An toàn PCCC chung cư cao tầng từ giải pháp thiết kế công trình
KTVN – Trong thời gian qua, trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã có rất nhiều vụ việc cháy nhà chung cư cao tầng với nhiều thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực về nhận thức của người dân đối với loại hình nhà ở chung cư cao tầng. Các kinh nghiệm rút ra từ thực tế đã cho thấy, các thiệt hại của vụ cháy chung cư cao tầng hoàn toàn có thể được giảm tối thiểu từ việc áp dụng đồng bộ thiết kế tòa nhà đảm bảo an toàn PCCC.
An toàn PCCC chung cư cao tầng từ giải pháp thiết kế công trình
Về mặt khái niệm nhà cao tầng bao gồm công trình từ 10 tầng trở lên, hoặc nhà ở có tầng hầm và cao từ 9 tầng trở lên (không tính tầng hầm); nhà có chiều cao từ 25m trở lên (chiều cao nhà được xác định bằng chiều cao bố trí của tầng trên cùng không kể tầng kỹ thuật trên cùng; còn chiều cao bố trí của tầng được xác định bằng khoảng cách từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận tới mép dưới của cửa sổ mở trên tường ngoài của tầng đó).
Những đặc điểm của nhà cao tầng liên quan đến công tác PCCC có thể chỉ ra bao gồm là loại công trình có mật độ tập trung đông người, có những đặc điểm về PCCC khác với công trình thấp tầng, diễn biến cháy nổ ở các công trình này rất phức tạp, việc thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người và tài sản cao.
Trong quá trình thực hiện việc thiết kế, thẩm duyệt về PCCC phải thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (QCVN 06:2010/BXD, QCVN 03:2012/BXD, QCVN 08:2009 phần 2, TCVN 2066:1995, TCVN 3890:2009….).
Về kiến trúc công trình, bố trí mặt bằng tổng thể đảm bảo về đường giao thông phục vụ chữa cháy (đường phải rộng tối thiểu 3,5m, cao tối thiểu 4,25m, khoảng cách từ mép đường xe chạy đến tường nhà đảm bảo 8-10m, trong khoảng không này không bố trí đường dây điện, cây cao thành hàng). Đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách PCCC của công trình với các hạng mục công trình xung quanh. Trong đó khoảng cách từ 2 công trình có bậc chịu lửa I, II phải ≥6m, khi khoảng cách không đảm bảo thì phải xem xét đến khoảng cách từ mép tường công trình đến đường ranh giới khu đất để nội suy ra % diện tích được mở các lỗ mở tường đầu hồi tiếp giáp với công trình bên cạnh.
Giải pháp bố trí mặt bằng, trong các nhà cao tầng hầu hết được bố trí với nhiều công năng khác nhau, do vậy phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn khi thiết kế như: Nơi tập trung đông người (trung tâm thương mại, hội trường, nhà trẻ mẫu giáo, trường mầm non, bệnh viện… phải được bố trí ở tầng thấp để đảm bảo thoát nạn nhanh chóng và thuận lợi trong công tác cứu nạn; Các gara để xe bố trí trong nhà cao tầng không được bố trí quá 5 tầng hầm, quá 9 tầng nổi và không bố trí dưới nhà có công năng làm nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện….; Bố trí các phòng máy biến áp, bồn dầu phải đảm bảo không bố trí ở tầng hầm, nếu bố trí máy biến áp ở tầng hầm phải là máy biến áp khô và không quá tầng hầm thứ nhất…; Không bố trí các phòng ở, phòng làm chức năng khám chữa bệnh… dưới tầng hầm; Phải bố trí phòng trực chống cháy cho tòa nhà, phòng trực phải đảm bảo ngăn cháy với các khu vực khác, có lối ra ngoài trực tiếp.
