18/01/2023

Đề xuất đối với Quy hoạch tái cấu trúc khu vực trung tâm Hà Nội: “Quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông dựa trên cộng đồng” trong thời đại mới (P1)

Đại dịch COVID cuối cùng cũng tạm lắng, và tôi nghĩ rằng các bạn đang rất nóng lòng thúc đẩy tái thiết kinh tế – xã hội, nhưng mặt khác, chính nhờ có hai năm vừa qua, chúng ta đã có thể hồi tưởng về không gian đô thị trước đây và đó cũng là cơ hội tuyệt vời để tự ngẫm lại liệu định hướng phát triển từ trước tới giờ có thực sự phù hợp hay không.

Các đề xuất này, hướng tới một thời đại mới, được tổng hợp nhằm xem xét lại chính sách đô thị liên quan đến trạng thái lý tưởng của khu vực trung tâm Hà Nội, mà vùng lõi là khu vực quận Hoàn Kiếm – biểu tượng của Việt Nam.

Là chuyên gia về quy hoạch đô thị của Nhật Bản và đã quan sát những thay đổi ở Việt Nam trong 25 năm qua, tôi cho rằng không phải lúc nào các bạn cũng đi đúng hướng. Vì là một người nước ngoài nên tôi có thể nêu ra hình mẫu lý tưởng từ một góc nhìn khách quan, không bị ràng buộc bởi thực trạng, và tôi đã tổng hợp những thông tin đó, với niềm tin rằng điều này rất đáng để suy nghĩ đối với Việt Nam hiện nay. Tôi tha thiết mong rằng, các bạn Việt Nam sẽ thoát ly ra khỏi sự ngộ nhận một cách vô thức rằng những gì đang xảy ra là một lẽ đương nhiên, từ đó có những cuộc thảo luận sôi nổi để điều chỉnh lộ trình, hướng tới hình mẫu lý tưởng cần có trong tương lai.

Không quá lời khi nói rằng chính sách đô thị của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua là “Lịch sử của cuộc chiến chống ô tô”. Ô tô là phương tiện giao thông mạnh nhất, và trong số các công cụ của loài người, không có công cụ nào tiện lợi và thoải mái hơn nó. Nhưng mặt khác, ô tô trong trung tâm đô thị cũng chính là nguyên nhân của các vấn đề đô thị.

Vì vậy, khi nghĩ đến hình mẫu đô thị ở khu vực trung tâm thành phố, các vấn đề giao thông và di chuyển là chủ đề cực kỳ quan trọng, và ở Nhật Bản, trong quy hoạch đô thị ở các khu vực đô thị hiện hữu, người ta sử dụng một thuật ngữ mới là “Quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông dựa trên cộng đồng”. Đó là một chính sách giao thông “mềm”, theo mô hình cải tiến hiện trạng, có tính đến mối quan hệ với người dân, đồng thời cũng là chính sách đô thị mang tính tổng hợp ở cấp độ khu vực, chấp nhận các điều kiện hiện tại.

Trong bài viết, khi xem xét quy hoạch đô thị ở quận Hoàn Kiếm thuộc trung tâm Hà Nội, tôi cũng sẽ tập trung vào khái niệm “Quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông dựa trên cộng đồng” (Transport Oriented Town Planning based on Community) để triển khai các luận điểm của mình.

Trước nội dung đề xuất lần này, tôi cũng đã liệt kê những phần bất cập trong các vấn đề liên quan đến chính sách đô thị của Việt Nam trong số báo Tết của năm trước đại dịch trên chính tạp chí này nên rất mong các bạn xem qua. (https://kientrucvietnam.org.vn/nhung-hieu-lam-chung-cua-cac-chuyen-gia-lien-quan-den-chinh-sach-giao-thong-do-thi-tai-viet-nam/)

Các bạn có lẽ đang cân nhắc những thử nghiệm mới như thu phí đường bộ nội đô (Road pricing), xe đạp công cộng (Public bicycle), nhưng tôi đã trình bày những chính sách giao thông có nguy cơ cao mà các bạn nhiều khả năng sẽ áp dụng trong thời gian tới, với những hiểu lầm giống như đang diễn ra với BRT – vốn chỉ được cái tên. Vấn đề cơ bản của Việt Nam là việc ra quyết định mà thiếu phương pháp tiếp cận khoa học và sự thiếu trao đổi liên ngành.

Cốt lõi trong đề xuất chính sách đô thị tập trung vào giao thông ở trung tâm Hà Nội: Xây dựng hình dung trong tương lai của khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm.

