Cứ mưa là ngập!
Mưa lớn trong hơn hai tiếng chiều Chủ nhật (29/5) đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập úng cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50cm, giao thông tê liệt. Tôi xem hình ảnh trên báo Dân Trí, xe cộ nằm ngập sâu trong nước, người dân lội bì bõm rất khổ sở.
Một vị Bộ trưởng phát biểu rằng, mưa lớn bất thường như vậy, lại tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chống chịu được, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Phát biểu này đúng, vì lượng mưa chiều 29/5 là rất lớn, chỉ trong hai giờ trạm Láng ghi nhận 138 mm, vượt mốc lịch sử năm 1986 gần 6 mm. Nhưng xin thưa rằng, nhiều nơi ở Hà Nội thì mưa vừa cũng ngập chứ không đợi đến mưa to. Tình trạng “cứ mưa là ngập” đã đi vào câu nói quen thuộc của người dân “Hà Nội mùa này phố biến thành sông”.
Trong những năm qua, hàng trăm dự án khu đô thị – bất động sản đã triển khai trên địa bàn Hà Nội, cung cấp cho thị trường hàng chục triệu m2 sàn nhà ở. Có một thống kê là riêng năm 2017, các nhà đầu tư đã đưa ra thị trường 11 triệu m2 , bằng tổng số xây dựng nhà ở trong cả thế kỷ 20. Sau hơn 10 năm mở rộng, việc phát triển các dự án bất động sản ở Hà Nội đã đáp ứng phần nào nhu cầu an cư của người dân. Nhưng mặt khác là thành phố nước ngập, tắc đường triền miên, nạn ô nhiễm môi trường chưa có giải pháp căn bản. Có ý kiến cho rằng cần đầu tư 100 tỷ USD thì Hà Nội mới hết ngập, trong khi ta chưa có đủ 1/10 cho việc này. Thế thì Hà Nội ngập là vấn đề lâu dài, nhất là khi hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng và các vấn đề thoát nước nội thành ngày càng trở nên phức tạp hơn vì các công trình đô thị ngầm đã bắt đầu được triển khai.
Ngập úng là hệ quả của quá trình đô thị hóa. Đặc biệt nếu trong quá trình đó hành lang thoát lũ trở thành nơi xây dựng công trình hạ tầng và nhà ở; rồi hàng loạt vùng trũng như mặt hồ nước, ao và phần bán ngập bị san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… phần lớn xây dựng dựa trên lấp ruộng trũng, vì vậy một số nơi tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.
Chúng ta biết rằng các hồ nước bên cạnh chức năng điều hòa khí hậu, tích trữ nước còn có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Hơn nữa, nhiều hồ nước ở Hà Nội vốn nằm trong hệ thống liên hồ, được kết nối thông qua đường sông, kênh, cống tràn qua lại các vùng trũng với nhau. Theo quan sát của tôi nhiều năm qua, theo thời gian hệ thống liên hồ dần bị tê liệt vì quá trình đô thị hóa và các hồ không phát huy hết chức năng. Nước mưa ở đường phố đi vào cống nhiều rác thải nên không đổ được về hồ, hồ không đổ được về sông.
Ngoài ra, một số khu đô thị mới hình thành những năm gần đây chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nên ngập úng cục bộ là khó tránh khỏi khi mưa lớn.
Đứng trước thực trạng trên, theo tôi Hà Nội cần có chiến lược thoát nước mới, phân thành 3 khu vực để có các nhóm giải pháp tương ứng. Trong đó, khu vực thứ nhất là nội thành, thứ hai là các khu đô thị mới ven đô và thứ ba là vùng nông thôn (nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ). Về giải pháp, trước hết Hà Nội cần tích hợp dự án thoát nước với dự án hạ tầng đô thị, bao gồm cả các dự án đi ngầm như đường sắt đô thị, bãi đỗ xe, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, trữ nước ngầm… Việc triển khai các dự án này cũng là cơ hội để xã hội hóa nguồn lực đầu tư (vay nước ngoài, giao cho các tập đoàn…) thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước.
Hà Nội cũng cần triển khai các dự án thoát nước kết hợp với dự trữ nước sạch và nâng cấp cảnh quan, tăng cường sinh kế, khuyến khích vận tải thủy, năng lượng tái tạo… Việc đào thêm hồ điều hòa là điều tốt, nhưng sẽ tối ưu nhất nếu Hà Nội có một kịch bản tổng thể. Trong đó, cần đưa sông Tô Lịch thành một hồ chứa nước, bởi dòng sông này dài 17 km, dung lượng chứa khoảng 23 triệu m3 nước, tương đương tất cả các hồ ở Hà Nội cộng lại.
Hẳn là người Hà Nội còn nhớ, năm 2008, Thủ đô mở rộng địa giới hành chính và cuối năm ấy mưa to, cả thành phố chìm trong nước ngập. Giữa biển nước mênh mông Hà Nội những ngày cuối tháng 10/2008, tôi đã liên tưởng đến sự lỗi lạc anh minh của vua Lý Công Uẩn khi lựa chọn nơi dựng nghiệp muôn đời: Đấy là Thăng Long – Hà Nội. Nếu vị thế ” … ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước …” có lẽ thích hợp cho các bậc Đế vương, thì …”mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh…” lại thuận cho bách tính. Thế mới biết: Từ lâu lắm rồi, nơi trú ngụ khô ráo sáng sủa vốn đã là tiêu chuẩn sống hàng đầu. Vậy mà ngày nay Hà Nội vẫn ngổn ngang chuyện mưa ngập.
Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội/Dân trí