Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8467 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lời kiến nghị cử tri của địa phương gửi tới kì họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Nội dung kiến nghị của cử tri nêu băn khoăn và muốn biết khi nào tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức đi vào hoạt động.
Yêu cầu tổng thầu cam kết mốc vận hành
Thời gian qua, mặc dù đã có quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể hoàn thành để chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu chưa thực hiện theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Những khó khăn, vướng mắc của dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết trong thời gian tới.
“Vừa qua, được sự thống nhất cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại – Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án 2 tuần/lần nhằm đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác thương mại”, Bộ GTVT cho biết.
Mặt khác, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lí dự án đường sắt, tư vấn giám sát và tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch tiến độ hoàn thành dự án.
Đồng thời yêu cầu tổng thầu cam kết mốc thời gian cụ thể đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại, làm cơ sở để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và phối hợp với các bên liên quan (UBND TP. Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước…) để nghiệm thu, bàn giao dự án.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ động biện pháp xử lý dứt điểm hoặc đề xuất cấp trên xử lý với dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội. Không để tình trạng chậm trễ tiến độ đường sắt Cát Linh – Hà Đông kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Bộ GTVT cũng cho biết sẽ thuê tư vấn của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống đường sắt này trước khi khai thác thương mại.
Bế tắc ở 1% còn lại
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến nay kéo dài 11 năm, 8 lẫn lỡ hẹn và đội vốn gần gấp đôi, gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin ở nhân dân. Nói như TS Nguyễn Ngọc Quang (giảng viên Đại học TWENTE, Hà Lan) cho rằng đây là vấn đề rất khó hiểu, nhất là đối với những người trong ngành giao thông.
Theo ông Quang, một dự án khi thực hiện phải trải qua rất nhiều bước như nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và triển khai thi công. Từ giai đoạn đầu, chi phí dự án đã tính ở mức trần, các bước sau chỉ chi tiết hóa có thể giảm hơn.
“Bộ Giao thông Vận tải giải thích chưa lường được hết khi làm dự án là rất khó hiểu. Nói như vậy có nghĩa là những người tham gia nghiên cứu thiếu trách nhiệm hoặc thiếu hiểu biết, dẫn đến thiếu những hạng mục hay chi tiết không tính được hết. Đối với những dự án như thế này thì khó có thể kiểm soát được sẽ đội đến bao nhiêu nữa”, TS Nguyễn Ngọc Quang nói.
Việc dự án chậm tiến độ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, từ việc trả lãi đối tác cho đến những tổn thất về kinh tế với Hà Nội. Với việc lỡ hẹn, đội vốn khủng dẫn đến vay bổ sung 250 triệu USD nữa, lãi phải trả từ 2016 – 2025 là mỗi năm 650 tỉ đồng, tức là một ngày trả 2 tỉ đồng.
Điều đáng nói, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đạt được 99%, thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử.
Theo các chuyên gia, đây mới chính là điểm nghẽn, điểm bế tắc của dự án. “1% đó là điểm chốt để đưa dự án vào khai thác. Ban quản lý dự án đừng nhìn vào con số 99% nữa mà hãy nhìn vào thực tế xem hiện nay còn những vấn đề gì phải giải quyết và bao giờ đưa vào khai thác, vận hành được”, TS. Nguyễn Ngọc Quang nói.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng Tổng công ty đường sắt 6 của Trung Quốc không có khả năng điều hành, huy động các nhà thầu phụ để sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện cũng như khắc phục sự cố, không có khả năng đánh giá an toàn, không có kinh nghiệm vận hành, khai thác…
“Tổng nhà thầu chưa hoàn thành hồ sơ nghiệm thu, chưa chứng minh an toàn quá trình khai thác cũng như quy trình bão dưỡng, vận hành… Vì vậy 1% còn lại sẽ rất bế tắc”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc quy trách nhiệm ở dự án này không khó, quan trọng là có làm hay không. Bởi bất kỳ hoạt động nào cũng có quy trình. Đối với đầu tư cơ bản, đầu tiên bao giờ cũng có chủ trương, xem chủ trương có đúng không. Tiếp nữa là vấn đề xây dựng dự án, xác định xem ai là người chịu trách nhiệm chính. Rồi sau đó mới đến thi công, ai thi công, trách nhiệm như thế nào?
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.
Thy Hằng/enternews