Chia cả nước thành 7 vùng: Kế thừa quy hoạch đã có hay làm mới?
Hiện nay, Việt Nam được phân thành 6 vùng kinh tế – xã hội. Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và đầu tư chuẩn bị trình phương án chia mới thành 7 vùng. Việc phân chia vùng đang được các bộ ngành khẩn trương thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học với nhiều trăn trở trước những thách thức mới.
Quy hoạch vùng hiện trạng và các đề xuất từ trước tới nay
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng hình thành vùng Đồng bằng và trung du Bắc bộ tới 15 tỉnh là “quá lớn”, nhưng không có lập luận nào cho biết bao nhiêu tỉnh thì “không quá lớn?”.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng cần cân nhắc việc đưa bốn tỉnh trung du là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang về vùng Đồng bằng sông Hồng bởi như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ “nếu cắt mất đầu tàu thì vùng miền núi phía Bắc sẽ rất khó”. Nhưng tiêu chí nào để trở thành “đầu tầu phát triển”?
Còn GS Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam, cho rằng Long An và cả Tiền Giang thực chất không nằm trong lưu vực sông Cửu Long. “Có lẽ ta nên liều một tí, đưa Long An, Tiền Giang về miền Đông Nam bộ thì TP.HCM mới là trung tâm gắn kết vùng được”, ông Thái đề xuất. Ở đây lại phải mở ngoặc, có thể cần phải “liều” hơn nữa thì mới tạo ra 7 trung tâm gắn kết, đầu tàu phát triển cho cả 7 vùng.
Trong đề xuất phân 7 vùng mới không còn vùng Thủ đô nữa, do đã nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng. Tuy vậy, vẫn cần làm rõ khái niệm “liên kết vùng” bao gồm loại bỏ những thứ trùng lặp trong vùng hay cộng thêm thừa thãi trong vùng. Ví dụ: tại sao trong vùng này cần tới 4 sân bay và mỗi sân bay chỉ cách nhau 20-30km.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng không thể tách rời với Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng và sông Thái Bình do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập, phê duyệt năm 2016. Tiếc rằng bản quy hoạch này không rõ tổng nhu cầu dùng nước, phương án chậm lũ/dự trữ nước dùng cho mùa khô hạn… dẫn đến chưa xác định chỉ giới thoát lũ (đặc biệt tại Hà Nội).
Còn Quy hoạch Bảo vệ môi trường cho vùng này do Bộ Tài nguyên và môi trường khởi động từ 2016, đến nay vẫn chưa xác định tổng trữ lượng nguồn nước, nguyên nhân gây ô nhiễm và biện pháp xử lý… Điều đó cho thấy những bản quy hoạch vùng hiện có cần bổ cập nhiều mới đạt giá trị khoa học và hữu ích.
Lập mới hay tận dụng các tài liệu sẵn có?
Trong 7 vùng mới lập thì đã có 6 quy hoạch vùng được phê duyệt từ 2012-2016. Riêng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, đang được khẩn trương thực hiện. Luật Quy hoạch ra đời đặt mục tiêu loại bỏ các bản quy hoạch trùng lặp nhằm tránh xung đột, tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Chi phí lập 7 bản quy hoạch vùng có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng và kéo dài vài năm…mà chưa có gì đảm bảo sẽ có những nội dung “đột phá”.
Người viết đã khảo sát một số bản quy hoạch vùng, nhận thấy giá trị lớn nhất là đã tập hợp được các thông tin trong các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Dù còn rời rạc, thiếu đồng bộ và năng lực tích hợp, còn thiếu sót, lạc hậu nhưng chí ít thể hiện hiện trạng và mong muốn của từng địa phương, từng vùng đã trình bày trong các tài liệu này.
Thay vì tốn tiền bạc, thời gian vẽ ra bản quy hoạch mới, ta nên: Đánh giá một cách thấu đáo nội dung đã trình bày trong quy hoạch cũ; Kiểm tra tiến độ các dự án; Phát hiện ra những hạn chế/bất hợp lý để khắc phục chỉnh sửa cho phù hợp với hiện thực và thích ứng với từng địa phương, từng ngành liên quan… theo Luật Quy hoạch.
