Chung cư tái định cư: Bất cập từ chất lượng đến quản lý
Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội đã bàn giao 173 tòa nhà chung cư tái định cư, với tổng số trên 14.200 căn hộ cho các đơn vị chuyên môn quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, việc hạ tầng xuống cấp, chậm thành lập Ban quản trị nhà chung cư, cũng như việc quản lý thu chi hỗ trợ kinh phí quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư đang gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Chất lượng dịch vụ xuống cấp
Anh Nguyễn Văn Minh, trú tại tòa nhà N10, chung cư tái định cư Đồng Tàu (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện nay tại tòa nhà gia đình anh đang sinh sống, hệ thống hạ tầng đang bị xuống cấp trầm trọng, hệ thống đường ống dẫn bồn cầu thường xuyên bị tắc làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của cư dân tòa nhà.
“Có thời điểm đường ống thoát bồn cầu bị tắc hàng chục ngày, mặc dù có trình báo nhưng vẫn không được đơn vị quản lý cử người đến khắc phục, xử lý. Cư dân phải tự bỏ tiền ra thuê đơn vị thông tắc bồn cầu bên ngoài vào để khắc phục sự cố” – anh Minh cho hay.
Tương tự là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mây, trú tại tòa nhà N6, chung cư tái định cư Đồng Tàu. Theo chị Mây, nền sàn để xe của tòa nhà bị lún, nứt suốt thời gian dài mà không được khắc phục, xử lý. Cùng với đó, bậc cầu thang tại tầng 1 cũng bị nứt, gãy; tường nhà thì bị bong, tróc thành từng mảng lớn…
“Đường ống dẫn nước thải bị tắc nghẽn, sau đó bị vỡ khiến cho nước tràn lên cả phần vỉa hè quanh tòa nhà, nước đọng lâu ngày thành vũng tù, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Mỗi lần xảy ra sự cố về điện, nước đều phải mất rất nhiều thời gian để xử lý” – chị Mây phàn nàn.
Trường hợp của gia đình anh Minh và chị Mây là hai trong số rất nhiều các hộ gia đình đang phải sống trong cảnh chất lượng hạ tầng tại các tòa nhà chung cư tái định cư bị xuống cấp nghiêm trọng. Tâm lý lo ngại về chất lượng các công trình nhà chung cư tái định cư vẫn đeo đẳng người dân khi chuyển đến sinh sống.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 173 tòa nhà chung cư tái định cư (do Nhà nước đầu tư xây dựng) đã bàn giao và đưa vào sử dụng. Công tác quản lý, sử dụng các tòa nhà này có nhiều bất cập kéo dài. Cụ thể, còn 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; nhiều tòa nhà xuống cấp nhanh; chỉ 119 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ; 54 tòa nhà không có diện tích kinh doanh dịch vụ, theo thiết kế là chỗ để xe, phòng kỹ thuật; số ban quản trị được thành lập còn rất ít.
Lý giải về vấn đề chất lượng dịch vụ thấp, hạ tầng dự án xuống cấp mà không kịp thời bảo trì, sửa chữa. Đại diện Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, hiện nay mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư tái định cư thu theo quy định của TP là rất thấp, không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa. Mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 – 5.000 đồng/m2/tháng nhưng hiện vẫn thu mức 500 đồng/m2/tháng (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng).
Thu, chi không minh bạch
Cùng với việc chất lượng công trình không đảm bảo, việc thành lập các Ban quản trị tòa nhà và quản lý thu chi kinh phí quản lý, vận hành tòa nhà cũng là một trong những vấn đề gây bất cập lớn đối với các dự án chung cư tái định cư. Anh Nguyễn Văn Minh cho biết, tại tòa nhà anh đang ở trước đây có thành lập Ban quản trị nhưng Trưởng ban quản trị lại không phải là người sống tại tòa nhà.
Sau khi người dân kiến nghị về việc thực hiện thu, chi không minh bạch các khoản phí của tòa nhà và yêu cầu phải họp với dân để giải trình thì vị Trưởng ban này “mất hút” luôn từ mấy năm nay. “Từ khi ông Trưởng ban bỏ đi vì bị người dân kiến nghị về việc thu, chi không minh bạch, tòa nhà này không có Ban quản trị nữa. Khi có sự cố gì cần phải khắc phục gấp, chúng tôi ứng ra trước để sửa chữa, sau đó sẽ chia đều cho các gia đình sống tại tòa nhà” – anh Minh chia sẻ.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị đang quản lý, vận hành tòa nhà lập và bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị tòa nhà sau khi Ban quản trị được thành lập. Trường hợp tòa nhà chung cư không có hồ sơ hoàn công, không có quy trình bảo trì thì đơn vị đăng ký đang quản lý vận hành tòa nhà có trách nhiệm thực hiện đo vẽ lại hồ sơ hoàn công, lập và phê duyệt quy trình bảo trì nhà chung cư. Kinh phí thực hiện lấy trong kinh phí thu được từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư.
Thực tế, theo thống kê của Ban Đô thị – HĐND TP Hà Nội, hiện toàn TP mới có trên 70 tòa nhà chung cư tái định cư tổ chức thành công Hội nghị nhà chung cư, gần 50 tòa nhà đã tổ chức 2 lần nhưng không thành công. Đa phần các tòa nhà chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư là do không đủ số lượng người dân tham gia.
KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đối với vấn đề sử dụng nguồn quỹ bảo trì nhà chung cư, khi công trình hết thời hạn bảo hành, nếu cần sửa chữa thì người dân sẽ tự cùng nhau góp tiền vào để phục vụ bảo trì, sửa chữa. “Nếu chủ đầu tư hoặc đơn vị vận hành đủ uy tín để cư dân tin tưởng thì người dân có thể đóng tiền phí bảo trì giao cho đơn vị đó, mức phí có thể thấp hơn mức quy định chung là 2%” – KTS Nguyễn Văn Thanh cho hay.
Theo số liệu báo cáo của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, tính đến hết năm 2018, trong số hơn 100 dự án nhà chung cư tái định cư do đơn vị này quản lý, có đến trên 700 căn hộ tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng nhưng người dân chưa đến làm thủ tục để bàn giao và số lượng các căn hộ bỏ trống thuộc quyền quản lý của đơn vị này cũng tương đối lớn, trên 370 căn.
“Việc thực hiện thu phí bảo trì tòa nhà chung cư nói chung có thể có, có thể không, không nhất thiết phải luật hóa vấn đề thu phí bảo trì. Để không xảy ra những khúc mắc trong việc quản lý, sử dụng nguồn phí này thì cần phải minh bạch mọi thông tin, những người tham gia quản lý nguồn quỹ không chỉ là người có uy tín tại cộng đồng, mà cần phải có chuyên môn về quản trị tài chính cũng như xây dựng.” – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam – KTS Phạm Thanh Tùng
Kinh tế đô thị/Doãn Thành