05/08/2015

Bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc – cảnh quan Làng cổ Phú Hội trong tiến trình phát triển

Làng cổ Phú Hội được biết đến như  một ngôi làng có nhiều giá trị, một địa danh làng cổ mang trong mình bản sắc văn hóa kiến trúc cảnh quan tiêu biểu cho cuộc sống làng Việt vùng Đông Nam Bộ. Qua thời gian hình thành và phát triển, tuy còn mang trong mình nhiều giá trị nhưng cho đến nay những các giá trị đặc trưng về kiến trúc và di sản Làng cổ Phú Hội trên thực tế chưa được khảo sát đánh giá bài bản cũng như còn thiếu một chương trình hành động bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị một cách khoa học. Bài học “Quy hoạch thích ứng – Adaptation Planning” đã thực hiện rất thành công với một số làng cổ trong nước và trên thế giới có thể coi là một kinh nghiệm tốt với Làng cổ Phú Hội. Việc quy hoạch bảo tồn và phát triển thành công Làng cổ Phú Hội trong bối cảnh thích ứng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa chung của toàn vùng có thể là một kinh nghiệm tốt, nhân rộng với rất nhiều các làng cổ có hoàn cảnh tương đồng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Làng cổ Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai

Làng cổ Phú Hội, Nhơn Trạch, Đồng Nai

Một ngôi làng cổ còn nhiều giá trị

Làng cổ Phú Hội thuộc xã Phú Hội huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 35km, cách trung tâm thành phố Biên Hòa 40km. Với đặc trưng địa hình thuận tiện về giao thông thủy bộ như di chuyển bằng đường thủy theo sông Đồng Môn hay bằng đường bộ theo quốc lộ 51, tỉnh lộ 769, làng cổ Phú Hội đã phát triển trở thành một ngôi làng cổ vùng Đông Nam Bộ. Được mệnh danh “Đường Lâm của Nam Bộ”, về quy mô diện tích làng có chiều dài từ Bắc đến Nam xấp xỉ 4,13km, từ Đông sang Tây xấp xỉ 3,71 km. Địa hình làng cổ Phú Hội có thể được nhận diện đặc trưng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với hai dạng chính là bán sơn địa gò đồi và vùng trũng thấp với hệ thống kênh rạch chằng chịt ven sông Đồng Môn, như rạch ông Hương, rạch Bàu Cá, rạch Cát, rạch Miếu Bà…

Đây cũng là vùng đất có nhiều ưu thế về tài nguyên thiên nhiên như hệ sinh thái động thực vật rừng nhiệt đới dày đặc giúp cung cấp nguyên vật liệu dồi dào cho việc xây dựng và phát triển làng.

Theo “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức: Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Thìn 1808, thì tổng Thành Tuy, huyện Long Thành, trấn Biên Hòa có 29 thôn ấp, trong đó có thôn Phú Mỹ và ấp Phước Lộc (sau đổi thành Mỹ Hội). Đến ngày 01/01/1928 chính quyền thuộc địa quyết định sáp nhập hai làng Phú Mỹ, Mỹ Hội thành Phú Hội và tên gọi này ổn định cho đến ngày nay. Làng có 3 dòng họ lớn là họ Đặng, họ Nguyễn và họ Lê là những bậc tiền nhân khai khẩn vùng đất này.

Do đặc điểm địa hình cơ bản Phú Hội có hai dạng chính là vùng bán sơn địa gò đồi và vùng trũng thấp (vào mùa mưa thường bị ngập từ lũ song Đồng Môn) nên dân cư Phú Hội hình thành nền nông nghiệp với hai hình thái riêng biệt là canh tác vườn cây ăn trái ở vùng đất cao và trồng lúa nước tại các khu vực đất thấp. Chính những đặc thù trên khiến Làng cổ Phú Hội cùng lúc mang trong mình hai yếu tố chính về cảnh quan vườn – rừng và cảnh quan sông nước.

Phú Hội có một đoạn sông Đồng Môn chảy qua, nên cảnh quan sông nước, kênh rạch là một phần gắn liền với làng. Một số kênh, rạch mang chức năng là tuyến giao thông thủy huyết mạch vừa cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và nuôi trồng thủy sản tạo điều kiện thuận lợi sớm hình thành một vùng dân cư sông nước “trên bến dưới thuyền” phồn hoa và đô hội, đem lại nét đặc trưng thi vị riêng mà còn là nguồn dự trữ sinh thái quan trọng của cả vùng. Các địa danh bến đò ông Tư Chót (ấp Phú Mỹ II), hai bến ghe (ấp Phú Mỹ I) và một bến ghe ở Nổng Giang Lò (ấp Xóm Hố) vẫn còn được sử dụng cho đến nay của Làng cổ Phú Hội là những hiện chứng sinh động cho sự hình thành và phát triển thịnh vượng trong lịch sử trước đây.