Thiết kế tổ chức lối ra thoát nạn trong nhà cao tầng việc thoát nạn chủ yếu qua hành lang và buồng thang bộ để xuống tầng trệt và thoát ra ngoài nhà. Do vậy các công trình này phải đảm bảo số lối ra thoát nạn theo quy định, lối ra thoát nạn phải đảm bảo qua buồng thang hoặc qua cầu thang ngoài nhà để hở. Các lối ra thoát nạn phải bố trí phân tán, đảm bảo khoảng cách đến các lối ra thoát nạn, đủ chiều rộng (đặc biệt lưu ý khu vực đông người như trung tâm thương mại, hội trường phải bố trí thêm các thang bộ ngoài nhà). Một số nhà cao tầng hiện nay phải thiết kế các thang bộ loại N1, N2, N3 đảm bảo theo QCVN 06/2010/BXD. Buồng thang bộ phải đảm bảo kết cấu (tường, sàn, cửa) là kết cấu ngăn cháy, có giải pháp chống tụ khói cho buồng thang như lối vào thang phải đi qua 1 khoảng thông thoáng hoặc phòng đệm, hoặc buồng thang phải có hệ thống tăng áp; trong buồng thang bộ thoát nạn không được bố trí bất cứ phòng chức năng nào cũng như không bố trí các đường ống dẫn chất lỏng, khí cháy, các hộp, tủ. Phòng buồng thu rác không bố trí trong, liền kề lối ra thoát nạn.
Các nhà cao tầng có chiều cao lớn hơn 28m (trừ nhà chung cư) phải bố trí các thang máy phục vụ chữa cháy, thang phải đảm bảo được ngăn cháy như một khoang cháy độc lập (có phòng đệm), có hệ thống thông tin liên lạc, cáp điện chống cháy, đấu nối với nguồn điện ưu tiên và dự phòng….
Các buồng thang phải có lối lên mái và lối ra thẳng ngoài ở tầng 1. Các thang bộ ở tầng trên không được thông xuống tầng hầm. Các lối thoát nạn ở tầng hầm phải đảm bảo yêu cầu chống cháy, chống khói. Trên các lối ra thoát nạn phải trang bị phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn cho các hạng mục của công trình theo quy định. Trên đường thoát nạn cần thiết kế các biển chỉ dẫn thoát nạn, chỉ dẫn các vị trí lắp đặt phương tiện cứu người trong đám cháy đặt ở các vị trí dễ quan sát.
Phương án thiết kế cần đảm bảo các yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan như: Phân chia khoang ngăn cháy bằng tường ngăn, màn ngăn, cửa sập; Bố trí các van chặn lửa và chèn kín bằng vật liệu chống cháy tại chỗ giao cắt giữa các đường ống kỹ thuật và chèn kín các đường ống kỹ thuật, đường cáp xuyên qua tường ngăn cháy, sàn ngăn cháy. Các phòng chứa máy biến áp, máy phát điện, kho tàng, kho gas phải được ngăn cháy với các không gian khác. Các đường ống dẫn khí cháy, lỏng cháy không được đi xuyên phía dưới nhà và các tường ngăn cháy loại 1, buồng thang thoát nạn, các bồn chứa, trạm chứa LPG không được bố trí dưới tầng hầm. Ở khu vực khối đế của nhà cao tầng có trung tâm thương mại thường bố trí các thang cuốn, sảnh thông tầng. Đây là đường lan truyền lửa, khói do đó phải bố trí cửa thoát khói, giải pháp ngăn cháy bằng màn ngăn, cửa sập. Với các nhà cao tầng cao trên 100m phải bố trí các tầng lánh nạn để phục vụ việc thoát nạn, ngăn cháy lan chia khoang theo trục đứng.
Với hệ thống kỹ thuật, nhà cao tầng phải trang bị lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, màn ngăn cháy (nếu có), bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, phương tiện phá dỡ, cứu người đảm bảo theo TCVN 3890:2009.
Thông thường hệ thống báo cháy tự động ở nhà cao tầng thường phải trang bị hệ thống báo cháy địa chỉ để đảm bảo khả năng giám sát và điều khiển các thiết bị ngoại vi. Hệ thống chữa cháy tự động thường trang bị hệ thống Sprinkler phủ kín diện tích bảo vệ toàn bộ công trình, hệ thống phải có họng chờ nhận nước từ xe và họng tiếp nước cho xe.
Trong các nhà cao tầng phải có hệ thống hút khói hành lang, tầng hầm, hệ thống cấp gió tạo áp suất dương khi cháy cho khu vực phòng đệm thang máy dưới tầng hầm, giếng thang máy, phòng đệm thang máy chữa cháy, buồng thang bộ loại N2, phòng đệm thang bộ N3.
