04/10/2018

Bảo tồn cảnh quan Hà Nội: Không thể mộng mơ

Với đô thị dày đặc di sản như Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển công nghệ thông tin, việc bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử không thể mộng mơ. Ðó là ý kiến của KTS Trần Huy Ánh bên lề hội thảo sáng 2/10.

Khu vực lõi của phố cổ Hà Nội được chỉnh trang, bảo tồn toàn diện từ di tích tới các giá trị văn hóa phi vật thể Ảnh: NHƯ Ý

Khu vực lõi của phố cổ Hà Nội được chỉnh trang, bảo tồn toàn diện từ di tích tới các giá trị văn hóa phi vật thể Ảnh: NHƯ Ý

Thách thức

Hội thảo Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin quy tụ nhiều giáo sư đầu ngành, chuyên gia di sản và đô thị ngoài nước, chuyên gia và nhà quản lý trong nước. Họ chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, câu chuyện thực tiễn xoay quanh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đô thị trong xu thế phát triển kinh tế.

Câu chuyện đô thị hóa ở Tokyo và kinh nghiệm bảo tồn cảnh quan văn hóa được GS. Aya Kubota mổ xẻ khá kỹ lưỡng. Sau thời kỳ Edo, Tokyo bước vào thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ. Hệ thống đường sắt khổng lồ, công trình xây dựng mới làm biến đổi diện mạo Tokyo, sức ép dân số tăng nhanh dẫn tới thiếu cơ sở hạ tầng và hàng loạt hậu quả về môi trường, giao thông. Các nhà kiến trúc Tokyo phải đưa ra dự án quy hoạch đô thị và tái phát triển Tokyo.

Bên cạnh những tòa nhà chọc trời và công trình khổng lồ, Tokyo vẫn tìm mọi cách giữ lại khu thành cổ Edo và tạo cho nó ranh giới bảo vệ, cách biệt với khu vực hiện đại. Theo đó các công trình mới xây dựng cao trên 100m phải tuân thủ quy hoạch, hài hòa với cảnh quan của khu thành cổ và Hoàng cung Tokyo; tạo nhiều không gian xanh, không gian hồ nước nhân tạo, cố gắng bảo tồn những đường phố nhỏ, ngôi nhà nhỏ quý hiếm của Tokyo cũ.

Bảo tồn phố cổ là thách thức với Hà Nội. Trong ảnh: Không gian đi bộ ở Hồ Gươm. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Bảo tồn phố cổ là thách thức với Hà Nội. Trong ảnh: Không gian đi bộ ở Hồ Gươm. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

GS. Saori Kashihara từ ĐH Tokyo, nghiên cứu sinh Lê Quỳnh Chi (ĐH Xây dựng) và ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện nghiên cứu Phố cổ Hà Nội: Chuyển mình trong bối cảnh toàn cầu hoá và những thách thức trong tương lai, với mong muốn xác định những yếu tố chính tác động tới sự biến đổi về thương mại, đề xuất giải pháp quản lý nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển cho phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh những thay đổi tích cực của thời hội nhập, những người nghiên cứu chỉ ra hàng loạt nguy cơ của Hà Nội thời kỳ 4.0. Chẳng hạn sự phát triển của internet thay đổi diện mạo của các cửa hàng trong khu phố cổ, 80% hiện nay chuyển sang bán hàng trực tuyến và làm mất đi sự kết nối giữa đường phố và khách hàng. Một số cửa hàng mất đi giá trị cốt lõi, do thay đổi hình thức kinh doanh.

Chậm hóa may

KTS. Trần Huy Ánh cho rằng toàn cầu hoá, hiện đại hoá là xu thế tất yếu của nhiều đô thị châu Á, trong đó có Hà Nội. Xu thế ấy đôi khi đe dọa và phá hủy nhiều thành phố lịch sử. Thực tế nhiều thành phố châu Á bị phá hủy hoàn toàn: Kinh tế lớn mạnh cuốn phăng các không gian kiến trúc cổ, du nhập lối sống phương Tây dẫn tới sự xâm lấn văn hoá bản địa. “Hà Nội may mắn nhất ở chỗ toàn cầu hóa đến ta hơi chậm, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh để phá hủy toàn bộ, dù vậy không hẳn không có thách thức trong quá trình giữ gìn đô thị lịch sử”, KTS. Trần huy Ánh nói.