Kiến trúc các không gian cư trú quần cư của cư dân chủ yếu gắn liền với hình thức nhà vườn. Những ngôi nhà nhỏ nép mình dưới bóng những vườn cau, vườn cây ăn trái dọc theo các dòng kênh. Nương vào tự nhiên, tựa theo tự nhiên tạo nên cảm giác rất êm đềm, yên tĩnh, dễ hòa nhập vào môi trường tự nhiên tiêu biểu cho cách cư trú quần cư phong thái làng cổ của người dân vùng đất Nam Bộ. Hiện tại, Làng cổ Phú Hội còn lưu giữ được gần 17 ngôi nhà có niên đại trên dưới 100 năm với lối kiến trúc nhà Rường Trung Bộ và Nam Bộ, nổi bật bởi cấu trúc và đường nét trang trí mai điểu, tùng lộc, trúc tước… trên nền kết cấu kiến trúc bộ vì gỗ tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí nhà cổ. Cách tổ chức không gian gắn với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của địa phương như vườn cây ăn trái, hàng rào xanh với các loại cây quýt dai, chè the, dâm bụt đã tôn thêm nét đẹp cho ngôi nhà truyền thống của một vùng quê bình dị, yên ả.

Đặc sắc nhất trong số nhà cổ ở Phú Hội phải kể đến từ đường họ Đào mà dân gian thường gọi là nhà cổ Hội đồng Liêu. Đây là ngôi nhà có kiến trúc mang phong cách nhà Rường, với kết cấu gồm ba gian chính và hai chái lớn, theo tối vì kèo xuyên trinh, hệ thống cột bằng gỗ gõ, căm xe; mái lợp ngói vẩy cá, vách bằng ván bổ kho… Điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà là hệ thống mảng chạm vô cùng phong phú, đa dạng và tinh xảo. Nghệ thuật chạm trổ chủ yếu được tập trung vào hệ thống cửa bao lam tức là y môn ở ba gian giữa và hai chái nằm ở hệ thống cột cái trong của gian thờ, với hàng loạt đề tài như: ngũ phúc lâm môn, sen cúc, bát tiên, mai điểu, mây hoa lá. Ngoài ra còn có các mảng chạm thể hiện đề tài đời sống dân gian như cày ruộng, chăn trâu, câu cá… Tất cả đều được thể hiện một cách tinh tế, tỉ mỉ qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

Về di tích lịch sử, Làng cổ Phú Hội với hàng trăm năm lịch sử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử – văn hóa, nhiều công trình tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật có giá trị bao gồm đình Phú Mỹ, đình Mỹ Hội, miếu Giang Lò, miếu Dinh ông, nhà thờ Phú Hội. Đặc biệt đình Phú Mỹ với niên đại khoảng đầu thế kỷ 19 đã được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, gắn liền với sự kiện “Bàn thờ Bác Hồ” của người dân cách mạng Đông Nam Bộ thời kỳ những năm 1969 trước khi giải phóng. Đình có kiến trúc kiểu tứ trụ, mái lợp ngói móc, hệ thống cột, vì kèo làm bằng các loại danh mộc của địa phương như gõ, căm xe… Công trình cũng là hiện chứng của nghệ thuật điêu khắc với hệ thống hoành phi, câu đối, hương án nội ngoại.

Là một làng cổ với bề dày phát triển, bên cạnh nghề nông truyền thống, làng cổ Phú Hội cũng là một làng nghề với nhiều nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Tiêu biểu là nghề trồng trà với hơn 100 năm lịch sử. Nguồn nước tinh khiết chảy ngầm có tên Mạch Bà qua khu vực làng cổ, trà ở làng cổ Phú Hội đã được thăng hoa và đi vào thơ ca dân gian “nước Mạch Bà, trà Phú Hội”. Mỗi gia đình trong làng đều tự trồng cây trà. Từ đó xuất hiện thêm nghề chế biến trà. Hiện nay, trà Phú Hội được trồng phổ biến và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian và nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào, nghề mộc cũng được hình thành và phát triển mạnh, góp phần tạo nên những công trình kiến trúc gỗ truyền thống đặc sắc. Các nghề sản xuất tiểu thủ công như nấu rượu, làm cau khô và đặc biệt là làm bánh tráng cũng rất phát triển.

