Bổ sung các hành vi vi phạm trật tự xây dựng để xử phạt nghiêm minh
Nếu như năm 2019, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 2.358 trường hợp vi phạm xây dựng thì trong 11 tháng của năm 2020 chỉ xảy ra 999 trường hợp, giảm 64,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng do Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức ngày 25/12 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần làm lành mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Nghị định vẫn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, chưa đáp ứng hết yêu cầu của thực tế. Đơn cử như không quy định mức phạt theo tỷ lệ hoặc mức độ sai phạm; khó khăn trong xác định thời điểm, tính thời hiệu hành vi vi phạm; xác định hành vi vi phạm hành chính để xử phạt khi công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng và sai quy hoạch.
Cùng đó là khó xử lý vi phạm đối với việc chủ đầu tư nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ đối với khách hàng; tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cũng khó khăn do không đủ nhân lực và chi phí…
Ông Trương Công Nam – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.358 trường hợp vi phạm xây dựng nhưng trong 11 tháng của năm 2020 chỉ xảy ra 999 trường hợp, giảm 64,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp. Năm 2018 và 2019 chỉ đạt dưới 50%.
Quá trình thực hiện Nghị định 139 còn có vướng mắc như không quy định xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép nhà ở riêng lẻ tại khu vực nông thôn.
Hiện Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng nhà ở riêng lẻ xây sai thiết kế, ngăn chia nhiều phòng thành chung cư mini nhưng đối chiếu theo Điều 98 Luật Xây dựng thì hành vi này không làm thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích, quy mô, chiều cao, số tầng… và yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính nên không bị xem là hành vi sai phép.
Do đó, cần phải có quy định cụ thể để ngăn chặn và xử lý hành vi xây dựng chung cư mini, xây nhà 3 chung (chung số nhà, chung giấy phép xây dựng, chung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) – ông Nam đề xuất.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Huỳnh Phạm Tuấn Anh nêu vấn đề, hiện một số chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân trong quá trình đầu tư dự án, mặc dù chưa hoàn chỉnh thủ tục theo quy định nhưng vẫn có hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, lập thoả thuận dưới hình thức giấy xác nhận ưu tiên, hợp đồng dịch vụ môi giới độc quyền, hợp đồng đặt chỗ, đặt cọc, phiếu đăng ký giữ chỗ…
Các thoả thuận này liệu có xếp vào hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản. Cùng đó, nhiều chủ đầu tư xây dựng công trình có thay đổi công năng sử dụng nhưng Nghị định 139 cũng không quy định, xử lý hành vi vi phạm này.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh kiến nghị, cần có hướng dẫn về quy trình xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm, cụ thể hoá cách tính giá trị xử lý đối với từng trường hợp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu lại lợi ích bất hợp pháp; đồng thời, sửa đổi Nghị định 139 theo hướng bao quát hết các trường hợp vi phạm có thể xảy ra để áp dụng, tránh việc suy đoán, loại trừ khi áp dụng.
Đồng quan điểm, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho rằng, cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng chưa được quy định tại Nghị định 139 đồng thời bổ sung quy trình xử lý công trình vi phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm cũng như bổ sung quy định trách nhiệm thực hiện việc ngăn chặn ngừng thi công xây dựng khi chủ đầu tư không chấp hành.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Xây dựng, từ năm 2018 đến đầu tháng 12/2020, các đơn vị chức năng ngành xây dựng trên cả nước đã kiểm tra và lập hồ sơ xử lý đối với 18.125 trường hợp, xử phạt 12.152 trường hợp với tổng số tiền trên 540 tỷ đồng, cưỡng chế thi hành 4.113 trường hợp vi phạm; trong đó, 19 sở xây dựng khu vực phía Nam đã kiểm tra, xử lý 5.466 trường hợp vi phạm và xử phạt 3.664 trường hợp với số tiền trên 170 tỷ đồng, cưỡng chế thi hành 1.032 trường hợp vi phạm./.
Trần Xuân Tình/TTXVN