Năm 2011, UNESCO lần đầu đưa ra khái niệm mới về Cảnh quan đô thị lịch sử. Khái niệm này không thay thế cách tiếp cận bảo tồn truyền thống, nó bổ sung công cụ để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị nhưng vẫn tôn trọng giá trị kế thừa. “Khu phố cổ Hà Nội đứng trước những thách thức hội nhập toàn cầu và chủ động tham gia tiến trình tất yếu đó và trải qua hơn 20 năm”, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói.

Sau thời bao cấp, Hà Nội bước vào thời giải phóng đất đai để xây dựng hàng loạt công trình mới, đe dọa đến nhiều khu phố lịch sử. Ngay từ năm 1993, thành phố ban hành Quy định quản lý xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển khu phố cổ Hà Nội khởi đầu cho sự tham gia của hàng chục dự án nghiên cứu của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như Thụy Điển, Pháp, Đức, Nhật Bản, Đan Mạch.

Ông Phạm Tuấn Long điểm lại quá trình Hà Nội ứng xử với xu thế toàn cầu hóa và thời đại công nghệ thông tin. Trong số này có thể kể những dấu mốc như việc gắn quản lý kiến trúc khu phố cổ với quản lý trật tự xây dựng. Năm 1999, Hà Nội bảo tồn ngôi nhà cổ đầu tiên tại 87 Mã Mây, phối hợp với TP Toulouse nghiên cứu và trùng tu thành công đình Đồng Lạc năm 2000. Đáng kể nhất là việc mở phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân đầu tiên năm 2004, sau đó mở rộng ra nhiều con phố lân cận tạo nên tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ ngày càng hút khách.

“Trước khi tu bổ ngôi nhà 87 Mã Mây, con phố này rất vắng, sau đó nhanh chóng trở thành khu vực lõi của phố cổ, ngày càng thu hút du khách và tái tạo nhiều sinh hoạt văn hóa hơn”, ông Phạm Tuấn Long nói.

Không chỉ thực hiện nhiều dự án tôn tạo cơ sở vật chất, quận Hoàn Kiếm có nhiều sáng kiến nhằm giữ gìn hồn cốt Hà Nội trong làn sóng toàn cầu hóa: giữ gìn đình chùa, lễ hội truyền thống, tập tục sinh hoạt của người Hà Nội xưa.

Bảo tồn chọn lọc, thông minh

Không thể “chụp lồng kính” để bảo tồn đô thị lịch sử Hà Nội, chính vì thế nhiều chuyên gia góp ý để nhà quản lý nhận thức đầy đủ trong quá trình giữ gìn thủ đô nghìn năm lịch sử. “Không phải nền kinh tế nào cũng có thể bảo tàng hoá cả thành phố. Hà Nội rất tỉnh táo vì chỉ dồn vào bảo tồn dưới 10 km2 trong đó có lõi khu phố cổ, khu phố Pháp.

Ngay trong vùng lõi này cũng cần xác định trọng tâm chứ không cứng nhắc, cần chọn lọc công trình và không gian đặc trưng. Hơn 20 năm qua Hà Nội giữ gìn tốt nhiều không gian sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa vốn là hồn cốt của đất Kẻ chợ. Ðó cũng là điểm sáng thu hút du lịch, càng đông khách du lịch thì không gian đô thị lịch sử càng thêm sinh động. Hà Nội dẫu cần phát triển nhanh nhưng cũng phải bình tĩnh: Không rơi vào tình trạng phó mặc cho sự tàn phá và ngược lại không lãng mạn hóa việc bảo tồn-cái gì cũng muốn giữ lại”, KTS. Trần Huy Ánh nói.

PGS.TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tin rằng tính chất dân gian linh hoạt của khu phố cổ Hà Nội giúp thành phố thích ứng được với những thay đổi lớn lao của toàn cầu hoá, luôn giữ được bản sắc đô thị lịch sử.

Nguyên Khánh/Tiền Phong