Làng cổ Phú Hội, di sản còn ngủ yên

Có thể nói, không gian văn hóa Làng cổ Phú Hội là sự kết hợp giữa hệ thống di sản vật thể và phị vật thể đặc sắc, gắn liền với những hình ảnh truyền thống của một làng Việt cổ như mái đình, cây đa, bến nước, bến sông, con đò, vườn cây ăn trái, cây cổ thụ.,, tất cả góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của làng truyền thống Nam Bộ mà ít địa phương còn giữ được. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc nhận diện, đánh giá và hệ thống hóa các giá trị riêng ở hạng mục kiến trúc và cảnh quan làng cổ Phú Mỹ cũng được thực hiện vẫn còn yếu và thiếu. Bên cạnh một số di tích trên địa bàn Phú Hội đã được đầu tư tu bổ tôn tạo như đình Phú Mỹ, mới trong quá trình “nghiên cứu” và lên kế hoạch xếp hạng như miếu Giang Lò… Từ năm 2000 đến nay, nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản, mới chỉ tiến hành khảo sát – nghiên cứu – thống kê được gẩn 20 ngôi nhà cổ ở Phú Hộị, trong đó mới đo vẽ khảo cứu chi tiết được 5 ngôi nhà tiêu biểu nhất. Tuy là “Đường Lâm của Nam Bộ” nhưng hầu như chưa có quy hoạch bảo tồn và phát triển các giá trị kiến trúc cảnh quan làng cổ Phú Mỹ cũng như tiến tới một kế hoạch cụ thể để tiến tới công nhận làng cổ Phú Mỹ là di sản cấp quốc gia tương tự như Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị không gian làng Việt vùng Nam Bộ tiêu biểu.

Cùng với sự phát triển đô thị và nhu cầu nâng cấp cải tạo các khu dân cư nông thôn, công tác quy hoạch cũng được thực hiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong các quy hoạch đã thực hiện, cũng một phần xuất phát từ công tác quy hoạch mang tính cục bộ, bên cạnh các nội dung phát triển không gian được thực hiện khá tốt thì hoàn toàn thiếu các nội dung quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị làng cổ trên cơ sở hài hòa giữa phát triển cuộc sống kinh tế xã hội với bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Trong các nội dung Quy hoạch chung Huyện Nhơn Trạch Tỉnh Đồng Nai vừa được thực hiện mới nhất, đơn vị tư vấn còn “mạnh dạn” tổ chức tuyến giao thông liên vùng kết nối với Trục cao tốc Long Thành – Giầu Dây chạy xuyêt cắt ngang qua không gian làng cổ gây nhiều quan ngại đối với giới nghề. Nếu quy hoạch trên được thực hiện, sẽ có tổng cộng hơn 8 ngôi nhà cổ bị xâm phạm một phần hoặc toàn phần, nhiều ngôi nhà cổ có giá trị niên đại hàng trăm năm sẽ có nguy cơ biến mất vĩnh viễn và quan trọng nhất là tổng thể không gian làng cổ bị băm nát.

Chi tiết trang trí với nhiều giá trị đặc trưng trên kết cấu gỗ truyền thống nhà cổ

Chi tiết trang trí với nhiều giá trị đặc trưng trên kết cấu gỗ truyền thống nhà cổ

Với riêng hệ thống nhà cổ, tính tới thời điểm năm 2012, ngoài 5 ngôi nhà cổ tại Làng cổ Phú Hội được liệt kê trong danh sách 25 ngôi nhà cổ tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai được Cục Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Cục Tài sản văn hóa Nhật Bản tin hành kiểm kê, đo vẽ kiến trúc bản vẽ hiện trạng. Số còn lại, rất nhiều các công trình nhà chịu nhiều áp lực của quá trình đô thị hóa cưỡng bức mạnh mẽ cũng như sự bùng nổ của phát triển kinh tế. Rất nhiều các công trình nhà cổ một phần do xuống cấp, một phần do thiếu chế tài và cơ chế quản lý bị phá dỡ và cải tạo tự phát không chỉ làm mất đi giá trị với riêng di tích mà việc xây mới các công trình nhà lô kiểu “đô thị” cũng ảnh hưởng làm phá vỡ mạnh mẽ không gian truyền thống của làng cổ được xây đắp từ bao đời. Cũng tương tự như các công trình nhà cổ, hệ thống các di tích lịch sử tiêu biểu như các công trình tôn giáo, tín ngưỡng cũng chịu sự xuống cấp mạnh trước áp lực mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa cục bộ.