Kế hoạch tái sinh quận Hoàn Kiếm – Trái tim của Hà Nội, hướng tới hình thành trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội mới của Việt Nam, tới năm 2050 – Yên tĩnh, Sạch sẽ, An toàn và Xinh đẹp

Với môi trường lịch sử được vun đắp cùng sự phát triển của Hà Nội, khu phố cổ quận Hoàn Kiếm thực sự là trung tâm trong mọi hoạt động đô thị của Hà Nội về văn hóa, đời sống và cả kinh tế, là không gian đô thị mang tính biểu tượng của Việt Nam. Đây cũng đã từng là niềm tự hào của người Việt Nam. Vâng, tôi dùng thời quá khứ, vì trong vài năm gần đây, sự tàn phá diễn ra nhanh chóng và trở nên hỗn loạn nên thật đáng buồn là cứ đà này, chúng ta sẽ không thể nói rằng khu vực này còn giá trị của một khu vực lịch sử. Tôi e rằng văn hóa đô thị của Việt Nam sẽ sớm mai một.

Để giữ được sức hấp dẫn vốn có của khu phố, duy trì được các hoạt động đô thị cũng như đảm bảo được các công năng trong tương lai, tôi đưa ra những đề xuất này, mong rằng trước mắt là tới năm 2050, quận Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội sẽ lấy lại được sức hấp dẫn vốn có, đồng thời tái sinh thành một không gian mang tính biểu tượng của Việt Nam mà các bạn có thể thấy tự hào như một trung tâm hoạt động đô thị của mọi người trong tương lai,

Để dễ hình dung, tôi muốn tái hiện hình ảnh đô thị của Hà Nội vào khoảng năm 2005, dù không phải giống y hệt như vậy.

Khu phố cổ tại thời điểm đó, tuy các hoạt động kinh tế chưa sôi động như bây giờ, nhưng bộ mặt phố phường lại cho thấy một môi trường đô thị khá cân bằng, với các hoạt động đô thị nhộn nhịp. Nhiều người vẫn còn nhớ về thời kỳ đó bằng những hình ảnh cụ thể và chính vì thế nên tôi đã chọn tái hiện lại nó.

Khu phố cổ của Hà Nội khoảng năm 2005

Khoảng năm 2005 là thời kỳ đầu của xã hội ô tô ở Việt Nam, và một số người bắt đầu sở hữu ô tô riêng, nhưng ở khu phố cổ thì thật khó để sử dụng ô tô vì không thể đỗ xe dù đã đẩy xe máy ra để lấy chỗ. Trong khi đó, xe máy lại rất phổ biến như là một phương tiện đi lại vô cùng mạnh mẽ và tiện lợi của người dân. Hồi đó xe đạp vẫn được sử dụng nhiều, còn với người già không thể tự lái xe hay người có hành lý nặng thì đã có xích lô, tạo nên hơi thở đô thị vô cùng náo nhiệt. Thời đó là thế. Các khách sạn hình “bút chì” cao 5-9 tầng trên những khu đất hẹp nhắm đến du khách nước ngoài cũng còn ít, không khí phố phường và nhịp sống của người dân vẫn còn lại những nét xưa, pha trộn hài hòa phương Đông với phương Tây, mang lại vẻ quyến rũ cho một trung tâm thực sự của Việt Nam.

Về hình mẫu một khu trung tâm đô thị nơi vừa gìn giữ giá trị lịch sử, vừa tiếp tục tạo ra không gian đô thị dựa trên những gì đã có, thì bạn chỉ cần nghĩ tới nhiều thành phố lớn của Châu Âu là đủ. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì khu phố cổ nhất định không nên là sự hỗn độn giữa những tòa nhà “bút chì” với các công trình xây dựng quy mô lớn.

Tất nhiên, tôi không nói hãy mang tương lai trở về quá khứ, mà chỉ mong rằng, với trí tuệ của người Việt, các bạn sẽ sử dụng 30 năm tới để khôi phục lại không gian đô thị đã đánh mất trong 15 năm vừa qua, tái cấu trúc và xây dựng lại toàn bộ đô thị, như quy hoạch sử dụng đất, tạo lập không gian đô thị, xây dựng mạng lưới giao thông…

Dù gì chăng nữa, tôi cho rằng chủ đầu tư những khách sạn bút chì cũng đã lãi lớn rồi, và 10 năm trước, TPHCM cũng đã cắt ngọn một tòa nhà phía trước Saigon Central Park.

Bản sắc quận Hoàn Kiếm: Tái tạo không gian đô thị có tính lịch sử – Nguồn gốc văn hóa đô thị Việt Nam

Tôi muốn khẳng định lại tầm quan trọng của quận Hoàn Kiếm.

Không gian đô thị mang tính lịch sử của khu phố cổ là kết quả của cuộc sống và các hoạt động đô thị mà người dân Hà Nội đã tạo dựng nên trong một thời gian dài, và là một tài sản văn hóa sống có thật, đáng được truyền lại cho các thế hệ mai sau. Khai thác điều này làm tài nguyên du lịch là điều hiển nhiên, nhưng không nên quên rằng, chính cuộc sống, sinh hoạt và văn hóa của con người mới là tài nguyên du lịch thực sự, chứ không phải là “trang trí sân khấu” mang tính hình thức vật lý. Khách du lịch không đến để ngắm mỗi cảnh quan đô thị, lại càng không phải để ngắm… những khách du lịch khác.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam có một sự ngộ nhận lớn là mọi người đang kỳ vọng quá mức vào ngành du lịch. Cần phải nhận thức một điều rằng, du lịch không phải là ngành kinh tế nền tảng của quốc gia. Ngay cả Pháp, quốc gia có ngành du lịch lớn nhất thế giới với 49 di sản thế giới thì du lịch cũng chỉ chiếm không quá 7% GDP và chỉ là một “nguồn thu” mang tính bổ sung ở cấp độ quốc gia. Không những thế, đối tượng hưởng lợi chỉ gói gọn trong một bộ phận doanh nghiệp du lịch. Mà ở Pháp, ngoài một số lượng lớn du khách nước ngoài, tất cả dân Pháp hàng năm đều có 6 tuần nghỉ phép nguyên lương, thế mà ngành du lịch cũng chỉ dừng ở những con số này mà thôi.

Hơn nữa, du lịch tuy luôn đòi hỏi dịch vụ chất lượng cao, nhưng như chúng ta đều đã hiểu ra qua đại dịch này, lại là ngành thiếu ổn định với rủi ro lớn, rất dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như kinh tế và mức độ yêu thích của du khách. Do đó, một quy tắc vàng là không để trụ cột của nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Dù ở Việt Nam, sức hấp dẫn của nguồn thu ngoại tệ có lớn đến mấy thì vẫn phải nhận thức rằng kinh tế du lịch chỉ là nguồn thu thứ 2, và cần phải xây chắc những nền tảng vốn có của nền kinh tế, để trên cơ sở đó, du lịch là biểu hiện sự sung túc của đời sống, góp phần chia sẻ các giá trị văn hóa, tự nhiên đến với nhiều người, khiến Việt Nam có thể tự hào.

Các yếu tố quan trọng nhất trong cảnh quan thành phố ở khu phố có giá trị lịch sử là hình cắt in lên nền trời (Silhouette) của thành phố và đường chân trời (Skyline).

Việc đặt ra các quy định cụ thể như phân khu và giới hạn chiều cao công trình theo từng phân khu… luôn cần sự cân nhắc thận trọng từ nhiều phương diện như kinh tế, xã hội và văn hóa… nhưng ai cũng có thể nhận thấy rằng, sự phá hoại không gian đô thị mang tính lịch sử đến mức phải nhăn mặt lắc đầu mà thủ phạm là những khách sạn được xây mới gần đây, đã phơi bày năng lực yếu kém trong quản lý của Việt Nam. Và các bạn cần tự ý thức được điều này.

Đường chân trời nhìn từ trung tâm Lyon và Góc nhìn từ trên cao của trung tâm Lyon

Trung tâm Lyon đã được cải tạo giống như Paris – nơi đã hình thành không gian đô thị với cảnh quan thành phố của thời kỳ Ottoman cuối thế kỷ 19. Chiều cao tối đa của các công trình bằng đá là 28m, và dựa vào đó, không có tòa nhà nào vượt quá chiều cao này trong toàn bộ khu vực trung tâm thành phố Lyon, kéo dài đến tận khu trung tâm mới Part-Dieu, nằm cách 1,5 km về phía đông. Chỉ có duy nhất một công trình được thiết kế mang tính biểu tượng là ngoại lệ.

Để bảo vệ cảnh quan đẹp của toàn thành phố trong thời gian dài, khi cấp giấy phép xây dựng, người ta sẽ kiểm tra rất kỹ một trong những điều kiện cấp phép là cảnh quan nhìn từ phía xa.

Trừ những người kiếm được tiền từ việc xây dựng những khách sạn mà lẽ ra không nên mọc lên ở đó, thì hiệu quả mang tính xã hội của những công trình thế này là rất nhỏ. Mặc dù vậy, sau 30 năm nữa thì công trình cũng đã khấu hao xong, và việc tái sinh không gian đô thị bằng cách cải tạo cho hạ thấp tầng xuống là điều hoàn toàn không khó.

Một điểm quan trọng nữa là việc bảo tồn cảnh quan đô thị độc đáo, kết hợp phong cách kiến ​​trúc của phương đông với phương tây trên những ngôi nhà hai bên đường. Phong cách kiến ​​trúc cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn thế là phải đặt ra những quy định về xây dựng để duy trì được kích thước vốn có của mặt tiền các công trình.

Nội dung sau đây mang tính chuyên môn về bảo tồn cảnh quan. Một công trình xây dựng lớn, với kích thước khác hẳn các công trình xung quanh sẽ làm hỏng không gian đô thị mang tính lịch sử nên kể cả khi đã gom được các mảnh đất nhỏ thành một mảnh lớn để xây mới thì vẫn phải giữ được “nhịp điệu” vốn có của cảnh quan mặt tiền trên công trình trước đó.

Các chính sách bảo tồn không gian đô thị mang tính lịch sử của thế giới hiện nay được thực hiện dựa trên tư duy do luật Malraux của Pháp đặt ra. Đó là bảo tồn không gian mang tính lịch sử không phải là “bảo quản đông lạnh” hình dạng xưa cũ như đối với những di sản văn hóa khác, mà thực hiện “bảo tồn động”, tuy liên tục thay đổi nhưng tổng thể vẫn giữ nguyên và đô thị hiện đại vẫn kế thừa truyền thống. Có lẽ, Việt Nam cũng phải học tập những luận điểm chung như vậy trong lập quy hoạch đô thị, vốn đã trở thành quy chuẩn chung của thế giới.

Warsaw năm 1945 – Khu phố cổ sau cuộc nổi dậy Warsaw (Mikołaj Gliński)

Gần như toàn bộ thành phố Warsaw và hầu hết các công trình truyền thống bằng đá ở Munich, Vienna,… đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng từ đống đổ nát đó, họ đã giữ lại từng viên đá để xây dựng lại thành phố của mình, tái tạo không gian đô thị y nguyên như trước đó. Và trên thế giới có không ít những ví dụ như vậy.

Ngoài ra, các bạn cũng nên biết về tư duy của “Quy tắc (bán kính) 500m” trong chính sách bảo tồn cảnh quan có tính lịch sử của Paris. Paris có rất nhiều công trình lịch sử nên theo quy tắc bán kính 500m này thì toàn bộ thành phố Paris đều nằm trong phạm vi giới hạn của luật cảnh quan đô thị. Chính nhờ kết quả của những nỗ lực mang tính xã hội như vậy thì mới có Paris với những giá trị to lớn về mặt lịch sử như ngày nay.

Quy định cảnh quan trong bán kính 500m từ công trình lịch sử ở Paris

Ở Paris, trong bán kính 500m tính từ các công trình lịch sử thì phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt từ góc độ bảo vệ cảnh quan đô thị. Nguyên tắc mang tính xã hội là sẽ xem xét hình ảnh công trình lịch sử nhìn từ xung quanh, rồi đến cảnh quan đô thị nhìn từ công trình lịch sử đó, rồi mới chuyển sang thủ tục kiểm tra bản thân công trình.

(còn tiếp)

KTS Mochizuki Shinichi

KTS Mochizuki Shinichi chuyên thiết kế kiến ​​trúc công trình dân dụng và quy hoạch đô thị. Các cuốn sách của ông bao gồm Sáng tạo-Kiến tạo khu nghỉ dưỡng kiểu Pháp (Triết học và Tư tưởng), Thị trấn tạo thành Trạm- (Quy hoạch thành phố thế kỷ 21 của Pháp), và (Công việc thiết kế thành phố).

Hai tác phẩm về Pháp là cuốn sách duy nhất trên thế giới mà cá nhân tôi đã viết thông qua các cuộc thảo luận với tất cả các chính phủ và các nhà quản lý của các thành phố lớn và các điểm du lịch lớn. Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thảo luận với 150 chính quyền địa phương và người dân địa phương của Nhật Bản và trao đổi thông tin với các chuyên gia giao thông vận tải ở các nước đang phát triển ở 150 quốc gia.