.
18/03/2019
Có thể tạm dừng đăng ký xe máy tại 5 quận nội thành Hà Nội vào 2020
Ngoài tuyến Nguyễn Trãi thì các tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng… cũng được Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhắm đến để thí điểm cấm xe máy trong giai đoạn 2019 – 2020.
Năm 2020, tạm dừng đăng ký xe máy 5 quận nội thành
Theo báo cáo đề án Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tiêu chí và một số tuyến phố cấm xe máy đã được đưa ra khá cụ thể.
Theo đó, Sở này đưa ra 2 tiêu chí lớn làm căn cứ xét tuyến nào đủ điều kiện hạn chế xe máy, gồm: kết cấu hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng. Mỗi tiêu chí này phải đạt ít nhất 7/10 điểm mới áp dụng cấm xe máy.
Báo cáo này cũng cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu mô hình thành công của thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) với lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn: giai đoạn đầu giới hạn đăng ký mới; giai đoạn tiếp theo thí điểm hạn chế một số tuyến đường, khu vực; và giai đoạn 3 là mở rộng dần, tiến tới hạn chế trên toàn bộ thành phố vào năm 2007.
Ngược lại, thành phố Yangon (Myanmar) là “bài học thất bại” trong hạn chế xe máy khi chính quyền thành phố chưa sẵn sàng các phương án giao thông công cộng thay thế.
Với kinh nghiệm này, Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế đăng ký mới xe máy tại các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020 và mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và các huyện Gia Lâm, Đông Anh vào 2025.
Trong giai đoạn này, Hà Nội cũng sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc thu mua xe máy cũ với những xe máy tuổi đời dưới 10 năm.
Xem xét hạn chế xe máy các tuyến Xuân Thủy, Cầu Giấy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng…
Như đã đề cập ở trên về 2 tiêu chí chính để chọn các tuyến phố hạn chế xe máy, với mỗi tiêu chí đó, Hà Nội lại chấm điểm từng tiêu chí nhỏ.
Cụ thể, về kết cấu hạ tầng, có 6 tiêu chí nhỏ với thang điểm khác nhau: cao nhất (3 điểm) và được coi là “điều kiện tiên quyết” là năng lực hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng lượng phương tiện giao thông; tiếp đó là tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đảm bảo trên 20% (2 điểm); mật độ đường tính đến đường chính khu vực đạt tối thiểu 4 km/km2 (2 điểm); 100% hè phố tính đến đường cấp khu vực có bề rộng tối thiểu 3 m (1 điểm)…
Hệ thống giao thông công cộng có 5 tiêu chí nhỏ với “điều kiện tiên quyết” – 3 điểm, là năng lực phương tiện công cộng (đường sắt đô thị, BRT, xe buýt, minibus, taxi, xe hợp đồng, xe đạp công cộng…) đáp ứng được nhu cầu đi lại.
Căn cứ trên điểm số này, Sở Giao thông vận tải cho biết sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt (ngoài thời gian cấm xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt) tại các tuyến Nguyễn Trãi (đoạn từ giao vành đai 3 – đường Láng) vào năm 2019 – 2020 và tuyến Xuân Thủy – Cầu Giấy (sau khi tuyến 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020).
Các tuyến “nghiên cứu xem xét” bao gồm: tuyến Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 – Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên – cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 – Láng) và tuyến Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh.
Giai đoạn 2021 – 2025, khu vực bảo tồn cấp 1 mở rộng gồm Hàng Đậu – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn – Phùng Hưng cũng dự kiến cấm xe máy hoạt động từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hàng tuần.
Giai đoạn 2026 – 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 1 với diện tích gần 26 km2, dân số khoảng 700.000 người.
Giai đoạn sau 2030 sẽ hạn chế trong khu vực vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác. Tại thời điểm đó, theo thành phố Hà Nội, vận tải khách công cộng sẽ đáp ứng 70% nhu cầu đi lại của người dân, với 180 tuyến xe buýt, 2.700 phương tiện; 9 tuyến đường sắt đô thị; 30.000 taxi; 30.000 xe hợp đồng và hơn 10.000 xe đạp công cộng.
Vũ Hân/Thanh Niên