“Bảo tồn thích ứng” trong sự phát triển với Làng cổ Phú Hội

Nhận diện các giá trị và đánh thức các tiềm năng Làng cổ Phú Hội là cách để khơi dậy một tiềm năng thế mạnh bị bỏ quên, tránh để một làng cổ tiêu biểu cho giá trị sống làng Việt vùng Đông Nam Bộ bị mai một, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Bài học từ các làng cổ ở Việt Nam và trên thế giới đã thực hiện thành công cho thấy rằng trong bối cảnh đô thị hóa các vùng nông thôn mạnh mẽ có thể là một xu hướng tất yếu, khó có thể tránh khỏi thì nên tránh xây dựng hệ thống các giải pháp quy hoạch bảo tồn và phát triển các giá trị kiến trúc cảnh quan Làng cổ Phú Hội một cách khiên cưỡng cứng nhắc. Khái niệm “bảo tồn thích ứng” được xem như là giải pháp thực hiện rất thành công cho rất nhiều trường hợp làng cổ. Thay vì áp đặt mạnh mẽ theo một hệ quy chiếu đã có từ trước, cần đánh giá và xem xét tổng thể các giá trị nội tại của làng để đưa vị trí của làng như là một thực thể hữu cơ trong sự phát triển chung của toàn Huyện, cũng như toàn vùng, cũng chịu các tác động và có những đóng góp nhất định vào sự kết nối và phát triển chung của toàn vùng.

Cần thực hiện nghiên cứu việc nhận diện, đánh giá các giá trị đặc trưng về kiến trúc quy hoạch tại khu vực làng cổ để xây dựng một chiến lược bảo tồn dài hạn trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm. Tránh được tình trạng cải tạo tự phát làm biến dạng không gian và công trình có giá trị bên trong làng cổ, tiến tới lập hồ sơ công nhận Phú Hội là Làng di sản để tạo điều kiện tốt hơn trong công tác gìn giữ phát triển các giá trị đặc trưng.

Tạm dừng và điều chỉnh một số quy hoạch trước đây chưa hợp lý, gây ảnh hưởng đến hệ thống các giá trị của Làng cổ. Tiến hành điều chỉnh quy hoạch không gian và bảo tồn theo hướng kết nối với tổng thể di sản toàn vùng. Trong đó, Làng cổ Phú Hội là điểm nhấn di sản lớn, kết nối với các hạt nhân di sản làng cổ xung quanh ở tỉnh Đồng Nai gồm: Phú Hội, Bến Gỗ và Bến Cá, cũng như các điểm di tích danh lam thắng cảnh khác của tỉnh, vùng. Một lộ trình cụ thể, nhưng theo hướng mở cũng có thể là cách giải quyết tốt để khuyến khích các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào công tác bảo tồn, tạo tính kết nối mạnh mẽ trong các trục di sản, trục phát triển du lịch như đã thực hiện tương đối thành công với một số các làng cổ Kim Long (Huế), Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Thanh Tuyền (Cần Thơ)…

Cùng với việc bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể để tiến tới xếp hạng làng cổ, cần tiến hành quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái hướng đến gìn giữ một số những giá trị cảnh quan tiêu biểu của địa phương như bảo tồn cảnh quan rừng, đồng thời trồng mới các loài cây nội sinh phù hợp, phục vụ cho việc giữ gìn môi trường sinh thái ở Phú Hội.

Quy hoạch với các khuôn viên nhà ở của Phú Hội phải gắn lỉền với việc giữ gìn, tôn tạo các vườn cây ắn trái, vườn trà, vườn cau… nhằm xây dựng mô hình du lịch sinh thái nhà vườn gắn với đặc trưng cảnh quan cư trú của làng, góp phần thúc đẩy mô hình du lịch sinh thái, để người dân được hưởng lợi từ chính di sản của mình.

Xây dựng mô hình trùng tu nhà ở theo hướng xã hội hóa nhà nước và nhân dân cùng làm như trong đề án quy hoạch lộ trình xếp hạng di tích – danh thắng trên địa bàn tỉnh đồng nai giai đoạn 2012 – 2020 Ban hành kèm theo Quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để người dân tham gia mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện tốt hơn về cải tạo chất lượng nhà ở và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Ths.Kts Nguyễn ThÀNH Công, Trung tâm tư Vấn Kiến trúc & Đầu tư XD – Viện Kiến trúc Quốc Gia (VIAr)

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 5+6/2015