08/05/2023

Quy hoạch Thủ đô hoàn thành việc của 3 năm trong 5 tháng

Tháng 3/2020, Hà Nội công bố kế hoạch triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Tháng 4/2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế cho biết sẽ ký hợp đồng lập Quy hoạch Thủ đô vào tháng 5/2023 để kịp thời hạn đến tháng 10/2023 trình Quốc hội.

Sau 3 năm nhiều nội dung vẫn ngổn ngang

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội (gọi tắt là Viện PTKTXH) được Thành phố Hà Nội giao tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô. Viện đã phối hợp với các bên để tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh,TP Hải Phòng; Tổ chức 30 cuộc họp triển khai và 28 buổi tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để tham vấn các ý tưởng, quan điểm, mục tiêu, định hướng trọng yếu, cách làm… xây dựng 9 dự thảo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô. Ông Lê Ngọc Anh – Viện trưởng Viện PTKTXH cho biết gói thầu tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô dự toán hơn 119 tỷ đồng mở thầu ngày 17/3/2023….

Mặc dù rất nỗ lực, quyết tâm, được TP chỉ đạo sát sao nhưng còn thiếu các yếu tố trọng yếu để thực hiện nhiệm vụ này. Ông Lê Ngọc Anh cho biết “Nhân sự của Viện còn thiếu và yếu, cán bộ chưa có kinh nghiệm, chuyên sâu về lĩnh vực quy hoạch, quản lý dự án và các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến việc xử lý các công việc hành chính, tài chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô còn nhiều lúng túng”. Nhân lực quản lý dự án đã vậy, Viện muốn thuê chuyên gia bên ngoài thì không có tiền, do chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể lựa chọn nhà thầu cá nhân là chuyên gia, nên chưa thực hiện được. Đây là nguyên nhân mà trong năm 2022, Viện PTKTXH chỉ giải ngân được 6,54% tổng vốn đã ghi (255/3.892 triệu đồng).

Ông Lê Ngọc Anh cũng cho biết: “ Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô còn thiếu và phân tán, đặc biệt hệ thống bản đồ nền địa hình. Từ đó đề xuất, Sở TN&MT chủ trì việc xin và cung cấp bản đồ địa hình (dạng số) còn thiếu để phục vụ lập Quy hoạch Thủ đô. Cùng đó, đề nghị Viện Quy hoạch Xây dựng hỗ trợ nhân sự về quy hoạch không gian giúp Viện, Tổ thường trực lập Quy hoạch Thủ đô trong quá trình thương thảo hợp đồng, giám sát tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô.” Vậy các Sở ngành có khả năng hỗ trợ Viện tới đâu?

Ngành TN&MT đầu tư số hoá bản đồ phục vụ Tổng kiểm kê 2005, 2010, 2015. Cuối năm 2021, Bộ TN&MT công bố Báo cáo kết quả Tổng kiểm kê 2019, sau khi đối soát bản đồ các loại kết hợp hồ sơ địa chính để đối soát thực địa với ảnh vệ tinh, ứng dụng phần mềm tin học để tạo cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia… Tuy vậy báo cáo không kèm theo Bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trong trang “Hệ thống thông tin quy hoạch quốc gia” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục Cơ sở dữ liệu Địa lý Quốc gia dẫn tới trang báo giá bán bản đồ giấy của Cục đo đạc bản đồ.

Trang tin của Trung tâm Công nghệ Thông tin Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng quảng cáo các dịch vụ đo đạc bản đồ, cắm mốc giới mà không có bản đồ địa hình (dạng số). Website của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội công bố các văn bản liên quan và ảnh chụp lại các bản vẽ quy hoạch giấy – không có cơ quan nào có bản đồ địa hình (dạng số). Các cơ quan này vẽ quy hoạch bằng máy tính những dự án độc lập, in ra giấy để trình duyệt mà không có thông tin dữ liệu tích hợp Quy hoạch Hà Nội trrên nền bản đồ số.

Hiện trạng tư liệu bản đồ số mà Viện PTKTXH cậy nhờ vẫn còn ngổn ngang, trong khi các bài học mẫu cũng rất nhiều hạn chế. Khảo sát “Tài liệu Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Bộ TNMT công bố tháng 1/2023 trong Thuyết minh 213 trang có 21 bảng, 40 hình; Báo cáo DMC có 291 trang có 189 bảng, 120 hình được tập hợp từ nhiều nguồn có định dạng khác nhau, trình bày riêng lẻ, không tích hợp thông tin, đồng bộ trên nền bản đồ có định dạng thống nhất – không thể dùng làm bản đồ nền trong các quy hoạch liên quan.

Khảo sát 842 trang Báo cáo Quy hoạch tỉnh B có 153 bảng và 35 hình cũng trình bày rời rạc, dựa trên các vẽ quy hoạch xây dựng cũ, vẽ thêm các viễn cảnh chủ quan mà không thể tích hợp đồng bộ thông tin theo yêu cầu của điều 27 Luật Quy hoạch “Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị, nông thôn” từ đó định ra “Quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển; Phương hướng phát triển ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội”.

Ngoài khó khăn về thông tin dữ liệu, lại thêm các Quy hoạch do các địa phương, các ngành đã hoàn thành nhưng thực hiện vẫn theo cách cũ, trong khi cơ quan quản lý dự án không có chuyên gia có kinh nghiệm thì rất dễ thuê nhầm chuyên gia, tư vấn. Hà Nội đã từng thuê tư vấn nước ngoài chuyên về xây cầu, ngầm lập quy hoạch phát triển đô thị, chọn tập đoàn sản xuất thép lập Quy hoạch chung. Thực tế sau 28 cuộc toạ đàm, chưa từng thấy báo chí công bố kết quả từng toạ đàm hay tổng hợp 28 toạ đàm thành chiến lược tổng thể lập quy hoạch Thủ đô mà chỉ viện dẫn những ý kiến nhỏ lẻ của vài cá nhân xa lạ với loại hình Quy hoạch mới này.

Không ảnh chụp năm 1977 và ảnh Vệ tinh qua các năm bán đảo Quảng An, Hồ Tây, Hà Nội (nguồn: Hanoidata & City Solution)

Cơ hội để Hà Nội chuyển đổi số toàn diện mô hình quản trị đô thị 

Thực tế, từ 2005, các chủ đầu tư sử dụng nền bản đồ vệ tinh để vẽ các dự án bất động sản trên đất Hà Nội, Hà Tây, các cơ quan đã giao hàng chục ngàn Ha đất cho họ mà không hề lo ngại thiếu bản đồ. Sau 18 năm (2005-2023), công nghệ bản đồ vệ tin toàn cầu đã tiến hóa không ngừng, lại thêm trợ giúp bởi ảnh bay chụp bằng UAV, trí tuệ nhân tạo (AI) để lập bản đồ địa chính, địa hình đa mục tiêu. Nếu các sở ngành không ứng dụng công nghệ viễn thám, quét la-de (laser scane) đo địa hình 3 chiều để xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS – Geografic Infomation System) thì nhiều doanh nghiệp công nghệ đã cung cấp bản đồ tra cứu quy hoạch đô thị và quản lý đất đai, theo dõi tăng trưởng thực vật để xác định nhu cầu vật tư nông nghiệp, tưới tiêu trên phạm vi  toàn quốc. Ứng dụng GPS trên bản đồ vệ tinh đã trở thành thông dụng tới bà bán rau, bác xe ôm. Thay đổi cách tiếp cận sẽ hóa giải bế tắc thiếu dữ liệu, bản đồ.

Tác giả và đồng nghiệp chụp ảnh kỷ niệm tại lễ ký Chương trình hợp tác giữa UBND Thành phố Hà Nội và Hội KTS Việt Nam và Hội KTS Hà Nội tháng 9/2022

Nhằm khai thác tốt nhất nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc trong giai đoạn 2022-2026 và tiếp theo… UBND Thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Hà Nội công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, thẩm định, phản biện (tháng 9/2022). Nhận thức trọng trách này, Hội KTS Hà Nội đã chủ động tập hợp chuyên gia trong nước và quốc tế triển khai để khắc phục những khó khăn trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô, đã đăng tải hàng chục chuyên đề nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông chính thống và sẽ tiếp tục chia sẻ trong thời gian tới – coi đây là việc làm cụ thể của các KTS, công dân Hà Nội chung tay xây dựng Thủ Đô.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ, trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội; Thành viên Hội đồng khoa học, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng