12/09/2018

Đình trệ dự án chống ngập ở TP Hồ Chí Minh: Lỗi do ai?

Dự án chống ngập do Trung Nam Group làm chủ đầu tư khởi công từ tháng 6/2016, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, gọi tắt là dự án chống ngập) do Trung Nam Group làm chủ đầu tư (theo hình thức BT) được kỳ vọng sẽ giải quyết ngập do triều cường cho thành phố.

153131_ttxvn-trieucuong170204

Nước ngập sâu trên đường phường Thạnh Lộc. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Được khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Một trong những nguyên nhân là do vướng giải phóng mặt bằng và chậm giải ngân vốn do chưa quyết toán hạng mục thi công cống kiểm soát triều vì chủ đầu tư thay đổi vật liệu thép từ tiêu chuẩn Nhật Bản sang thép Trung Quốc.

Tư vấn giám sát “lên tiếng”

Ngày 30/5/2018, Liên danh Tư vấn Giám sát hợp đồng dự án MVN – CMB – TL12 (gọi tắt là Tư vấn Giám sát hợp đồng) có công văn số HTFC-SCF/LO-18-035 gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành các gói thầu cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây khô thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Công văn cho biết, các hồ sơ trình nộp về cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô có sự thay đổi vật liệu thép chế tạo cửa van; trong đó, có sử dụng thép Trung Quốc.

Trong khi tiêu chuẩn thép Trung Quốc GB/T1591-2008 hay GB/T1591-2015 áp dụng cho thép chế tạo cửa van đều không có trong danh mục tiêu chuẩn được phế duyệt tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 5967/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 của UBND TP Hồ Chí Minh.

Đối chiếu Luật Xây dựng năm 2014, khi thay đổi tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cửa van thép thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải giải trình các tiêu chuẩn của Trung Quốc GB/T1591-2008 hay GB/T1591-2015 cho UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt và chấp thuận. Nhà đầu tư cũng cần làm rõ các tiêu chuẩn có phù hợp với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật, có đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống tiêu chuẩn (thiết kế, chế tạo, lắp dựng) được áp dụng hay không.

“Việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh lập luận rằng “Cơ bản thống nhất việc sử dụng loại thép Q345B áp dụng theo tiêu chuẩn GB 700-88 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các công trình nêu trên sang loại thép Q345B áp dụng tiêu chuẩn GB/T1591-2008 cho vật liệu chính cửa van là không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện”, công văn của Tư vấn giám sát hợp đồng nêu rõ.

Cũng theo Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng, trong báo cáo chỉ dẫn kỹ thuật thi công cơ khí được Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Trung Nam Group) phê duyệt cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng quy định “đối với vật tư chính chế tạo cửa van thép S355, nguồn gốc xuất xứ phải là các nước tiên tiến thuộc nhóm G7 sản xuất có cơ tính và hoá tính tương đương với mác thép S355.

Nhưng thực tế thi công và hồ sơ trình nộp cho thấy, vật tư chính để chế tạo cửa van có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, nhà đầu tư đã không tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vật tư chính chế tạo cửa van đã được quy định. Do đó, Tư vấn Giám sát hợp đồng thấy chưa đủ cơ sở để xác nhận giải ngân cho các gói thầu cơ khí cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô.

Đến ngày 16/8/2018, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng tiếp tục có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo đánh giá khối lượng hoàn thành các gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công và gói thầu XD05 cống kiểm soát triều Mương Chuối. Theo đó, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng tái khẳng định quan điểm tại công văn số HTFC-SCF/LO-18-035 nói trên.

Cụ thể, theo thiết kế cơ sở đã được duyệt, vật liệu chế tạo cửa van cống kiểm soát triều Phú Xuân, Cây Khô là thép không rỉ SUS 304 (tiêu chuẩn Nhật Bản), thiết kế bản vẽ thi công được duyệt sử dụng thép S355 (tiêu chuẩn châu Âu) nhưng thực tế thi công lại sử dụng thép Q345B (tiêu chuẩn Trung Quốc).

Liên danh tư vấn giám sát cũng xác nhận, tại cống Mương Chuối, một số hạng mục kết cấu xây dựng lớn có sự thay đổi lớn giữa bản vẽ thiết kế thi công đã được phê duyệt và thực tế thi công tại hiện trường. Việc thay đổi này chưa được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận và phê duyệt.

“Nếu xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành để làm cơ sở giải ngân thì thành phố sẽ gánh chịu rủi ro về pháp lý và rủi ro phát sinh chi phí đầu tư dự án”, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cảnh báo.

Thay đổi tiêu chuẩn thiết kế

Trái với quan điểm nêu trên của Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng dự án, trong báo cáo số 1848/SNN-QLĐT gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van có sự khác nhau giữa thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công từ tiêu chuẩn thép Nhật Bản qua thép Trung Quốc tại cống kiểm soát triều Bến Nghé, Phú Xuân, Tân Thuận, Cây Khô nhưng thép thay thế vẫn có “kết cấu cửa van gọn nhẹ, đảm bảo chịu lực, chống ăn mòn rất tốt”.

Các loại thép theo tiêu chuẩn DIN-EN 10025:2005 của Đức, JIS G3106-1992 của Nhật Bản, GB T1591:2008 cuả Trung Quốc, ASTM.Grade của Mỹ được đơn vị tư vấn thiết kế thể hiện trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công chế tạo các cửa van phẳng kéo đứng có các chỉ tiêu cơ, hoá tính tương đương nhau. Trong quá trình thi công, việc lựa chọn vật liệu thép nào do chủ đầu tư quyết định.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục công trình thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Việc sử dụng, thay đổi tiêu chuẩn thiết kế bản vẽ thi công của dự án (thép) không làm thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án, tổng mức đầu tư.

Do đó, không phải trình UBND TP Hồ Chí Minh xem xét quyết định mà trách nhiệm thẩm định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thân đã yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn tiến hành kiểm tra độc lập, làm cơ sở để thẩm định và chủ đầu tư phê duyệt theo đúng quy định hiện hành”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Liên quan đến việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các bộ, ngành liên quan, TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng BIDV để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan, đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng.

Theo báo cáo của UBND thành phố, vào tháng 4/2018 vừa qua, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đề nghị tạm dừng thi công. Cùng đó, chỉ duy trì triển khai tại các vị trí xung yếu có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình vì phía ngân hàng tạm dừng giải ngân cho dự án do Sở Tài chính chưa thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình thanh toán giải ngân theo phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để hoàn tất thủ tục tái cấp vốn cho dự án.

Về tiến độ dự án, dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay, 154 hộ và 25 tổ chức, doanh nghiệp đã bàn giao mặt bằng. Tính đến ngày 31/7/2018, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%)./.

Trần Xuân Tình/TTXVN