Bởi, nếu có lập bản quy hoạch mới thì vẫn còn đó hai tồn tại:
Một là, “thiếu cơ quan điều phối, quản lý; chính sách tài khóa không có cấp vùng đồng thời các chính sách liên kết vùng cũng hết sức hời hợt” (ý kiến của PGS-TS Trần Trọng Hanh), vì vậy mà: “Nhiều vùng thành ra câu lạc bộ vui vẻ chứ không phải chỉ đạo vùng, liên kết vùng, chính sách vùng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói. Hạn chế này đã được nêu ra từ năm 2013 đến nay (năm 2020) và chưa có lời giải.
Hai là, nếu có lập quy hoạch vùng mới thì nguồn nhân lực và công cụ thực hiện/giám sát đánh giá trong nước không có gì mới. Nếu thuê tư vấn nước ngoài thì rủi ro tiềm tàng “tiền mất, tật mang”. Người viết đã chứng kiến tư vấn nước ngoài, chủ trì quy hoạch Hà Nội mở rộng không nhớ hết tên các thành phố vệ tinh ghi trên bản đồ. Nhiều tư vấn nước ngoài khác lập quy hoạch các tỉnh tốn kém vài triệu USD/tỉnh, nhưng vừa xong đã điều chỉnh, vài năm phải làm lại.
Bài học thành công trong việc lập và thực hiện quy hoạch vùng
Nhật Bản ban hành Luật Quy hoạch Vùng thủ đô (năm 1956), định ra Tokyo và 6 tỉnh bao quanh. Tuy nhiên chỉ các cơ quan chính phủ sử dụng, trong khi quốc dân thì chỉ nhìn nhận Tokyo và ba tỉnh kế cận. 8 vùng vẽ trong bản đồ địa lý nhưng không phải là đơn vị hành chính, chỉ sử dụng trong một số ngữ cảnh: vùng dự báo thời tiết, đặt tên cho doanh nghiệp hay tổ chức…
Cục Quản lý vùng trực thuộc Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT). Riêng vùng Hokkaido (vùng cực bắc xa xôi), có cục riêng do một Thứ trưởng MLIT đặc trách. Nhật Bản không quan tâm đến các bản vẽ quy hoạch vùng giàu trí tưởng tượng, mơ hồ/vô định… mà rất công phu lập ra bản ATLAS Nhật Bản, xuất bản định kỳ. Trong đó, thông tin hình họa mô tả thực trạng các thông tin kinh tế xã hội tỉ mỉ… Các bên liên quan có thể tham chiếu để lập các dự án phát triển vững chắc.
Quản lý vùng bằng “công ty lưu vực sông” mà không cần “đẻ” thêm bộ máy hành chính… Cộng hòa Pháp đã dựa vào “Đạo luật về nước ” (1964) để lập sáu công ty lưu vực. Các công ty thu tiền của những cơ sở dùng nước hoặc làm ô nhiễm nước, tài trợ cho những cơ sở tiết kiệm nước, làm sạch nước hoặc phải vận chuyển nước từ xa. Ngân sách của sáu công ty cao gấp bốn lần ngân sách Bộ Môi trường Pháp. Thực ra, tại Việt Nam cũng đã có các công ty đầu tư và thu phí đường cao tốc (BOT). Họ có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các cấp chính quyền, các bên liên quan tới các con đường do họ đầu tư mà chẳng cần họp hành ban bệ rình rang.
Dù là mô hình gì thì việc liên kết vùng phải đặt lợi ích quốc gia, cộng đồng xã hội lên trên, chớ để các tập đoàn tư nhân thao túng… Sự quan ngại là có cơ sở vì đã từng (năm 2016) có dự án đề xuất “giao thông thủy xuyên á trên sông Hồng” gây tranh cãi. Quy hoạch vùng còn bàn tới lui chưa biết khi nào mới xong, nhưng chỉ cần bỏ đi những thứ thừa, thêm vào những thứ thiếu của các bản quy hoạch vùng đã có, thì chúng ta đã hoàn thành xuất sắc công việc này.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, để thi hành Luật Quy hoạch, Bộ đã đề xuất chia lãnh thổ quốc gia thành 7 vùng, phục vụ lập quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, giữ nguyên như hiện nay các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị; nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận (ở Duyên hải Nam Trung Bộ) vào vùng Đông Nam bộ hiện nay.
Cùng với đó, thành lập vùng Nam Trung bộ, bao gồm tỉnh Thừa Thiên – Huế, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
KTS Trần Huy Ánh/Người đô thị