã cảnh báo.
Tình trạng bong bóng bất động sản cũng đã diễn ra ở Việt Nam dăm năm nay và đến 2015 mới bắt đầu hồi phục, là một bài học đắt giá cho cả giới kinh doanh và chính quyền các thành phố lớn nước ta.
2. Bền vững xã hội
Đô thị hóa dân số chủ yếu vẫn là dựa vào số nông dân nhập cư vào mưu sinh trong đô thị hoặc là nông dân ngoại thành trở thành dân đô thị thông qua “đô thị hóa tại chỗ”. Thế nhưng chính sách hộ khẩu lại kỳ thị nông dân nhập cư, không xem họ là người dân đô thị thực sự, khiến họ phải chịu nhiều bất bình đẳng xã hội, từ thu nhập đến nhà ở, dịch vụ y tế và cả đến việc học tập của con cái. Hậu quả là hiện tượng “xa cách xã hội” ngày càng nặng nề.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại nước ta, tuy rằng trong chiến tranh, nông dân miền Bắc đã mở rộng vòng tay đón dân đô thị sơ tán.
Tình trạng thiếu chăm lo chỗ ở và ổn định đời sống lao động nhập cư đã khiến nguồn cung lao động không bền vững, chẳng hạn sau Tết nhiều lao động nhập cư từ miền Trung đã không trở lại nơi làm ở Đông Nam Bộ vì kiếm được việc làm tại các khu công nghiệp mới mở tại quê hương.
Vì mải mê đuổi theo lợi ích kinh tế mà nhiều chính quyền địa phương hy sinh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Nhiều lãnh đạo chính quyền chỉ coi trọng giá trị kinh tế của các di sản thiên nhiên và di sản văn hóa mà xem nhẹ giá trị quý báu của chúng về các mặt lịch sử, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, nên đã để xảy ra các hiện tượng phá hoại di sản, “thương mại hóa, nhân công hóa, đô thị hóa” các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khai thác các nơi này với cường độ quá sức chịu tải của môi trường sinh thái.
Qua chiến tranh, di sản văn hóa lịch sử trong đô thị Việt Nam không còn nhiều nhưng vẫn không được coi trọng và bảo tồn đúng mức, chẳng hạn các biệt thự để lại từ thời thuộc Pháp. Nhiều đô thị nghỉ mát chưa được khôi phục hoặc được khôi phục nhưng mất bản sắc. Nhiều đền chùa bị lấn chiếm.
Quan điểm thẩm mỹ của xã hội trở nên méo mó, xem công trình cao tầng và siêu cao tầng là tiêu chí của hiện đại hóa, muốn trong thời hạn ngắn ngủi dùng loại hình kiến trúc “mới, lạ, kỳ quái” để thay đổi hình ảnh đô thị, khiến bộ mặt đô thị cả nước trở nên đồng dạng, kém bản sắc và cứng nhắc.
Việt Nam rất nên dè chừng khuynh hướng xấu này.
Đô thị lan tỏa vô tổ chức về nông thôn đã làm mất đi nhiều di sản văn hóa bản địa. Nhiều vùng nông thôn cũng mải mê học theo đô thị để xây dựng nông thôn mới, du nhập các yếu tố và phong cách thành phố vào nông thôn khiến kiến trúc truyền thống, phong cảnh đồng quê bị mai một. Quá trình “phá hoại mang tính xây dựng” này đã gây tổn thất lớn tới bản sắc nông thôn Trung Quốc.
Kiến trúc nhà ở nông thôn nước ta cũng đang bị lai tạp, đánh mất bản sắc. Lũy tre không còn và nhiều loại chim chóc cũng bị mất nơi cư ngụ. Hàng rào cây được thay thế bằng những bức tường kín mít!
3. Về môi trường
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và môi trường đất đô thị và vùng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người dân.
Hiện tượng mù trời khói bụi xảy ra nhiều lần và đạt mức độ nghiêm trọng nhất trong lịch sử, từ phạm vi cục bộ đã trải rộng ra cả một vùng, nồng độ hạt bụi mịn vượt quá giới hạn quy định mới nhất của Hoa Kỳ (nồng độ bình quân trong năm 15mg/m3) từ 2 đến 8 lần, số ngày có mù khói bụi ở các vùng đô thị lớn như Kinh-Tân-Ký, Tam giác châu Trường Giang, Tam giác châu sông Chu… đã vượt quá 100 ngày mỗi năm, có năm vượt quá 200 ngày. Đặc biệt hai ngày 29-30/1/2013 mù khói bụi tại miền Đông đã lan tỏa ra cả một vùng rộng đến 130 vạn km2 (hơn 1/3 diện tích Việt Nam) chứa đựng hàng mấy chục thành phố lớn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đô thị cũng rất gay gắt, đe dọa sự an toàn cấp nước đô thị và sức khỏe nhân dân. Phân hóa học, thuốc trừ sâu và nước bẩn đã làm môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân đô thị.
Tình trạng chất thải rắn bao vây thành phố đã trở nên nguy hiểm, tốn nhiều đất chôn lấp, là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ phản đối tập thể gay gắt của người dân đô thị.
Tình trạng đảo lộn bố cục vốn có của thiên nhiên như bẻ cong hay nắn thẳng dòng sông, san lấp ao hồ và vùng đất ngập nước, xây công trình cản trở dòng chảy tự nhiên… khiến môi trường sinh thái đô thị và vùng đô thị bị tổn hại nặng nề.
Đô thị hóa nhanh khiến hệ thống hạ tầng không phát triển kịp đã tạo ra áp lực kép lên môi trường sinh thái đô thị: một là giao thông tại các đô thị lớn bị tắc nghẽn đến mức “tắc nghẽn toàn diện”, “tắc nghẽn khắp nơi”, “tắc nghẽn mọi lúc”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của đô thị; hai là các ẩn hoạn như ngập lụt, lở đất, cháy nhà, sự cố công nghệ (như vụ nổ tại Thiên Tân tháng 9/2015 mới đây) xảy ra thường xuyên, uy hiếp tính mạng và tài sản của dân và an toàn công cộng.
Không khí khói bụi, giao thông tắc nghẽn, ngập lụt tràn lan, công viên cây xanh quá ít, kênh mương ô nhiễm…cũng đang đe dọa môi trường sinh thái các đô thị lớn nước ta.
Quang cảnh hiện trường vụ nổ tại Thiên Tân tháng 9/2015. (Ảnh: EPA)
4. Về chính trị
Đô thị hóa và công nghiệp hóa với tốc độ cao đặt ra nhiều thách thức về chính trị, trong khi thể chế quản lý hành chính không kịp đổi mới, và năng lực bộ máy hành chính tỏ ra yếu kém.
Một số nơi quá chăm lo lợi ích của doanh nghiệp và phát triển bất động sản mà ít chăm lo lợi ích của người dân, chạy theo lợi ích kinh tế mà coi nhẹ chức năng văn minh tinh thần của đô thị, quá coi trọng vẻ ngoài của đô thị mà xem nhẹ phát triển hạ tầng, quá coi trọng tiến độ và số lượng mà xem nhẹ chất lượng và hiệu quả.
Trình độ quản lý đô thị yếu kém, trình độ số hóa, tinh vi hóa và thông minh hóa không cao, quá chú trọng phát triển phần cứng nhìn thấy được mà coi nhẹ xây dựng đồng bộ phần mềm phục vụ.
Quản lý thiếu minh bạch, thiếu dân chủ và thiếu các quyết sách khoa học, thiếu cơ chế ứng phó, đề phòng và xử lý các sự kiện đột phát của quần chúng đã gây ra nhiều sự kiện rối loạn trật tự xã hội, như vụ biểu tình lớn tại thành phố Ninh Ba tháng 10/2012 phản đối mở rộng nhà máy lọc hóa dầu sản xuất chất paraxylene có thể gây nổ (do đó có tên là vụ PX) sau khi đã có vụ tương tự xảy ra ở Hạ Môn năm 2007. Cung cách quản lý quan liêu, duy ý chí, kể cả ép buộc lấy đất nông nghiệp, thái độ hống hách của các đội “thành quản”… đã tạo ra bất ổn xã hội đáng lo ngại.
Nhiều nơi chính quyền chạy theo tốc độ đô thị hóa, thậm chí đưa tỷ lệ đô thị hóa quá cao thành mục tiêu phấn đấu, xem tỷ lệ đô thị hóa là “chính tích”, do đó đã đưa ra những quyết định duy ý chí, xa rời thực tế, chẳng hạn Thiểm Tây, Vân Nam, Quảng Tây đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đô thị hóa tăng thêm 2% mỗi năm, thậm chí niên độ 2010~2011 thành phố Trùng Khánh thông qua điều chỉnh chính sách chuyển đổi trên quy mô lớn hộ tịch nông dân thành hộ tịch thị dân mà đã nâng tỷ lệ đô thị hóa tăng thêm 8,5% chỉ trong một năm! Vì vậy có học giả Trung Quốc đánh giá dân số đô thị theo thống kê lớn hơn 16% so với dân số đô thị đúng nghĩa (nhưng họ cũng cho rằng tình trạng tương tự có ở nhiều nước khác chứ không riêng gì Trung Quốc).
Để tạo động lực tăng trưởng đô thị, chính quyền quá coi trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo theo định hướng xuất khẩu mà bỏ qua sức mạnh của thị trường tiêu dùng nội địa, mải miết theo đuổi xây dựng các “đại đô thị quốc tế hóa”, các khu trung tâm thương mại CBD và đủ loại “khu vực phát triển” mà không xem xét sức chịu tải của đô thị về các mặt cấp thoát nước, đất đai, năng lượng, môi trường sinh thái, dễ dàng chấp nhận các dự án tiêu thụ nhiều nước, nhiều năng lượng, xa rời các quy luật kinh tế và điều kiện thực tế của địa phương, khiến nợ công tăng lên còn nhân dân thì hao sức tốn của. ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đô thị.
Trung Quốc và Việt nam tương đối gần gũi về thể chế chính trị. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy thể chế quản lý lạc hậu, năng lực quản lý yếu kém của chính quyền đô thị chính là nhân tố quyết định sự thành bại của chính sách phát triển đô thị bền vững. Nước ta cần đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm này. Mặt khác, nước ta cũng nên tham khảo thể chế thành phố cấp phó tỉnh, thị xã cấp phó huyện để xử lý trường hợp khi đô thị lớn mạnh lên và chuyển sang cấp bậc cao hơn thì cũng không cần phải di chuyển tỉnh lỵ, huyện lỵ đi nơi khác rất phiền phức, tốn kém.
Kết luận
Thành tựu to lớn cũng như các tồn tại trong thực tiễn đô thị hóa Trung Quốc sau cải cách mở cửa có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý về nhiều mặt, bao gồm cả về phát triển bền vững, mà với khuôn khổ có hạn bài viết này chỉ có thể đề cập một cách hết sức tóm lược mà thôi.
Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới vừa được Trung Quốc ban hành năm 2014, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị hóa, lấy người làm gốc để phát triển đô thị bền vững, bao gồm bền vững về kinh tế, bền vững về văn hóa xã hội, bền vững về môi trường và bền vững về chính trị như vừa trình bày ở trên, do đó rất có giá trị tham khảo cho các nhà làm chính sách đô thị Việt Nam khi cần nghiên cứu giải quyết các vấn đề nổi bật trong quá trình đô thị hóa của nước mình.
TS Phạm Sỹ Liêm – Tổng hội Xây dựng Việt Nam