Hệ thống báo cháy phải được thiết kế lắp đặt đồng bộ để phát hiện nhanh chóng, chính xác toạ độ xảy ra cháy. Khi có cháy, hệ thống phải xác định chính xác toạ độ cháy (từng địa chỉ cụ thể) và chỉ thị rõ ràng tại Trung tâm báo cháy trên màn hình LCD đồng thời phát tín hiệu báo động kịp thời bằng còi (chuông) đèn, giúp cán bộ thường trực giải quyết tình huống nhanh chóng và chính xác. Toàn bộ hệ thống phải có khả năng chống nhiễu tốt, không bị tác động bởi các hệ thống kỹ thuật khác và cũng không gây nhiễu đối với các hệ thống lắp đặt cùng trong công trình. Không bị tê liệt một phần hay toàn bộ hệ thống do đám cháy cục bộ gây ra. Hệ thống báo cháy tự động gồm các bộ phận: Trung tâm xử lý tín hiệu báo cháy địa chỉ, đầu báo cháy (khói và nhiệt cố định), nút ấn báo cháy khẩn cấp và chuông báo cháy, Modul các bộ điều khiển thiết bị ngoại vi, dây dẫn tín hiệu và cáp điều khiển.
Hệ thống chữa cháy bao gồm: Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler được lắp cho tất cả các tầng theo tiêu chuẩn hiện hành, theo đặc tính sử dụng của toà nhà và đáp ứng các yêu cầu về mỹ thuật. Hệ thống chữa cháy bằng họng nước vách tường và bình chữa cháy xách tay các loại được lắp ở tất cả các tầng (khu vực sảnh, hành lang) theo tiêu chuẩn hiện hành. Các máy bơm của hệ thống chữa cháy này phải liên kết với nhau thông qua các tủ điều khiển bơm để đảm bảo hệ thống hoạt động tức thời khi có cháy xảy ra.
Trên hành lang, cầu thang bộ lắp đặt các đèn EXIT chỉ dẫn và đèn chiếu sáng sự cố phục vụ thoát nạn và công tác chữa cháy.
Bài học kinh nghiệm từ thiết kế các chung cư cao tầng cho thấy, các hệ thống thiết bị tốt đảm bảo các quy định hiện hành về an toàn PCCC, ngay khi có cháy, hệ thống báo cháy đã nhận diện và chỉ rõ vị trí đám cháy về trung tâm đồng thời đưa ngay các cảnh báo và hướng dẫn thoát hiểm cho cư dân. Điều này cho thấy việc thiết kế bố trí các đầu báo cháy hợp lý trên cơ sở ứng dụng các công nghệ cảm biến hiện đại đã cho phép tạo nên các hiệu quả cảnh báo từ rất sớm.
Hệ thống chữa cháy bao gồm hệ thống chữa cháy tự động – hệ thống chữa cháy tại chỗ cũng được thiết kế lắp đặt đồng bộ. Ở ngoài hành lang, hệ thống chữa cháy tự động Sprinlker được thiết kế và thi công theo đúng quy định hiện hành. Trước cửa mỗi căn hộ đều thiết kế lắp đặt đầu báo cháy và chữa cháy tự động quay vào trong nhà. Các cửa căn hộ đều được thiết kế và lắp đặt là cửa chống cháy, sơn công nghệ cao vừa đảm bảo mỹ thuật, vừa giúp ngăn cháy lan có hiệu quả giữa bên trong và bên ngoài nội thất căn hộ.
Hệ thống chữa cháy tại chỗ bao gồm các họng nước vách tường và bình chữa cháy bố trí tại các vị trí thuận tiện, dễ quan sát theo dọc hành lang từng tầng giúp người dân có thể chủ động dập tắt đám cháy trước khi đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp có mặt.
Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp thiết kế ưu việt, để giảm thiểu các thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản khi có các vụ cháy chung cư cao tầng xảy ra, Chủ đầu tư – Ban quản trị tòa nhà cần thường xuyên tập huấn cho cư dân tòa nhà về công tác PCCC đặc biệt là ý thức thoát hiểm, bình tĩnh không được hoảng loạn trong bất kỳ tình huống hỏa hoạn nào xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của mình./.
Lê Văn Hảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam